vendredi 28 février 2014

Công An Đồng Tháp: làm sai luật thì giỏi, ngụy tạo thì dở.

Cùi Các
28/2/2014

Ngày 27/2/2014 chương trình “Vì An ninh Tổ quốc” của Đài truyền hình Đồng Tháp thực hiện phóng sự về việc bắt giữ ông Nguyễn Bắc Truyển và khoảng 20 người liên quan trong vụ án này.

Cảnh quay đã được chuẩn bị một cách chu đáo công phu ngay từ lúc vụ việc xảy ra, nhằm mục đích miêu tả lại toàn bộ diễn biến của vụ việc, cho dư luận thấy những người bị bắt giữ trong vụ án này đã vi phạm pháp luật, và Công An Đồng Tháp đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Ai sai?

Mở đầu phóng sự nêu: Ngày 9/2/2014 CA Đồng Tháp nhận được yêu cầu phối hợp của Cơ quanCSĐT CA TP. HCM về việc hỗ trợ áp giải, bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển, sinh năm 1968, thường trú tại Bến Vân Đồn, Quận 4 TP. HCM, tạm trú bất hợp pháp tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò-Đồng Tháp, có liên quan trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Quyết Định khởi tố hình sự số 488-01 ngày 14/11/2013 của CQ CSĐT CA TP.HCM. Tuy nhiên khi lực lượng làm nhiệm vụ đến trao giấy mời về cơ quan làm việc, thì đối tượng Nguyễn Bắc Truyển và những người trong nhà không hợp tác, khóa cửa nhà, cố thủ bên trong và có những lời nói hành độngchống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ...

Thứ nhất, thông tin đầu tiên được nêu ra là việc CA Đồng Tháp hỗ trợ áp giải, bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển theo yêu cầu của CA TP.HCM. Thế nhưng CA Đồng Tháp lại không tiến hành tiến hành việc bắt giữ, mà lại đi  “trao giấy mời” về cơ quan làm việc???

Vậy thì việc “trao giấy mời” này được thực hiện như thế nào? Qua đoạn video có rất nhiều người đàn ông không mặc sắc phục theo quy định của công an khi làm nhiệm vụ, đã xông vào sân, bao vây trước cửa nhà của vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển. Trong đó thấy rõ có một người đàn ông không mặc sắc phục công an,  một tay cầm một tờ “giấy mời” đưa lên, tay kia đập vào tấm cửa kính nhà vợ chồng ông Truyển.

Với hành vi "trao giấy mời" như thế này,  ông Truyển không buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Bỡi lẽ về nguyên tắc nếu công an cấp tỉnh, huyện vào nhà người dân làm nhiệm vụ, cho dù có được phép hóa trang trong trường hợp này đi chăng nữa, thì cũng  phải có sự hỗ trợ của công an khu vực mặc trang phục đúng quy định của ngành, đề người dân biết  phân biệt đâu là thật và đâu là giả. 

Căn cứ vào Điều 5 Quyết định số 2818 /QĐ-BCA quy đinh về Văn hóa giao tiếp và ứng xử của Côn an khu vực thì  trang phục của Công an khu vực khi làm nhiệm vụ phải mặc đúng trang phục công an theo Điều lệnh Công an nhân dân.

Nhưng xem video những người bao vây nhà vợ chồng ông Truyển đều không thấy trang phục của công an khu vực, mà chỉ là hình ảnh của những người ăn mặc bình thường, xông vào và bao vây và đập cửa như những côn đồ, thì ông Truyển khóa trái cửa, cố thủ bên trong đó là hành vi hợp lý. Vì ở Việt Nam, công đồ bao vây nhà của một người dân trước sự chứng kiến của Công an không phải là chuyện hiếm.

Một khi cơ quan thi hành công vụ làm sai quy định ngay từ đầu cho hành vi đầu tiên là “đưa giấy mi”, thì dừng đòi hỏi một công dân phải chấp hành và tuân thủ cho các yêu cầu tiếp theo của công an.

Thứ hai, theo như phóng sự này cáo buộc thì ông Truyển và gia đình có những lời nói hành độngchống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ.

Nhưng xem qua video thì chúng ta không thấy bất kỳ hành động nào có thể coi là “chống đối lực lượng thi hành công vụ” của ông Truyển. Hành động của ông Truyển trong video là dùng điện thoại để quay lại cảnh công an đang bao vây nhà mình. Đây là việc làm phù hợp nhằm giám sát những người thi hành pháp luật. Nó không được xem là hành động chống đối.

Và trong video, chúng ta thấy ông Truyển từ trong nhà nói vọng ra, nhưng không thể xác định rằng ông Truyển đã nói những gì vì phóng sự đã cắt đi phần âm thanh tiếng nói của ông Truyển.

Tại sao chương trình truyền hình An ninh Đồng Tháp không đưa lên đoạn âm thanh mà ông Truyển đã nói, để làm bằng chứng cho cáo buộc “xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ”. Truyền hình An ninh Đồng Tháp đã “dám” đăng tải tới lời nói “Đả đảo cộng sản” từ miệng của một của một quần chúng nhân dân đã chứng kiến, thì tại sao không dám đưa âm thanh lời nói của ông Truyển “xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ” như thế nào, để lấy đó làm bằng chứng buộc tội ông Truyển?

Như vậy có thể nói rằng, chương trình truyền hình  An ninh Đồng Tháp cáo buộc ông Truyển có những lời nói, hành động chống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ mà không thể đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào, thì đủ cơ sở để nói rằng cáo buộc này vô căn cứ, vu khống ông Nguyễn Bắc Truyển và gia đình ông.

Bắt người trái luật

Sau khi quay cảnh công an Đồng Tháp xông vào nhà, trấn áp và bắt giữ thành công, áp tải ông Truyển lên một chiếc xe thùng chuyên dụng, thì phóng sự tiếp tục có đoạn:
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc CA Đồng Tháp, các lực lượng CA Đồng Tháp đã hỗ trợ thành công CA TP. HCM thi hành việc áp giải đối tượng Nguyễn Bắc Truyển về CQCS Điều tra CA TP.HCM để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian chờ đợi Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP.HCM phê chuẩn lệnh tạm giam, ngày 10/2/2014 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM tạm thời trả tự do cho ông TriểnSau đó một số trang mạng cho rằng lực lượng CA ĐT vô cớ bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển.

Qua tình tiết này cho thấy, lúc CA Đồng Tháp bắt giữ ông Truyển đã không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân dân TP. HCM. Đến khi bắt về rồi cũng không được chấp thuận của Viện Kiểm Sát. Ông Truyển không thuộc trường hợp "bắt khẩn cấp" nhưng CA vẫn xông vào nhà trấn áp và áp tải ông Truyển về đến CA TP. HCM. Nhưng khi đến nơi thì CA. TP HCM phải trả tự do cho ông Truyển.

Như vậy, đây là hành vi bắt giữ người tùy tiện của CA Đồng Tháp, không tuân theo trình tự, quy định pháp luật về việc bắt giữ người. Nếu có sự phối hợp của CA. TP HCM trong việc bắt giữ này thì cả hai cơ quan này đã làm sai luật. Bắt giữ không chứng cứ, dùng cáo buộc mơ hồ là “liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hơn hết, phóng sự đã áp đặt vào trong suy nghĩ của người xem rằng, ông Truyển như là một tội phạm, và không sớm thì muộn cũng là một tội phạm, bằng cách sử ngôn từ theo kiểu suy diễn vô căn cứ như  “tạm thời trả tự do”, “chờ đợi Viện kiểm Sát phê chuẩn”.

Đứng từ góc độ của một người làm truyền hình, cũng như một chương trình đại diện cho tiếng nói của ngành CA Đồng Tháp, thì phóng sự này đã vi phạm nghiêm trọng đến nghiệp vụ báo chí, cũng như  vi phạm đến nguyên tắc “suy đoán vô tôi” khi Hiến pháp đã viết rõ không ai bị xem là tội phạm cho đến khi có một bản án xét xử của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Giám đốc công an ngụy biện

Đoạn phóng sự được tiếp tục với lời giải trình của Giám đốc CA Đồng Tháp, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn: “Chúng tôi quán triệt và thông suốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Do vậy vào ngày 9/2/2014 lực lượng CA Đồng Tháp không có bắt giữ Nguyễn Bắc Truyển mà chúng tôi thực hiện về việc phối hợp đối với Cơ quan CSĐT CA TP. HCM để áp giải Nguyễn Bắc Truyển đang tạm trú bất hợp pháp tại Lấp Vò- Đồng Tháp về CQCSĐT Công an TP.HCM để làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cơ quan Điều tra CA TP. HCM  đã khởi tố vụ án”.

Qua lời ông Thuấn, chúng ta có thể thấy ông đang né tránh trách nhiệm cho vụ bắt giữ tùy tiện ông Truyển bằng cách lập luận “không có bắt giữ” mà chỉ... “phối hợp để áp giải” ông Truyển về Cơ quan CSĐT TP.HCM.

Sự ngụy biện cho việc bắt giữ trái pháp luật này, được ông Thuấn dùng một mệnh đề lấp liếm để áp đặt cho người nghe bằng câu nói mở đầu“Chúng tôi quán triệt và thông suốt những quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Đúng là tài thât! Giữa một rừng luật ở Việt Nam, cho tới giờ này chưa từng  một nhà nghiên cứu là Giáo sư, Tiến sỹ Luật dám cho rằng mình là người “thông suốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam”. Thế mà ông Giám đốc CA Đồng Tháp, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn lại tuyên bố “mạnh miệng” như vây?

Tìm kiếm thông tin trên google thì được biết ông Thuấn có bằng Thạc sỹ luật. Nhưng đối với những người đã học qua luật, hay cho tới một người dân chưa tiếp cận các khái niệm về luật, khi nói về Hiến pháp và pháp luật thì ai cũng đều nhắc đến việc “tôn trọng, tuân thủ, chấp hành đối với Hiến pháp và pháp luật, chứ chẳng  ai khi nhắc đến Hiến pháp và pháp luật lại đi dùng cái sự “quán triệt và thông suốt” như ông.

Bên cạnh đó, phát ngôn của ông mang tính hằn học và không đúng đúng chuẩn của một người đang thi hành pháp luật, đặc biệt là đang ở cương vị là Giám đốc CA tỉnh, khi ông nói  “Nguyễn Bắc Truyển đang tạm trú bất hợp pháp tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- Đồng Tháp”.

Không có một văn bản pháp luật nào đề cập đến khái niệm hay mô tả cho việc “tạm trú bất hợp pháp” là như thế nào. Trong Luật Cư trú và các Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc tạm trú, chỉ quy định cho việc có hoặc không Đăng ký tạm trú. Giả sử ông Truyển không đăng ký tạm trú thì cơ quan chức năng cần nhắc nhở cho ông Truyển đăng ký tạm trú. Nếu sau khi nhắc nhở mà không chấp hành thì có quyền kiểm tra và tiến hành xử phạt. Nếu giả sử ông Truyển đã từng  bị xử phạt vì không đăng ký tạm trú khi ở đây, thì đó cũng chỉ được xem là hành vi vi phạm quy định về việc đăng ký tạm trú, chứ không thể gọi là “tạm trú bất hợp pháp” như ông Thuấn nói.

Qua việc ông Thuấn xua quân xông vào nơi ở hợp pháp của công dân, bất chấp pháp luật để tiến hành bắt ông Truyển, và việc sử dụng những phát ngôn hằn học,chỉ thể hiện rằng ông Thuấn đang dùng quyền uy của mình để "tống khứ" một công dân Việt Nam là ông Truyển ra khỏi khu vực địa lý mà ông đang quản lý. 

Giấu đầu lòi đuôi”

Đoạn tiếp theo phóng sự này đã vô tình lột tả được bản chất của vụ việc này bằng đoạn: Vào khoảng tháng 5/2013 đối tượng Nguyễn Bắc Truyển đã lén lút về xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- ĐT móc nối với các phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền để chống đối Đảng và Nhà nước ta. Hành vi trên của Nguyễn Bắc Truyển đã vi phạm pháp luật.”

Phóng sự gán ghép cho sự xuất hiện của ông Truyển tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- ĐT là “lén lút”. Khi nói đến một hành vi “lén lút” nào đó thì chúng ta nghĩ ngay đến các hành động, việc làm xấu xa, cần phải dấu giếm. Tuy nhiên việc ông Truyển đến cư ngụ tại địa bàn nêu trên không phải là hành vi “lén lút” như phóng sự đã nêu. Bỡi lẽ, cộng đồng sử dụng facebook đều biết ông Truyển đang cư ngụ tại đây cùng với một người vợ sắp cưới của mình. Thông tin này được ông loan tải rộng rãi trên facebook cá nhân ngay từ khi ông Truyển đến xã Long Hưng B, và mới đây nhất ông còn sử dụng nó để mời bạn bè, người thân đến tham dự lễ cưới của ông tại đây.

Như vậy phóng sự này sử dụng đến thuật ngữ “lén lút” nhằm cho người xem diễn dịch rằng ông Truyển đến đây để làm một việc xấu xa, đáng lên án và lồng ghép việc "lén lút" này nhằm mục đích "chống Đảng và nhà nước". Nhưng người xem phóng sự dễ dàng nhận ra, và ý đồ này đã thất bại, khi phóng sự không thể đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào, thông tin cụ thể để chứng minh. Cũng là lối quen thuộc để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, bằng cách quy kết là "phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo để chống Đảng và Nhà nước", như vậy là "vi phạm pháp luật".

Điều quan trọng hơn, từ chỗ Công an Đồng Tháp bắt giữ ông Nguyễn Bắc Truyển với lý do liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, thì nay bỗng dưng lại nhảy qua tội danh “móc nối với các phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền để chống đối Đảng và Nhà nước ta”.

Điều này cho thấy, sau khi ông Truyển không bị bắt giam ở TP. HCM, Công An Đồng Tháp như “bị hố” cho việc bắt giữ tùy tiện vừa qua, bị công luận và quốc tế lên án, nên cố gắng dựng nên phóng sự này để biện minh cho hành vi bắt giữ người trái luật này.

Thay vì sử dụng đến các bằng chứng và các lập luận thuyết phục để cáo buộc cho một hành vi phạm tội, thì CA Đồng tháp chỉ có thể dùng đến các biện pháp trấn áp, rồi vu khống, rồi quy chụp cho ông Truyển từ tội danh này sang tội danh khác một cách hồ đồ.

Thủ thuật này dù được sự tiếp sức của chương trình truyền hình An ninh tỉnh Đồng tháp, bằng cáchchuẩn bị trước máy quay, tường thuật chi tiết diễn biến của vụ việc, cũng như được dàn dựng công phu, nhưng nó lại bộc lộ sự thiếu logic trong lập luận, cũng như không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh là ông Truyển vi phạm pháp luật

Về phần ông Nguyễn Bắc Truyển, ông là người được biết đến với các hoạt đông cho dân chủ và nhân quyền. Sử dụng đến các tội danh hình sự để gán ghép và quy chụp cho các hoạt động dân chủ và nhân quyền  cách thức thường được các Cơ quan Công an điều tra sử dụng trong thời gian qua.
-------------

(Còn tiếp phần 2, phân tích về những cáo buộc tiếp theo từ phóng sự, và quyết định khởi tố 3 trong số 20 người từ vụ việc này.)

Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã bị bức tử

 


Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã bị bức tử 

Như vậy, sau 19 năm tồn tại, sáng nay ngày 28/2/2014, tờ báo này đã chính thức bị bức tử.

Đây là một tờ báo đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Nơi đây cũng đã có nhiều góc phản ánh hiện thực nhiễu nhương của xã hiện tại, điều mà giới cầm quyền thường gọi là "nhạy cảm"...

.









Giấy báo tử báo Sài Gòn Tiếp thị:


Một thành viên của tờ báo này đã xót xa thốt lên rằng: 
"11h30 ngày 28.2.2014 - Quyền Tổng Biên Tập Nguyễn Xuân Minh đã đọc quyết định chính thức chấm dứt hoạt động của tờ báo... những con người này đã đứng nghe đọc án "tử" cho tờ báo của mình... nước mắt đã rơi... nghĩa tử là nghĩa tận... nhưng... đau lắm người ơi...
Hôm nay, ngày giỗ của chúng ta..."


 
Quyền Tổng Biên Tập Nguyễn Xuân Minh rơi lệ khi đọc "giấy báo tử"
 
Như một lời chia tay
Cám ơn các bạn 
"Một lần nữa, bằng lời xin lỗi chân thành vì chúng tôi không thể tiếp tục phục vụ các bạn được nữa. Chúng tôi xin cúi đầu cảm tạ những tình cảm mà bạn đọc đã dành cho chúng tôi trong suốt thời gian qua. Xin mượn tựa một cuốn sách với tựa đề “Nếu còn có ngày mai” để thắp lên hy vọng rằng, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau ở đâu đó ở một ngày mai tươi sáng hơn.
Kính.
Tất Đạt"
 
 
PHÚT LÂM CHUNG CA TÒA SON BÁO SGTT
Chùm ảnh giờ phút cuối cùng ở SGTT sau khi tổng Minh tuyên bố... tạch:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ảnh: Abdul Dang

http://xuandienhannom.blogspot.de/2014/02/hom-nay-cu-hanh-am-tang-bao-sai-gon.html

"37 tỷ đô đã bốc hơi dưới tay Yanukovich"

Tân thủ tướng Ukraina hôm thứ Năm (28/2) cho biết các khoản cho vay trị giá 37 tỷ USD đã mất tích khỏi ngân khố quốc gia dười thời Tổng thống Viktor Yanukovich, đồng thời cảnh báo rằng các biện pháp không phổ biến là cần thiết để cứu vãn nền kinh tế.
yanukovych-1651-1393553388.jpg
Tổng thống bị lật đổ Yanukovich
Với đồng hryvnia rơi tự do và những mối lo ngại về mức độ dữ trự ngoại tệ thấp tăng lên, ông Arseny Yatseniuk cho biết đất nước này rất cần vay vốn từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Số tiền bị mất tích mà ông Yatseniuk đề cập tới trong một bài phát biểu trước quốc hội là một bất ngờ lớn, mặc dù người dân Ukraina đã biết tới lối sống xa hoa và lãng phí của Yanukovich, trong đó có một dinh thự sang trọng ở ngoại ô Kiev.
Mức lương trung bình tại Ukraina là khoảng 500 USD/tháng.
Ngoài sự biến mất của 37 tỷ USD, Yatseniuk cho biết khoảng 70 tỷ USD đã được đưa ra khỏi đất nước trong suốt 3 năm Yanukovich điều hành, mặc dù không nói rõ có bao nhiêu trong số đó là tài sản bất hợp pháp.
"Tôi muốn thông báo với mọi người rằng ngân khố quốc gia đã bị cướp và trống rỗng," Yatseniuk nói trước khi Quốc hội bầu ông là người đứng đầu một chính phủ đoàn kết dân tộc.
"37 tỷ USD tín dụng nhận được đã biến mất...(và) tổng cộng 70 tỷ USD được rút ra từ hệ thống tài chính Ukraina và đổ vào các tài khoản ở nước ngoài."
Tính theo tỷ giá hôm nay, 70 tỷ USD tương đương với một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 của Ukraina.
Chỉ còn khoảng 4,3 tỷ hryvnia (430 triệu USD) trong ngân khố quốc gia, ông Yatseniuk nói, mặc dù dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương đang có là 15 tỷ USD.
(Theo Reuters)
Thụy Sĩ mở điều tra hình sự với ông Yanukovych, đóng băng các tài sản

- Giới chức Thụy Sĩ ngày 28/2 cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào một vụ việc được cho là rửa tiền của Tổng thống bị phế truất của Ukraine Viktor Yanukovych và con trai triệu phú của ông này.
Bộ sưu tập xe 2 triệu đô của con trai ông Yanukovych
Bộ sưu tập xe 2 triệu đô của con trai ông Yanukovych
Ông Viktor Yanukovych và con trai triệu phú Olexandr.
Ông Viktor Yanukovych và con trai triệu phú Olexandr.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo đóng băng các tài sản của 20 quan chức Ukraine, trong đó có ông Yanukovych, con trai Olexandr và một loạt các cựu bộ trưởng trong chính quyền của ông.
Ông Yanukovych, 63 tuổi, được tin là đã chạy tới Nga kể từ khi bị quốc hội lật đổ sau đỉnh điểm của các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 3 tháng.
Trước đó, hôm 27/2, chính phủ Thụy Sĩ đã thông báo sẽ đóng băng bất kỳ quỹ nào mà ông Yanukovych tại nước này.
Tổng công tố tại Geneva cũng thông báo rằng, trong khuôn khổ một cuộc điều tra rửa tiền, một công tố viên và nhóm tài chính của cảnh sát tư pháp đã tiến hành lục soát các văn phòng của một công ty do Olexandr, con trai của ông Yanukovych điều hành.
Hiện chưa rõ liệu ông Yanukovych có các quỹ tại Thụy Sĩ hay không, nhưng Olexandr đã mở một chi nhánh của Công ty quản lý các tài sản (MAKO) tại Geneva vào cuối năm 2011.
Olexandr, 40 tuổi, một doanh nhân kiêm nha sĩ, làm nên khối tài sản cá nhân vào khoảng 500 triệu USD chỉ trong 3 năm qua, theo một bài báo trên tuần báo L'Hebdo của Thụy Sĩ.
Tập đoàn của Olexandr tại Ukraine được cho là kiểm soát gần một nửa ngành sản xuất than đá của nước này và khoảng 1/3 ngành sản xuất và phân phối điện năng.
Chi nhánh tại Geneva của tập đoàn do một doanh nhân gốc Uzbekistan điều hành, người cũng điều hành một công ty khác tên gọi Partefina.
Theo tuần báo L'Hebdo, Partefina thuộc sở hữu của tỷ phú Ukraine Rinat Akhmetov, một người ủng hộ ông Yanukovych và cũng có các văn phòng ở Geneva.
Người Ukraine đã tổ chức các cuộc biểu tình ở thủ đô Bern của Thụy Sĩ hôm 26/2, yêu cầu Thụy Sĩ đóng băng mọi tài sản của ông Yanukovych.
Áo đóng băng tài sản của 18 người Ukraine
Áo cũng tuyên bố đóng băng các tài sản của 18 người Ukraine bị tình nghi vi phạm nhân quyền và liên quan tới tham nhũng, nhưng không tiết lộ bất kỳ cái tên cụ thể nào.
Tại Kive, Áo được xem là thiên đường tài chính cho các nhân vật giàu có liên quan tới ông Yanukovych.
Áo cho hay, động thái trên được thực hiện như một biệ pháp an ninh sơ bộ cho tới khi các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu nhất trí áp đặt đối với một số cá nhân Ukraine có hiệu lực.
Hôm 20/2, Liên minh châu Âu đã nhất trí một lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với những người Ukraine "tay dính chàm" trong bối cảnh bạo lực ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Kiev. Tuy nhiên, EU không nêu tên các cá nhân bị ảnh hưởng và chỉ cho biết rằng số người bị ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào các diễn biến tại Ukraine.


Theo Telegraph, AFP