Bình Minh (Pháp Luật VN) - Ba
cán bộ công an tỉnh Lạng Sơn kêu oan trong một vụ án mà chứng cứ buộc
tội không thuyết phục, việc điều tra có dấu hiệu vi phạm luật tố tụng
rất nghiêm trọng.
Đưa gái mại dâm vào tròng?
Các bị can Hoàng Công Trường, Ngụy Ngọc Hùng và Triệu Văn Hiếu đều là
cán bộ của Công an TP Lạng Sơn bị VKS TP Lạng Sơn truy tố về tội “Cưỡng
đoạt tài sản” do đã có hành vi giả tổ chức bắt giữ việc mua bán dâm để
thực hiện việc cưỡng đoạt tài sản của gái mại dâm. Tuy nhiên, các bị cáo
kêu oan, trong khi Tòa án trả hồ sơ yêu cầu chứng minh rõ sự việc phạm
tội.
Vụ việc thứ nhất xảy ra vào một ngày... không rõ ràng cuối tháng 3/2012,
tại nhà nghỉ Thùy Liên, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn. Bị can Hứa Viết
Tú, Hoàng Công Trường và Ngụy Ngọc Hùng bị quy kết chiếm đoạt 2,5 triệu
đồng và 2 chỉ vàng của Nguyễn Thị Nguyệt, gái bán dâm.
Theo cáo trạng của VKS TP Lạng Sơn, để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản
trên, Hùng, Trường bàn với Tú để Tú gọi gái bán dâm đến khách sạn.
Trong lúc Tú và gái bán dâm thực hiện việc “mua bán” thì Trường và Hùng
sẽ bắt quả tang.
Thực hiện “kế hoạch” trên, Hứa Viết Tú đã gọi chị Nguyễn Thị Nguyệt đến
phòng 304, khách sạn Thùy Liên. Sau đó, Tú báo cho Hùng và Trường biết
địa điểm. Khi nhận được tin của Tú, Ngụy Ngọc Hùng mặc quần cáo cảnh sát
cùng Hoàng Công Trường mặc quần áo dân sự đến khách sạn Thùy Liên, yêu
cầu người quản lý cho kiểm tra phòng 304.
Trong lúc Tú và chị Nguyệt đang thực hiện việc mua bán dâm thì Trường và
Hùng đẩy cửa bước vào và “bắt quả tang”. Hứa Viết Tú đã xin phép mặc
quần áo rồi đi ra khỏi phòng cùng Hùng và Trường. Một phút sau, Tú quay
lại và nói với chị Nguyệt về điều kiện được tha là phải nộp tiền theo
yêu cầu của các anh công an, nếu không sẽ phải đi tù.
Chị Nguyệt vét hết trong túi chỉ có 500.000 đồng và 2 chỉ vàng. Vì vậy,
chị Nguyệt đã gọi điện hỏi vay ông Nguyễn Khánh Hưng 2 triệu đồng để nộp
cho “công an”.
Vụ việc thứ hai xảy ra ngày trưa 21/4/2012 tại khách sạn Sao Mai, Hứa
Viết Tú cũng gọi chị Vy Thị Nương đến phòng 405 để “mua bán”. Khi Hứa
Viết Tú thông báo địa điểm, Hoàng Công Trường cùng Triệu Văn Hiếu đã
“bắt quả tang đối” việc mua bán dâm của chị Nương. Chị Nương đã phải nộp
hết số tiền 2,7 triệu đồng cho Trường và Hiếu.
Ngoài ra, Hứa Viết Tú, Hoàng Công Trường, Triệu Văn Hiếu bị cáo buộc đã
chiếm đoạt 4 triệu đồng của anh Đặng Hồng Quang trong một vụ “bắt bạc”
xảy ra tại bến xe phía Bắc Lạng Sơn vào ngày 28/4/2012.
Theo cáo trạng, Hứa Viết Tú đã đến bến xe và thông báo cho Hiếu, Trường
có một số lái xe đang đánh bạc. Hiếu, Trường đã đến bến xe và “bắt quả
tang” nhóm lái xe đang sát phạt nhau. Sau đó, Trường yêu cầu “phạt tại
chỗ” mỗi người 1 triệu đồng. Anh Đặng Hồng Quang đã thống nhất ứng tiền
nộp phạt sau đó những người khác sẽ trả lại cho anh Quang.
Những dấu hỏi lớn
Với những sự việc trên, Hiếu, Trường, Hùng đã bị Công an TP Lạng Sơn
đình chỉ công tác và bị khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” cùng với Hứa
Viết Tú. Tuy nhiên, khi vụ án được chuyển sang TAND TP Lạng Sơn để xét
xử thì hàng loạt mâu thuẫn trong vụ án mới được nêu ra.
Theo Quyết định trả hồ sơ ngày 21/12/2012 của TAND TP Lạng Sơn thì lời
khai của các bị cáo, bị hại và nhân chứng trong hồ sơ còn quá nhiều mâu
thuẫn. Thậm chí, những những lời khai mâu thuẫn khiến cho nhiều người
nghi ngờ về sự việc phạm tội là không có thật.
Về sự việc phạm tội tại khách sạn Thùy Liên, ngay trong cáo trạng và kết
luận điều tra, các cơ quan tố tụng đã không xác định được thời gian
phạm tội (ngày, giờ) mà chỉ nêu chung chung mà “một ngày cuối tháng 3”.
Nội dung mơ hồ này cũng được thể hiện trong đơn trình báo của chị Nguyệt
(bị hại) ký ngày 1/5/2012 và đơn đầu thú ngày 2/5/2012 của Ngụy Ngọc
Hùng. Không lẽ, chỉ hơn một tháng mà cả hai kẻ trong cuộc này đều quên
hết cả ngày giờ sự kiện họ gặp nhau?. Với chị Nguyệt, sự kiện “gây sốc”
khó quên trong đời như vậy nhưng cũng không thể nhớ rõ được là điều khá
khó hiểu.
Nhân chứng là chị Trần Thị Toàn, chủ nhà nghỉ Thùy Liên thì khai sự việc
phạm tội xảy ra và khoảng 12h một ngày cuối tháng 3 còn nhân chứng khác
là ông Nguyễn Khánh Hưng, người được CQĐT xác định là đem tiền cho chị
Nguyệt vay (đưa cho Trường) thì lại khai nhận sự việc xảy ra vào khoảng…
4h chiều (chiều tối) một ngày giữa tháng 4. Với những mâu thuẫn này,
nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự việc phạm tội có thật hay bị tạo dựng?.
Một điều đáng lưu ý trong vụ việc này là sự việc “cưỡng đoạt” tài sản
của chị Nguyệt xảy ra từ cuối tháng 3 nhưng vào đúng ngày nghỉ Lễ
1/5/2012, chị Nguyệt có đơn trình báo với CQĐT. Cùng ngày, mặc dù không
phải là sự việc khẩn cấp nhưng ông Nguyễn Khánh Hưng đã được triệu tập
để làm việc với CQĐT. Với kết quả ngay hôm sau (2/5), bị can Ngụy Ngọc
Hùng bị triệu tập đến CQĐT để “đầu thú” về hành vi phạm tội.
Giải thích về việc ra “đầu thú” của mình, bị cáo Hùng khai rằng, do sự
việc “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra gần với thời điểm Hùng và Trường đến
nhà nghỉ Thùy Liên nên khi Hùng được cán bộ điều tra thông báo Hứa Viết
Tú “đã khai nhận hết rồi” nên Hùng đã khai báo như một số nội dung CQĐT
đưa ra. Ngụy Ngọc Hùng cũng khẳng định, bị can này đã bịa ra nội dung
Hùng và Trường chiếm đoạt tài sản của chị Nguyệt.
Các bị can đã bị truy tố bằng các chứng cứ mâu thuẫn và không hợp pháp.
Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án còn nêu rõ, các nhân
chứng Trần Thị Toàn, Luân Văn Mão, Lý Văn Nhất đã khai tại tòa, trước
khi được cho “nhận dạng” bị cáo qua ảnh, điều tra viên đã cho các nhân
chứng xem hình các bị cáo trong điện thoại di động; khi thực hiện việc
nhận dạng thì có người đứng sau nói và chỉ cho biết tên các bị cáo và
các nhân chứng chỉ việc nói theo.
Với chứng cứ mâu thuẫn và việc nhận dạng theo kiểu “cầm tay chỉ người”
như thế thì việc buộc tội có thực sự khách quan?. Việc xử lý các cán bộ
công an của Lạng Sơn có nghiêm nhưng lại không đúng pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn:
Thời gian phạm tội là nội dung bắt buộc phải chứng minh
Theo Điều 63 Bộ luật TTHS thì một trong
những nội dung bắt buộc phải chứng minh là thời gian, địa điểm xảy ra
hành vi phạm tội. Trong vụ án này, thời gian xảy ra sự kiện phạm tội đã
không được chứng minh. Không có chứng cứ xác định ngày, giờ xảy ra sự
kiện phạm tội.
Như vậy, không đủ điều kiện để xác định có
hành vi phạm tội xảy ra. Các nhân chứng đã khai rất khác nhau về thời
gian xảy ra sự việc chứng tỏ họ không biết về sự kiện đó. Vì thế, tôi
cho rằng không đủ điều kiện để xác định có hành vi phạm tội xảy ra.
Bình Minh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi