HÃY HIÊN NGANG KHI BẠN BỊ NGƯỜI TA HIỂU LẦM


Chắc nhiều lần bạn đã buồn chán vì bị hiểu lầm. Bạn sống một cách đàng hoàng. Bạn đã đem hết sức lực ra làm việc. Thế mà bạn bị đánh giá một cách quá đau thương. Người ta chê bạn, ngờ vực bạn, cho bạn đã làm điều này, việc kia.

Bạn hiên ngang. Bạn không thèm phản kháng. Bạn không muốn cải chính. Nhưng tôi chắc lòng bạn cũng đã tái tê. Và bạn đã khóc một mình, có phải không bạn? Ôi! Khó biết lòng người thật! Bên ngoài, bạn bình tĩnh, nhưng bên trong, bạn rối rắm. Trước một người khác, bạn lạnh lùng và cứng cát, nhưng khi một mình thì bạn lại buồn tủi và thầm khóc.


Nhưng dù thế nào đi nữa, xin bạn hãy cứ luôn hiên ngang khi bị người ta hiểu lầm. Và để kính phục bạn, tôi dâng tặng bạn hai vở kịch gồm hai màn sau đây. Bi kịch thứ nhất mang tên là “Viên sĩ quan lạnh lùng” và nhan đề của bi kịch thứ hai, là “Đứa bé định giết người”.


MÀN THỨ NHẤT


Bi kịch thứ nhất bắt đầu.

Hôm đó, tướng chỉ huy trưởng thết tiệc toàn thể sĩ quan trong thành phố.

Trong khi mọi người đang khai vị vui vẻ thì họ liền sửng sốt vì một tin bất ngờ. Họ đứng dậy, lật ngược túi quần ra để chứng minh rằng họ không dấu một cái gì ở trong đó. Chỉ có một viên sĩ quan lạnh lùng ngồi yên. Chàng bình tĩnh nói:  “Thưa Ngài Đại Tướng, tôi không có dấu chiếc đồng hồ vàng của Ngài trong túi tôi”.

Vị tướng tỏ vẻ buồn bực.

Chiếc đồng hồ vàng rất đẹp ông mới để trên bàn, bỗng nhiên không cánh bay mất. Ông thấy mọi người đều đứng dậy và lật túi ra, chỉ trừ viên sĩ quan này. Ông hồ nghi cho chàng ta. Mọi người trong bữa tiệc cũng hồ nghi như vậy.

Buổi tiệc được tiếp tục trong thinh lặng.

Ăn xong, ai cũng vội vã ra về để kể cho vợ con và người hàng xóm nghe sự gian dối đáng khinh của viên sĩ quan.


Màn thứ nhất của bi kịch này kéo xuống, và đây là bi kịch thứ hai bắt đầu màn thứ nhất.


Em Joe Copper, mười tuổi, đang lạnh lùng đứng trước toà án.

Em bị cáo là định giết người. Người em định giết đây, là cô giáo của em. Em đã cả gan đem một cây súng của thợ săn đến dọa giết cô giáo. Em chưa bắn thì cô giáo nầy đã la lên cấp cứu và ngã lăn xuống đất, bất tỉnh.

Joe Copper bị bắt. Dân trong thành lên án em rất gắt. Và trong buổi xử án, họ đồng thanh yêu cầu tòa xử em thật nặng. Tuy không bắt em phải chịu án tử hình, hoặc bị tù chung thân, song họ muốn em phải ở rất lâu trong trại cải huấn. Họ lại tức tối hết sức khi thấy tên sát nhân nhỏ bé kia vẫn cứ lạnh lùng đứng yên trước  toà án, không chịu thốt ra một lời nào cả.

Em Joe Copper bị (đày) vào trại cải huấn với một thời gian vô định.

Màn thứ nhất của bi kịch thứ hai hạ xuống.


 MÀN THỨ HAI 



Bi kịch thứ nhất kéo lên màn thứ hai.

Chiều ngày dự tiệc, bạn thấy vị tướng lật đật gọi điện thoại mời chàng sĩ quan kia đến.

- “Tôi tìm anh. – ông cảm động nói – Tôi đã tìm được chiếc đồng hồ vàng của tôi rồi. Nó bị lấp dưới khăn bàn. Tôi thật tình xin lỗi anh vì tôi đã hồ nghi anh. Bây giờ tôi hiểu anh rồi. Xin anh vui lòng cho tôi biết tại sao anh không lật ngược túi quần của anh ra trong buổi tiệc như các người khác”.

Bị gọi bất thường, chàng sĩ quan đinh ninh sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên, chàng cũng quyết không chịu sửa lỗi của mình. Nhưng khi nghe viên chỉ huy nói sự thật và muốn biết bí mật của chàng thì chàng trả lời một cách đơn sơ:

- “Thưa ngài, tôi đoán là trưa đó, tôi sẽ không được ngài mời dự tiệc vì cấp bậc của tôi quá thấp, nên tôi đã để sẵn trong bọc tôi một miếng bánh mì và một chút bánh sữa để dùng trưa”.

- “Thế à! Sao anh lại hà tiện tiền đến thế? Tiền lương của anh không đủ để cho anh đi ăn quán sao?...”

- “Thưa ngài, tôi không hà tiện!”

- “Thế anh phải trả nợ sao? Nhưng dù thế nào đi nữa, anh cũng hãy nói cho tôi biết đi”.

- “Thưa ngài, tôi có một mẹ già đang đau nặng. Nếu bà không được tôi giúp đỡ thì bà phải khốn khổ lắm. Nhưng tiền lương tôi đâu có nhiều! Tôi lại phải nuôi vợ và con. Vì thế, tôi đã định ba ngày trong một tuần, tôi chỉ ăn một chút bánh mì và bánh sữa, và tiền cơm trong ba ngày đó, tôi gởi về cho mẹ già tôi”.

Màn thứ hai của bi kịch thứ nhất từ từ hạ xuống trước sự ngỡ ngàng đầy kính phục của vị tướng đã tưởng mình mất chiếc đồng hồ vàng quý hóa kia.


Và đây thưa bạn, bi kịch “Đứa bé định giết người” đang diễn màn thứ hai.


Bạn thấy em Joe Copper thơ thẩn một mình trong trại cải huấn. Mặt em hốc hác.

Em biếng ăn, biếng chơi. Ai hỏi gì, em cũng không nói. Mọi người đều lấy làm lạ vì thái độ lì lợm và kín đáo của em.

Một ký giả liền tình nguyện vào tù ở với em để tìm cách biết tâm sự của em.

Sau một thời gian rất lâu, chàng mới lấy được lòng của Joe Copper và biết rõ sự thật.

Sự thật đó thế nào?

Số là hôm đó, cô giáo bắt cả lớp phải ở lại.

Joe Copper ngoan ngoãn vâng lời ở lại, song cậu không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến con chó nhỏ Tippie. Hằng ngày, con Tippie đợi cậu nơi cửa lớp, rồi tung tăng vui vẻ cùng cậu chạy về nhà.

Bỗng có tiếng lẹt kẹt ở cửa lớp. Rồi cửa lớp bùng ra. Con Tippie xông vào phía cậu Joe Copper và nhảy nhót vui vẻ xung quanh cậu.

Cô giáo tức giận vì thấy một con chó con nhớp nhúa chạy vào trong lớp. Cô kéo nó vào nhốt trong tủ. Cô dọa Joe Copper: “Con chó này không có mang thẻ. Ta giam nó lại. Mai, nó sẽ chết.”

Cô giáo tha phạt học sinh. Các em sung sướng ùa nhau ra về.

Joe Copper cũng ra về, nhưng mặt cậu buồn thảm và lòng cậu tái tê. Tippie của cậu chết đi thì cậu biết chơi với ai! Nhà cậu nghèo quá! Cậu năn nỉ mẹ cho vài đồng để mua một tấm thẻ mang cho Tippie. Mẹ cậu lắc đầu. Bà thương con lắm, nhưng bà bó tay vì bà có chín đứa con phải nuôi, và tiền công của bà hằng ngày quá ít ỏi.

Túng quá, Joe Copper đâm liều. Cậu đi tìm kiếm một cây súng để đi doạ cô giáo...

Cô giáo nhát gan la lớn tiếng, rồi ngã xuống bất tỉnh khi thấy Joe Copper mang súng đến lớp, nhưng Joe Copper chỉ lo mở tủ, vất súng lại, rồi cùng với Tippie chạy trốn...

Bài tường thuật của ký giả nầy được đăng lên mặt báo.

Cả nước Mỹ xúc động. Dân vùng Monroe là nơi sinh quán của cậu Joe Copper, liền xôn xao. Họ không còn lên án cậu nữa. Giờ đây, họ cảm phục cậu là một thiếu niên cao thượng và can đảm. Họ thương con chó Tippie. Họ liền gom góp một số tiền. Họ dâng cho cậu và Tippie. Nhờ vậy, Joe Copper được tiếp tục học lên, và chó Tippie được luôn theo cậu. Và từ đó, ai cũng muốn kết bạn với Joe Copper và Tippie.

Thưa bạn, bi kịch “Đứa bé định giết người” chấm dứt.

Bạn đã cảm phục sự hiên ngang của viên sĩ quan và cậu Joe Copper.

Bạn hãy cao thượng!

Ai hiểu lầm bạn, bạn hãy cho họ cũng có lý, vì ít nữa là có những dấu bên ngoài làm người ta rất dễ nhận định sai lầm. Nhưng bạn hãy hiên ngang! Không thèm cải chính, trừ ra trường hợp phải phá tan sự hiểu lầm để giúp ích lợi chung.

(Nguồn: Email)