Cuộc khủng hoảng chính trị tại Cộng hòa Ukraine từ cuối tháng 11 năm 2013 đến nay đã trở nên nghiêm trọng, khi Tổng thống Viktor Yanukovych cho cảnh sát dùng đạn thật bắn vào những người biểu tình đang chiếm đóng công trưòng Độc Lập và trụ sở chính phủ, khiến cho gần 100 người bị tử thương.
Ngoại trưởng các nước Âu Châu hôm Thứ năm 20/2 đã họp để ra một quyết nghị cấm vận lên một số lãnh đạo cao cấp của Ukraine bao gồm niêm phong các tài khoản ngân hàng và cấm nhập cảnh. Hoa Kỳ cũng sẽ làm tương tự cho đến khi Tổng thống Yanukovych ngưng đàn áp và tìm một giải pháp nào đó với phe đối lập.
Mặc dù cuộc biểu tình xuất phát từ việc phe đối lập chống lại quyết định của Tổng Thống Yunakovych từ chối ký hiệp ước với Liên Minh Âu Châu mà chọn lấy quan hệ với Liên bang Nga; nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở sự tự do của bà Tymoshenko.
Năm 2007, Tổng thống Yushchenko thân Tây Phương đã để cử bà Tymoshenko lên làm Thủ Tướng Cộng hòa Ukraine. Để giảm bớt màu sắc chống Nga và tìm cách tiếp cận với Mạc Tư Khoa, bà Tymoshenko đã điều đình với Tổng thống Putin ký một hiệp định mua dầu khí 10 năm của Nga với giá cả mà dư luận cho là làm thiệt hại quyền lợi của Ukraine.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010, ông Yunakovych và bà Tymoshenko là hai đối thủ ngang ngửa. Nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Nga, ông Yunakovych đắc cử Tổng thống và đương nhiên bà Tymoshenko đã thất cử với tỷ số không chênh lệch bao nhiêu.
Để triệt hạ uy tín và không cho bà Tymoshenko trở thành đối thủ tương lai, ông Yunakovych đã truy tố bà Tymoshenko ra tòa vào tháng 10 năm 2011, về tội làm thiệt hại ngân sách nhà nước qua Hiệp định mua khí đốt của Nga. Bà bị kết án 7 năm tù và không được tham chính trong vòng 3 năm sau khi mãn tù.
Việc đưa bà Tymoshenko ra tòa và kết án 7 năm tù, Tổng thống Yunakovych đã bị Phương Tây phản đối dữ dội. Lợi dụng tình hình này, Tổng thống Putin đã ra sức khuyến dụ Yunakovych đi theo Nga bằng cách gia nhập liên minh hải quan do Nga đứng đầu cùng với Balarus và Kazakhstan thay vào đó Nga sẽ viện trợ 15 tỷ Mỹ Kim để phục hồi nền kinh tế.
Trong khi đó, Cộng đồng Âu Châu biết rất rõ là Ukraine muốn phục hồi kinh tế phải dựa vào EU vì đa số hàng xuất khẩu đều bán sang thị trường các nuớc Âu Châu. Do đó, Âu Châu đã ra điều kiện muốn ký thỏa ước mậu dịch phải thả bà Tymoshenko.
Mặc dù dựa vào Nga để lên cầm quyền, Tổng thống Yunakovych đã thấy rõ là nếu không đáp ứng các đòi hỏi của Khối Âu Châu, không những bị cấm vận mà tình hình chính trị sẽ kéo dài khủng hoảng vì phe đối lập cương quyết biểu tình cho đến khi (1) bà Tymonshenko được thả và (2) Tổng thống Yanukovych phải từ chức và tổ chức ngay một cuộc bầu cử mới.
Tổng thống Yunakovych đang ở vào một tình huống rất khó khăn.
Ukraine đang cần một người lãnh đạo có khả năng dung hòa giữa hai ảnh hưởng của Nga và EU để giữ cho nước này có được sự tự chủ và ổn định chính trị. Bà Tymoshenko được coi là người có khả năng đáp ứng nhu cầu nói trên của Ukraine.
Vì thế, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, vô hình chung lại là cuộc tranh đấu để chuẩn bị cho thế tự chủ của Ukraine trong tương lai, nếu bà Tymoshenko được tự do trong thời gian trước mặt hầu có thể chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử vào năm 2015 hoặc sớm hơn.
(LTH 2014)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi