mercredi 6 août 2014

Võ Văn Tạo: TỐI QUA, CHÍNH THỨC CHIẾU PHIM VỀ HOÀNG SA TẠI SÀI GÒN



Tối chiếu phim của Hồ Cương Quyết ở IDECAF

Võ Văn Tạo 

Đã không xảy ra điều không ít người quan ngại cho buổi trình chiếu cuốn phim tài liệu "Hoàng Sa - Việt Nam: nỗi đau mất mát" của Andre Menras - Hồ Cương Quyết, vào tối 5-8-2014, tại khán phòng IDECAF (28 Lê Thánh Tôn, Q1, SG). Trước giờ chiếu, không ít khách đến xem thắc thỏm bởi "sự cố" dữ dằn gần 3 năm trước (tối 29-11-2011), tại Khu du lịch Văn Thánh (SG): điện đột ngột cúp, an ninh xuất hiện - cấm buổi trình chiếu ra mắt, chĩa camera ghi hình từng mặt khán giả... SG gần một chục triệu dân, có hơn 300 người đến IDECAF xem phim, dù tự do vào cửa.

Những hình ảnh cụ thể người thật việc thật, những đối thoại mộc mạc, phản ánh chân thực nỗi cơ cực, tang thương, bi đát, bế tắc của nhiều gia đình ngư dân Lý Sơn, Bình Châu (Quảng Ngãi) làm không ít khán giả nghẹn ngào, đau thắt con tim.

Phong ba, bão tố, quân cướp biển Tàu cộng hung hãn làm nhiều người đàn ông đi biển mãi không về. Những người vợ mất chồng. Những đứa con mất cha, phải nghỉ học giữa chừng. Những khoản vay hàng trăm triệu đồng không biết lấy gì trả. Những bàn thờ đơn sơ dưới nếp nhà tôn gỉ sét. Những ngôi mộ gió - chôn hình nhân đất sét. Những ngư phủ 4 lần giặc Tàu khủng bố, quyết không rời biển cha ông. Những người vợ nghẹn ngào kể lại thảm họa kinh hoàng chồng không trở về, mối lo chông chênh chèo lái con thuyền gia đình. Những đứa con trai không dám nối nghề đi biển của cha. Những chiếc ghe cơ nghiệp chìm đáy biển Hoàng Sa. Những thiết bị, máy móc, ngư cụ, mẻ cá tôm bị giặc Tàu cộng ăn cướp. Những biên bản phạt văn tự Tàu. Những biên lai ngư dân chạy vạy vay mướn nộp hàng trăm triệu đồng vào ngân hàng Việt Nam để chuyển sang Tàu chịu phạt chuộc ghe. Những lời hò mênh mang ai oán...

Giữa phim, tôi hỏi Andre:

- Chút nữa giao lưu, có dành ít phút cho khán giả ủng hộ ngư dân? Có chuẩn bị thùng lạc quyên?


- Không. Một mình tôi tối tăm mặt mũi lo chuẩn bị, thương thảo nội dung, thời gian sử dụng khán phòng quá eo hẹp, chưa kịp nghĩ đến việc ấy. Tôi không thể rời khán phòng lúc này, anh ráng giúp tôi kiếm cái thùng đó nhé.


Hỏi thăm gần một chục nhân viên các bộ phận, rốt cuộc, cũng may mắn đến được khu văn phòng, khẩn khoản nhờ "chế tác" cấp tốc thùng lạc quyên, bằng cách tận dụng hộp carton chứa sách, in dòng chữ: "GIÚP BÀ CON NGƯ DÂN HOÀNG SA" trên giấy A4, dán bên ngoài.

Trong lúc tôi đi lo cái thùng, Andre điện giới chức hữu trách các bên, đề nghị "linh động" bổ sung thêm nội dung lạc quyên tại chỗ, nhưng không được chấp nhận.

Andre đành "đả thông" tôi: thôi cũng được. Biết thân phận "phản động", anh rất ngại người ta đơm đặt chuyện tiền bạc. 

Tôi đề xuất phương án: lạc quyên xong, niêm phong, giao các cán bộ Ban công tác xã hội của báo Thanh Niên (đối tác cùng Andre trong kế hoạch quyên góp xây trường học cho con em ngư dân) đem về tòa soạn. Andre phải không lo...

Bỗng có nhân viên IDECAF đến rỉ tai tôi: mời chú ra ngoài có người gặp. Bên ngoài khán phòng là 2 cô gái, có một cô là phó giám đốc. Họ mong tôi thông cảm, cho xin lại thùng lạc quyên, vì trong chương trình đã ấn định, không có nội dung này. Nếu cứ thực hiện, sẽ rất khó cho Andre về sau, nếu muốn nhờ khán phòng và khó cho cả trung tâm. Tôi hỏi họ: tối mai có chiếu ở đây nữa không? (để Andre thương thảo bổ sung trước nội dung này). Họ nói không, chỉ chiếu một buổi duy nhất tối nay.

Chứng kiến chuyện lạc quyên tại chỗ không được chấp nhận, một anh bạn rỉ tai tôi: họ chẳng đồng ý đâu, vì tiền giúp ngư dân, họ đâu có được gì? Lỡ "trên" phật ý, lại mang vạ vào thân.

Đến phần giao lưu, Andre trả lời đầy đủ và rõ ràng các câu hỏi, kể cả các nội dung "nhạy cảm" nhất. Một cách hài hước, anh nói phải cảm ơn sự kiện giàn khoan Trung Quốc. Nếu không, phim của anh có thể chẳng bao giờ được chiếu tại Việt Nam. Anh kể, Bộ ngoại giao đã đồng ý anh làm phim, còn cử cả cán bộ vào Quảng ngãi theo anh trong quá trình tác nghiệp. Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, nên chiếu rộng rãi trong cả nước. Sau sự cố "Văn Thánh", anh đã đề nghị Phó Bí thư thành ủy SG Nguyễn Văn Đua, rồi cả Bí thư Lê Thanh Hải can thiệp. Mọi việc vẫn tắc tị. Đành mang sang Âu châu chiếu phục vụ bà con Việt kiều và dân bản xứ. Khán giả xem phim, xót lòng, tự bảo nhau góp tiền giúp đỡ ngư dân khốn khó.

Andre cũng cho biết, chị Nguyễn Nguyên Bình, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, rất giỏi tiếng Trung, đã nhận sẽ giúp làm phụ đề bằng tiếng Trung cho phiên bản dành cho người Trung Quốc xem trên youtube. Anh hy vọng, người dân Trung Quốc xem phim, sẽ liên tưởng, nếu ngư dân Trung Quốc cũng bị cường quốc nào đó chèn ép, khủng bố như giặc Tàu hành xử với ngư dân Việt Nam.


Kết thúc tối chiếu phim và giao lưu, Andre xúc động cảm ơn, tặng hoa khán giả, chụp ảnh lưu niệm với mọi người, không quên nhắn nhủ: những ai thương cảm và có hảo tâm với bà con ngư dân khốn khó, mai mốt xin kính mời đến trụ sở báo Thanh Niên góp tiền ủng hộ.

Nguồn: FB Võ Văn Tạo.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi