mardi 10 décembre 2013

UKRAINA dậy sóng - Đấu tranh vì tương lai

Hoàng Trường Sơn (Danlambao) - Từ cuối tháng 11 đến nay, cuộc đấu tranh của nhân dân Ukraina - với dân số trên 46 triệu người - ngày càng quyết liệt, đặc biệt là sau khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich đã thất hứa không ký hiệp định liên kết với Liên hiệp châu Âu (viết tắt Liên Âu, EU), mặc dù nhiều tháng trước họ đã chuẩn bị gần xong cho việc ký kết với Liên Âu. Căm phẫn vì sự tráo trở đó của chính quyền, đêm Thứ năm 30/11 rạng ngày Thứ sáu 01/12, cuộc biểu tình của phe đối lập đã chiếm tòa thị chính Kiev và vài cơ quan khác. Giữa phe đối lập và cảnh sát đã xung đột dữ dội. Bất bình vì sự đàn áp rất thô bạo của cảnh sát làm một số người bị thương và bị bắt, nên từ ngày Thứ bảy 02/12, cuộc đấu tranh lại càng quyết liệt hơn nữa. Quần chúng xuống đường biểu tình phản đối với số lượng đông đến trên 100 nghìn người. Họ bao vây cổng vào trụ sở của Chính phủ, ở đấy đã có nhiều hàng cảnh sát vũ trang bảo vệ. Các cô gái mang kẹo bánh, thức ăn đến biếu họ, các cô kêu vang “Các anh ơi, hãy cố giữ được tư cách làm con người, các anh nhé!”. Cố nhiên, cảnh sát không nhận quà, nhiều người cúi gầm mặt không nhìn các cô, nhưng cũng có người kín đáo mỉm cười...

Vì sao, nhân dân, nhất là giới trẻ Ukraina, đấu tranh quyết liệt như vậy? Trả lời câu hỏi đó của các nhà báo, nhiều người nói rằng vì họ thấy rõ con đường liên kết với Liên Âu sẽ đưa đến một tương lai tươi sáng hơn cho dân Ukraina, nhất là giới trẻ. Cụ thể là nước Ukraina chắc chắn sẽ là một nước dân chủ, nhân dân sẽ được tự do, và các nhân quyền được bảo đảm. Nhân dân sẽ được đi lại thoải mái hơn, có thể kiếm được việc làm ở các nước phương Tây. Giới trẻ sẽ được học hành dễ dàng hơn ở các nước châu Âu. Nền kinh tế, văn hóa và xã hội của Ukraina sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Còn liên kết với Liên bang Nga thì họ sợ đất nước sẽ bị lệ thuộc vào Nga, họ rất sợ phải bị sống dưới một chế độ độc tài toàn trị như ở Nga hiện nay, làm cho họ mất quyền tự do, dân chủ và nhân quyền. Hơn nữa, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của nước Nga hiện nay không thể nào hấp dẫn họ được. Sự thật là mọi người - già, trẻ, nam, nữ - đều trả lời một câu rất giống nhau: “Chúng tôi đấu tranh vì tương lai của chúng tôi!”. 

Các cô gái đưa kẹo bánh đến mời cảnh sát.

Hôm qua, Chủ nhật 08/12/2013, cuộc biểu tình hình như đã lên đến điểm đỉnh. Phe phản đối nói là một triệu người đã tham gia, còn bộ nội vụ thì công bố chỉ có 50 nghìn người biểu tình. Khi có tin Tổng thống Yanukovich sẽ ra lệnh thiết lập tình trạng đặc biệt, dù chính quyền đã cải chính tin đó, nhưng nhiều nơi đã lập chướng ngại vật. Đây là hình ảnh ngày 08/12 ở Kiev trên quảng trường Maidan (có tên là quảng trường Độc lập).





