jeudi 24 janvier 2013

Philippines và biển Đông - tổng hợp tin

Biển Đông: Philippines kêu gọi toàn dân ủng hộ quyết định kiện Trung Quốc trước tòa án Liên Hiệp Quốc
Trọng Nghĩa (RFI) - Hôm nay 23/01/2013, báo chí Philippines cho biết: Bộ Ngoại giao nước này đã ra thông báo chính thức giải thích về quyết định đưa tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc. Thông báo này đồng thời kêu gọi người dân Philippines thể hiện tình thần yêu nước và hậu thuẫn cho quyết định của chính phủ.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo 
quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế (Reuters)
Sau khi phân tích cụ thể quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công khai loan báo hôm qua, hãng tin GMA News đã trích dẫn nguyên văn thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh đến ý nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước trong động thái đó: "Nếu ai đó tự tiện xông vào nhà của ta, và tim cách lấy đi một cách bất hợp pháp những gì của ta, thì liệu ta có thể không làm gì để chống lại kẻ xâm nhập hay không? Hành động của chúng ta là nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia và vùng biển của mình"
Bản thông cáo ngay sau đó đã đưa ra lời kêu gọi: "Mọi người Philippines nên đứng đằng sau Tổng thống để bảo vệ những gì là của chúng ta. Tất cả chúng ta đều nên đoàn kết nhất trí trước toàn thể thế giới để biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của Tổng thống trên vấn đề này." 
Về nội dung các khiếu nại của Philippines nhắm vào Trung Quốc, công hàm do Trợ lý Ngoại trưởng Teresa Lazaro chuyển cho Đại sứ Trung Quốc tại Manila vào hôm qua nêu rõ là phía Philippines muốn chấm dứt tình trạng Trung Quốc chiếm đóng hay hoạt động tại 8 đảo hay bãi ngầm thuộc chủ quyền Philippines ngoài Biển Đông. 
Đó là những thực thể mang tên quốc tế là Mischief Reef, McKennan Reef, Gaven Reef, Subi Reef, Scarborough Shoal, Johnson Reef, Cuarteron Reef và Cross Reef Fiery Reef. 
Công hàm của Philippines nói rõ: "Việc chiếm đóng và các hoạt động xây dựng tại các nơi này đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines." Không những thế, Manila cũng tố cáo Bắc Kinh cản trở "một cách phi pháp" quyền tự do hàng hải của Philippines khi chiếm cứ các khu vực kể trên. 
Theo ghi nhận của hãng GMA News, đơn khiếu nại của Philippines nhắm vào Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc là một hồ sơ tổng hợp toàn bộ những lời phản đối của chính quyền Manila về các động thái bành trướng của Trung Quốc trong vòng 17 năm gần đây. 
Quyết định khiếu nại Trung Quốc của Philippines đã được Liên Hiệp Quốc đón nhận một cách thận trọng. Theo hãng tin Pháp AFP, vào hôm qua, 22/01, khi được hỏi về việc Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra trước một tòa án của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông đang theo dõi một cách "cẩn thận" vụ việc này. 
Ông cho rằng: "Điều quan trọng đối với các nước trong khu vực là giải quyết mọi vấn đề (tranh chấp ngoài Biển Đông) thông qua đối thoại một cách hòa bình và thân thiện". Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là đinh chế quốc tế này "sẵn sàng trợ giúp đỡ về mặt kỹ thuật và chuyên môn, nhưng điều cơ bản là mọi vấn đề tranh chấp phải được giải quyết giữa các bên liên can". 
*
Ván bài của Philippines ở Biển Đông
Philippines muốn khiếu nại Trung Quốc vi phạm lãnh thổ ở Bãi Scarborough
Hồng Nga (BBCVietnamese.com, Bangkok) - Nếu ai đã từng tiếp xúc với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thì có thể đoan chắc rằng những gì ông thông báo vào buổi chiều hôm 22/1 ở Manila không phải là một quyết định nông nổi.
Người đàn ông 73 tuổi với khuôn mặt tròn và giọng nói nhỏ nhẹ này nổi tiếng là chu đáo và cẩn thận, ngay cả với giới phóng viên. 
Quyết định mang tranh chấp quanh Bãi cạn Scarborough và Đường lưỡi bò của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế thực ra đã được các nhà hoạch định chính sách của Philippines cân nhắc nhiều tháng nay. 
Họ cũng mời một chuyên gia hàng đầu thế giới về luật quốc tế, luật sư Paul Reichler từ công ty Foley Hoag LLP trụ sở ở Washington D.C, tư vấn chính cho vụ kiện. 
Kế hoạch pháp lý của Manila được các nhà quan sát nhận xét là khá tinh vi và độc đáo. 
Philippines không kiện về vấn đề chủ quyền và cũng không hướng tới việc hoạch định lại chủ quyền trong vùng biển mà họ gọi là Tây Philippine. 
Xét xử vấn đề nan giải và phức tạp này là một tòa án khác, và không thể thực hiện mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc cũng như các nước có tuyên bố chủ quyền liên quan. 
Thay vào đó, Manila đệ đơn lên tòa trọng tài trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để khiếu nại về các vi phạm của Trung Quốc đối với vùng biển chủ quyền của Philippines, cùng các cấu thành như thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)... đã được UNCLOS quy định. 
Philippines cũng yêu cầu tòa trọng tài UNCLOS phán quyết rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông là bất hợp pháp. 
Ý nghĩa chính trị 
Giáo sư Carlyle Thayer từ Canberra, người nhiều năm theo dõi vấn đề Biển Đông, nhận xét rằng ý nghĩa to lớn đầu tiên của quyết định khiếu kiện nói trên là phản kháng lại chủ trương tuyệt đối không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. 
"Trung Quốc có 30 ngày để phản hồi," - ông Thayer giải thích.
"Ngay cả khi Trung Quốc không có phản hồi gì, thì tòa án trọng tài vẫn có thể được thiết lập theo quy tắc của UNCLOS." 
Tất nhiên, tòa án này sẽ phải cân nhắc tất cả các yêu cầu, như khiếu nại của Philippines có cơ sở pháp lý hay không, UNCLOS có thẩm quyền pháp lý với các khiếu nại đó không... 
"Thế nhưng một khi các yêu cầu trên được thỏa mãn, thì tòa có thể tiến hành mà không cần phải có sự tham gia của Trung Quốc," theo Giáo sư Thayer. 
Hãy tưởng tượng sự đắc thắng của một anh nhà nghèo lôi được ông hàng xóm giàu có, quyền thế đang chiếm đất của mình ra tòa cho dù ông kia nhất quyết không chịu đi. 
Thắng lợi của Philippines trong vụ này, nếu đạt được, sẽ là nguồn động viên cho các nước cũng đang gặp khó trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam và Malaysia tiếp tục khiếu nại lên LHQ. 
Tuy nhiên thành công của các nước này đến đâu thì lại là một vấn đề khác. 
Giới chuyên gia hiện còn chưa thống nhất với nhau về mức độ ràng buộc của phán quyết mà Tòa án Trọng tài UNCLOS có thể đưa ra. 
Hiện UNCLOS không có cơ chế nào bắt buộc các bên phải tuân thủ một cách chặt chẽ và đó là sự mạo hiểm mà Philippines phải chấp nhận. 
"Cái được lớn nhất của Philippines trong vụ này là về tinh thần," - Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore nhận định. 
Hết phương cách 
Bản thân Manila cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một tiến trình pháp lý có thể kéo dài từ 3-4 năm. 
Trong một thông cáo gửi tới các phóng viên hôm 22/1, Bộ Ngoại giao Philippines nói họ tin tưởng họ có đủ bằng chứng và cơ sở để khiếu nại, "tuy nhiên trong một vụ kiện thì có nhiều yếu tố phải cân nhắc". 
"Điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể trình bày khiếu nại của mình đối với Trung Quốc cũng như bảo vệ quyền lợi quốc gia và chủ quyền biển của chúng tôi tại một tòa án quốc tế độc lập."
Philippines bác bỏ rằng có ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản trong quyết định chắc chắn sẽ làm Trung Quốc nổi xung này. 
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines cũng gạt đi quan ngại về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang vì việc khiếu kiện: "Trung Quốc là bạn. Trọng tài phân xử là tiến trình hòa bình và hữu nghị để đạt được dàn xếp giữa bạn bè với nhau". 
Theo Ngoại trưởng del Rosario, lý do chính để Philippines quyết định đưa tranh chấp ra tòa quốc tế là vì nước này đã "cạn kiệt giải pháp", khi các kênh chính trị và ngoại giao đều bế tắc trước một Trung Quốc ngày càng mạnh bạo. 
"Nếu chúng tôi không hành động lúc này, thì chúng tôi sẽ bị đặt vào tình thế đã rồi," - thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines cho hay. 
Không ai cho rằng sẽ có một cuộc chiến tranh, hay thậm chí xung đột vũ trang diện rộng tại Biển Đông trong thời gian trước mắt. Thế nhưng những đụng độ lẻ tẻ hoàn toàn có thể xảy ra, kể cả những vụ gây đổ máu và thiệt hại về nhân mạng. 
Và điều quan trọng là một status quo mới với Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và lộng hành trên biển. 
Việt Nam đứng ở đâu trong bàn cờ này?
Tiếng Việt bình dân ở trong nước có cụm từ 'anh hùng núp' (xin lỗi ông Đinh Núp!) để chỉ thái độ luôn đứng đằng sau lưng, không dám đưa ra quyết định. 
Thế nhưng, thời bây giờ mà cứ núp mãi thì không thể trở thành anh hùng được, nhất là trong con mắt của đồng bào mình.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/01/130123_philippines_china_scs_analysis.shtml
*
Philippines “đôi công” với Trung Quốc
Thứ Tư, 23/01/2013 21:56 
Mỹ Nhung (NLĐ) - Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh luôn cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Bắc Kinh nhưng không thể đánh đổi bằng chủ quyền quốc gia 
Bằng cách đưa tranh chấp tại biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Philippines chính thức cảnh báo sẽ quyết tâm chứng minh hành vi của siêu cường châu Á là “bất hợp pháp”. 
Kể tội Trung Quốc 
Trong công hàm trao cho Đại sứ Trung Quốc tại Manila Mã Khắc Thanh ngày 22-1, Philippines đã liệt kê hàng loạt hành động gây hấn trên biển Đông của Bắc Kinh từ năm 1995, bao gồm: phái tàu tuần tra, thăm dò dầu khí, tập trận, thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”... Nổi cộm nhất là căng thẳng quanh bãi cạn Scarborough. 
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: REUTERS
Trước đó, trong cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo Manila không chú trọng vấn đề chủ quyền các đảo tranh chấp khi đưa vụ việc ra tòa án LHQ mà chủ yếu là yêu cầu “Trung Quốc ngừng những hành động trái pháp luật xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”. 
Ngày 23-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng động thái của Philippines chỉ làm phức tạp hơn tình hình, đồng thời tố ngược Manila “chiếm đóng trái phép” nhiều hòn đảo trên biển Đông. “Trung Quốc ủng hộ đàm phán nhưng chỉ là song phương giữa các quốc gia trực tiếp liên quan” - ông Hồng nhấn mạnh. 
Theo quy định, Tòa án Trọng tài của LHQ sẽ tổ chức phiên xử tại một địa điểm thứ ba được cả hai bên chấp thuận. Các bên được đề cử đại diện trong ban hội thẩm. Manila đã đề cử thẩm phán Rudiger Wolfrum, chuyên gia luật quốc tế người Đức và là thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển, làm thành viên ban hội thẩm. 
Philippines hy vọng việc phân xử quốc tế có thể dẫn đến phán quyết các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông đã vi phạm UNCLOS mà hai nước đều đã đặt bút ký. Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế cùng chung e ngại vụ kiện sẽ không đi đến đâu và hành động của Philippines chỉ mang tính biểu trưng. Thứ nhất, Bắc Kinh gần như chắc chắn không chịu ra tòa, do đó phiên tòa chưa chắc có thể diễn ra. Thứ hai, giả sử Philippines thắng kiện, Trung Quốc vẫn có thể chọn cách phớt lờ phán quyết mà không bị chế tài. 
Chủ quyền là tối thượng 
Về giả thiết thứ nhất, ông Trần Thiệu Phong, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Trước nay chưa từng có tiền lệ Trung Quốc chịu đưa tranh chấp lãnh thổ, dù là đất liền hay biển, ra tòa án quốc tế. Philippines biết rõ kiện cáo sẽ không đi đến đâu nên chỉ làm thế để vấn đề được quốc tế hóa nhiều hơn”. Ngược lại, các nhà ngoại giao Philippines tranh luận quá trình tố tụng vẫn có thể xúc tiến bất chấp Trung Quốc có can hệ hay không. Giới chức Manila cho biết họ nhận thức rõ các nguy cơ của canh bạc lần này nên không hề hành động hấp tấp. Theo báo South China Morning post, dưới sự hướng dẫn của Ngoại trưởng Albert del Rosario, các học giả và luật sư Philippines đã bỏ ra nhiều tháng liền để xây dựng chiến lược và tham vấn các luật sư hàng đầu chuyên về tranh chấp biển. 
Bằng cách thả một quân xúc xắc kịch tính về mặt chính trị và pháp lý, Manila biết rõ không có gì bảo đảm họ sẽ thành công. Dù phiên tòa có được thành lập thì cũng phải mất đến 3 - 4 năm để theo đuổi vụ kiện. Trong khoảng thời gian đó, chắc chắn Manila sẽ hứng chịu nhiều đòn trả đũa của Bắc Kinh về mặt ngoại giao và kinh tế khi mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Bắc Kinh nhưng không thể trả giá bằng chủ quyền quốc gia”. 
Về giả thiết thứ hai, dù Trung Quốc có thể phớt lờ phán quyết nhưng bản án sẽ có sức nặng về mặt đạo đức trên trường quốc tế. Ngay từ bây giờ, động thái của Philippines cũng đã có ảnh hưởng đáng kể trong việc quốc tế hóa tranh chấp, điều mà Trung Quốc không hề muốn vì sợ bị đuối lý, theo bình luận của hãng tin AP. 
“Trong những trường hợp thế này, đạt được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế có thể còn giá trị hơn nhiều so với kết quả pháp lý” - một luật sư người Mỹ có kinh nghiệm với các vụ tranh chấp biển nói với tờ South China Morning post. 
LHQ kêu gọi giải pháp hòa bình
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 22-1 kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á. “LHQ sẵn sàng trợ giúp về mặt kỹ thuật, song trước hết, mọi vấn đề tranh chấp phải được giải quyết giữa các bên thông qua đối thoại hòa bình” - ông Ban Ki-mon nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về chuyện Philippines đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài LHQ theo UNCLOS năm 1982, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông đang theo dõi vụ việc một cách thận trọng.


Mỹ Nhung

http://nld.com.vn/2013012309277167p0c1006/philippines-doi-cong-voi-trung-quoc.htm

*

Trung Quốc làm ngơ trước thách thức của Philippines ở Biển Ðông
VOA - Các chuyên gia nói có nhiều phần chắc Trung Quốc sẽ làm lơ trước quyết định của Philippines đưa vụ đối đầu về lãnh hải đã kéo dài lâu nay ra trước một tòa án quốc tế, và tiếp tục nhấn mạnh vào việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải mà không có sự can dự của bên thứ ba. 
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm thứ ba tuyên bố chính phủ ông sẽ đưa vấn đề ra trước một phiên tòa trọng tài theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS đã được cả hai nước phê chuẩn. 
Philippines muốn hội đồng bác bỏ các khẳng định của Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển phía nam nước này. Philippines cũng chống đối điều mà nước này nói là hoạt động “phi pháp” của Trung Quốc quanh các đảo đá mà Philippines nói là thuộc đặc khu kinh tế của Manila theo công ước của Liên Hiệp Quốc. 
Ða số các quan sát viên cho rằng Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ không đồng ý tham gia vào hội đồng, theo đúng chính sách lâu nay của họ là giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ qua thương nghị trực tiếp. 
Ông Carl Thayer của trường Ðại học New South Wales nói với đài VOA rằng phiên tòa có thể sẽ xúc tiến mà không có sự tham dự của phía Trung Quốc. Ông nói Philippines hy vọng một quyết định thuận lợi sẽ đem lại cho họ một thắng lợi tinh thần. 
Ông Thayer nói: “Ðây là một vụ không những mang tính pháp lý mà còn mang tính thuyết phục tinh thần rất mạnh. Nếu tòa phán quyết thậm chí chỉ thiên một phần về Philippinese thôi, thì cũng làm xẹp bớt những khẳng định của Trung Quốc và đem lại thêm tính hợp pháp và sự che chở quốc tế cho Philippines.” 
Nhưng ông Thayer nói phán quyết của tòa, tuy trên nguyên tắc mang tính “ràng buộc,” có thể dễ dàng bị Trung Quốc làm lơ, bởi vì không có cơ chế nào được bao gồm để thi hành bất kỳ phán quyết nào có thể được đưa ra. 
Ông Sam Bateman, một chuyên gia về an ninh hàng hải, thừa nhận rằng việc Trung Quốc từ khước không tham gia vào phiên toà “có lẽ sẽ không phải là một thành công lớn về giao tế.” Nhưng ông nói với đài VOA rằng có thể đó chính là điều chính phủ Philippines nhắm tới. 
Ông Bateman nói: “Tôi thấy về nhiều mặt đó là một cử chỉ mạnh bạo của Philippines, với hy vọng Trung Quốc sẽ có phản ứng tiêu cực.” Ðó là nhận định của ông Bateman, thành viên kỳ cựu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, người mô tả hành động đó như “mưu toan của Manila định chiếm thế thượng phong.” 
Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông. ​​Ông Bateman nói tiếp: “Nếu Trung Quốc quyết định không tham gia phiên toà, đương nhiên sự kiện này sẽ dẫn tới một vòng lên án khác của quốc tế, ta biết đó là sự kiện tiêu biểu cho thái độ quyết liệt của Trung Quốc, và sự thiếu chuẩn bị để hành động, và đại loại các điều như thế.” 
Nhưng ông Bateman cho rằng tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, đều có quyền chiếu theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc, không tham gia tài phán có liên quan đến các quyết định mang tính ràng buộc về các vấn đề liên hệ đến ranh giới hảng hải và các vụ tranh chấp chủ quyền. 
Ðó dường như là con đường mà Bắc Kinh đã chọn. Hôm thứ ba, Ðại sứ Trung Quốc ở Philippines tái khẳng định “Chủ quyền không thể tranh cãi được” của Trung Quốc về vùng nước ở Biển Ðông, và nói rằng Trung Quốc ủng hộ một giải pháp được thương lượng “qua đường lối ôn hòa.” 
Trong bất kỳ trường hợp nào, đa số các chuyên gia phân tích đều đồng ý rằng những lời tranh giành chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines có phần chắc sẽ không được giải quyết nay mai, và vụ này sẽ phải mất 3 năm đến 4 năm để đi qua toà án quốc tế.
*
Trung Quốc: Philippines làm phức tạp vấn đề Biển Đông
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Trung Quốc ngày 23/1 tuyên bố hành động của Philippines yêu cầu tòa án Liên hiệp quốc can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền lâu nay với Bắc Kinh ở Biển Đông chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Philippines đã đề nghị một tòa án của Liên hiệp quốc về Luật Biển yêu cầu Bắc Kinh ngưng các hoạt động mà Manila nói “vi phạm chủ quyền” của họ ở Biển Đông.
Đáp lại, phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo điều mà Trung Quốc gọi là “sự chiếm đóng bất hợp pháp” của Manila ở các đảo trong khu vực và đồng thời nhấn mạnh là Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc này.
Ông Hồng cũng nói thêm rằng Trung Quốc ủng hộ các cuộc đàm phán nhưng chỉ với từng nước một có liên quan và kêu gọi các bên tôn trọng cam kết nhưng không nêu rõ chi tiết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lặp lại quan điểm rằng các nước chớ có hành động làm phức tạp hay gây căng thẳng thêm cho tranh chấp Biển Đông.
Chưa rõ liệu tòa án quốc tế sẽ can thiệp như thế nào nhưng Philippines nói họ phải hành động như vậy vì gần như hết cách kể cả các giải pháp chính trị và ngoại giao.
Manila yêu cầu tòa án Liên Hiệp Quốc xác nhận rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, trong khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hành động hầu dành chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Nguồn: Reuters, Xinhuanet, CNTV.cn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi