jeudi 28 février 2013

Sửa đổi Hiến pháp 1992 – trò diễn kịch hợm hĩnh cuối cùng?

000_Hkg8239639-305.jpg
Băng rôn tuyên truyền Ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội hôm 03/2/2013
AFP photo
Bỏ điều 4 Hiến pháp hay không bỏ điều 4? Câu hỏi này được xem là nổi cộm nhất trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 này, ngoài ra, những vấn đề về luật đất đai, vấn đề dân chủ cũng được đặt ra. Nhưng, suy cho cùng thì cốt lõi của sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vẫn nằm trong điều 4.
Cục diện đất nước, vị thế chính trị quốc gia và đường hướng kinh tế của nhiều năm sau cũng nằm trong quyết định thay đổi hay không thay đổi điều 4.
Thử đặt giả thiết nếu thay đổi điều 4? Trong trường hợp này, các vấn đề về dân chủ, sở hữu đất đai sẽ không cần nhắc đến nữa. Vì một chính thể đa đảng sẽ không còn yêu cầu về tính độc tài, độc quyền và nhân danh một thứ sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý nào để thao túng quyền lực và tài sản của nhân dân.
Mọi sự liên quan đến sở hữu quốc gia sẽ được minh bạch, công khai trong chế độ dân chủ đa nguyên, những gì liên quan đến tài sản quốc gia và quyền lợi đất nước sẽ được giám sát bởi các đảng phái đối lập và cả đảng cầm quyền.
Và, một khi không còn tính sở hữu toàn dân, thì sẽ dẫn đến kết quả toàn dân được sở hữu, được xác lập quyền sở hữu căn bản về đất đai cũng như những gì có liên quan đến nó. Vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng sẽ phát triển trong chế độ không còn độc đảng, độc tài.
Trong trường hợp ngược lại, điều 4 Hiến pháp không thay đổi hoặc có thay đổi về mặt hình thức nhưng nội dung vẫn như cũ? Đây sẽ là một cú sốc tiếp theo của lịch sử Việt Nam.
Vấn đề nhân quyền, dân chủ sẽ còn bị che lấp bởi chế độ Cộng sản độc tài, tự do ngôn luận hay sở hữu đất đai chỉ là những chân trời viễn mộng, không bao giờ với tới được.
Vì để đảm bảo cho sức mạnh độc tài, đảng cầm quyền sẽ không đời nào trả quyền sở hữu đất đai hoặc mở rộng dân chủ, nhân quyền cũng như tự do ngôn luận cho nhân dân.
Không cần lý luận nhiều, vì nếu họ đủ bản lĩnh và niềm tin để làm điều này thì họ đã chấp nhận dân chủ, đa nguyên từ lâu lắm rồi.
Một khi trả quyền sở hữu đất đai về tay nhân dân, nhà nước Cộng sản sẽ gặp vô vàn khó khăn trong vấn đề đền bù, giải tỏa đất đai vì đây vốn là điểm cực nhạy của chế độ, đồng thời cũng là khoảng trống dễ kiếm tiền nhất, dễ tham nhũng nhất và dễ cướp cạn nhất mà đảng đã dùng với nhân dân mấy mươi năm nay.
Mọi việc chỉ cần nói “nhân danh toàn thể nhân dân” là xem như xong, nhân dân phải ngậm bồ hòn dù biết mình đang bị đối xử bất công.
Và, một khi để nhân quyền, dân chủ cũng như tự do ngôn luận được phát triển, lúc đó sự sợ hãi trong nhân dân sẽ giảm đi, thậm chí được triệt tiêu, tinh thần phản tư, đặt ngược vấn đề về tính chính danh, tính ổn định hay “trung tâm” sẽ được nêu thành câu hỏi.
000_Hkg6879719-200.jpg
Một cửa hàng ở Hà Nội bày bán tranh ảnh Mác - Lê Nin. AFP photo
Hơn bao giờ hết, mọi vết nhơ của đảng cầm quyền sẽ dễ dàng phơi ra ánh sáng công luận trong một đất nước có tự do ngôn luận. Chính vì thế, tất cả những trò diễn kịch như: Chọn thời gian trưng cầu dân ý đúng vào ngay dịp Tết Nguyên Đán để nhân dân không có thời gian theo dõi hay tham gia; Thay vì cơ quan lập pháp soạn thảo dự thảo sửa đồi Hiến pháp thì lại giao công việc này cho Ban Tuyên giáo và Ban lý luận trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận, Quốc Hội, Chủ tịch Quốc Hội và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chỉ đóng vai trò con bù nhìn không hơn không kém vì mọi điều khoản được soạn thảo và dự tính công bố đều không phải do cơ quan này thực hiện.
Dường như vai trò then chốt trong lần sửa đổi này lại rơi vào tay Ban lý luận Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Mà ban này được Trung ương đảng Cộng sản sắm ra chỉ để cho một mục đích duy nhất là lý luận và chứng minh chủ nghĩa Cộng sản là đúng, hoàn hảo và duy nhất đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước là một “tất yếu lịch sử”.
Đó là chưa nói đến thành phần nhân dân, cử tri đóng góp sửa đổi gồm những ai? Các ông bà đảng viên hưu trí, những cựu đảng viên khét tiếng bôn-sê-vic trong quá trình công tác phục vụ đảng và những người “được chọn lọc” để tham gia góp ý.
Trên thực tế, nói là tham gia gióp ý nhưng theo dõi trên các trên các kênh truyền hình trong nước thì cái gọi là “cử tri tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp” này là một đội ngũ tuyên truyền viên Cộng sản trá hình.
Mọi lần “góp ý” phát trên truyền hình trung ương và địa phương đều không thấy góp ý gì ngoài việc các ông, các bà đứng lên ra rả khen chế độ Cộng sản là ưu việt và tuyên bố hùng hồn rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân là một tất yếu lịch sử!”.
Tất cả những dấu hiệu trên đều cho ra một đáp án duy nhất: Nhà nước Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục diễn kịch (dù rất lố bịch!) về tính dân chủ trong sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhưng trên thực tế là để tuyên truyền, duy trì quyền độc tài, độc đảng thông qua điều 4 (trá hình bằng thứ hình thức khác).
Vì sao họ lại làm như thế? Vì trên thực tế, chưa bao giờ chủ nghĩa Cộng sản lại rơi vào bế tắc như hiện nay, đặc biệt là trong tình thế mà chế độ độc tài đã lộ rõ chân tướng của một con quái thú khác xa bản chất loài người tiến bộ.
Nếu lựa chọn một cách công tâm, chẳng ai đủ ngu ngốc để chọn thể chế Cộng sản lãnh đạo đất nước, và kinh tởm hơn là Cộng sản độc tài.
Trong trường hợp này, giả sử có một sân chơi chính trị tiến bộ, sòng phẵng, chắc chắn đảng Cộng sản không có cơ hội tồn tài trên mọi nghĩa trong thế giới tiến bộ này.
Chính vì thế, chỉ còn một cách lựa chọn duy nhất cho họ là phải độc tài, độc đảng bằng mọi giá. Và, muốn độc tài thì phải duy trì điều 4 Hiến pháp bằng mọi cách, chỉ có như thế mới có cơ hội bóp chặt tự do, dân chủ, nhân quyền cũng như cắt đứt tự do ngôn luận, cắt đứt những phản ánh có tính truyền thông về sự sai trái, tội ác và khủng hoảng của Cộng sản.
Nhưng, làm như thế liệu có đảm bảo được quyền lực của họ hay không? Xin thưa là dù có bỏ thêm vào sau điều 4 một điều 5, 6 hoặc điều N nào đó để nâng cao, thít chặt sự độc tài, độc đảng của chế độ Cộng sản trên đất nước Việt Nam, cục diện lịch sử vẫn không thay đổi, vì lịch sử có qui luật riêng của nó, nó được xây dựng và hình thành bởi một dân tộc chứ không bởi một phe nhóm nhỏ lẻ nào.
Trên tinh thần này, hơn ba triệu đảng viên Cộng sản (gồm cả những đảng viên cấp tiến) có làm cách gì để duy trì “con thuyền độc tài” cũng khó mà lường được sóng gió từ “thủy triều nhân dân” với dân số xấp xỉ 90 triệu người.
Cộng sản càng cố gắng duy trì độc tài càng cho thấy rõ hơn rằng khả năng tồn tại một cách bình thường của họ rất kém, nếu không nói là không có. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghe ra còn mang thêm một dự cảm thay đổi lịch sử nào đó đang âm ỉ, khó lường!

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Thanh Hóa góp ý sửa đổi Hiến pháp

VRNs (28.02.2013) – Thanh Hóa – “Điều 4: Đảng phái chính trị: 1. Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng. 2. Pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng phái chính trị. Vì nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền. Vì tập thể, cá nhân nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ” là một trong những góp ý đề nghị sửa đổi cụ thể của mục sư Nguyễn Trung Tôn ở thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
VRNs xin chuyển ý kiến này đến quý độc giả để tham khảo.
——–

THƯ GÓP Ý VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Kính thưa ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cùng toàn thể ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp (UBDTSĐHP) năm 1992.
Tôi là mục sư Nguyễn Trung Tôn, sinh năm 1971.
Địa chỉ: Thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Theo tinh thần tiếp thu Nghị quyết của Quốc hội về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, tôi xin kính gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp một số góp ý sau đây để góp phần xây dựng một hiến pháp mới, cho nhân dân ta có một hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Kính thưa quý vị,
Một quốc gia có thể ổn định và phát triển bền vững thì trước hết là nhờ vào sự nhất trí đồng lòng của tất cả mọi thành phân trong xã hội, thông qua những quy định từ hiến pháp của quốc gia đó, làm nền tảng cho mọi sự hoạt động, chi phối mọi mối quan hệ, là chuẩn mưc trong công tác đối nội và đối ngoại. Bởi lý do trên nên bản hiến pháp đó phải thể hiện rõ ràng sự tôn trọng Đấng Tạo Hóa là Đấng đã ban cho con người những quyền bất khả xâm phạm.
Ngay trong bản hiến pháp Hoa Kỳ được soan thảo ngày 17 tháng 9 năm 1787, cũng là bản hiến pháp đầu tiên của thế giới và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp được đưa ra cách đây hơn 200 năm. Sau này dựa trên tinh thần của hai văn bản Bản trên, bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyên năm 1948 đã quy định ngay tại điều 1 và 2 rằng:
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, cả lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản tuyên ngôn này
Không phân biết đối xử vì bất cử lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ cộng Hòa ngày 2-9-1945, ngay lời nói đầu cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời hai bản văn quan trọng nói trên khi nói “mọi người sinh ra Tạo Hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm, trong đó có quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Một hiến pháp thực sự muốn đảm bảo quyền lợi thưc sự của người dân, như vậy thì trước hết trong hiến pháp của quốc gia đó phải biết tôn trọng quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa. Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về  nhân dân thì được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội.
Kính thưa quý vị, tội nhận được tin quốc hội có chủ trương tham khảo ý của toàn dân cho bản dự thảo hiến pháp từ lâu nhưng cho mãi tới ngày 24-2-2013, thôn Yên Cổ nơi tôi sinh sống mới tổ chức họp thôn “lấy ý kiến bà con”. Trong buổi họp nội dung này với thời gian chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ, thực sự không đủ thời gian để ông bí thư chi bộ đọc hết bản tóm tắt chứ chưa nói gì tới đọc toàn văn bản dự thảo, vả lại với thời gian ít ỏi như vậy cùng với khả năng trình độ của bà con nông dân thì nhớ được số chương, số điều thôi đã là khó chứ chưa nói gì tới góp ý. Tôi thật không hiểu ủy ban sửa đổi hiến pháp có thật lòng muốn nghe góp ý của toàn dân thật hay chỉ là hình thức? Nhưng dù là thế nào đi nữa thì đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi có cơ hội được tham gia góp ý vào một văn bản quan trọng của quốc gia có liên quan trực tiếp tới các quyền căn bản của con người. Nên tôi không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này, mặc dù có thể những ý kiến của tôi chưa hẳn đã được nhìn nhận tiếp thu của UBDTSDHP 1992, nhưng tôi cũng cố gắng để có thể tham gia một vài ý kiến. Tôi đã gặp bí thư chi bộ để mượn bản toàn văn nội dung của BDTHP 1992 để photo và tham khảo. Được biết tôi chỉ có thời gian 5 ngày để đọc, suy ngẫm và góp ý nên tôi chỉ có thể có vài ý kiên sau:
Chương 1 Chế Độ Chính Trị:
Về điều 4.
(Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.)
Tôi kính mong BDTSDHP hãy thay đổi điều này thành :
Điều 4: Đảng phái chính trị
1. Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng.
2. Pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng phái chính trị.
Vì nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền. Vì tập thể, cá nhân nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ.
Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng Sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân, để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận.
Điều 13:
(Điều 13 (ghép và giữ nguyên các điều 141, 142, 143, sửa đổi, bổ sung Điều 145)
1. Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.
4. Ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
Điều 14 (giữ nguyên Điều 144)
Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội)
Nên lấy tên quốc gia là: (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) như vốn có từ năm 1945.
Để đảm bảo đúng với ý nghĩa của một nhà nước dân chủ đa nguyên, như lúc mới khai sinh, vì đây là mục đích ban đầu của toàn dân khi họ tham gia cùng các đảng phái chí trị để giành lại chủ quyền quốc gia.
Chương 2: Quyền con người.
Một mục đích của việc thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền đương nhiên của con người. Dự thảo đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến pháp hiện hành, là một tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp và thực sự đảm bảo quyền con người như công ước quốc tế và thực sự đã tạo điều kiện cho các văn bản luật nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân”(Điều 16) khi đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”.
Tôi đề nghị bỏ cụm từ này trong hiến pháp.
Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70) 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Về điều này tôi xin trích tuyên ngôn quốc tế nhân quyên năm 1948:
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Tôi đề nghị bỏ phần: “hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.” Vì Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều bị trừng trị nên Không cần thiết thêm phần này vào trong hiên pháp vì như vậy là tạo điều kiện để luật giới hạn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Chương 4.
Bảo Vệ Tổ Quốc:
Điều 70.
(Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45)
Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.)
Về lực lượng vũ trang
Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Tôi đề nghị bỏ quy định: “lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Sau cùng tôi đề nghị Hiến pháp phải đảm bảo quyền phúc quyết của toàn dân, vì vậy việc lấy ý kiến của nhân dân không nên chỉ mang tính hình thức như hiện tại mà tôi đã nói ở trên để mọi người thấy được giá trị thật của quyền xây dựng và nghĩa vụ thực thi hiến pháp.
Xin chân thành cám ơn!
Thanh Hóa ngày 26-2-2013
Mục sư Nguyễn Trung Tôn

Tâm tình của ký giả Trương Minh Đức gởi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên

Hiệu ứng từ Nguyễn Đắc Kiên và Nguyễn Phú Trọng
Ký giả Trương Minh Đức (Danlambao) - ...Tôi là một người viết báo nên cũng có những chia sẻ với anh Nguyễn Đắc Kiên, khi nghe anh bị đuổi việc chỉ vì có đôi lời trên bức thư phản biện đến ông TBT Trọng, đồng thời tôi cũng trân trọng cảm phục lòng dũng cảm của anh dám nói lên “ý thức công dân” của mình trong số đông đảo các nhà báo còn đang làm việc trong chế độ hiện nay...

*

Trong mấy ngày qua trên các trang mạng điện tử trong nước và Quốc Tế xôn xao việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (báo Gia Đình & Xã Hội) và ông Nguyễn Phú Trọng (TBT đảng CSVN). Sự kiện đã gây tiếng vang lớn, cho thấy đâu là người Chánh, kẻ Tà giữa một nhà báo bình thường trong số hành chục ngàn nhà báo với một người đứng đầu đảng CSVN. 

Ông Nguyễn Phú Trọng tự cho mình là người có quyền phán xét Nhân Dân là “suy thoái tư tưởng, đạo đức...”, một người đứng đầu đảng CSVN có những lời thóa mạ quá thấp kém.

Trong khi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, một công dân bình thường đã can đảm phản bác những điều mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã xúc phạm đến, trong số này có những công dân bậc cao niên đáng tuổi Cha, Chú trong nhóm 72 nhân sĩ trí thức kiến nghị bảng góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992. Thậm chí ông Trọng còn dám hàm hồ, lớn lối coi thường ý kiến của đa số nhân Dân Việt Nam.
Tôi là một người viết báo nên cũng có những chia sẻ với anh Nguyễn Đắc Kiên, khi nghe anh bị đuổi việc chỉ vì có đôi lời trên bức thư phản biện đến ông TBT Trọng, đồng thời tôi cũng trân trọng cảm phục lòng dũng cảm của anh dám nói lên “ý thức công dân” của mình trong số đông đảo các nhà báo còn đang làm việc trong chế độ hiện nay.

Ký giả Trương Minh Đức, người từng có nhiều bài viết chống tham nhũng bị nhà cầm quyền CSVN tuyên án 5 năm tù vì tội danh "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước".
Tôi vẫn biết nhiều nhà báo cũng muốn làm những gì mà hiện nay anh đang làm, nhưng trong hoàn cảnh điều kiện hiện nay dưới một chế độ độc tài của CSVN đã làm thui chột ý chí của người cầm bút, vì đã là một nhà báo thì ai cũng ít nhiều phải biết đâu là đúng-sai khi mình đặt bút viết những điều tai nghe mắt thấy, những diễn biến của xã hội, ngoại trừ những bồi bút vì bã danh lợi hay hoàn cảnh cơm áo gạo tiền… phải cam lòng bẻ cong ngòi viết.

Hiện nay hơn 700 cơ quan báo chí trong nước đều dưới sự chỉ đạo của ban tư tưởng văn hoá TW, khi bài báo được phép đăng phải qua nhiều khâu kiểm duyệt từ văn phòng đại diện địa phương, trưởng ban đại diện khu vực, khâu sửa bài rồi qua tay tổng biên tập… Nhiều phóng viên than thở, nếu “vượt rào” thì sẽ bị rút thẻ vì vậy đa số những người cầm bút cho ĐCSVN đành phải cúi đầu phục vụ cho một chế độ mà trong lòng họ không muốn.

Trường hợp anh Nguyễn Đắc Kiên sự bùng phát bởi sự đè nén bấy lâu nay trong giới báo chí lề đảng, anh đã giải tỏa những gì mà những nhà báo khác đang muốn làm khi chữ HÈN còn quá lớn đang vây hãm. Nhưng với tình hình hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin thì điều kiện những Nhà Báo có tâm với đất nước, việc đưa tin ẩn danh hoặc chính thức trên các trang mạng, blogger là điều không khó.

Tôi tin tưởng rằng với khoảng 80% các phóng viên của báo lề đảng đều than phiền và không hài lòng khi tiếp xúc với cơ quan công quyền hiện nay.

Hãy cố vượt qua nỗi sợ hãi bằng nhiều cách đưa tin tức về hiện tình đất Nước nói lên những điều muốn nói như trường hợp anh Nguyễn Đắc Kiên để sớm đưa đất nước Việt Nam ra khỏi vòng cai trị của một nhóm người tự cho mình có cái quyền “đảng CS lãnh đạo duy nhất”.

Sau bức thư của anh Nguyễn Đắc Kiên gởi cho TBT Nguyễn phú Trọng cho thấy sự thật là những người lãnh đạo độc tài đương quyền CSVN hiện nay với chiêu bài góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992đánh lừa Dân tộc Việt Nam, đánh lừa dư luận Quốc Tế bằng cách hợp pháp hóa với cụm từ xảo ngôn “sự đồng thuận của nhân dân”, một trò tự biên tự diễn quá quen thuộc của những kẻ độc tài.

Tiếng nói của anh Nguyễn Đắc Kiên đã và đang được đồng Bào khắp nơi quan tâm giúp đỡ bảo vệ, các kênh truyền thông quốc tế đánh giá cao giá trị của những người viết báo vì lương tâm vì Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam. Tôi mong rằng những nhà Báo còn do dự hãy mạnh dạn mà dùng ngòi bút của mình đóng góp cho thời khắc lịch sử để đưa đất nước Việt Nam đến con đường Dân Chủ thực sự.
Ký giả Trương Minh Đức (Cựu CTV báo Tiền Phong)

12 NGÀY TRONG 'THẾ GIỚI TÂM THẦN' - PHẦN CUỐI

Hà Nội, 27/2/2013
Lê Anh Hùng

Phần cuối

Trưa hôm sau ngày tôi bị bắt, mẹ tôi vào thăm tôi. Mẹ tôi cho biết là cán bộ trung tâm yêu cầu bà viết giấy không cho ai khác ngoài bà được vào thăm tôi; bà phải viết thế thì họ mới cho vào gặp con. Tôi tiếp tục thuyết phục mẹ về việc làm của mình, và trách bà sao lại ký đơn đưa tôi vào đây, nhưng bà chối là bà không làm chuyện đó. Mặc dù mẹ tôi nói vậy nhưng tôi vẫn không thật sự tin lời bà. Khoảng 12h20, tôi lấy điện thoại của mẹ gọi điện ra cho một bác ở công ty, xin gặp hai đứa em mà mình tin cẩn ở đó là Từ Anh Tú và Đỗ Văn Ngọc. Hoá ra, chúng đã biết nơi tôi bị nhốt vì ngay buổi chiều hôm đó người ta đã chuyển cho công ty quyết định của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Chúng cho tôi hay là tin tôi bị bắt đã tràn lan trên mạng. Tôi bảo hai đứa là mẹ tôi đang ở đây và bà nói là bà không ký vào đơn cho tôi vào đây, mà ngay cả khi bà có ký đi nữa thì đó cũng là một quyết định tuỳ tiện, trái pháp luật. (Chính vì Tú loan báo như thế nên ban đầu trên mạng có thông tin là mẹ tôi không ký vào đơn.) Tôi bảo Tú nói chuyện với mẹ tôi để động viên bà.
Độ 5 phút sau, điện thoại của mẹ tôi đổ chuông. Thì ra là chị Bùi Thị Minh Hằng. Chị cho mẹ tôi biết là một tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vụ việc của tôi. Chị hỏi địa chỉ nhà mẹ tôi và đề nghị gặp bà. Tôi nghe những gì chị nói qua điện thoại mà vui mừng khôn xiết, trào cả nước mắt. Tôi không cầm máy nói chuyện trực tiếp với chị Minh Hằng phần vì đang quá xúc động, phần vì không muốn sự kiện tôi bị cách ly khỏi xã hội bớt đi ít nhiều kịch tính một khi tôi có thể liên lạc điện thoại ra ngoài.
Tôi nói với mẹ: “Đấy, mẹ thấy chưa? Chuyện con bị bắt đã tràn lan trên mạng. Một tổ chức quốc tế đã lên tiếng, nhiều người ủng hộ. Người ta không thể ủng hộ một kẻ bị tâm thần được!” Mẹ tôi có vẻ bắt đầu tin tôi.
Mẹ tôi vừa dứt cuộc nói chuyện điện thoại với chị Minh Hằng độ 1 phút thì 2 nhân viên trung tâm chạy vào. Họ phàn nàn chuyện mẹ tôi trước đó bảo không mang điện thoại theo mà rồi lại điện thoại, đồng thời bảo mẹ tôi là đã hết giờ thăm bệnh nhân. Như vậy, nếu lúc đó tôi có nói chuyện với chị Minh Hằng thì chắc cũng chỉ nói được vài câu là bị phá ngang.
Từ ngày thứ hai ở trung tâm, các nhân viên bắt đầu quan tâm đến tôi một cách đặc biệt. Họ mua sắm cho tôi gần như đầy đủ mọi thứ: 1 áo phao, 1 quần dài, 1 áo sơ mi, 2 quần lót, 2 đôi tất, 1 chậu rửa mặt, kem và bàn chải đánh răng, chăn, màn. Những bệnh nhân khác có mà nằm mơ cũng chẳng được một phần như thế, vào những nơi như thế này gia đình họ thậm chí còn phải chạy chọt chứ chẳng phải tự dưng mà được “vinh hạnh” như tôi.
Chiều 26/1, PGĐ Trung tâm Lê Công Vinh vào nói chuyện với tôi. Hoá ra, anh ta là đồng môn với tôi ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Anh ta cho biết là trước kia anh ta chẳng biết gì về câu chuyện của tôi; sau khi tôi vào trung tâm, anh ta tìm hiểu trên mạng thì mới biết. Anh ta mong tôi chia sẻ và thông cảm: “Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành”; “Ai sai người ấy chịu”; “Chúng tôi cũng không muốn anh ở đây làm gì”…
Sáng 27/1, một nhân viên hộ lý cho tôi biết: “Sáng hôm kia có một đoàn khoảng 2 chục người, đi trên mấy chiếc ô tô đến trước cổng trung tâm đòi thả cháu. Họ chất vấn lãnh đạo trung tâm, rồi quay phim, chụp ảnh trung tâm. Cháu yên tâm đi. Thế nào cháu cũng được cứu khỏi đây thôi!” Tôi quá đỗi vui mừng! (Thỉnh thoảng cũng có người này người nọ cho tôi biết những thông tin bên ngoài, chẳng hạn như việc lãnh đạo trung tâm cấm CBCNV tiếp xúc với tôi, chuyện họ dự định mời bác sỹ đến “giám định” cho tôi…)
Trưa 28/1, mẹ và em trai tôi vào thăm. Mẹ tôi cho biết là đã gặp chị Minh Hằng và nhiều người nữa. Bà cũng đã trả lời phỏng vấn một đài nước ngoài. Tôi dặn mẹ: “Không được thoả hiệp với công an. Nếu họ kết luận con bị bệnh, bắt con uống thuốc thì con sẽ tuyệt thực.” Bà nói nhỏ vào tai tôi: “Thế thì đừng có uống.” Mẹ chuyển cho tôi gói quà mà chị Minh Hằng gửi.
Một bác bảo vệ “phàn nàn” với tôi: “Cậu vào đây làm chúng tôi thêm khổ. Trước kia thỉnh thoảng còn tranh thủ chạy về nhà được chứ từ khi cậu vào đến giờ chúng tôi phải túc trực thường xuyên. Đi đâu cũng thấy mọi người bàn tán về Lê Anh Hùng cả.”
Chiều 31/1, PGĐ Lê Công Vinh vào thông báo với tôi là mẹ tôi đang làm thủ tục để đưa tôi về. Độ một vài hôm nữa là tôi sẽ được về nhà thôi.
Sáng thứ Bảy, 2/2, mẹ tôi lại vào thăm tôi. Bà cho biết là đang làm thủ tục để đưa tôi về, lẽ ra đã xong khâu giấy tờ nhưng một trong số những người chịu trách nhiệm giải quyết đơn lại nghỉ vì nhà có đám tang, hẹn chiều thứ Hai, 4/5, mới giải quyết. Nếu sớm thì ngày 5/2 tôi sẽ về nhà, muộn thì một vài hôm sau. GĐ Đỗ Tiến Vượng cũng vào thăm hỏi tôi mấy câu xã giao.
Mẹ tôi cho biết là bà đi cùng anh Ngô Nhật Đăng (con trai của nhà thơ Xuân Sách), người mà tôi đã gặp vài lần trong CLB Bóng đá No-U. Tôi bảo mẹ ra đưa anh vào, nói dối nhân viên anh là người nhà. Anh Nhật Đăng cho tôi biết qua về tình hình ở ngoài. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là anh ta lại cung cấp cho tôi nhiều thông tin sai lạc mà khi về nhà kiểm tra lại thì tôi mới biết. Chẳng hạn như anh ta cho biết là đã post một bài lên blog của tôi. Điều này tôi hết sức ngạc nhiên, vì chỉ có admin của blog mới có thể đăng bài lên đó được. Anh ta lại khẳng định là mẹ tôi không hề ký đơn đề nghị đưa tôi vào trại tâm thần, mà thực ra bà đã lừa công an (?). Chưa hết, anh ta còn cho tôi biết là Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ tôi, họ đã chất vấn ông Nguyễn Phú Trọng về vụ việc của tôi khi ông ta đang ở thăm một số nước Châu Âu, và ngay lúc anh nói chuyện với tôi thì Hội đồng Nhân quyền LHQ đang làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ việc (?), v.v. Anh ta “khuyên” tôi không nên để các phe phái lợi dụng vụ tố cáo của mình. (Thật ra, chẳng phải chính tôi đang lợi dụng sự đấu đá của họ để thúc đẩy vụ việc của mình đó sao? Họ lợi dụng tôi đã đành nhưng xem ra tôi cũng biết lợi dụng họ đấy chứ.) Anh ta còn “chỉ bảo” tôi thế này: “Bọn họ đang rơi vào cảnh ‘chó cùng cắn dậu’ nên mình tạm nhún một chút để ra khỏi đây đã rồi tính sau, kể cả chuyện người ta có bảo mình bị ‘hoang tưởng’ nhẹ thì cũng mặc (?!).” Anh ta nói là vụ của tôi lẽ ra có thể được giải quyết êm ngay trong mấy ngày đầu, nhưng tại vì chị Minh Hằng làm um quá khiến nhà chức trách rơi vào tình thế khó xử (?). Khi tôi muốn gọi điện gặp chị Minh Hằng, người mà ngay lúc ấy tôi đã biết là đang làm hết sức vì tôi ở bên ngoài, thì anh ta nói là “số máy chị Hằng bị chặn” (?).
Lúc đó, tôi nghĩ ý kiến của anh ta là quan điểm chung của những người đang tìm cách giải cứu tôi nên tôi cũng không phản ứng gì, nhất là với người mà lúc đó tôi vẫn nghĩ là đang giúp mình.
Chiều 3/2, PGĐ Lê Công Vinh gặp và trao đổi với tôi qua cửa sổ. Anh ta nói mọi người ở trung tâm “chia sẻ” với tình cảnh của tôi và mong tôi cũng “chia sẻ” với điều kiện và hoàn cảnh họ.
9h sáng 5/2, khi tôi đang nóng lòng chờ tin tức bên ngoài thì một nhân viên bảo tôi dọn đồ để về, mẹ tôi đang làm thủ tục ở ngoài kia. Tôi thu xếp tư trang và phát quà cho mọi người để chia tay. Lát sau, PGĐ Lê Công Vinh vào gặp tôi, cho biết là mẹ tôi đang làm thủ tục. Anh ta đưa cho tôi 2 tờ giấy trắng khổ A4 và đề nghị tôi viết vài lời cám ơn trung tâm trong thời gian tôi ở đây.
9h30, tôi được đưa ra khỏi khu nhà dành cho bệnh nhân tâm thần. Ra tới gần toà nhà chính của trung tâm, tôi nhác thấy đằng xa những người đồng đội của mình ở CLB Bóng đá No-U (No-U FC) đang hân hoan chờ đón tôi: nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Lê Dũng, Nguyễn Lân Thắng và Lã Việt Dũng. Tôi vẫy tay chào mọi người rồi vào phòng PGĐ Lê Công Vinh để hoàn tất nốt thủ tục. Trong phòng có GĐ Đỗ Tiến Vượng, PGĐ Lê Công Vinh, mẹ tôi, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng và một nhân vật mà trước đấy tôi mới gặp 1 trong No-U FC nhưng chưa hề nói chuyện với nhau – người có nick Facebook là Ngọc Tây Hồ.
Tôi đưa tờ giấy viết “Lời cám ơn” cho PGĐ Lê Công Vinh:


Anh ta có vẻ thoả mãn. Tuy nhiên, khi đưa sang GĐ Đỗ Tiến Vượng thì ông ta lại không hài lòng với hai chữ “bị tạm giữ” và “bất đắc dĩ” và đề nghị sửa lại. Tôi định không đồng ý thì “đồng chí” Ngô Nhật Đăng lại hùa theo họ khiến tôi phải tặc lưỡi sửa chữ “bị tạm giữ” thành chữ “sống” và bỏ chữ “bất đắc dĩ” đi cho họ hài lòng. Anh bạn Ngọc Tây Hồ nhanh tay lấy bản cũ đút vào túi.
Sau khi mẹ tôi hoàn tất thủ tục giấy tờ với họ, chúng tôi đi ra trong niềm vui vỡ oà của cả người được đón lẫn người đón.


Từ trái qua: Lã Việt Dũng, mẹ tôi, tôi, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Lê Dũng, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng, Ngọc Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Tôi lên chiếc xe do Ngọc Tây Hồ lái; trên xe còn có mẹ tôi, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ và cả “đồng chí” Ngô Nhật Đăng nữa. Nguyễn Lân Thắng đi cùng xe với Lã Việt Dũng, còn blogger Lê Dũng thì một mình một xe.
Trên hành trình trở về trung tâm Hà Nội, ngay cả với sự có mặt của nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, người theo rất sát vụ việc bắt giữ tôi và đăng nhiều bài về tôi trên blog của mình, “đồng chí” Ngô Nhật Đăng của chúng ta vẫn tiếp tục lặp lại chiêu trò hòng làm cho tôi rối trí như lần gặp tôi ngày 2/2. Chính nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ cũng quá đỗi ngạc nhiên khi nghe anh ta nói là anh ta đã post bài lên blog của tôi, trong khi tôi mới là người nắm quyền quản trị. Anh ta “chỉ bảo” cho tôi là khi trả lời phỏng vấn các đài báo thì chỉ cần nói là tôi hiện mới về nhà, đang cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để ăn Tết với mẹ, hiện tôi chưa muốn nói gì thêm. Anh ta còn bảo tôi chuẩn bị để trả lời phỏng vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (?) và khi có một người gọi điện đến đề nghị tôi trả lời phỏng vấn một đài nào đó thì anh ta thản nhiên trả lời là tôi đang trả lời phỏng vấn một đài khác, dù lúc đó tôi chẳng hề trả lời phỏng vấn ai cả.
Anh ta cũng “doạ” tôi là bây giờ sát Tết rồi, mình trả lời phỏng vấn mà khơi lại vụ tố cáo kia thì bọn họ sẽ bắt nhốt trở lại trong lúc bạn bè, đồng đội tứ tán hết cả thì nguy (!?). Anh ta “khuyên” tôi nên về nhà chứ không nên tụ họp ở đâu để gặp gỡ mọi người, bởi nhiều kẻ đang muốn lợi dụng tôi để “đánh bóng” tên tuổi, ai thăm thì cứ việc đến nhà thăm chứ đừng đi đâu cả, v.v. Đáng chú ý là “anh bạn” Ngọc Tây Hồ cũng “tung hứng” rất ăn ý với “đồng chí” Ngô Nhật Đăng. [i]
Mặc dù vậy, ngay khi còn đang trên đường trở về trung tâm Hà Nội, lúc phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn, tôi đã trả lời thẳng thắn về nguồn cơn của việc người ta bắt tôi vào trại tâm thần – đó chính là vụ tố cáo mà tôi vẫn theo đuổi suốt gần 5 năm qua.
Khi xe về đến lối rẽ vào nhà mẹ tôi, ngõ 120 Kim Giang, mẹ con tôi xuống xe. Xe của Lã Việt Dũng cũng vừa trờ tới. Và trong khi Lã Việt Dũng và Nguyễn Lân Thắng đòi kéo tôi ra quán bia gặp gỡ chia vui với đồng đội thì “đồng chí” Ngô Nhật Đăng lại khuyên tôi về nhà đi. Đến thời điểm đó, mặc dù vẫn chưa nhận ra âm mưu của anh ta (vì chưa kịp kiểm chứng những thông tin mà anh ta cung cấp cho tôi), nhưng tôi cũng không mắc mưu anh ta: tôi lên xe cùng Lã Việt Dũng và Nguyễn Lân Thắng ra thẳng nhà hàng 181 Nguyễn Lương Bằng, "tụ điểm" quen thuộc của anh em No-U FC, để chia vui với những người đồng đội đã làm hết mình trong cuộc “giải cứu” tôi - một “bệnh nhân tâm thần”. Sau đó, tôi lần lượt trả lời phỏng vấn các đài BBC, Chân Trời Mới, VOA (2 lần), RFI… nhưng tôi vẫn không mắc bẫy anh ta, dù đến lúc đó tôi vẫn chưa kịp kiểm chứng những thông tin mà anh ta cung cấp cho tôi lúc gặp tôi trong Trung tâm BTXH cũng như lúc tôi trên đường từ Trung tâm về nhà.[ii]

Chia sẻ niềm vui với đồng đội tại “tụ điểm” quen thuộc

Thật chẳng vui vẻ gì khi phải lật chân tướng của một “đồng đội” trá hình, nhưng vì lợi ích của cộng đồng, của phong trào dân chủ vốn đã bị chia năm sẻ bảy bởi những “ngón nghề” quỷ quyệt của lực lượng an ninh, tôi buộc lòng phải nói lên một sự thật đáng ghê tởm. Chừng đó thôi cũng đủ cho quý vị thấy là suốt hơn 7 năm qua, trong tình cảnh đơn thương độc mã, tôi đã phải đối phó vất vả đến thế nào với đủ mọi mưu ma chước quỷ để có thể sống sót và, quan trọng hơn, để đưa được những sự thật kinh hoàng, ảnh hưởng vô cùng lớn đến vận mệnh dân tộc, ra trước công luận.
÷
Qua những gì mà chị Bùi Thị Minh Hằng đã tường thuật trong “thiên phóng sự” Nhật ký chuyện Lê Anh Hùng cùng những gì mà tôi thuật lại trên đây, quý vị có thể nhận ra vai trò của lực lượng công an trong vụ bắt tôi đưa vào trại tâm thần. Ngay cả khi mẹ tôi có “tỉnh ngộ” rồi viết đơn đòi con đi nữa mà thiếu áp lực của công luận thì cũng chưa biết điều gì có thể xẩy ra với tôi trong cái trại giam trá hình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đó. Chính vì vậy, việc tôi được thả tự do chỉ sau 12 ngày bị giam giữ trái phép, trước hết, là thắng lợi của các lực lượng tiến bộ và công luận ở cả trong và ngoài nước.
Đầu tiên, tôi xin dành sự tri ân đặc biệt đối với những người đồng đội tuyệt vời của tôi ở CLB Bóng đá No-U (No-U FC), mà nhân vật đặc biệt nhất chính là chị Bùi Thị Minh Hằng. Nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, bác Nghiêm Việt Anh, blogger Lê Dũng, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, blogger Người Buôn Gió, Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Chí Tuyến, Ngô Quỳnh, Lan Lê, anh Trương Văn Dũng, Nguyễn Văn Phương, Từ Anh Tú, Lưu Đức, cùng bao đồng đội khác mà tôi không thể nào nêu hết tên ra đây, là những người đã vào cuộc gần như ngay lập tức và đã làm tất cả những gì có thể để giải thoát tôi khỏi trại tâm thần kia.
Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã phản ảnh về vụ bắt giữ tôi: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài RFI Việt ngữ, Đài BBC, Radio Chân Trời Mới, Radio Sài Gòn – Dallas..., bên cạnh các trang mạng độc lập như blog Nguyễn Tường Thuỵ, blog Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Quê Choa, blog Huỳnh Ngọc Chênh, blog Nguyễn Xuân Diện, blog Phạm Viết Đào, blog Bùi Thị Minh Hằng, blog Dân Làm Báo, Đàn Chim Việt, Thông Luận, Dân Luận, Diễn đàn X-CafeVN, Vàng Anh, blog Xuân Việt Nam, blog Châu Xuân Nguyễnv.v.
Tôi cũng xin trân trọng cám ơn các tổ chức quốc tế đã lên tiếng về vụ việc của tôi: Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights – FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (World Organisation Against Torture – OMCT), Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights – VCHR), Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists). Đặc biệt, tôi được biết là đích thân ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về vụ bắt giữ tôi để đệ nạp lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngay trước khi tôi được thả tự do.
Thắng lợi ngoạn mục này có sự đóng góp hữu hiệu của rất nhiều cá nhân, mà tôi không thể nào nêu hết tên ở đây, như nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, nhà báo Nguyễn Đình Ấm, nhà văn Nguyễn Quang Lập, thạc sỹ Đào Tiến Thi, TS Nguyễn Xuân Diện, GS Chu Hảo, nhà báo Lê Diễn Đức (Mỹ), phóng viên Gia Minh (Mỹ), phóng viên Nguyễn Trung (Mỹ), nhà báo Trà My (Mỹ), phóng viên Thanh Phương (Pháp), phóng viên Nguyễn Khắc Long (Mỹ), đạo diễn Song Chi (Na Uy), học giả Đỗ Thông Minh (Nhật Bản), cô Nguyễn Ngọc Nhi (Australia), v.v.
Tôi xin ghi nhận tấm lòng vô cùng đáng quý của anh Hoàng Văn Trung, Giám đốc Công ty HVT, nơi tôi đã làm việc suốt 9 tháng qua. Để đảm bảo cho tôi một chỗ dung thân và mưu sinh trong bước đường đấu tranh đòi công lý, anh đã phải chịu đựng không ít áp lực cũng như nhiều hình thức đe doạ khác nhau.
Tôi cũng không thể nào quên lãnh đạo và CBCNV của Trung tâm Bảo trợ Xã hội II – Hà Nội, những người đã chia sẻ với tình cảnh của tôi và dành cho tôi sự quan tâm chu đáo, bất kể điều đó là do áp lực của công luận hay tự trong thâm tâm họ khi họ hiểu được nghịch cảnh của tôi.
Cuối cùng, song không kém phần quan trọng, chính là sự đóng góp thầm lặng với sức lan toả cực lớn của vô số người qua những bình luận trên Facebook, dưới các bài viết trên các trang mạng, hay qua những hình thức chia sẻ thông tin và biểu đạt chính kiến khác về vụ bắt giữ tôi.
Khép lại loạt bài về quãng thời gian 12 ngày trong "thế giới tâm thần" này, tôi muốn khẳng định một lần nữa với quý vị rằng: Tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường đấu tranh đòi công lý của mình, bất chấp mọi hậu quả có thể xẩy ra với bản thân và gia đình.[iii] Đó vừa là lương tâm của một con người, vừa là trách nhiệm của một công dân trước Tổ quốc, nhất là khi mà giờ đây tôi không còn đơn độc như suốt gần 5 năm qua nữa./.



Ghi chú:

[i]  Về sau, Ngọc Tây Hồ đã chụp rồi công bố trên mạng tờ giấy ghi lời cám ơn của tôi (như quý vị thấy ở trên) – một hành động rất đáng đặt dấu hỏi vì điều đó có lẽ chỉ có lợi cho nhà chức trách, vốn đang bị dư luận sôi sục lên án về vụ bắt giữ tôi, trong khi nếu không có sự đấu tranh của những đồng đội của tôi cũng như sự lên tiếng của công luận thì chưa chắc tôi đã được đối xử tử tế trong trại.

[ii] Nếu tôi không nhắc đến vụ tôi tố cáo các ông Nông Đức Mạnh – Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải, căn nguyên của vụ bắt giữ tôi, thì tôi đã đánh mất một cơ hội vô cùng thuận lợi để lên tiếng công khai về vụ tố cáo trên các cơ quan thông tấn quốc tế quan trọng, đồng thời mọi người cũng có thể nghĩ là tôi đã “tỉnh ra” hoặc đã “biết sợ” sau khi bị đẩy vào trại tâm thần mà không tiếp tục tố cáo nữa. Còn nếu tôi nhắc đến Hội đồng Nhân quyền LHQ, việc họ làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như những thông tin khác mà “đồng chí” Ngô Nhật Đăng đã dày công “mớm” cho thì sẽ bị chính những kẻ mà tôi tố cáo lu loa rằng tôi đích thị mắc bệnh “hoang tưởng”, và mọi người hẳn cũng không tránh khỏi “băn khoăn” về “bệnh tình” của tôi.

[iii] Nhân tiện, tôi xin thông báo một thông tin quan trọng là ngày 18/2 vừa qua, cả tôi và vợ, nhân chứng sống của vụ tố cáo, đã đến gặp trực tiếp ĐBQH Dương Trung Quốc tại văn phòng của ông ở 216 Trần Quang Khải (Hà Nội) theo lịch hẹn của ông. Ông thông báo với tôi là ngày 29/1/2013, ông đã tận tay trao công văn cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, yêu cầu làm rõ việc tôi bị bắt đưa vào trại tâm thần.

GS.Tương Lai - Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng

gs-tuong-lai2imagesKính gửi Ô. Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCHTƯĐCSVN,
Kính thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Tôi dùng cách xưng hô này để tiện cho nội dung thư sẽ viết với tư cách của một người có hân hạnh được quen biết Anh. Đúng hơn là biết, chứ chưa dám nói là quen, vì tôi cũng chỉ gặp và nói chuyện với anh đôi ba lần kể từ dạo anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và có mặt trong buổi tôi báo cáo với Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị về cuộc Khảo sát xã hội học về Cơ cấu xã hội và Phân tầng xã hội, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Theo lời thuật lại của Chu Hảo, lúc ấy là Thứ trưởng Bộ KH và CN ngồi cạnh Anh, thì anh đã nhận xét về tôi ” Tay này báo cáo với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mà cứ nói khơi khơi như nói trước Hội đồng Khoa học của Viện không bằng !”.
Lần gặp gần đây nhất là ngày 17 tháng 1 năm 2011 tại Hội trường Hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội. Có thể Anh quên vì bận nhiều việc nên tôi xin được nhắc lại : Hôm ấy, khi tôi đi đăng ký phát biểu ý kiến với Đoàn Chủ tịch Hội nghị, ngang qua chỗ Anh ngồi, Anh đã chủ động đứng dậy chào gọi và bắt tay tôi. Tôi cảm kích về cử chỉ thân thiện này, biết rằng thế là Anh vẫn nhớ tôi, nên đã bắt tay Anh rất chặt và nói “Xin chúc mừng Tân Tổng Bí thư“.
Anh cười và hỏi : “Chúc mừng cơ à?”. Tôi đoán biết và mang máng hiểu ra Anh đang nghĩ gì và định nói gì, nên cũng vui vẻ trả lời ” Phải chúc mừng chứ. Hãy cứ chúc mừng đã. Và rồi tôi sẽ dõi theo công việc của Anh làm, hành động và ứng xử của Anh với tư cách Tổng Bí thư, để rồi có tiếp tục chúc mừng hay không là chuyện về sau, còn bây giờ thì phải chúc mừng đã”.  Cả Anh và tôi cùng cười. Những người đứng cạnh cũng cười vì tôi vốn nói to, mọi người đều nghe và nhìn thấy. Nhắc lại chuyện này để nói rằng, hai năm qua, dõi theo những công việc Anh làm, quả thật tôi nghĩ là phải rút lại lời chúc mừng đã đưa ra với Anh hai năm trước. Vì sao?  
Vì chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước,của đời sống đất nước ta. Chính vì thế, chưa bao giờ uy tín của Đảng xuống thấp đến vậy. Điều này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Tổng Bí thư. Thực trạng này được phơi bày quá rõ ràng mà chính Anh, cũng như nhiều người giữ vị trí cao trong bộ máy cầm quyền, đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp nói ra, chứ chẳng phải do “những phần tử thù địch” nào bôi nhọ cả!
Đành rằng với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể“, cả Bộ Chính trị, và toàn thể BCHTƯĐ phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, với trách nhiệm là người đứng đầu BCHTƯ, Tổng bí thư là người phải gánh vác, không thể đổ cho ai được cả.
Trong bức thư này chưa thể nói nhiều về thực trạng của đất nước mà người Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm, xin chỉ nêu lên hai điều trực tiếp nhất và gần đây nhất đã làm trầm trọng thêm sự mất uy tín của Đảng, gây bức xúc trong lòng dân : Một là phát biểu tùy tiện của Tổng Bí thư tại Vĩnh Phúc gây phẫn nộ trong công luận, và hai là sự câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị trong ngày 17 tháng 2! Cái ngày mà cách đây 34 năm, hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược theo lệnh của Đặng Tiểu Bình đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, gây nên tội ác tày trời đối với đồng bào ta, hàng van chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược, buộc chúng phải tuyên bố rút quân.
Trong phạm vi bức thư ngắn này, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề nói trên để mong được Anh xem xét và cho tôi câu trả lời.
Quả thật, tôi quá sửng sốt khi nghe anh nói : “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
Sửng sốt vì không thể hình dung được đây là lời của Tổng Bí thư, một người vốn tính thận trọng, lại tùy tiện quy kết một cách hồ đồ như vậy. Sẽ quá dài dòng và có lẽ cũng chưa là thật sự cấp bách vào lúc này để chỉ ra sự lẫn lộn, nếu không muốn nói là đánh tráo khái niệm, khi Tổng Bí thư nói đến “các luồng ý kiến” được nêu lên trong dịp các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp theo Nghị quyết và lời kêu gọi của Quốc hội, lại là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống“.
Là một trong những người đã ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào đoàn đại biểu do ông Nguyễn Đình Lộc làm trưởng đoàn đến 34 Hùng Vương Hà Nội để trao bản Kiến nghị đó cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo, tôi hết sức bất bình về quy kết hồ đồ của Tổng Bí thư đối với một số điểm trong nội dung của 7 vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi đã chuyển cho Ủy ban Dự thảo nói trên. Tuy vậy, trong thư ngỏ này, tôi chỉ nói ý kiến của riêng tôi và chịu trách nhiệm về những điều tôi nói trong bức thư này.
Phải nói thêm là, đoàn đại biểu chúng tôi đã được Ủy ban Dự thảo tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo đã đưa tin về cuộc gặp này. Trong thư gửi ông Nguyễn Đình Lộc, người dẫn đầu đoàn đại biểu đến trao Kiến nghị, ông Ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập đã cho biết là “những điều nêu trong Kiến nghị nói trên sẽ được tập hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. Vậy thì, khi Tổng Bí thư quy kết ” vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? ” liệu có phải là nhằm vào những vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi nêu lên không? Nếu vậy thì Nghị quyết và lời kêu gọi toàn dân góp ý kiến vào việc Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội còn có giá trị gì nữa khi mà những ý kiến trái tai lãnh đạo thì bị quy là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống! Là một đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư phải trả lời với Quốc hội và với cử tri về kết luận hồ đồ nói trên. Ít nhất, Tổng Bí thư cần giải thích rõ những ý kiến mà Tổng Bí thư dẫn ra, vì sao gọi đó là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Là nhà lý luận, lại từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổng Bí thư cần giải thích rõ nội hàm của khái niệm đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị để từ đó mà nói rõ những “kiến nghị…” dẫn ra ở trên là suy thoái đạo đức, lối sống,suy thoái về tư tưởng chính trị như thế nào? Một nhà lý luận sao lại có thể giải thích tùy tiện và hồ đồ rằng : “Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!“. Vậy thì đã thừa nhận người ta nêu lên “quan điểm” thì cần phải tranh luận để làm sáng tỏ đúng sai, sao lại quy kết đó là “suy thoái” và đòi phải “ xử lý“? Sẽ không đúng lúc nếu lại đưa ra tất cả những điều mà Tổng Bí thư cho đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đưc, lối sống, xin chỉ đề cập đến mấy vấn đề sau đây :
Ở đâu thì tôi không rõ, chứ trong 7 điểm nêu trong Kiến nghi về sửa đổi Hiến pháp 1992, thì kiến nghị bỏ Điều 4 của Hiến pháp không đồng nghĩa với “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng” theo cách hiểu của Tổng Bí thư. Xin nhắc lại nguyên văn nội dung của kiến nghị đó trong văn bản đã được trao cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 :” … Chính vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ Điều 4 của Dự thảo. Việc tiếp thu đề nghị này tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận“. 
Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu lên: “Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả?” và quy kết đó là “ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” thì lại càng hồ đồ hơn nữa. Xin nhắc lại rằng, đây là quan điểm chúng tôi đã nêu hơn mười năm trước trong nhiều Hội thảo Khoa học do các cơ quan Nhà nước tổ chức và đã đăng công khai trên nhiều tờ báo.                                                                                                                                                           
Xin chỉ dẫn ra một ví dụ ; trong bài “Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự” đăng trên báo “Người Đại biểu Nhân dân“, tiếng nói của Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân,  ngày 26.5.2006 và bài “Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “Làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền” cũng đăng trên “Người Đại biểu Nhân dân” ngày 10.6.2013, tôi đã trình bày về vấn đề “tam quyền phân lập” như sau :
Vấn đề cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực phải có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn dân thì được làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm, thể hiện rõ nguyên lý quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền tham gia vào việc hoạch đinh pháp luật, giám sát và kiểm soát hoạt động và nhân sự của bộ máy nhà nước. Đây là điểm quy chiếu để xác lập sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyền và nhà nước không pháp quyền…Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền thì quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân [nhà vua] hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền [gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng chung lợi ích, nhân dân đứng ngoài tiến trình này, hoặc chỉ là vật trang sức để lừa mị mà thôi".
Vậy thì dựa vào cơ sở nào để quy kết rằng nói đến "tam quyền phân lập" là " suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" xin Tổng Bí thư chỉ rõ ra đặng chúng tôi nâng cao nhận thức. Cũng xin nói thêm rằng, hai bài báo nói trên lại nằm trong cụm bài trong mục "Đàm luận sáng thứ hai" của tôi đã được tặng thưởng báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2006. Ban tổ chức đã động viên tôi bay ra Hà Nội nhận giải thưởng bằng việc cho biết là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ là người đứng ra trao giải thưởng đó. Tôi đã gửi thư cám ơn và in lỗi đã không ra Hà Nội được, và bức thư đó đăng trên báo. [Xin nói thêm là tiếp năm sau, tôi lại được tặng thưởng lần thứ hai giải báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2007 cùng với hai tác giả khác là ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội] ! Vậy mà nay tôi lại bị Tổng Bí thư quy kết là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” vì đã có tư tưởng về “tam quyền phân lập” thì xem ra tôi khó mà tiếp thu sự khiển trách của Tổng Bí thư về sự “suy thoái” của mình.
Đành tự an ủi với quan điểm tôi đã viết trong bức thư nói trên [đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 31.12.2006 với đầu đề do Tòa soạn đặt : "Dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lý tưởng cao cả".  Quan điểm đó là : "Nhằm giữ cho ngòi bút của mình không thẹn với chính mình, phải có sự lao tâm khổ tứ để chọn ý, chọn lời, chọn cách diễn đạt để sao cho những cá nhân nào đó khỏi động lòng, khiến họ có thể dùng thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, gây khó khăn cho tờ báo đã đăng bài của mình...Nhưng rồi nghề nào cũng có nghiệp ấy, "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì cũng phải bằng mọi cách mà đi cho trọn con đường đã chọn...tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút trung thực của chính mình...!".
Vả chăng, thưa anh Nguyễn Phú Trọng, tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong biển cả nhân dân, sự bị xúc phạm của tôi chưa là gì so với điều mà anh đã xúc phạm đến nhân dân, trong đó có những bậc lão thành cách mạng đáng kính, những trí thức tâm huyết, những người từng giữ trọng trách, nay tuy đã về hưu, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Họ làm điều ấy với lòng mong mỏi đóng góp vào việc soạn thảo một Hiến pháp ngang tầm với đòi hỏi của thời đại, đáp ứng được khát vọng của cả dân tộc muốn hội nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới trong bối cảnh của nền văn minh mới thế kỷ XXI. Trong số đó, có người từng được Anh mời đến góp ý kiến với Hội đồng lý luận Trung ương, mà nếu tôi nhớ không nhầm, thì rất nhiều lần Anh tỏ ý kính phục và trân trọng trí tuệ và tâm huyết của những đóng góp ấy với tư cách là Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ. Những người như vậy mà Anh dám quy cho họ là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" sao?
Anh Trọng ạ, nếu thật sự muốn chỉ ra sự suy thoái ấy thì phải tìm vào trong những kẻ vong ân bội nghĩa với đồng bào, đồng chí từng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới cách đây 34 năm! Vong ân bội nghĩa bằng sự câm lặng trong ngày 17 tháng 2 để khỏi phải phạm vào "điều cam kết" với những kẻ đã từng xua hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào các tỉnh biên giới năm 1979, tàn sát dân lành, tiêu hủy nhà cửa, đốt phá làng mạc, kể cả việc đặt bom phá khu di tích Păc bó. Vì vậy, nói về "suy thoái tư tưởng chính trị" thì không thể chỉ quy chiếu vào sự trung thành hay không trung thành với một hệ tư tưởng được áp đặt, khi mà thực tiễn đã chứng minh những giáo điều từng được học thuộc lòng về hệ tư tưởng ấy đã gây tai họa cho sự nghiệp của đất nước ghê gớm như thế nào. Thì chẳng phải "Đổi Mới" được xem là một cột mốc trong đời sống của dân tộc ta vì nó đã đưa đất nước vượt qua thảm họa của sự sụp đổ những năm 80 do sự áp đặt mô hình được xây nên bằng những giáo điều tai hại đó sao!
Cho nên, trung thành vơi truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại phải đem hết sức mình tiến về phía trước, như dòng sông chỉ có  chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó. Còn nói về tư tưởng chính trị của Đảng thì có lẽ nên tham khảo cách định nghĩa về "đảng chính trị" của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp :" Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố: nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó mà người ta xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy đã hình thành trong lịch sử như thế nào".
Ấy vậy mà, đã từ lâu, ở ta, thường quen dùng và thích dùng khái niệm "Đảng ta", xem đấy như là một lời phong tặng về uy tín của Đảng trong lòng dân, biến khái niệm đảng chính trị thành một thứ "bái vật giáo", mà quên mất rằng, khi là đảng cầm quyền, thì cũng như mọi thực thể quyền lực khác, đều không tránh khỏi sự tha hóa. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa ấy chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị : ngày càng xa dân, cưỡi lên đầu lên cổ dân do cơ chế toàn trị, không muốn và không dám tiếp nhận sự phản biện xã hội [vì không có tự do tư tưởng, không có tự do báo chí, không cho phép quyền tư do lập hội...]. Và sự tha hóa ấy bộc lộ rõ quy luật đã được lịch sử đúc kết “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối“! Câu chuyện về “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất cứ ngày càng to dần lên, càng chống càng phình to ra như một căn bệnh ung thư đã di căn vô phương cứu chữa, mới đích thực là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị” gắn liền với “suy thoái về đạo đức lối sống” đáng sợ nhất.
Thưa anh Nguyễn Phú Trọng.
Sự suy thoái mà Anh vừa nói, trước hết được biểu hiện quá rõ mà “triệu con mắt đều nhìn vào, triệu ngón tay đều chỉ vào” trong ngày 17.2. 2013 vừa rồi : Đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng của quân Trung Quốc xâm lược. Máu của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã thấm đẫm giải đất biên cương. Máu người đâu phải là nước lã, ấy vậy mà để giữ “cam kết” với thế lực hiếu chiến Bắc Kinh, người ta đã chỉ đạo quán xuyến từ trên xuống dưới không có một nén hương, một vòng hoa tưởng niệm? Cần phải nói thêm rằng, thế lực hiếu chiến mà ai đó đã “cam kết” lại đã ngang nhiên tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm về ngày 17.2, ngày chúng mở cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng lại rao rêu khắp cả nước, đưa cả vào sách giáo khoa dạy trẻ em Trung Quốc, rằng đó là cuộc chiến tranh tự vệ nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”! Thế lực hiếu chiến mà ai đó “cam kết” lại đang dung dưỡng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, công nhiên đưa lên bảng hiệu trong cửa hàng Beijing Snacks tại Bắc Kinh dòng chữ ngạo ngược :” không phục vụ người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và chó!”.
Vậy thì ai đã đưa ra lời “cam kết” với bọn xâm lược là “không nhắc lại quá khứ” để tuyệt đối câm lặng trong ngày 17.2 vừa rôi?  Ai đã làm chuyện xấu hổ và dại dột ấy? Ai? Xin Tổng Bí thư chỉ ra.
Thực hiện sự “cam kết” đó, cùng với hương tàn khói lạnh trên các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 17.2, là sự câm lặng trên toàn bộ báo chí chính thống và hệ thống truyền thông theo một cây gậy chì huy thống nhất, là sự ngăn chặn, cản trở, đe dọa bắt bớ và trấn áp những ai đã dâng hương hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, ở Hoàng Sa năm 1974 và ở trận Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Còn sự suy thoái tư tưởng nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa anh Nguyễn Phú Trọng. Có sự sa đọa về đạo đức và lối sống nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa Tổng Bí thư?
Mặt khác, nếu muốn rao giảng về đạo đức thì chính là đạo đức đích thực khi dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học, vẫn quyết theo tiếng gọi của lương tâm, phạm trù cơ bản nhất của đạo đức, quyết dâng vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thắp nén hương tại tượng Quang Trung nơi Gò Đống Đa, giương cao vòng hoa trắng quyết không cho những bọn vô sỉ giành giật và bóc xé dòng chữ tưởng niệm tại tượng đài Cảm Tử bên hồ Hoàn Kiếm, vượt qua mọi sự rình mò và soi mói để trang trọng dâng hoa và những dòng chữ tưởng niệm nhân ngày 17.2.2013 dưới chân tượng Đức Thánh Trần gần bến Bạch Đằng, quận I, thành phô Hồ Chí Minh. Chính là đạo đức, khi trong mỗi ngôi nhà, không phân biệt là nhà cao tầng, biệt thự hay nhà tranh vách đất, người ta thành tâm thắp một nén hương, bày bình hoa trên ban thờ với dòng tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhân ngày 17.2. Cũng chính là đạo đức, khi nêu cao một lối sống không chịu khuất phục, dám ngẩng cao đầu để biểu thị chính kiến của mình như nhà báo trẻ nọ ” làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi.” Biết rõ như vậy, nhưng nhà báo ấy vẫn nói lên tiếng nói trung thực của chính mình, “hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi ” như anh khẳng định.
Thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Liệu sau khi nhỡ lời, anh có thấy hối tiếc vì mình đã xúc phạm đến những người được nhân dân kính trọng, vị tướng lão thành từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, năm nay đã 97 tuổi, đã suy nghĩ, nghiền ngẫm từng chữ từng lời, thêm bớt, bổ sung trước khi ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, và ngày 17.2 vừa qua đã cùng với một số người đáng kính khác ký vào Kiến nghị ấy đã mang hoa đến tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống vì sự tồn vong của Tổ quốc? Nếu có, thì Anh nên xin lỗi họ, cũng tức là xin lỗi nhân dân. Chuyện nhất thời có sự hồ đồ thiếu tỉnh táo cũng là chuyện thường tình, cho nên xin lỗi là một cử chỉ văn minh trong lối sống của người có hiểu biết và có đạo đức. Người có “tư tưởng chính trị” vững vàng chính là người có bản lĩnh dám nhận sai lầm.
Vả chăng, hơn lúc nào hết, khi con thuyền của đất nước đang chao đảo, là người giữ trọng trách lèo lái thì biết thu phục nhân tâm, trân trọng hiền tài phải là cái đức của người biết mình, biết người. Trót hồ đồ, nói thiếu cân nhắc, xúc phạm những người đáng lý phải trân trọng, gây phẫn nộ trong công luận, thì việc lắng nghe để bình tĩnh nhận ra chân lý, có ứng xử thích hợp, luôn là điều đáng làm.
Đến một vị vua từng nằm gai nếm mật, mười năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh, lên ngôi đại định, mở đầu cho một triều đại vẻ vang thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ vẫn một lòng khiêm nhường kính cẩn : “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bờ vực thẳm chỉ vì chưa kiếm được hiền tài giúp đỡ việc trị nước…”. Còn vua Lê Thánh Tông, gặp khi có thiên tai đã chỉ dụ rằng “Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng?”.  Cũng trên cái mạch tư duy ấy, vua Minh Mạng thế kỷ XIX khi nghe tâu về vỡ đê, dân tình cơ cực đã xót xa tự vấn :” Nghĩ tấm thân lạm ở trên trăm họ, không biết tu đức để trời cho hòa khí, đến nỗi dân ta bị tai họa ấy, thực là một điều lỗi lầm của ta“! Thì ra, cha ông ta xưa đã không mắc phải điều mà ngày nay đã trở thành ca dao hiện đại : “mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài đảng ta“!
Gợi lên vài dòng lịch sử chi nhằm nói thêm với người gánh vác trọng trách quốc gia rằng : phải biết “kính cẩn, lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bên bờ vực” chứ không thể tùy tiện phán bảo và quen thói bịt miệng dân, chỉ muốn dân cúi đầu tuân phục “chỉ thị, nghị quyết”, cho dù thực tiễn cho thấy có quá nhiều chỉ thị nghị quyết sai lầm gây bao tai họa cho dân. Và rồi, cái cách lớn tiếng đe dọa “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại đường lối chính sách, làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng” của một vài người có trọng trách trên báo chí và trên tivi mấy ngày qua đã không hù dọa được ai! Trái lại, chỉ làm cho lòng dân thêm phẫn nộ. Điều này mong Tổng Bí thư cần lưu ý.
Đối với riêng tôi, khi tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Tổng Bí thư đã phê phán nặng lời, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã thực hiện lời chỉ dẫn của Các Mác “ trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào.
Cho nên dù bị quy kết thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thấy là chẳng có gì đáng bận tâm. Bởi lẽ, là người am hiểu và tôn trọng phép biện chứng, chắc Tổng Bí thư nhớ nằm lòng ý tưởng của Hégel được Ph. Angghen dẫn ra để nói về biện chứng của sự phát triển : “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.
Người am hiểu về biện chứng như Tổng Bí thư chắc sẽ bình tâm suy nghĩ về “những bước tiến mới” mà đời sống đất nước đang chứng kiến, để với cương vị của mình, thúc đẩy cho những ý tưởng mới phát triển nhằm đẩy lùi trạng thái cũ đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa. Làm được như vậy thì dấu ấn để lại trong lòng người và cho lịch sử sẽ không là sự cáo chung của lực lượng bảo thủ cố duy trì cái cơ chế đã đưa đất nước vào ngõ cụt, mà là người đem lại sự canh tân, thuận với quy luật phát triển, đáp ứng được lòng dân.
Kính gửi Tổng Bí thư lời chào trân trọng.
TP Hồ Chí Minh ngày 28.2.2013
  Tương Lai

Chú Lì chứ đâu có... Lú!

Một lần nữa tớ lại khẳng định: chú Trọng không hề lú!

Nhạc sỹ Tô Hải - Chú có sự hậu thuẫn của cả một nước to lớn đồng lý tưởng Đại Hán bành trướng nên chú sẵn sàng xử lý ngay những kẻ dám làm các ông bố Tầu nổi giận. Thời chú làm chủ tịch Quốc Hội, Tầu đánh đến đít, bắn giết ngư dân, tịch thu ngư cụ..., lính của chú bắt giam, tù đầy những người chỉ đòi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, thậm chí biểu tình ngồi như Phạm Thanh Nghiên tại gia cũng bị đi đếm lịch 4,5 năm trời,... Vậy mà chú vẫn trả lời tinh bơ trước Quốc Hội: "Tình hình biển đảo... không có gì mới"! Chú Lì chứ đâu có... Lú!...
*
Còn nhớ khi chú ấy đi sang Cuba đọc các bài kinh về “khát vọng ngàn đời của nhân dân toàn thế giới” là chủ nghĩa của mấy anh Tây râu xồm, đầu hói mà chú ấy đã nhập tâm từ cái nước mà người ta đã vất tất cả bọn điên khùng này vào sọt rác của lịch sử đã cả gần 20 năm rồi: Liên Bang Xô Viết của ông tổ chú ấy “Vờ- là- đi- mịa- In lịch Lê- Nhịn”. Chú muốn nhân dịp đứng trước cửa ngõ của kẻ thù ngàn đời Đế Quốc Mỹ, đối diện với bãi biển Maiami mà vỗ ngực thét lên:
1- Thế giới còn ta, còn các “đồng chí hướng” 4 tốt Tầu hùng mạnh đây! Đế Quốc Mỹ chúng mày đừng tưởng bở!
2- Vực dậy mấy tên “xã hội giả vờ hoặc... hết hơi và tuyên truyền cho một vài nước Nam Mỹ nên noi gương lão Cha-vét “trùm dân túy” giả danh cách mạng!
3- Lần ấy, chú ấy đã không hề quên những bài kinh ưu việt của cái chủ nghĩa chưa ai nhìn thấy bao giờ nhưng được ghi trong sách giáo khoa Mác-Lê và bằng những dẫn chứng “hơn hẳn” láo khoét và phét lác trắng trợn về mọi mặt kinh tế ,đời sống của cái “lước Việt Lam hạnh phúc gấp vạn lần các nước tư bản do mấy chú ấy nãnh đạo!”
Tới khi chú ấy và 13 anh chị khác phịa ra cái nghị quyết 4, ra cái đều “Có sai, có sâu, có cả đàn sâu đấy nhưng... sau khi “HỌC” (?) xong cái nghị quyết này và uống thuốc “phê và tự phê” rồi thì “Đảng ta” của các chú ấy sẽ lấy lại lòng tin của dân và thoát khỏi cái nguy cơ... mạng vong mà chính chú ấy tự nhận xét chứ chẳng phải ai khác!
Đặc biệt là sau cái hội nghị gọi là “Hội Nghị cán bộ toàn quốc” để chú ấy phổ biến và quán triệt “nghị quyết 4 không phải là nơi để hạ bệ, đấu đá nhau” và khi chú ấy đã dành gần hết thời gian họp có 1 ngày để chỉ nói về 10 chữ TỰ thì mình đã lập tức đã có bài phân tích là “KHÔNG CÓ GÌ MÃI MÃI SẼ LÀ... KHÔNG CÓ GÌ”
Mình đã cả quyết: Nếu sau đợt học tập này, nếu không có 5, 7 thằng dựa cột, vài ba chục thằng mất chức, vô tù thì... TÔI THỀ KHÔNG BAO GIỜ TIN Ở BẤT CỨ ĐIỀU GÌ CÁC ÔNG NÓI VÀ LÀM NỮA!
Tất cả chỉ là một vở tuồng dở đến thảm hại!
Và đúng là như thế!
Ngoài mấy tên cán bộ tép riu bị... khiển trách, cảnh cáo...
Chẳng một anh nào trong 14 anh chị mất nửa cái lông chân!
Và cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ vô địch trên thế giới đã được huy động để ngợi ca "Đảng ta" của họ như một cô gái trinh nguyên đang làm cả nước... "tin tưởng và... an lòng"
Cho đến gần đây, kế hoạch đại tuyên truyền cho uy tín của đảng họ đã mất bằng một vụ ra quân ca ngợi họ được mang một cái tên có vẻ như rất chi là... rân chủ!: "Góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi hiến pháp do chính họ thảo ra" để: 
1/ Trình làng một loạt những thằng (xin phép không thể gọi bọn này bằng một đại danh từ gì khá hơn được) mang những tên tuổi, danh hiệu, bằng cấp học vị tự tạo đua nhau hàng ngày lên các làn sóng của cả gẩn 70 cái Đài-Tivi và hơn 700 tờ báo bưng bê ngợi ca "Đảng ta" của họ làm nên lịch sử và cần phải tiếp tục lãnh đạo muôn đời cái dân tộc mà họ cho là ngu đần và cần phải dạy dỗ từ tấm bé đến lúc chết này!
KẺ NÀO PHỦ NHẬN CÁI ĐIỀU 4 NÀY ĐỀU LÀ ĐỒ SUY THOÁI, PHẢN ĐỘNG, LỰC LƯỢNG THÙ ĐỊCH!
Và cái bẫy đã được giăng ra y hệt thời "Trăm hoa đua nở" để điểm mặt hết những ai cần phài... xử lý!
Mặc dầu trước khi có cái gọi là "đợt sinh hoạt chính trị", chú Trọng đã dọa trước:
Không có đa đảng
Không có chuyện đòi lại đất đai
Không có chuyện tam quyền phân lập
... và cảnh báo "không để kẻ xấu lợi dụng nói xấu đảng, cán bộ..." nhưng... như thách thức họ: hàng ngàn, hàng vạn người đã góp ý ngược với những gì mà chú Trọng muốn! Dù rằng chẳng bao giờ được công khai "ngợi ca" Tự do như bọn tờ sờ ngu như bò, bưng bô, nói láo trơ tráo, hàng ngày ngợi ca sự nô lệ tự nguyện của dân Việt Nam cho một nhóm vừa ngu vừa dốt vừa tàn bạo vừa phá hoại này trên các kênh tivi, trên "báo lề phải".
Nhưng... thời đại Internet này, mọi tư tưởng tiến bộ, mọi ý kiến đúng đắn vì dân, do dân đã lan tỏa nhanh chóng khắp nước và thế giới khiến chú Trọng không thể im lặng chờ ngày hết hạn góp ý cho Đảng chú ấy nữa. Thế là chú ấy... đã đành rút súng khai hỏa cuộc phản công tức thì những lực lượng tiến bộ mà theo chú là "thoái hóa cần phải xử lý".
Nghe giọng điệu rừng của chú Trọng, đài từ nửa khệnh khạng, nửa khinh bạc khi nói đến những ai đã dám "đòi đa đảng, đã dám đòi tam quyền phân lập, đòi quân đội phải tách rời khỏi chính trị, kéo luôn cả những ai khiếu kiện tập thể, biểủ tình vào lũ "suy thoái" và yêu cầu các đồng chí phải xử lý", mình thấy rất rõ:
1- Chú Trọng muốn khẳng định mình là ai? mình biết mình muốn cái gì chứ không hề lú lẫn...
2- Chú sẵn sàng đánh dằn mặt ngay những ai muốn nói ngược với chú vì chú có trong tay cả một bộ máy đàn áp, vũ trang và nhà tù luôn sẵn sàng mở cửa!
3- Chú rất kiêu ngạo và tự phụ một cách xấc xược trong cương vị người đứng đầu cả đảng, cả Nhà Nước, cả Quốc Hội và là cha đẻ của cả 90 triệu "con cừu" Việt này!
4- Chú có sự hậu thuẫn của cả một nước to lớn đồng lý tưởng Đại Hán bành trướng nên chú sẵn sàng xử lý ngay những kẻ dám làm các ông bố Tầu nổi giận. Thời chú làm chủ tịch Quốc Hội, Tầu đánh đến đít, bắn giết ngư dân, tịch thu ngư cụ..., lính của chú bắt giam, tù đầy những người chỉ đòi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, thậm chí biểu tình ngồi như Phạm Thanh Nghiên tại gia cũng bị đi đếm lịch 4,5 năm trời,... Vậy mà chú vẫn trả lời tinh bơ trước Quốc Hội: "Tình hình biển đảo... không có gì mới"! Chú Lì chứ đâu có... Lú!
Một con người như thế mà gọi là LÚ sao được! Thậm chí chú rất có mưu kế, rất kiên quyết, rất sẵn sàng "ra tay" ngay để cứu "Đảng Ta" của chú ấy và bản thân chú ấy với niềm tin sắt đá "Còn nước Đại Hán đồng lí tưởng thì còn Đảng ta muôn đời".


Nạn nhân xử lý đầu tiên Nguyễn Đắc Kiên thật dễ thương nhưng bị hy sinh đầu tiên sau khi anh Trọng phát lệnh tấn công những kẻ "suy thoái" vì không chịu theo anh ấy - Photo by RFA
Cụ thể là người bị trúng đạn "phát động xử lý" đầu tiên của chú Trọng là nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.
Và sẽ còn bao nhiêu người nữa bị xử lý theo lệnh của lũ các chú? Đặc biệt mỉa mai là đúng ngày này, ông Bình Minh đã xin được vào "phá thối" Ủy Ban Thường Trực của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc! Đúng là bọn họ tự định nghĩa ra "nhân quyền", "suy thoái" tùy tiện đến mức không biết xấu hổ là gì nữa!
Tổng bí thư kiêm tổng Tư lệnh quân đội oai hùng này mà lú sao được!
MỘT LẦN NỮA, DỨT KHOÁT TỚ CHO LÀ CHÚ TRỌNG KHÔNG HỀ LÚ LẪN MÀ TRÁI LẠI, CHÚ RẤT CÓ CHỦ TÂM VÀ QUYẾT ĐOÁN SẼ NÓI GÌ, LÀM GÌ ...
.............Ngày 27 tháng 2/2013
Một mẩu tin làm mình không thể không nghĩ đến có sự chỉ đạo của nhóm chú Trọng:
Đó là việc tại ngay Tử Cấm Thành Bắc Kinh, bọn Tầu đểu nó ghi một cái bảng trước một cửa hàng: "Không tiếp: Người Nhật Bản, Phi luật Tân, Việt Nam và..CHÓ!"
Cả tuần trôi qua, báo chí thế giới và các blogger trong, ngoài nước đều phân tích cái hiện tượng dễ trở thành xì-căng-đan ngoại giao này nếu xảy ra ở một nước khác. 
Nhưng tất cả "bộ máy anh Huynh" đều câm như hến!
Tới mãi hôm nay báo nhà lước Tuổi Trẻ (chắc mới có lệnh) mới cho đăng nhưng chạy tít trang nhất thì cố tình cắt đi mấy chữ... và Chó! Chỉ còn "Nhà hàng Bắc Kinh kỳ thị người Nhật, Philippines và Việt"!!?? 
Ảnh chụp màn hình "tuoitre.vn" hôm nay, thứ Tư, 27/02/2013
Lại còn cố dùng chữ "kỳ thị" nhẹ tênh khi phê phán cho nó nhẹ bớt lại! Sau đó là đi lan man vào lý lịch, quá trình hoạt động của Róse Tang, tác giả tấm ảnh!
Chắc chắn đây phải là có ý kiến chỉ đạo của 14 cái "đỉnh cao trì trệ" mà cụ thể phải là ông trùm tuyên huấn họ Đinh: Phải làm sao cho mọi người bớt đi sự căm giận các "đồng chí 4 tốt của ta!"
Tất cả nhằm làm nhẹ đi sự uất ức của 90 triệu dân Việt trong và ngoài nước, xóa bớt sự sai lầm to lớn và khiêu khích cả mấy dân tộc khi xếp họ ngang hàng cùng... CHÓ
Mình đã phải tự hỏi mình trước khi đặt tay gõ keyboard...
Tất cả bọn họ đã là tự nguyện trở thành Hán-gốc-Việt hay Việt-gốc-Hán rồi sao dzậy?
Các bạn hãy viết thêm và bình luận về nỗi nhục ê chề này! Kệ mẹ chúng đang đi cúng vái, khấn bái ở các lễ hội và mong lôi kéo chúng ta phân tán vào 3 cái vụ "ba láp" này... Cứ cho chúng càng "suy thoái", càng chóng đến ngày đi gặp "Bác của chúng nó"!