Còn trên đại lộ Schevchenko, một số đảng viên trẻ của đảng “Tự Do”, một đảng phái hữu có tính radical, đã kéo đổ tượng Lenin làm gãy đầu giữa tiếng reo hò của dân chúng tập hợp chung quanh. Hành động này nhiều người hoan nghênh, còn những người cộng sản thì phản đối. Ngay trong phe đối lập cũng có những người không đồng tình. Những người này cho rằng, trong tình hình hiện nay của Ukraina, việc đó chưa phải là cần thiết nhất, mà trước mắt là phải tập hợp toàn bộ lực lượng đối lập để đạt cho được những mục tiêu đấu tranh chung. Cố nhiên, việc này cũng tỏ rõ sự căm ghét cao độ của người dân Ukraina đối với chế độ cộng sản mà trước đây Lenin, Stalin và ĐCSLX đã áp đặt cho các dân tộc trong Liên bang Xô-viết.



Tượng Lenin rơi xuống gãy mất đầu, còn bệ tượng đứng chơ vơ.


CÁCH MẠNG MÀU CAM

Để bạn đọc hiểu được thực chất của cuộc đấu tranh này, trước hết người viết xin giới thiệu qua một tý về Tổng thống 63 tuổi Viktor Yanukovich đương nhiệm. Viktor sinh ở vùng Donetsk, mồ côi mẹ khi mới 2 tuổi, được bà nuôi dạy trong cảnh nghèo khó. Khi còn trẻ, hồi tháng 12 năm 1967, Viktor đã bị kết án ba năm ngồi tù vì tội ăn cướp. Ngồi tù được 1 năm 7 tháng, cậu được ân xá nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng tháng Mười. Sau đó, hồi tháng 08 năm 1970, cậu bị buộc tội đánh người và bị tòa án kết án hai năm tù. Về sau, hồi tháng 12 năm 1978, do sự can thiệp của một nhân vật có quyền thế nên tòa án đã xóa cả hai bản án cho Yanukovich. Điều này đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Học nghề thợ cơ khí, về sau ông trở thành chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ. Rồi Yanukovich được cử làm tỉnh trưởng Donetsk vào cái thời hậu –xô-viết, ở nơi mà các phe phái đấu đá nhau điên cuồng để kiểm soát các nhà máy luyện kim trong vùng (thời tư hữu hóa và công ty hóa). Năm 2002, Yanukovich được Tổng thống Ukraina Leonid Kutchma cử làm Thủ tướng. Theo Wikipedia, trong thời kỳ làm Thủ tướng, ông được nhận học vị tiến sĩ kinh tế học và học hàm giáo sư. Hồi đó, có dân biểu Quốc hội đòi Bộ trưởng Giáo dục phải kiểm tra lại, nhưng rồi vụ việc đó cũng bị... “chìm thuyền”. Năm 2003, ông được bầu làm chủ tịch Đảng các Vùng. Năm 2004, ra ứng cử Tổng thống. Do những gian lận trong cuộc bầu, Ủy ban Bầu cử tuyên bố: theo kết quả sơ bộ thì Yanukovich thắng cử! Tin đó đã làm bùng lên một làn sóng biểu tình quần chúng phản đối suốt ngày đêm trong trời giá lạnh kéo dài từ tháng 11/2004 đến tháng 01/2005. Cuộc đấu tranh mạnh mẽ chưa từng thấy của đông đảo quần chúng này có tên là cuộc Cách mạng Da cam (do cờ màu da cam mà người biểu tình mang theo) đã đưa đến kết quả cuối cùng: Tòa án Tối cao Ukraina đã quyết định bầu lại Tổng thống, và lần này người thắng cử là Viktor Yuschenko. 

CHẾ ĐỘ NGẬP SÂU TRONG VŨNG LẦY THAM NHŨNG

Trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp sau, Yanukovich thắng cử, và ông đã nhậm chức từ ngày 25/02/2010. Từ khi lên ngôi vị Tổng thống, Yanukovich đã tạo điều kiện thuận lợi cho cái “nhóm lợi ích”, tức là “phe phái” chính trị-tài chính của những bà con, bạn bè của ông ta giàu lên và mạnh lên nhanh chóng nhờ tham nhũng. Trong “nhóm lợi ích” này có con trai của ông ta tên là Olexandre và đương kim phó Thủ tướng thứ nhất Sergui Arbuzov. Phe đối lập và giới truyền thông đặc biệt chú ý đến cuộc sống sang trọng và dinh cơ Tổng thống cực kỳ lộng lẫy của ông ở ngoại ô Kiev trong lúc nhân dân và đất nước đang khốn đốn trong cuộc khủng hoảng nặng nề. Cả một vùng rộng đến 137 ha, trước đây là dinh thự của nhà nước nay đã chuyển thành sở hữu tư nhân của bà con, bạn bè của Yanukovich.

Trong tình hình kinh tế-xã hội bị khủng hoảng trầm trọng, sản xuất sa sút, tài chính thiếu hụt... thì trước mắt Tổng thống Yanukovich có hai con đường có thể là lối thoát để vượt qua khó khăn: hoặc dựa vào Nga, hoặc dựa vào Liên Âu. Dựa vào Nga thì có hy vọng được Nga giảm giá khí đốt, nhưng Yanukovich lại sợ mất độc lập, đồng thời cũng sợ đại chúng Ukraina phản đối. Còn nếu dựa vào Liên Âu thì dù có hy vọng nhận được những sự giúp đỡ cần thiết, nhưng lại sợ Nga đóng biên giới bằng cách bắt trả những thuế quan mới cao hơn, mà như vậy thì Ukraina sẽ mất những số tiền rất lớn. Hơn nữa, dựa vào Liên Âu thì phải giải quyết một đòi hỏi của Liên Âu rất khó khăn đối với ông ta là phải trả tự do cho cựu nữ Thủ tướng Yulya Timoschenko. Từ năm 2011, bà đã bị chính quyền Yanukovich bỏ tù một cách rất bất công: những năm trước, khi bà làm Thủ tướng, trong cuộc thương lượng với Nga để giải quyết việc mua dầu khí, bà buộc lòng phải chịu trả giá cao vì bị Nga bắt bí, thế mà chính quyền Yanukovich lại buộc tội cho bà là đã vượt quá quyền hạn để kết án bà 7 năm tù ngồi. Liên Âu đòi phải thả bà ra vì vụ án đó vi phạm nhân quyền rất trắng trợn. Yanukovich viện cớ đây là quyền của tư pháp, Tổng thống không có quyền can thiệp, thì Liên Âu đòi phải cho bà Timoschenko ra nước ngoài chữa bệnh vì thực tình là bà đang bị bệnh nặng. Yanukovich chần chừ không giải quyết vì cuộc bầu cử năm 2015 đang tới gần, ông ta sợ bà sẽ là một ứng viên tương lai, đối thủ có thể đánh bại ông ta, nên ông cứ chần chừ...

Cựu nữ Thủ tướng Yulya Timoschenko, ảnh chụp hồi đang còn tại chức.

HẬU QUẢ CỦA CỦA SỰ THẤT HỨA

Cũng nên nói thêm là khi lên ngôi vị Tổng thống, Yanukovich cố đánh bóng bộ mặt của mình, vốn bị coi là “người của Moskva”, bằng cách tiếp cận với Liên Âu làm như vẻ ông ta là “người xây dựng tương lai Âu châu cho Ukraina”: trong một thời gian dài ông thương thuyết với Liên Âu chuẩn bị cho việc liên kết với Liên Âu. Nhưng, dùng dằng trong tình thế khó xử như đã nói trên, đến ngày 21 tháng 11 năm nay, thay vì quyết định chuẩn bị ký kết hiệp định về việc liên kết với Liên Âu vào đầu tháng 12 thì Chính phủ Ukraina do Thủ tướng Nikolai Azarov đứng đầu, đã quay ngược 180 độ, quyết định ngừng lại việc chuẩn bị đó, lấy cớ rằng cần phải phát triển quan hệ các quan hệ thương mại-kinh tế với Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. Chính phủ Ukraina nói rằng họ chưa sẵn sàng ký kết hiệp định với Liên Âu.

Một sự tráo trở trắng trợn như vậy làm nhân dân vô cùng tức giận, hàng chục nghìn người đã xuống đường phản đối. Những cuộc biểu tình kéo dài liên tục ngày đêm trong giá lạnh từ ngày 21/11 đến tận hôm nay.

Hôm Thứ hai 09/12, tình hình cực kỳ căng thẳng. Có tin Tổng thống Yanukovich sắp tuyên bố tình trạng đặc biệt, và thực tế là chính quyền đã điều động thêm cảnh sát vũ trang, cảnh sát đặc nhiệm “Berkut” đến các “trọng điểm”, chủ yếu là dinh cơ của Tổng thống, trụ sở của Chính phủ... Một trong những người lãnh đạo của phe đối lập, ông Arseni Yatsenyuk, thì tuyên bố nếu Tổng thống tuyên bố tình trạng đặc biệt thì đó là hành động vi hiến, bộ chỉ huy phe đối lập sẽ coi Tổng thống, Thủ tướng, và các cơ quan chính quyền khác đều là không chính thống, và bộ chỉ huy sẽ nắm lấy toàn bộ trách nhiệm về tình hình trong nước. Trước mắt, phe đối lập đòi Tổng thống phải cách chức Thủ tướng Nikolai Azarov. Trước hôm Chủ nhật 08/12, trên thực tế phe đối lập đã bao vây khu phố nơi có các cơ quan chính phủ đóng. Tình hình căng thẳng đến nỗi cựu Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk đã đề nghị cần có một cuộc đối thoại ngay giữa Tổng thống Yanukovich và đại diện của phe đối lập. Cũng trong ngày Chủ nhật 08/12, Chủ tịch Ủy ban Âu châu Jose Manuel Barroso cũng đã điện đàm với Tổng thống Yanukovich kêu gọi ông nhanh chóng tìm cách đối thoại với phe phe đối lập và cần phải tôn trọng các dân quyền. Phe đối lập tỏ ý muốn đối thoại, vì họ cho rằng nếu Tổng thống Ukraina tuyên bố tình trạng đặc biệt thì chỉ có lợi cho nước Nga, và nước này sẽ tìm cách can thiệp sâu hơn vào công việc của Ukraina. Tuy họ muốn đối thoại nhưng họ vẫn phải đề cao cảnh giác. Còn Tổng thống Yanukovich cũng nói sẵn sàng đối thoại. Mọi người đang hãy chờ xem hành động tiếp theo của ông, vì ông Tổng thống này đã nhiều lần nói, nhưng không làm, hoặc nói một đàng, làm một nẻo. 

Từ chiều tối ngày Thứ hai 09/12, chính quyền đã cho cảnh sát đặc nhiệm “Berkut” tháo giở các chướng ngại vật và dồn ép các đoàn biểu tình ra khỏi đường dẫn vào cổng trụ sở Chính phủ. Hai bên đã xung đột kịch liệt, đã có 10 người bị thương. Đó là một dấu hiệu chẳng lành...



Quần chúng tay không chuẩn bị chống lại sự tấn công của cảnh sát.

Các nhà phân tích khách quan ở Nga thì cho rằng Yanukovich nằm trong cái thế rất khó. Trong nước, ông không thể dựa vào lực lượng quần chúng để đè bẹp đối lập được. Vì trong cuộc bầu Quốc hội (Rada) vừa qua, ở Kiev, đảng của ông ta chỉ được 12% số phiếu, còn đồng minh của ông ta là ĐCS chỉ được vẻn vẹn 7% mà thôi. Ở thủ đô, cứ 5 người thì có 4 người chống Yanukovich. Tình hình ở các vùng phía Tây và phía Tây-Bắc cũng giống như vậy. Mà dựa vào lực lượng vũ trang thì rất có thể dẫn đến nội chiến. Nên ông ta phải tiến hành một thứ chính trị thật ranh mãnh, tức là phải lựa chiều đi theo con đường ngoằn ngoèo, zích zắc.

Vừa qua, sau chuyến viếng thăm Trung Quốc, khi trở về, ngày Thứ sáu 06/12, Yanukovich bay thẳng đến Sochi gặp Putin. Kết quả cuộc họp đó đến nay vẫn được cả hai bên giữ kín. Theo tổng biên tập đài Tiếng vang Moskva, ông Benediktov, thì Putin chắc chắn đã dùng chính sách “cây roi và bánh ngọt” để vừa ép vừa dụ Yanukovich. Con roi là dọa sẽ đóng cửa biên giới bằng những thuế quan mới và bằng mức thuế quan cao hơn, nếu Ukraina liên kết với phương Tây. Và khi đó thì Ukraina sẽ mất những món tiền rất lớn. Còn bánh ngọt là hứa sẽ hạ giá tiền mua khí đốt. Cần chú ý rằng giá khí đốt Ukraina mua của phương Tây trong năm 2013 là 357 đôla. Nga có thể đề nghị dưới 300. Bánh ngọt còn là lời hứa sẽ cho vay ưu đãi, có thể là không hoàn lại. Số tiền cho vay có thể từ 10 đến 15 tỉ đôla. Tiền này để Yanukovich chuẩn bị bầu cử Tổng thống và tăng tiền trợ cấp xã hội rất cần để ông ta thắng cử vào năm 2015. Tất cả những điều này khá hấp dẫn đối với Yanukovich, đồng thời cũng làm cho tình thế của Tổng thống Ukraina phức tạp hơn. Ông ta đang đứng giữa ngã ba đường, chưa biết nên tiến theo đường nào... Nhưng, theo nhận xét của người viết, sau ngày họp mặt ở Sochi, ông ta đang ngập ngừng từng bước đi theo con đường ông Putin chỉ bảo, vì... ông ta lo đến số phận tương lai của ông cũng như “nhóm lợi ích” của ông: nếu ông thất cử năm 2015 thì chắc chắn sẽ bị tống vào tù vì tội tham nhũng. Nhưng con đường đó có hiểm họa là Ukraina ngày càng lệ thuộc vào Nga và cuối cùng sẽ mất... nền độc lập mà nhân dân đã giành được từ ngày 24 tháng 08 năm 1991 sau hơn 73 năm ở trong Liên bang Xô-viết. Không biết nhân dân Ukraina có chịu chấp nhận điều này không? Chắc chắn là không!

Hôm nay, Thứ ba 10/12, cả ba ông cựu Tổng thống Ukraina là các ông Leonid Kravchuk, Leonid Kutchma và Viktor Yuschenko đã đến gặp Tổng thống Viktor Yanukovich để bàn về hội nghị bàn tròn để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Không thấy phe đối lập được mời đến. Cũng hôm nay, bà Cathrine Ashton, Trưởng ban Chính sách Đối ngoại của Liên Âu sẽ đến Kiev trong tuần này để hỗ trợ cho việc tìm giải pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng. Cả châu Âu đang chờ đợi sự diễn biến sắp tới của tình hình ở Ukraina và đang mong muốn sự hòa giải của các bên. 

Để kết thúc bài này người viết chỉ biết thốt lên: “Hạ hồi phân giải”. Chỉ mong sao mọi sự sẽ được giải quyết êm đẹp, đem lại hòa bình, yên ổn và hạnh phúc cho nhân dân Ukraina, một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ.

Kiev, Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2013

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi