samedi 29 décembre 2012

Nhớ Hoàng Vi

Trần Thị Ngọc Minh (Danlambao) - Thấm thoát cũng gần ba năm trôi qua, hàng ngày phải bận rộn lo toan cuộc sống và lo cho Hạnh trong tù, tôi không còn để ý nhiều đến những việc xung quanh. Hôm nay, nghe người nhà báo tin về việc các blogger Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do bị kết án nặng nề, rồi nghe chuyện những người đến theo dõi phiên xử bị đánh đập tàn nhẫn khiến tôi không khỏi đau lòng. Càng đau hơn khi nghe giọng nói đầy uất ức của Hoàng Vi kể lại những hành vị xúc phạm nhân phẩm hết sức thô bạo ngay trong trụ sở công an.
Nghe đến đây, những hình ảnh về ngày con gái tôi là Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt dần hiện lên rõ ràng. Tôi cố gắng gạt nước mắt để quên đi cái ngày định mệnh ấy, nhưng càng nghe những lời kể đầy uất ức của Hoàng Vi khiến tim tôi lại càng thêm nhói đau. Bao ký ức cứ chực chờ hiện về như mới xảy ra.

Sau khi Hạnh bị bắt, nhiều lần tôi nghĩ không biết những người bạn của con gái mình ra sao, có ai bị đánh đập như khi bắt Hạnh hay không? Rồi tôi lại nghĩ đến Hoàng Vi, một cô bé đặc biệt mà Hạnh từng dẫn đến gặp mẹ.

Vi là một người bạn gần gũi với Hạnh. Nghe kể, con gái tôi và Vi từng làm việc, hoạt động chung với nhau trong một thời gian dài qua những lần giúp đỡ dân oan, hỗ trợ công nhân...   
Sau nhiều năm không gặp, Vi đã trưởng thành hơn xưa rất nhiều, cô vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng của riêng mình và mong muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Từng là một người mẹ chứng kiến cảnh con mình phải vào tù vì lý tưởng, tôi vừa mừng vừa lo cho Vi.  
Nhớ lại, những ngày đầu tháng 10 năm 2004, khi ấy tôi bị bệnh tim rất nặng và phải nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn. Bạn bè của Hạnh đến thăm tôi rất nhiều, người nào cũng vui vẻ và dễ mến. Một buổi chiều sau giờ tan học, Hạnh dẫn một cô bạn đến thăm tôi và nói:

- Má, con đưa bạn đến chăm sóc má đây! 
Người bạn ấy chính là Hoàng Vi, một cô bé hiền lãnh và lễ phép. Những buổi chiều sau đó, hai cháu đều đặn đến chăm sóc cho tôi. Những ngày Hạnh đến muộn thì một mình Vi đến bệnh viện từ rất sớm để trò chuyện cùng tôi. Sau này hỏi ra mới biết, đó đều là những lúc Hạnh phải chạy đi lo công việc giúp đỡ dân oan và công nhân nên đến muộn, nhờ Vi đến chăm sóc thay.

Đến khi ra viện, hai mẹ con tôi có đến nhà Hoàng Vi thăm. Ba Vi mất sớm, mẹ cũng thường xuyên bệnh tật. Vi phải sớm nghỉ học để đi làm giúp đỡ gia đình và phụ giúp hai em gái đang đi học.
Sau khi Hạnh bị bắt, Vi ngỏ ý muốn đến thăm gia đình. Khi ấy, tôi vẫn còn quá kinh hoàng vì những gì CA đã đối xử với con gái mình nên đành thẳng thắn từ chối. Tôi không muốn bất cứ người bạn nào của Hạnh bị liên lụy, và không muốn bất cứ người mẹ nào phải chứng kiến cảnh con gái bị CA đánh đổ máu như những gì tôi đã trải qua.
Vi vẫn cố gắng liên lạc và nài nỉ đến thăm nhiều lần. Gia đình tôi khi ấy thì lại rối bời vì bao biến cố, công an đến nhà theo dõi, đe dọa thường xuyên, buộc lòng tôi phải yêu cầu mọi người trong nhà không được liên lạc với Vi.

Cũng trong thời gian này, được biết Bộ CA đã nhiều lần triệu tập, đe dọa và ép buộc Vi phải khai nhận theo chiều hướng bất lợi cho Hạnh. Hành động hèn hạ của CA đã bị Vi kiên quyết cự tuyệt, đồng thời cô thông báo đến gia đình tôi. Có lần ép buộc không được, Vi suýt nữa bị họ đánh.

Một thời gian sau, Vi vẫn kiên trì hỏi han, dò la bạn bè để mong tin Hạnh. Khi nghe tin Hạnh bị chuyển về giam giữ ở trại giam Bình Thuận, vào ngày Tết Trung Thu, Vi gửi bánh nhờ gia đình mang vào cho Hạnh. Rồi sau đó là những ngày tết, ngày sinh nhật, Hạnh đều nhận được quà từ Vi gửi đến.

Mỗi khi nhận được quà của bạn, Hạnh đều vui và cảm động. Giữa chốn lao tù, nhìn hình ảnh con gái miệng mỉm cười nhưng đôi mắt đỏ hoe khiến lòng tôi thêm nghẹn ngào. Hy vọng Vi thông cảm vì sự xa lánh của gia đình trong thời gian đó.
Có lẽ Hạnh sẽ rất vui khi biết được rằng, dù bản thân đang ở trong 'nhà tù nhỏ', nhưng ở 'nhà tù lớn' thì bạn bè vẫn tiếp tục can đảm đứng lên. Bản án 7 năm tù đối với Hạnh không làm Vi sợ hãi, mà trái lại càng làm cô mạnh mẽ hơn. Vi vốn hiền lành, ngoan ngoãn nhưng khi đối mặt với bạo quyền thì luôn tỏ ra kiên cường.
Trong một lần đi thăm Hạnh, nhìn cảnh con ngày càng tiều tụy vì đấu tranh chống bất công trong nhà tù, tôi thở dài nói với con: 'Một con én không thể làm nên mùa xuân'.

Nghe tôi nói vậy, Hạnh buồn lắm, nhưng vẫn nhẹ nhàng trả lời bằng một giọng cứng rắn:

- Má à, con mong được má hiểu. Con không thể ngồi yên khi nhìn họ muốn làm gì thì làm. Một con chim én không đem đến mùa xuân, nhưng nhiều con chim én khi bay đến cũng sẽ là lúc báo hiệu mùa xuân.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Hạnh. Là một người mẹ, đôi khi tôi cũng không nhận ra là con gái mình đã trưởng thành. Hạnh và Hoàng Vi đều là những con chim én báo hiệu cho mùa xuân của dân tộc, bên cạnh những tên tuổi như Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Huỳnh Thục Vy...

Giá như tất cả những thanh niên của đất nước đều được như vậy thì đó là sẽ là ngày xuân của đất nước, mở ra một tương lai đầy tươi sáng.

Con đường phía trước vẫn còn đầy gian nan và nguy hiểm, tôi luôn tin tưởng rằng Hoàng Vi không đơn độc, cũng giống như con gái tôi luôn được bạn bè quan tâm, hỗ trợ. 
Để kết thúc bài viết này, xin gửi đến Hoàng Vi và các bạn của cháu lời nhắn mà Hạnh nhờ tôi chuyển giúp: "Hạnh luôn nhớ các bạn. Hãy kiên trì và giữ vững niềm tin!"



Trần Thị Ngọc Minh
danlambaovn.blogspot.com

* Tác giả bài viết, bác Trần Thị Ngọc Minh là mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh - người đấu tranh bảo vệ quyền lợi công nhân hiện đang bị giam với bản án 7 năm tù giam.

Bác Ngọc Minh từng là cán bộ Hội Chữ Thập Đỏ tại Lâm Đồng. Từ nhỏ, Hạnh thường theo mẹ tham gia các công tác nhân đạo, từ thiện. Vì vậy mà cô sớm thể hiện sự quan tâm đến những mảnh đời trong xã hội.

Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt vào tháng 2 năm 2010. Sau khi con gái bị bắt, bác Ngọc Minh đã nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian đi kêu cứu cho con gái.

Sau rất nhiều nỗ lực không mệt mỏi, vào tháng 10 năm 2012, bác Ngọc Minh đã vận động và nhờ tổ chức Freedom Now tư vấn để khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về việc bắt giữ tùy tiện đối với cô Đỗ Thị Minh Hạnh và hai người bạn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương.

Trong ảnh là nhạc sĩ Tuấn Khanh và bác Ngọc Minh (mẹ Hạnh). Ảnh Facebook Tuấn Khanh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi