samedi 22 février 2014

Trẻ Việt bị bóc lột tình dục ở Anh 'nhiều nhất'

BBC
NCA nói nạn lạm dụng hiện vẫn chưa được trình báo đầy đủ.
Số liệu từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh Quốc (NCA) cho thấy trẻ em từ Việt Nam nằm đầu bảng danh sách bị đưa lậu vào Anh vì mục đích lạm dụng tình dục.

Báo cáo liệt kê nạn nhân bị đưa từ tổng cộng 112 nước, với tổng cộng 1746 nạn nhân được xác định bị đưa lậu vào Anh trong giai đoạn 2012-2013, tăng 47% so với số liệu năm trước.
Khoảng một phần tư số nạn nhân là trẻ em, theo NCA. Ngoài mục đích đưa người lậu vào để lạm dụng tình dục, báo cáo cho hay các nạn nhân còn bị đưa vào để lạm dụng lao động.
Albania là nước đứng đầu về số nạn nhân tính theo tất cả các mục đích đưa lậu vào Anh, thứ hai là Nigeria và Việt Nam đứng thứ ba.
Số trẻ em nước ngoài bị đưa vào Anh tăng 11%, 88 trường hợp, trong khi số trẻ em sinh tại Anh bị buôn lậu để lạm dụng tình dục tăng gấp đôi.
Giới chức cho biết số liệu tăng báo động này mới chỉ là phần nổi của tảng băng bởi vấn đề này hiện vẫn chưa được trình báo đầy đủ.
Liam Vernon, Giám đốc Trung tâm Chống Lậu người tại Anh Quốc từ Cơ quan Tội phạm Quốc
gia Anh Quốc nói “Chúng ta biết rằng đây là tội ác ản hưởng tới nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội và một số nạn nhân vẫn không được phát hiện”.
Thứ trưởng phụ trách an ninh Karen Bradley nói: "Số liệu ngày hôm nay nhiều khả năng không cho thấy toàn bộ nạn nô lệ hiện đại cũng như thực trạng lạm dụng ghê gớm mà các nạn nhân phải chịu đựng và chúng ta đang tăng cường khung sườn luật pháp thông qua Đạo luật Nô lệ Hiện đại”.
"Đạo luật này sẽ gửi tới giới tội phạm thông điệp mạnh nhất rằng nếu họ dính vào nạn buôn bán ghê tởm này thì họ sẽ bị bắt, bị truy tố và sẽ ngồi tù.”
'Câu chuyện bi thảm'
Bình luận về nạn buôn người Việt lậu vào Anh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire từng nói với BBC rằng “Chúng ta cần làm nhiều hơn tại Anh ở góc độ phát hiện những người này và truy tố họ và theo suốt quá trình truy tố một cách triệt để.”
[Trả lời phỏng vấn với BBC Tiếng Việt->http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/10/131022_uk_vn_strategic_dialogue.shtml] vào ngày 22/10/2013 bên lề Đối Thoại Chiến lược Anh Việt lần thứ 3 ở London, ông Swire kể về lần ông đã trực tiếp gặp một người Việt được đưa lậu vào Anh tại văn phòng làm việc của ông ở Bộ Ngoại Giao.
“Anh ta đã kể cho tôi tình cảnh của anh ta và đó là một câu chuyện rất bi thảm. Nhưng rất không may là câu chuyện này chằng phải là ngoại lệ. Việt Nam là một nước mà không may chúng tôi có thấy có người được đưa lậu vào nước Anh và chúng tôi có các chương trình được thực hiện tại Việt Nam để giúp đỡ những người được đưa từ Anh trở về Việt Nam để hội nhập lại với xã hội.
“Thống kê cho thấy những người đã bị đưa lậu vào Anh một lần thì lại bị đưa lại vào Anh thêm như một cái vòng luẩn quẩn và con số này là rất cao. Do đó cắt đứt mắt xích là ngăn không cho họ tới Anh là bước đầu, tức là không đi được thì khỏi phải lo các mắt xích khác.
“Còn khi đã phát hiện họ đã ở Anh rồi thì gửi trả họ về Việt Nam và cắt đứt mắt xích bằng cách giúp họ tái hòa nhập vào xã hội và có được công ăn việc làm để họ không một lần nữa trở thành con mồi của nạn buôn người lậu,” ông Swire nói với BBC.
Vào tháng 12 năm ngoái báo [Sunday Times->http://www.thesundaytimes.co.uk/sto/Magazine/article1350723.ece] của Anh mô tả nạn buôn trẻ vị thành niên vào Anh vẫn không ngừng tăng lên trong những năm qua.
Bài viết của the Sunday Times nói những kẻ buôn lậu người nằm được rất rõ về hệ thống bảo vệ trẻ em của Anh và khai thác chuyện này, lợi dụng hệ thống nhân chăm sóc con nuôi và các cơ sở nhận tiền thuế dân làm nơi tạm để những đứa trẻ cho tới khi chúng sẵn sàng đưa các nạn nhân đi làm việc hoặc đem bán.
Bài báo dẫn số liệu từ Trung tâm Theo dõi Nạn Buôn người vào Anh, có 549 em được xác định là nạn nhân của tình trạng buôn người trong năm 2012, với 70 em chưa tới 10 tuổi.
Các em đến từ Việt Nam và Nigeria đông hơn hẳn so với những nơi khác, với 103 trường hợp từ Việt Nam và 78 từ Nigeria và giới chức tin rằng đây chưa phải là những con số thực.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi