jeudi 2 juillet 2015

Nhà Trắng gặp gỡ các nhà hoạt động người Việt trước chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-07-01
nqq-622
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân một trong những người được Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ mời vào Nhà Trắng chiều 1/7 để thảo luận về quan hệ Mỹ Việt với các viên chức cấp cao trong NSC.
RFA

Thể theo lời mời của NSC tức Hội Đồng An Ninh Quốc Gia  Hoa Kỳ, một nhóm các nhà hoạt động Mỹ gốc Việt đã vào Nhà Trắng chiều thứ Tư 1 tháng Bảy để thảo luận về quan hệ Mỹ Việt với các viên chức cấp cao trong NSC.

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam

Sau buổi gặp gỡ, một trong những người được mời là bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thuộc tổ chức Tập Hợp Vì Nền Dân Chủ Việt Nam, đã dành cho Thanh Trúc bài phỏng vấn sau đây:
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi nhận được lời mời của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cách đây hai ngày, họ có nói khoảng 2 giờ  chiều họ muốn mời mình đến họp tại Eisenhower Executive Office Building thuộc White House để bàn về vấn đề liên hệ chủ yếu là bang giao Việt Mỹ.
Thanh Trúc: Xin ông cho biết những người được mời, ngoài ông ra thì còn ai nữa?
BS Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi thấy có sự hiện diện của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, ông tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cựu tù nhân chính trị, anh Hoàng Tứ Duy và cô Huỳnh Trang thuộc Việt Tân, tôi và bác sĩ Nguyễn Thể Bình và một thanh niên trẻ nữa là anh Đức thuộc đảng Dân Chủ ở trên Boston, Massachusetts.
Thanh Trúc: Theo nội dung cuộc nói chuyện hôm nay thì điều gì bác sĩ có thể trình bày?
BS Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi trình bày cái chính là những vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và những biện pháp làm sao có thể cải thiện vấn đề một cách gốc rễ chứ không phải chỉ trong một giai đoạn ngắn rồi sau đó khi nhà cầm quyền cộng sản đã được vào TPP lại thay đổi.
Cái thứ hai, chúng tôi nhấn mạnh đến nhu cầu dân chủ hóa Việt Nam để Mỹ có một đồng minh thực sự ở Việt Nam. Chúng tôi cũng nói nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nổi tiếng hay nuốt lời, không thi hành các lời hứa, vì thế cần phải có những biện pháp bảo đảm rằng thỏa hiệp kinh tế đó sẽ phải được thi hành một cách đàng hoàng, phải có những biện pháp trừng phạt nếu nhà cầm quyền cộng sản vi phạm.
Đó là những điểm chính, sau đó thì chúng tôi cũng nói đây là một dịp tốt, một cơ hội bằng vàng để chính phủ Mỹ có thể một mặt thực hiện được một chính sách ở Á Châu thành công, đồng thời cũng giúp đỡ nhân dân Việt Nam có một đời sống tự do hơn, dân chủ hơn.
Thanh Trúc: Thưa bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông có nhận thấy ông giám đốc Á Châu Sự Vụ Dan Kritebrink và cả ông Stephen Pomper giám đốc quan hệ đa phương và nhân quyền trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia có xoáy vào vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ hoặc là cải tổ chính trị ở Việt Nam hay không?
BS Nguyễn Quốc Quân: Hiện diện thì tôi cũng nói thêm là có bà Elizabeth Phú cũng thuộc hàng giám đốc về Á Châu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Chúng tôi thấy tất cả 3 người đều ghi nhận và nói rằng những điều trình bày của chúng tôi sẽ được nêu lên trong cuộc gặp gỡ giữa tổng thống và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự trù sắp sang đấy tuần tới.

Dân chủ hóa Việt Nam

Thanh Trúc: Theo như ông nói thì có phải cuộc gặp gỡ hôm nay với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia có mục đích tìm hiểu sâu hơn, có mục đích vận động dư luận thế nào đó trước chuyến viếng thăm của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam?
BS Nguyễn Quốc Quân: Cũng rất là khó nói, nhưng họ có nêu vấn đề ông Nguyễn Phu Trọng sang đây, và họ có nói rằng thường xuyên chúng tôi có những cuộc thảo luận với Bộ Ngoại Giao, với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, hoặc các nhân vật ở Quốc Hội vẫn có những ý kiến hoặc điều trần. Thành ra nói rằng vì chuyện ông Nguyễn Phú Trọng không thôi thì tôi không dám quả quyết nhưng tôi nghĩ đó cũng là một phần .
Thanh Trúc: Những người được mời vào White House hôm nay kỳ vọng kết quả như thế nào?
BS Nguyễn Quốc Quân: Tất cả mọi người đều trình bày những khía cạnh khác nhau như vi phạm về tôn giáo, vi phạm về quyền tự do thành lập nghiệp đoàn của người lao động rồi những quyền tự do khác. Chúng tôi cũng nói những khó khăn trong vấn đề cải thiện tình hình bang giao Việt Mỹ đi kèm với nhân quyền, nhấn mạnh nước Mỹ chỉ có thể tìm được một đồng minh thực sự và trung thành và có thể giúp cho kế hoạch trở lại Á Châu của Mỹ ở một nước Việt Nam tự do dân chủ mà thôi. Dân chủ hóa Việt Nam là yếu tố cần thiết trong vấn đề thành công của Mỹ.
Nói tóm lại chúng tôi xoay quanh nhiều vấn đề, đi sâu vào nhiều vấn đề làm sao cải thiện nhân quyền ở Việt Nam một cách lâu dài, đặt nền tảng bền vững cho một nền dân chủ ở Việt Nam. Chúng tôi cũng nhấn mạnh đó là nhu cầu cần thiết mà nước Mỹ cần phải thực hiện tại nó là phần lớn sự thành công hay thất bại của chính phủ Mỹ.
Thanh Trúc: Sau cùng họ có đưa ra một lời cam kết gì không hay chỉ ghi nhận mà thôi?
BS Nguyễn Quốc Quân: Họ có nói tất cả những gì quí vị trình bày hôm nay đề được ghi nhận và chúng tôi sẽ cố gắng trình bày và xin cam đoan với quí vị là vấn đề nhân quyền sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc gặp gỡ đó.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Quốc Quân.
Nguồn : RFA

jeudi 25 juin 2015

Ứng dụng App mới “eyewitness to Atrocity” được tòa quốc tế công nhận

Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-06-24
Ứng dụng app trên điện thoại di động có tên “eyeWitness to Atrocity”được tòa quốc tế công nhận
Ứng dụng app trên điện thoại di động có tên “eyeWitness to Atrocity”được tòa quốc tế công nhận
 File photo
Một ứng dụng app trên điện thoại di động có tên “eyeWitness to Atrocity” (tạm dịch là “Nhân chứng Tội ác”) vừa đưa vào sử dụng thử nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có VN và dữ liệu thu thập được từ ứng dụng app này được toà án quốc tế công nhận.
Dữ kiện và bằng chứng pháp lý
Với tiêu chí kết hợp thông tin và kỹ thuật, tập đoàn LexisNixes chuyên về dữ kiện pháp lý vừa ra mắt “eyeWitness to Atrocity” app-1 ứng dụng app mới trên điện thoại di động dùng hệ điều hành Android, xuất hiện trên Google Play hôm mùng 9 tháng 6 vừa qua. App “eyeWitness to Atrocity” là công cụ phổ biến các bằng chứng hữu hiệu về tính xác thực những sự việc đang diễn ra khắp toàn cầu, đặc biệt xảy ra ở những nơi có tội ác nghiêm trọng như tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tra tấn. App này được đánh giá là một bước tiến về công nghệ kỹ thuật quan trọng giúp ích cho ngành tư pháp trên thế giới. Ông Francois Nguyễn, kỹ sư về IT, ở Texas, Hoa Kỳ, người quan tâm đến app “eyeWitness to Atrocity”, nói về mục đích của ứng dụng mới này:
“eyeWithness Application là một develop (ứng dụng) mới được chế tạo ra để nhằm mục đích phối hợp giữa hình ảnh, âm thanh và chuyển những hồ sơ đó về máy computer chính của công ty chủ. Cái app này được dùng thu lại hình ảnh, âm thanh các sự kiện xảy ra trước mắt và ngay cả dùng hệ thống navigation (định vị tọa độ ) của điện thoại di động để xác định ngày giờ và nơi chốn xảy ra sự kiện đó”.
Cái app này được dùng thu lại hình ảnh, âm thanh các sự kiện xảy ra trước mắt và ngay cả dùng hệ thống navigation (định vị tọa độ ) của điện thoại di động để xác định ngày giờ và nơi chốn xảy ra sự kiện đó
Ông Francois Nguyễn
Sau 4 năm nghiên cứu và thành hình, app “eyeWitness to Atrocity” rất dễ dàng và tiện lợi cho người sử dụng. Điểm khác biệt khi sử dụng app này là các dữ liệu thu được gồm hình ảnh, video hoặc âm thanh sẽ không lưu trên thẻ nhớ của điện thoại di động hay của thiết bị điện tử mà được chuyển về và lưu trữ trong các máy chủ của LexisNexis.
Hiệp hội Quốc tế các Chuyên gia Luật-International Bar Association, gọi tắt là IBM, cho biết ‘eyeWitness to Atrocity” app được thiết kế dựa trên các nghiên cứu về quy định chứng cứ bằng chứng trong các tòa án các cấp từ khu vực, quốc gia, quốc tế, cũng như các tòa hòa giải. IBM cho rằng các bằng chứng thu thập được qua “eyeWitness to Atrocity” app cung cấp chứng thực quan trọng đối với các chứng cứ của các nạn nhân và nhân chứng trước tòa có sức thuyết phục và rất hữu hiệu. Với sự hỗ trợ về dữ liệu của LexisNexis, IBM giao nhiệm vụ cụ thể cho một số chuyên gia pháp lý có thẩm quyền để theo đuổi từng vụ có khả năng đem ra tòa. Các chuyên gia pháp lý sau khi phân tích dữ liệu có quyền quyết định gửi đến cho cơ quan tuyền thông cũng như các công tố viên. Nhiều luật gia và các công tố viên của các tòa án trên thế giới, bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế của LHQ-The Hague, khẳng định “eyeWitness to Atrocity” app là một công cụ để ghi lại bằng chứng tội ác đồng thời chuyển giao và lưu giữ các bằng chứng tội ác này một cách an toàn. Các bằng chứng này không chỉ giúp ích cho quá trình tố tụng về sau mà còn đề cao nỗ lực mang ra ánh sáng những tội ác xảy ra khắp nơi nhưng không được nhiều người biết đến.
App “eyeWitness to Atrocity” (tạm dịch là “Nhân chứng Tội ác”)
App “eyeWitness to Atrocity” (tạm dịch là “Nhân chứng Tội ác”)
Ai sẽ sử dụng “eyeWitness to Atrocity”
Câu hỏi đặt ra là đối tượng nào sẽ sử dụng “eyeWitness to Atrocity” app thường xuyên? Giám đốc đề án “eyeWitness to Atrocity” app-Wendy Betts cho biết các nhà báo công dân sẽ là đối tượng chính và LexisNexis có trách nhiệm phải bảo vệ những người sử dụng app này cũng như tôn trọng sự tư ẩn của các nạn nhân và nhân chứng trong các dữ liệu hình ảnh, âm thanh, video thu thập được.
Bà Tuyết Đinh, kỹ sư IT chuyên về phần mềm, ở Kentucky, Hoa Kỳ trình bày về cách sử dụng “eyeWitness to Atrocity” app khi gặp nguy hiểm cho bản thân:
Cái app này rất đặc biệt khi đưa app về trên điện thoại của mình thì người ta sẽ không thấy app đó hiện ra. Khi muốn sử dụng, mình có thể nhấn vào cái nút chụp hình bình thường của camera thì sẽ có 1,2 bước nhỏ để mình sử dụng
Bà Tuyết Đinh
“Cái app này rất đặc biệt khi đưa app về trên điện thoại của mình thì người ta sẽ không thấy app đó hiện ra. Khi muốn sử dụng, mình có thể nhấn vào cái nút chụp hình bình thường của camera thì sẽ có 1,2 bước nhỏ để mình sử dụng. Khi đang gửi hình ảnh đi mà mình cảm thấy sự an toàn toàn của mình đang bị đe dọa hoặc mình đang bị theo dõi thì chỉ cần nhấn cái nút ‘Home’ trên điện thoại và ngay lập tức chương trình đó tạm thời không hoạt động nữa, đồng thời cái camera trên điện thoại trở lại chức năng chính của nó là chức năng chụp hình và những hình ảnh đã chụp được sẽ trở lại về trong máy và hoạt động của app đó hoàn toàn dừng lại. Nếu cảm thấy có đủ thời gian để xóa sạch hết cái app đó kể cả không trong dạng ẩn trên máy (điện thoại) thì việc đầu tiên cần bấm nút ‘Home’ để access vào cái menu. Khi vào menu thì có 1 chức năng là ‘dispose’, có nghĩa là delete, thì nhấn vào chức năng delete đó, bấm ok. Tại vì khi bấm chức năng đó, 1 câu hỏi sẽ hiện lên, có nghĩa đồng ý thì cái app đó sẽ biến mất ra khõi cái máy của mình”.
Tuy nhiên, kỹ sư IT Francois Nguyễn cho biết thêm dù “eyeWitness to Atrocity” app được chế tạo có công dụng bảo vệ người sử dụng trong những tình huống nguy cấp nhưng không đồng nghĩa sự bảo vệ này mang tính tuyệt đối. Ông Francois Nguyễn chia sẻ:
“Nói như vậy nhưng điều kiện an toàn cũng có sự giới hạn của nó vì bất cứ computer hay điện thoại di động nào khi lọt vào tay 1 người có trình độ kỷ thuật cao về tin học, về software mà VN gọi là phần mềm thì người ta có thể tìm ra được mình đã làm gì trong điện thoại đó, đã thu cái gì hoặc là mình đã mở app nào…chẳn hạn như những cái cookies, những cái link thì người ta có thể đọc được”.
“eyeWitness to Atrocity” app được thiết kế như là 1 công cụ phơi bày những tội ác bị bưng bít. Mặc dù nhiều tội ác diễn ra hằng ngày, hàng giờ trên thế giới không giảm sút kể từ khi ứng dụng app này được đưa vào sử dụng một cách phổ biến nhưng hình ảnh những vi phạm ở các quốc gia như trường hợp cảnh sát đàn áp, đánh đập, bắt bớ dân chúng hay như an ninh giả dạng côn đồ hành hung các nhà hoạt động dân chủ ở VN sẽ trở thành bằng chứng ở tòa án hình sự quốc tế bởi vì một số tổ chức phi chính phủ cam kết hỗ trợ để chứng minh đó là bằng chứng của vi phạm nhân quyền.

samedi 30 mai 2015

Điều trần về “Tình Trạng Nhân Quyền tại Việt Nam” tại Quốc Hội Canada

Lê Văn - Radio CTM

Ottawa - Canada 28/5/2015 Tình trạng nhiều nhà hoạt động chính trị và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam bị đàn áp dưới nhiều hình thức, rồi bị ném vào nhà tù qua những phiên toà đóng kịch, để bị đánh đập, vắt kiệt sức bằng lao động khổ sai. Tình trạng các tôn giáo vốn từ trước đến nay vẫn bị trói buộc, nay đang có nguy cơ bị nhà cầm quyền CSVN lũng đoạn, kiểm soát ngặt nghèo hơn nữa qua dự luật tín ngưỡng tôn giáo sắp được ban hành. Tình trạng giam giữ các tù nhân lương tâm một cách khắc nghiệt, gây tổn thương trầm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần vẫn tiếp diễn ngày càng khốc liệt hơn. Đó là những thông điệp chính của các nhân chứng trong buổi điều trần tại Quốc Hội Canada chiều ngày 28/5 vừa qua.
JPEG - 149.8 kb
Buổi điều trần “Tình Trạng Nhân Quyền tại Việt Nam” do Tiểu ban Quốc tế Nhân quyền, thuộc Ủy ban Thường trực về Đối ngoại và Phát triển quốc tế, Quốc Hội Canada tổ chức tại Đại Sảnh Trung Tâm của Tòa nhà Quốc Hội (Centre Block), dưới sự điều hợp của Dân biểu Wayne Marston, Phó Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada, cùng sự tham dự của một số dân biểu trong tiểu ban này.
JPEG - 117.1 kb
Ba người được mời trình bày trong cuộc điều trần gồm hai nhà hoạt động từ Việt Nam là Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam; ông Trương Minh Tam, cựu tù nhân lương tâm và thành viên của Phong Trào Con Đường Việt Nam; và người thứ ba là cô Nguyễn Quốc Trinh, đại diện Đảng Việt Tân.
Trong phần trình bày của mình, cô Nguyễn Quốc Trinh đã cho biết tình trạng chung của nhiều nhà hoạt động chính trị và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam là bị đàn áp hàng ngày qua nhiều hình thức, như bị công an theo dõi, tra vấn, đánh đập. Những người trở thành mục tiêu trấn áp của chế độ thì thì bị bắt giữ dưới những tội danh tùy tiện, bị từ chối có đại diện pháp lý thỏa đáng. Sau đó bị ném vào tù qua những phiên toà “bỏ túi”.
Một trong những chiến dịch đàn áp được coi là tàn bạo nhất trong nhiều năm qua và được thế giới biết đến là “vụ án 14 thanh niên Công Giáo” vào đầu năm 2013. Những thanh niên yêu nước trong vụ án này bị nhà cầm quyền kết án tổng cộng 86 năm tù giam. Ba người bị giáng những bản án tù dài nhất là ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà (mỗi người 13 năm) và cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 8 năm. Nhóm Điều Tra của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đã phán quyết rằng, việc bắt giữ và kết án những nhà hoạt động ôn hòa này đã vi phạm luật pháp quốc tế, và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích họ vô điều kiện cũng như phải bồi thường họ cho việc giam giữ tùy tiện.
JPEG - 92.7 kb
Cả ba người, ông Diệu, ông Hòa và cô Minh Mẫn đã bị tù ngục vì lòng yêu nước và sự phản kháng can trường của họ. Ngay trong nhà tù họ vẫn kiên cường như vậy, khiến càng bị trả thù khắc nghiệt hơn; từ bị bỏ đói, bỏ khát, đến đánh đập, đày đọa. Tinh thần bất khuất đó thúc đẩy những người có lương tri phải hành động.
Sau cùng, cô Nguyễn Quốc Trinh đưa ra hai đề nghị đơn giản và cụ thể là: 1/ Tiểu Ban Nhân Quyền và Quốc Hội Canada xem xét một cơ chế bảo trợ các tù nhân lương tâm. Việc làm này vừa đề cao những lý tưởng đấu tranh của các tù nhân lương tâm, vừa là bảo đảm tốt nhất cho sự an toàn của những con người dũng cảm này; và 2/ Quốc hội có thể thúc đẩy Đại sứ quán Canada tại Hà Nội thực hiện những chuyến thăm tù nhân lương tâm để bảo đảm nhà tù tôn trọng quyền được thăm viếng, được điều trị y tế, được cung cấp thực phẩm và nước uống.
Người thứ hai được mời trình bày trong cuộc điều trần là Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam tại Bình Tân và thành viên của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày về tình hình tổng quát của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay. Qua đó, những hiện tượng bề ngoài về sự phát triển số lượng các cơ sở thờ tự, những lễ hội tôn giáo đình đám, tạo ấn tượng các tôn giáo được tự do đều chỉ là sự giả tạo ngoài mặt. Chỉ được nhà cầm quyền ban cho những cộng đoàn tôn giáo, những chức sắc hoặc tín đồ ngoan ngoãn tuân phục nhà cầm quyền hoặc im lặng trước các sai lầm và tội ác của chế độ.
JPEG - 32.7 kb
Những quyền tự do tôn giáo đích thực như quyền được tự do thành lập và sinh hoạt; được công nhận trước luật pháp; được độc lập trong việc tuyển sinh, huấn luyện tu sĩ; được tấn phong, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc lãnh đạo; quyền được loan truyền giáo lý và văn hóa tôn giáo; quyền được góp phần vào việc giáo dục, được thực hiện các công việc từ thiện; quyền được tư hữu đất đai và mua bán, chuyển nhượng; được tự do liên lạc và trao đổi với quốc tế cho nhu cầu tôn giáo… Tất cả các quyền chính yếu này, các Giáo hội tại Việt Nam hoàn toàn không có. Muốn có thì phải cúi đầu xin phép nhà cầm quyền với vô số điều kiện rất khắt khe, trói buộc.
Sự khắt khe, trói buộc các tôn giáo nhiều hơn nữa chính là mục tiêu của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà nhà cầm quyền CSVN dự tính ban hành trong nay mai. Dự luật này, với nhiều từ ngữ, điều khoản mơ hồ, mâu thuẫn, nhằm mục đích kiểm soát, khống chế, lũng đoạn các Giáo hội, giới hạn tự do tôn giáo một cách nghiêm ngặt hơn nữa. Hội Đồng Liên Tôn đã có một kháng thư về Dự luật này nhắm tố cáo nhà cầm quyền tiêu diệt các quyền tự do tôn giáo đích thực.
Cuối cùng, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu lên một số sự kiện chứng minh chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền đối với tất cả mọi tôn giáo. Từ việc cướp phá, triệt hạ các cơ sở thờ tự đến bắt bớ giam cầm, sách nhiễu những chức sắc tôn giáo và giáo dân, ngăn cản tín đồ các tôn giáo hành đạo, v.v...
Sau Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trương Minh Tam, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam trình bày về tình trạng quyền con người của các tù nhân chính trị trong các nhà tù ở Việt Nam. Những sự kiện được nêu ra trong phần trình bày của ông Trương Minh Tam căn cứ trên chính kinh nghiệm bị giam cầm, cùng với những điều tra, thu thập của ông trong tư cách là người hoạt động chuyên nghiệp về quyền con người của Phong Trào Con Đường Việt Nam.
JPEG - 31.4 kb
Ông Trương Minh Tam cho biết về tình trạng giam giữ tồi tệ các tù nhân chính trị trong các “chuồng cọp” chật hẹp, ngột ngạt, dơ bẩn; bị tù hình sự được cắt cử đến ở tù chung để gây sự để đánh đập tàn nhẫn; khẩu phần ăn uống thiếu thốn, thiu thối, lẫn lộn với rác rưới, sỏi đá,...Vì vậy sinh ra bệnh tật mà không được thuốc men điều trị. Về mặt tinh thần thì chỉ được đọc báo Nhân Dân của đảng CSVN, hoặc phải coi những chương trình truyên hình vô bổ, ngu muội; không được nhận sách báo gia đình gửi vào.
Để phản kháng sự đối xử tàn độc trong nhà tù, các tù nhân chính trị chỉ còn mỗi “vũ khí” đấu tranh là tuyệt thực. Tức là dùng chính sự an nguy và mạng sống của mình để đấu tranh. Trong số những tù nhân lương tâm đang tuyệt thực như Đặng Xuân Diệu, Đinh Nguyên Kha, Trần Vũ An Bình, Bùi Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn...., ông Trương Minh Tam đặc biệt đề nghị Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada lưu ý đến trường hợp của ba người là: 1/ Đặng Xuân Diệu; chỉ trong gần 4 năm tù, ông đã tuyệt thực và từ chối thức ăn gần 500 ngày. Ông bị đánh đập liên tục suốt 6 tháng và đang bị nhiều bệnh tật hiểm nghèo và hiện nay lưng đã còng xuống, chỉ còn nặng 40 kg; 2/ Tạ Phong Tần; và 3/ Trần Huỳnh Duy Thức.
JPEG - 90 kb
Các dân biểu thuộc Tiểu ban Nhân quyền Quốc Hội Canada tham dự buổi điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày 28/5/2015
Trong phần hỏi đáp, các dân biểu trong Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada đều nhắc lại sự kiện Việt Nam đang là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà hành xử hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Hội đồng này đề ra.
JPEG - 151.9 kb
Dân biểu David Sweet đặt câu hỏi về sự đáp ứng của nhà cầm quyền CSVN đối với kháng thư về đạo luật “tín ngưỡng tôn giáo” của Hội Đồng Liên Tôn. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tương tự như tất cả những kiến nghị của người dân gửi chính quyền từ trước đến nay, nhà cầm quyền không hề hồi đáp kháng thư của Hội Đồng Liên Tôn. Các dân biểu Tyron Benskin, Irwin Cotler, Hoàng Mai và nữ dân biểu Nina Grewal lần lượt nêu các câu hỏi về quyền tự do báo chí, internet; về sự an toàn của Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng và ông Trương Minh Tam khi trở lại Việt Nam; về hiệu quả của áp lực quốc tế đối với CSVN trong lãnh vực nhân quyền. Những sự kiện được các dân biểu nêu ra trong các câu hỏi cho thấy, họ biết khá rõ tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Về sự an toàn khi trở lại Việt Nam, ông Trương Minh Tam và Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng đều cho biết, họ chỉ lo ngại không ra được khỏi Việt Nam để góp tiếng nói cho công cuộc đấu tranh chung. Về cá nhân, họ không lo sợ gì khi trở lại Việt Nam. Ông Trương Minh Tam cho rằng, áp lực quốc tế rất quan trọng. Bằng chứng là, sau khi ra khỏi nhà tù, ông đã nói về trường hợp tù nhân lương tâm Dặng Xuân Diệu cho thế giới biết, từ đó nhà cầm quyền đã bớt hà khắc đối với ông Đặng Xuân Diệu.
Cô Nguyễn Quốc Trinh trả lời câu hỏi liên quan đến tự do báo chí và internet, áp lực của quốc tế. Cô Trinh cho biết, CSVN thực sự đã có những nỗ lực để ngặn chặn sự giao tiếp giữa trong và ngoài nước qua phương tiện internet, nhưng họ đã thất bại. Vì vậy, họ dùng chiến thuật theo dõi các blogger. Tuy nhiên, do không đủ khả năng và nguồn lực, nhà cầm quyền có khuynh hướng dùng bạo lực và nhà tù để răn đe các blogger. Về hiệu quả của áp lực quốc tế, cô Trinh cho rằng, nay Việt Nam đang muốn hội nhập với thế giới và phải tuân theo những quy định của quốc tế. Vì vậy quốc tế có thể khai dụng lợi thế này để tạo sức ép, buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải phóng thích các tù nhân lương tâm, tôn trọng tự do ngôn luận hơn, thúc đẩy cải cách luật pháp, hiến pháp.
Về sự an toàn của Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng và ông Trương Minh Tam khi trở lại Việt Nam, cô Trinh đã đề nghị các dân biểu trong Tiểu Ban Nhân Quyền bảo trợ cho họ. Yêu cần nhân viên toà đại sứ Canada đến thăm hỏi, can thiệp nếu họ bị sách nhiễu. Đề nghị này đã được dân biểu chủ toạ gật gù tán đồng và các dân biểu khác tỏ thái độ tán thành.
JPEG - 99.4 kb
Sau buổi điều trần, các dân biểu thuộc Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada đã bắt tay niềm nở thăm hỏi 3 vị khách điều trần. Tham dự buổi điều trần còn có đại diện Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Ontario, Đoàn TN Phan Bội Châu, Nhóm Sinh Viên Thực Tập với TNS Ngô Thanh Hải, Con Đường Việt Nam Canada, Voice Canada, Đài SBTN Canada, Vo Media, và một số đồng bào.
Lê Văn
********

Đôi nét về ba vị điều trần tại Quốc Hội Canada
- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội Đồng Liên Tôn Viêt Nam. Ms. Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1954, là mục sư Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam tại Bình Tân và thành viên của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam. Ông hoạt động tích cực trong các lãnh vực đấu tranh cho tự do tôn giáo, vạch trần những vi phạm nhân quyền, và bảo vệ các nạn nhân của tham nhũng, nhất là những vụ chính quyền cướp đất của người dân. Ông thường xuyên bị xách nhiễu và bị công an hăm dọa, và gần đây vợ và con của ông cũng bị hăm dọa tương tự. Các tín hữu của Hội Thánh cũng thường xuyên bị đe dọa và xách nhiễu bởi chính quyền.
- Ông Trương Minh Tam, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam.
Ông Trương Minh Tam, sinh năm 1970, là một nhà hoạt động và là cựu tù nhân chính trị, tích cực trong việc chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc lên chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam. Sau khi bị bắt giữ vào mùa Thu năm 2013, ông bị kết án vì lý do chính trị và bị cầm tù một năm trời. Khi ở trong trại tù Thanh Hóa, ông ở buồng giam kế bên người bạn tù là nhà hoạt động Đặng Xuân Diệu. Khi ra khỏi tù, ông Tam thuật lại việc ngược đãi và hành hạ ông Diệu trong tù.
- Cô Nguyễn Quốc Trinh, Đại Diện Đảng Việt Tân
Cô Trinh sinh năm 1987, là thành viên của Việt Tân. Công việc của cô chú trọng vào việc phổ biến thông tin và công cụ về an ninh số và vượt tường lửa cho giới nhà báo công dân, bloggers và giới hoạt động tại Việt Nam. Cô cũng là hướng dẫn viên cho Rhize (rhize.org), một công ty giúp xây dựng khả năng cho các phong trào tranh đấu ôn hòa và bất tuân dân sự trên thế giới. Cô có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và huấn luyện trong các lãnh vực quyền tự do sinh sản, chống bạo hành phụ nữ, và hoạt động mạng.

mardi 26 mai 2015

Blogger Trương Duy Nhất mãn hạn 2 năm tù


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-05-26



000_Hkg9564658.jpg
Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014.
 AFP
Hôm nay thứ Ba 26/05/2015, nhà báo blogger Trương Duy Nhất vừa mãn hạn hai năm tù giam với tội danh vi phạm điều 258 trong Bộ luật hình sự.
Hai năm về trước cơ quan an ninh điều tra, Bộ công an cùng với công an Đà Nẵng đã bắt khẩn cấp nhà báo, blogger Trương Duy Nhất tại nhà riêng với cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Vào ngày 4 tháng 3 Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt Trương Duy Nhất 2 năm tù về tội vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự. Sau đó trong phiên phúc thẩm ngày 26 th  áng 6 Tòa án Nhân Dân tối cao Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức án này.
Làm sao khuất phục được ý chí của Trương Duy Nhất?
-Blogger Trương Duy Nhất
Ngay sau đó nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng kêu gọi Hà Nội phải thả ngay Trương Duy Nhất vì ông không vi phạm luật pháp Việt Nam mà chỉ thực thi quyền phát biểu của một công dân.
Sau khi ông bị bắt các báo lề phải cùng cho rằng ông đã đăng tải các bài viết phỉ báng, vu không và mạ lỵ các cấp cao nhất của chính phủ Việt Nam cũng như Đảng cộng sản Việt Nam từ ông Nguyễn Phú Trọng cho tới chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ý chí Trương Duy Nhất?

Sáng ngày hôm nay 26 tháng 5 chúng tôi may mắn liên lạc được với nhà báo Trương Duy Nhất tại Phi trường Vinh trước khi ông và gia đình bay về Đà Nẵng. Câu đầu tiên ông cho biết tình trạng sức khỏe của mình:
"Tôi bị cột sống thoái vị nặng mà. Nhưng nói chung không đến nỗi gì. Làm sao khuất phục được ý chí của Trương Duy Nhất?"
Khi chúng tôi hỏi cảm giác của ông thế nào khi ra khỏi trại giam với sự chào đón của gia đình, người thân lẫn bạn bè, ông nói:
"Đầu tiên không phải gia đình, gia đình và bạn bè tôi đi đón, và cái điều này chẳng có cảm xúc gì cả. Tời thời hạn trạ tự do thì họ phải buộc trả tự do cho tôi thôi và tôi đang muốn có một cái cảm xúc, cảm xúc mạnh nhất mà tôi mong nhất là khi Trương Duy Nhất vừa bước chân ra khỏi tù thì những thằng ích kỷ ăn tàn phá hoại đất nước những thằng đang bắt dân vô tội thì nó phải vào tù thay tôi và đó là điều tôi đang mừng thế thôi!"
Tôi mong khi Trương Duy Nhất vừa bước chân ra khỏi tù thì những thằng ích kỷ ăn tàn phá hoại đất nước những thằng đang bắt dân vô tội thì nó phải vào tù thay tôi.
-Blogger Trương Duy Nhất
Chúng tôi tỏ ý lo ngại cho ông vì mới ra khỏi nhà giam đã có thái độ rất quyết liệt như thế sẽ không tốt cho cuộc sống của ông về sau, Trương Duy Nhất dõng dạc nói trước khi lên máy bay:
"Tôi ngại gì? Tôi có tội đâu mà tôi ngại? Còn giả sử nó bỏ tù tôi tiếp chung thân hay tử hình đi nữa thì tôi có một câu tôi từng nói mà chắc bạn đã thuộc rồi. “Có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng”  (thôi tôi có vé rồi tôi phải vào lên máy bay) tôi chỉ gửi lời cảm ơn tất cả các bạn đọc của tôi đã quan tâm trong suốt thời gian hai năm tôi ở tù. Và Trương Duy Nhất đã vận động người chung lên tiếng một lần khi tất cả các người khác lên tiếng."
Nhà báo Trương Duy Nhất là ngòi bút cho nhiều tờ báo chính thống trong đó có tờ Đại Đoàn Kết và Công An Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 2011 ông tuyên bố bỏ viết báo để viết trên trang blog cá nhân của mình mang tên “Một góc nhìn khác”.
Từ trang blog này ông link hàng trăm bài đả kích thói xấu của cấp lãnh đạo và chế độ. Trang blog “Một góc nhìn khác” có số lượng truy cập nhất nhì Việt Nam và ngay sau khi bị bắt trang này đã bị chính quyền xóa tên trên mạng lưới Internet.

mercredi 6 mai 2015

Nhà văn Dương Thu Hương cần xét lại ngôn từ


Trần Diệu Chân
2015-05-05
Qua bài phỏng vấn có tựa “40 năm, nhìn lại về ngôn từ” của thông tín viên Tường An (RFA) hôm 11-3-2015, nhà văn Dương Thu Hương (DTH) đã có những phát biểu đáng tiếc, mang tính xúc phạm nỗ lực đấu tranh chấm dứt chế độ cộng sản Việt Nam nói chung và xúc phạm một tổ chức đấu tranh nói riêng, đó là đảng Việt Tân.
Dù bà DTH đã từng được ngưỡng mộ như là một ngòi bút can đảm trong nước, nhưng qua những phát biểu trong bài phỏng vấn, bà đã để lại những ấn tượng tiêu cực trong độc giả:
Thứ nhất, một nhà văn tranh đấu như bà và đã có một thời gian dài ở hải ngoại (từ 2006 tới nay), nhưng rất tiếc vẫn chưa nhìn ra “tính công bằng” của thế giới tự do, văn minh, đó là khi phát biểu hay viết điều gì thì cần phải tham khảo, nghiên cứu cho kỹ.
Thứ hai, mặc dù sang định cư tại Pháp khá lâu nhưng có lẽ bà ít có dịp giao tiếp với môi trường đấu tranh của Cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản ngoài Paris như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu… nên bà đã có cái nhìn rất sai lệch về những người miền Nam tị nạn. Từ đó các phát biểu của bà mang đầy cảm tính, thiên kiến, và “vơ đũa cả nắm”.
Dù đã có nhiều vị lên tiếng và đã có những góp ý/phân tích rất hay, nhưng tôi cũng vẫn xin bổ túc đôi điều, nhất là từ cương vị của một đảng viên Việt Tân đã tham gia đấu tranh chống độc tài cộng sản hơn 3 thập niên qua để xây dựng lại một quê hương tự do, dân chủ và nhân bản, tức là cùng chia xẻ ước mơ chung của dân tộc, trong đó có bà DTH.

Ngày 30-4-1975 là ngày “Quốc Hận”

Bà Dương Thu Hương phát biểu: “Về mặt những người miền Nam mà gọi là “Quốc hận” thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao? Tại sao lại là “Quốc hận” Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ.”(trích từ bài phỏng vấn)
Bà DTH không nên “dạy” người miền Nam như thế. Ai đã là người VN yêu nước, có tinh thần trách nhiệm trong giai đoạn lịch sử này cũng đều cảm thấy “ân hận” vì đã để đất nước rơi vào tay cộng sản. Những người bị cộng sản lừa bịp, lợi dụng để phục vụ cho chủ thuyết ma quái này, ngày hôm nay tỉnh ngộ, chắc chắn còn “ân hận” nhiều hơn cả những người miền Nam chống cộng mà “bị buộc” phải thua cuộc.
“Hận” mình, “hận” người (đồng minh Hoa Kỳ phản bội, bỏ rơi), “hận” bọn cộng sản tham tàn quốc tế ..., nhưng “hận” nhất vẫn chính là những kẻ mang hình dáng Việt Nam mà cuồng tín phục vụ cho hai đế quốc Liên Xô, Trung Cộng và chủ thuyết cộng sản độc hại nhất của nhân loại. Họ đã dùng bạo lực và lừa dối để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc đối với miền Nam, và tiếp tục trả thù, gây chết chóc, tang thương trên toàn cõi đất nước sau chiến tranh - kéo dài cho tới ngày hôm nay.  Hầu hết 90 triệu đồng bào đều là nạn nhân của chế độ tồi bại này, làm sao mà họ không “uất hận” cho được.
Ngày “Quốc Hận” 30-4-1975 nhắc nhở mọi con dân Việt Nam về biến cố lịch sử đau thương này để chúng ta không ngừng nghỉ nỗ lực “Kháng Cộng” hầu chấm dứt chủ nghĩa cộng sản phi nhân và tàn bạo trên quê hương yêu dấu, không phải để trả thù mà để trả lại cho dân tộc Việt Nam một đời sống yên lành, hạnh phúc trong hơi ấm tình người.

So sánh Nam Việt Nam với Nam Hàn là phiến diện và khập khiễng

Bà DTH phát biểu: Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ?  Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? (trích từ bài phỏng vấn)
So sánh hai quốc gia với hai hoàn cảnh chính trị, địa dư hoàn toàn khác nhau như vậy cho thấy bà DTH đã nhìn lịch sử quá phiến diện.
Điểm khác biệt to lớn mà bà đã không nhìn ra giữa hai cuộc chiến tại Việt Nam và Triều Tiên là sự can dự quân sự khổng lồ của hai đế quốc Liên Xô và Trung Cộng vào Việt Nam so với Triều Tiên.
Liên Xô và Trung Cộng đã biến Việt Nam thành một bãi chiến trường quốc tế, khiến xương máu Việt Nam đã bị hy sinh nhuộm đỏ núi sông để thỏa mãn tham vọng cộng sản hóa Đông Dương của lãnh đạo CSVN.
Chính những tham vọng điên rồ này mà bà DTH đã phải thức tỉnh bật khóc khi vừa từ Bắc vào Nam năm 1975, và thấy hậu quả tang thương của đất nước tiếp tục 40 năm sau. Tại sao một Việt Nam không chiến tranh mà lại đi giật lùi quá xa so với Nam Hàn - một quốc gia chỉ ngang ngửa Nam Việt Nam về chỉ số kinh tế trước năm 1975, vậy mà bây giờ họ đã bỏ đất nước ta quá xa về mọi mặt? Việt Nam muốn bắt kịp Nam Hàn phải mất ít ra là 140 năm nữa.

Xúc phạm nỗ lực đấu tranh của đồng bào hải ngoại

20150430_124707-400.jpg
Trưa 30/4/2015 một cuộc biểu tình tưởng niệm 40 năm ngày Sài gòn sụp đổ do cộng đồng ngườii Việt vùng Maryland, Virginia, Whasington tổ chức diễn ra trước tòa Đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC. RFA PHOTO.
DTH phát biểu:“Bây giờ nhìn lại những phong trào chống Cộng của người Việt hải ngoại, ta thấy cái gì ? Trừ những vụ treo đầu dê bán thịt chó như Hoàng Cơ Minh ra, rất nhiều chính khách khác chỉ chờ cơ hội để về Việt Nam thương thuyết với Cộng sản để chia ghế. Những nhà chống Cộng ở đây tôi biết thì hoàn toàn là một thứ trò du hí để thoả mãn cái lòng tự tôn của họ. Bởi vì sống ở nước ngoài họ không có một gương mặt hãnh diện, một vị trí xứng đáng cho nên là họ nêu chiêu bài chống Cộng, nhưng lúc nào cũng ngóng chờ Cộng sản chìa tay ra để trở về chia ghế. Và có những ông Cộng sản chưa cần mời đã vội vàng đến sứ quán làm lành trước . Vì sao . vì họ thấy đấu tranh mệt mỏi quá, hàng Cộng sản đi kiếm được một chút vui thú trong cuối đời. Cho nên bây giờ muốn chiến thắng Cộng sản thì trước tiên phải chiến thắng chính bản thân mình. Bây giờ rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài chửi Cộng sản nhưng về trong nước lại vui thú, bởi vì Cộng sản cho làm ăn, cho kiếm tiền, cho chơi gái rẻ. Cho nên cái tinh thần chống Cộng của rất nhiều người theo tôi nó cũng giống như cái đuôi con chó, vẫy lên rồi vẫy xuống theo cái lợi ích của họ”.(trích từ bài phỏng vấn)
Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã hy sinh cuộc sống ấm êm tại hải ngoại để trở về cùng dân tộc đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Trên đường phục vụ Tổ Quốc, ông và một số lãnh đạo của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân) đã anh dũng hy sinh.
Những sự hy sinh nói trên vào đầu thập niên 80, trong hoàn cảnh tan tác của đất nước, trong sự ngoảnh mặt của thế giới, đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh sáng ngời chính nghĩa, và đã để lại cho Việt Tân nói riêng, đất nước nói chung, một di sản quý báu, đó là tấm gương yêu nước và hy sinh tuyệt vời vì đại nghĩa.
Nếu không trân quý thì cũng nên im lặng đối với những người đã hy sinh. Bà DTH không nên dùng những lời cáo buộc, vơ đũa cả nắm, so sánh một cách xúc phạm  đối với một Tướng lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và những người yêu nước đã và đang miệt mài đóng góp vào đại cuộc giải phóng dân tộc khỏi gọng kìm của những kẻ phản bội “hèn với giặc, ác với dân”?
Nếu thật sự là một người quan tâm, bà DTH không thể nào không nhìn thấy những giá trị đóng góp của cộng đồng hải ngoại trong công cuộc đấu tranh chung, qua một vài tóm lược sau đây:
-Cộng đồng người Việt hải ngoại trong 40 năm tỵ nạn đã phất lên ngọn cờ chính nghĩa và giữ vững lập trường đấu tranh chống độc tài cộng sản một cách quyết liệt và không khoan nhượng trước những chính sách chiêu dụ “hòa giải, hòa hợp” của thiểu số lãnh đạo CSVN.
-Tranh thủ sự hậu thuẫn của thế giới đối với công cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa hiện nay của dân tộc Việt Nam. Đồng thời vận động thế giới áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền và ngăn chận những đàn áp đối với các nhà dân chủ tại Việt Nam.
-Làm cho CSVN phải thất bại trong kế hoạch bao vây kinh tế đối với các nhà dân chủ và những người yêu nước bằng sự kiên trì hỗ trợ tài chánh, phương tiện để bà con quốc nội có điều kiện thăm nuôi thân nhân bị tù, thuốc men chữa bệnh; mướn luật sư bênh vực, nhất là giúp bà con dân oan có phương tiện đi tìm công lý…
-Góp phần phá vỡ bức màn bưng bít của CSVN dưới nhiều hình thức và nhất là tạo một chỗ dựa tình thần cho các nhà dân chủ, các tổ chức đấu tranh trong nước để có thể vượt qua tình trạng khống chế, cô lập của bộ máy an ninh.
Nói tóm lại, sự hiện hữu của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau năm 1975 đã trở thành một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho phong trào dân chủ ngày một lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, sóng gió để từng bước đối đầu công khai với chế độ Hà Nội.
Sau cùng, các phát biểu của bà DTH đã được đài Á Châu Tự Do (RFA) phát thanh hôm trung tuần tháng 3/2015 và đã gây ra nhiều sự phẫn nộ trong Cộng đồng, đặc biệt là đối với rất đông thân hữu của đảng Việt Tân liên quan đến Tướng Hoàng Cơ Minh.
Trong tinh thần tôn trọng sự thật, công bằng và lẽ phải, chúng tôi mong đài RFA sẽ cho loan tải bài phản luận này trên hệ thống của quý đài.
Trần Diệu Chân
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

vendredi 1 mai 2015

Tổng thống Obama hội luận với blogger Điếu Cày và các nhà báo bị bách hại

Châu Văn Thi
DL - Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, đã có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào sáng ngày 1/5/2015 cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ, theo nhà báo Alex Wong cho biết.

Tổng thống Obama bất ngờ gặp gỡ với blogger Điếu Cày. Ảnh: Alex Wong, Getty Images
Được biết, cuộc hội luận bàn tròn này còn có sự tham gia của nữ nhà báo Simegnish Mengesha của Ethiopia, cô là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm và ủng hộ mạnh mẽ cho Quyền Tự do ngôn luận.
Cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Obama và các nhà báo bị bách hại diễn ra tại phòng Roosevelt của Nhà Trắng vào sáng 1/5/2015 đánh dấu cho ngày Tự do báo chí thế giới.
Cuộc gặp này của tổng thống Obama với một blogger nổi tiếng của Việt Nam trước chuyến thăm của ông TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ trong năm 2015.
Cũng xin được nhắc lại, nhân ngày tự do báo chí 3-5-2012, ông Tổng thống Obama từng nhắc đến blogger Điếu Cày như một biểu tượng cho việc tranh đấu cho quyền tự do báo chí. Obama nói:“Chúng ta không được quên những người khác như blogger Ðiếu Cày, người bị bắt giữ vào năm 2008 trùng với cuộc trấn áp hàng loạt đối với báo chí công dân ở Việt Nam.”
Ngày 21/10/2014, blogger Điếu Cày đã bị áp giải ra khỏi nhà tù, buộc phải đi tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ sau 6 năm rưỡi thụ án vì bị chính quyền khép các tội "Trốn thuế" và "Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN"
Một số hình ảnh trong cuộc gặp gỡ này:

Ảnh: Alex Wong, Getty Images

Ảnh: Alex Wong, Getty Images

Ảnh: Alex Wong, Getty Images
Theo tin nguồn Dân Luận

TNS Canada lên án Việt Nam 'chối cãi sự thật' lịch sử 30/4


Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải.
Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải.

    30.04.2015
    Một Thượng nghị sĩ Canada mạnh mẽ lên án chính phủ Việt Nam ‘nói dóc’, ‘chối cãi sự thật’ về lịch sử ngày 30/4/1975.
    Phát biểu của nhà lập pháp gốc Việt Ngô Thanh Hải, tác giả đạo luật ‘Hành trình tới tự do,’ trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ hôm nay là phản hồi chính thức đối với chỉ trích của Hà Nội về việc Canada thông qua luật này hôm 23/4.
    Luật được thông qua giữa lúc đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc quy định trên cả nước Canada, hằng năm, ngày 30/4 sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’, một ngày lễ tưởng niệm nhưng không phải là ngày nghỉ lễ chính thức.
    Hà Nội đã triệu đại sứ Canada đến để phản đối. Việt Nam nói đạo luật ‘Hành trình tới tự do’ ‘xuyên tạc lịch sử’, ‘khiêu khích chia rẽ đoàn kết dân tộc’ và rằng thông qua luật này là ‘bước lùi nghiêm trọng trong quan hệ hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đển quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada.’
    TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật của tôi nhấn mạnh ngày 30/4/1975 quân đội cộng sản Việt Nam đã không tôn trọng Hiệp định Paris, cưỡng chiếm miền Nam. Mục tiêu thứ hai, luật nói sau 30/4/75 có hơn 2 triệu người bỏ nước ra đi vì cộng sản đã vi phạm nhân quyền. Thứ ba, luật này để tưởng nhớ 250 ngàn người Việt thiệt mạng trên biển cả trong cuộc di cư đó. Thứ tư, luật công nhận chính phủ và nhân dân Canada đã đón tiếp những người Việt tị nạn.
    VOA: Ngay sau khi Canada thông qua luật này, Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối nói rằng luật ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Là tác giả luật này, phản hồi của ông ra sao:
    TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật của tôi không liên quan đến ngoại giao Việt-Canada, không dính líu tới bang giao hai nước, không liên quan gì đến chính phủ Việt Nam.
    VOA: Việt Nam nói luật này làm tổn thương tình cảm người dân Canada vì ‘Canada trước đây từng ủng hộ người dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược,’ thưa ông?
    TNS Ngô Thanh Hải: Như vậy họ càng sai hơn nữa vì Canada đã tham gia vào cuộc chiến Việt Nam với các hoạt động giám sát quốc tế để hỗ trợ mục tiêu thiết lập hòa bình và chấm dứt chiến tranh bằng cách hỗ trợ việc thi hành Hiệp định Paris 1973 mà chính cộng sản Việt Nam đã vi phạm. Thứ hai, sau khi nhân dân Canada chấp nhận 60.000 người mà sau này lên tới khoảng 300.000 người Việt tị nạn, Cao ủy Liên hiệp quốc đã trao Giải thưởng Nansen cho dân Canada năm 1986. Giải thưởng này tương đương Nobel hòa bình về vấn đề người tị nạn của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc. Chính phủ Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự thật, luôn luôn chối cãi bởi vì không muốn thế giới biết đến những sự vi phạm, giết chóc của họ đối với nhân dân Việt Nam.
    VOA: Ông nói luật không ảnh hưởng bang giao song phương, nhưng Việt Nam cho rằng luật này đi ngược lại quan hệ chính trị-kinh tế-xã hội đang phát triển của hai nước, viện dẫn lý do luật công nhận 30/4 là ngày quốc lễ của Canada.

    TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật này quy định 30/4 là một ngày lễ của quốc gia Canada tưởng niệm cuộc di cư của người Việt tị nạn cộng sản được đón nhận vào Canada. Nói nó liên quan đến vấn đề chính trị, bang giao tôi cho đó là sai.

    VOA: Việt Nam nói luật này ‘xuyên tạc lịch sử’ vì ‘lịch sử đã chứng minh đây là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà cộng đồng quốc tế trong đó có Canada ủng hộ.’ Quan điểm của ông ra sao?
    TNS Ngô Thanh Hải: Vậy Việt Nam không công nhận 30/4 là ngày họ chiếm  miền Nam à? Quân đội miền Nam cộng hòa có ra ngoài Bắc đánh không? Chính quân đội miền Bắc xuống xâm chiếm miền Nam mà. Họ không công nhận là họ vi phạm Hiệp định Paris 1973 họ đã ký à? Những điều cộng sản nói ra là nói dóc, chối cãi sự thật.
    VOA: Cũng có ý kiến cho rằng luật này mang tính khiêu khích chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc giữa người Việt với nhau vì giữa lúc vết thương chưa lành mà gợi nhớ lại những đau thường càng khơi dậy hận thù quá khứ, không giúp ích cho công cuộc hòa giải dân tộc sau chiến tranh. Ý kiến thượng nghị sĩ Hải thế nào?
    TNS Ngô Thanh Hải: Cộng sản Việt Nam nói hòa giải dân tộc, xin hãy hòa giải với người dân trong nước trước vì chính họ là nạn nhân của cộng sản Việt Nam. Ở hải ngoại, chúng tôi đâu cần hòa giải với cộng sản Việt Nam. Hòa giải thì cộng sản Việt Nam phải làm việc đó trước vì người dân trong nước đã bị họ kèm kẹp và vi phạm tất cả những nhân quyền. Sau khi có thể chế tự do dân chủ rồi, mới nói tới cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Và phải chấp nhận sự thật trước rồi mới tính tới, chứ tối ngày cứ nói láo thì cộng sản Việt Nam sẽ không đi tới đâu cả.
    VOA: Nhưng làm thế nào để chữa lành vết thương cũ khi không chịu rời bỏ hận thù quá khứ?
    TNS Ngô Thanh Hải: Muốn bỏ hận thù quá khứ, chính cộng sản phải làm trước: thả hết tù chính trị, tự do tôn giáo, tự do sở hữu, tự do-dân chủ-nhân quyền..v..v..
    VOA: Vậy theo ông, việc hòa giải hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của phía cộng sản?
    TNS Ngô Thanh Hải: Đúng. Người dân viết một bản nhạc chống Trung Quốc thì họ bắt bỏ tù. Đó là chuyện không thể chấp nhận ở một nước tự do dân chủ, không bao giờ có chuyện đó. Tại sao họ lại làm vậy với nhân dân trong nước? Họ nói một đường làm một nẻo.
    VOA: Có ý kiến cho rằng để xích lại gần nhau cần thiện chí đôi bên, rằng bên kia cũng cần quên quá khứ để hướng tới tương lai vì không thể hòa giải với những người chỉ biết đặt điều kiện để mưu cầu lợi ích cho một nhóm hận thù cộng sản dai dẳng mà thôi. Xin ghi nhận quan điểm của ông?
    TNS Ngô Thanh Hải: Hòa giải trước, giải tất cả những cái sai cộng sản Việt Nam đã làm. Sau khi hòa giải trong nước rồi, nhân dân trong nước chấp nhận cộng sản Việt Nam đã thay đổi bằng một chính phủ tự do dân chủ nhân quyền, lúc đó cộng đồng Việt hải ngoại cũng sẽ chấp nhận hoặc chấp thuận. Cộng đồng người Việt hải ngoại có xây dựng đất nước hay không, chỉ khi nào chính phủ cộng sản Việt Nam thay đổi. Họ phải bỏ điều 4 Hiến pháp, họ phải có thể chế tự do dân chủ thì cộng đồng Việt Nam hải ngoại lúc đó mới có thể nói chuyện với họ được.
    VOA: Phản ứng của hành pháp-lập pháp Canada về việc Hà Nội triệu đại sứ Canada phản đối đạo luật này ra sao, thưa ông?
    TNS Ngô Thanh Hải: Đây là xứ tự do: hành pháp, lập pháp, và tư pháp riêng rẽ độc lập. Thành ra, bên đây nếu Quốc hội đã thông qua một đạo luật thì chính phủ cũng  phải chấp nhận. Không phải theo kiểu của cộng sản Việt Nam.
    Thượng nghị sĩ Canada lên án Việt Nam 'chối cãi sự thật' lịch sử 30/4
    VOA: Luật này được thông qua giữa lúc đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông có chia sẻ gì thêm?
    TNS Ngô Thanh Hải: Luật pháp Canada đã công nhận ngày 30/4 là ngày miền Nam bị cộng sản chiếm khiến hơn 2 triệu người đã bỏ nước ra đi. Lời dẫn nhập đạo luật của tôi vẫn còn chữ ‘Tháng tư đen.’ Luật giúp các thế hệ sau hiểu rằng sở dĩ họ được sống trong xứ tự do dân chủ như ở đây là vì cha mẹ họ đã bỏ nước ra đi khỏi gọng cùm của cộng sản Việt Nam để tới một nước tự do-dân chủ.
    VOA: Xin chân thành cảm ơn Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.