samedi 18 janvier 2014

Chúng ta có thể thắng

Đội bóng HOÀNG SA

Ngày hôm nay, 40 năm sau trận Hải chiến Hoàng Sa, chúng ta biết nói gì với những con sóng đang cuộn lên trong lòng dân tộc? Chưa có gì, ngoài nhục nhã; chưa có gì hết, ngoài tiếng than thân. Năm 2013, chỉ riêng ở vùng biển Đà Nẵng, lực lượng biên phòng Việt Nam đã phát hiện 516 lượt tàu bè Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Vậy là gấp đôi năm 2012 – khi vùng biển Việt Nam “chỉ” đón hơn 200 tàu Trung Quốc!
Năm nay, chúng ta có 365 ngày, có 516 lượt tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, và, có một “nền độc lập”.
Nếu người ta không phóng đại những con số, họ hẳn đã phóng đại tình trạng độc lập của nước ta.
Ở Việt Nam, ai đang nắm chủ quyền? Chắc chắn không phải những ngư dân đang mất tàu, mất

biển, hoặc mất mạng vì quân cướp nước. Chắc chắn không phải những công nhân đang bị ông chủ Trung Quốc tước đoạt cả sinh lực lẫn nhân phẩm ở Bình Dương. Chắc chắn không phải những trẻ thơ đang bị thực phẩm Trung Quốc hạ độc từng ngày. Chắc chắn không phải những thiếu nữ tuổi đôi mươi bị bán làm nô lệ trên vùng biên giới. Chắc chắn không phải một Bộ Công an vừa phải chuyển trụ sở để trốn chip gián điệp. Chắc chắn không phải là người Việt Nam. 

Trên quê hương chúng ta, một ách đô hộ mới đang hình thành. Hoặc chúng ta đang bước vào 1000 năm Bắc thuộc thứ 2, hoặc chúng ta đang bước vào một cuộc chiến đấu. 
 
Ngày hôm nay, 40 năm sau trận Hải chiến Hoàng Sa, chúng ta biết nói gì với nhau, và với vong linh tiên tổ? Ta sẽ nói rằng cuộc chiến đấu chỉ vừa mới bắt đầu – trong một thời đại mới, trên những mặt trận mới, và bởi những con người mới, những con người của chính hôm nay. 
 
Đâu đó trên internet, có kẻ nhàn rỗi bảo nhau rằng trận hải chiến đã trôi qua rồi. Ngày qua ngày, họ rên rỉ rằng chúng ta đã thua, và Hoàng Sa đã mất. Họ dành hết thì giờ để chế nhạo những nỗ lực can đảm và nghiêm túc nhằm bảo vệ biển Đông, thay vì góp cho công cuộc ấy thêm một cánh tay đắc lực. Họ, bằng sự bạc nhược và thái độ yếm thế, đang trở thành đồng minh thụ động của bè lũ xâm lăng. 
 
Chúng ta có thể thắng, và phải thắng trong cuộc chiến đấu này. Vì hôm nay, chiến trường không giới hạn trên biển Đông, hay trên những hòn đảo san hô mà giặc Tàu đang chiếm đóng. Trên quê hương của chúng ta, chiến trường đã leo thang đến mọi miền và mọi địa hạt. Ta đã thấy một cuộc chiếm đóng ngấm ngầm nhưng dai dẳng của người Trung Quốc trên những cao điểm trọng yếu của đất Tây Nguyên. Hôm nay, văn hóa Trung Quốc đang diễu binh trên các kênh truyền hình. Thông điệp Trung Quốc đã đột nhập vào sách giáo khoa, vào cơ quan công quyền, vào chủ trương chính sách. Chất độc trong thực phẩm Trung Quốc đang giết dần nòi giống Việt. “Làng Trung Quốc” đang đổ bộ lên mọi thành phố, thị trấn, miền quê. Trong một âm mưu cướp nước dài hạn, kẻ xâm lược phương Bắc đang rắp tâm làm thui chột cả văn hóa, kinh tế, chính trị, lẫn nòi giống của dòng dõi Lạc Hồng. Ai đầu hàng trong cuộc chiến đấu hôm nay, người ấy đang rước về một tương lai khổ đau cho muôn đời con cháu. 
 
Chúng ta có thể thắng, và phải thắng trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Vì hơn lúc nào hết, sự xoay chuyển của tình thế đang ủng hộ chúng ta. Hôm nay, nước Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn khi buộc phải hội nhập và va chạm với hệ thống toàn cầu. Nó như một đứa trẻ vừa cố tăng trưởng xác thịt thật nhanh, vừa cố giữ cho riêng mình những tinh thần và thói quen con nít. Nó vừa muốn hội nhập vào một nền kinh tế chung, vừa quyết liệt chối từ những giá trị tiến bộ có tính phổ cập của nhân loại. Chọn lựa bất nhất này đang đẩy xã hội Trung Quốc vào những mâu thuẫn nghiêm trọng, mà nếu không được giải quyết thỏa đáng, sẽ hứa hẹn làm tan vỡ quốc gia. 

Vì theo đuổi lợi nhuận của nền kinh tế thị trường mà khước từ nhân quyền và dân chủ, nước Trung Quốc đã chuốc lấy cho mình thân phận công xưởng của thế giới, với một hệ thống phúc lợi rỗng tuếch, một môi trường bị ô nhiễm nặng, một nền giáo dục triệt tiêu sáng tạo, và một bất công xã hội đã tăng tới ngưỡng khổng lồ. Trong khi đà tăng trưởng kinh tế đã tiêu tan, Trung Quốc đang tăng trưởng rất nhanh về số cuộc khởi nghĩa nông dân, bạo loạn và khủng bố. Bất chấp những hồi chuông báo động đang được gióng lên, Bắc Kinh đã không hề đưa ra một chỉ dấu nào cho sự thay đổi. Thay vào đó, nó bước vào vết xe đổ của nước Đức và Nhật đầu thế kỉ trước, khi điên cuồng gây hấn với thế giới để xoa dịu những mâu thuẫn bên trong. 
 
Cuộc diễu võ giương oai mà Trung Quốc đang tiến hành ở Châu Á sẽ đẩy biển Đông đến tương lai nào? Hãy nhớ rằng sau chiến tranh thế giới thứ 2, Đức và Nhật đã buộc phải trả lại mọi vùng biển và đất đai mà họ từng chiếm đóng. Một quốc gia không thể giữ ổn định trong nội địa và trong lòng dân, dù có gây ra bao nhiêu thiệt hại khi tuyệt vọng vùng vẫy trong cuộc xâm lược phi nghĩa của mình, cũng sẽ sớm phải hoàn trả chiến lợi phẩm. 
 
Vậy thì chúng ta có thể thắng, phải thắng, và sẽ thắng trong cuộc đấu tranh giữ nước của ngày hôm nay. Hãy để lịch sử soi đường. Ai khiếp sợ trước sự vững bền của một cường quốc ngoại xâm, xin chớ quên kết cục của đế chế La Mã. Ai đánh mất hi vọng độc lập, hãy nhớ hành trình 20 thế kỷ của dân tộc Israel. Ai ngã lòng sau một thất bại, hãy nhớ gương Câu Tiễn nhịn nhục báo thù. Ai nghi ngờ sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, hãy nhớ nơi quân Nguyên Mông phải dừng bước. 
 
Và hãy nhớ những gian khổ của cha ông ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập: 
“…Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi. Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối. Phần vì giận quân thù ngang dọc, Phần vì lo vận nước khó khăn, Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, Lúc Khôi Huyện quân không một độiTrời thử lòng trao cho mệnh lớn. Ta gắng trí khắc phục gian nan. Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới…” 
 
“Càn khôn bĩ rồi lại thái / Nhật nguyệt hối rồi lại minh”. Nếu cha ông ta chưa từng khuất phục trước những thử thách còn muôn phần lớn hơn bây giờ, thì hôm nay, chúng ta không có lí do nào để lui bước. 
 
Đây không còn là một cuộc đối kháng quân sự. Chúng ta đang bước vào một cuộc đua thay đổi giữa hai quốc gia. Trong cuộc đọ sức ấy, chiến thắng sẽ thuộc về kẻ thu nạp một cách nhanh hơn, thông minh hơn, hài hòa hơn và bền vững hơn những giá trị nhân bản và tinh hoa tri thức của loài người. Chiến thắng sẽ thuộc về kẻ chinh phục được lòng dân và lương tâm của bạn bè quốc tế. Chiến thắng sẽ thuộc về kẻ biết dung hòa giữa Đông và Tây, cũ và mới, ổn định và phát triển, thống nhất và đa nguyên, lợi nhuận và môi trường, quốc gia và quốc tế, giữa các nhóm lợi ích trong lòng dân tộc, giữa các khuynh hướng khác biệt trong một hành trình đến cái đích chung… Trong môi trường quốc tế hiện tại, và trong mọi cuộc đua thay đổi, lợi thế sẽ thuộc về những dân tộc nhỏ, cởi mở với thế giới, và chọn thái độ hiếu hòa. Với quyết tâm thay đổi, tinh thần độc lập, khát vọng hòa bình và một chính sách đối ngoại cân bằng trong quan hệ hợp tác đa phương, chúng ta hoàn toàn có thể đứng trên thế thắng. 
 
Hãy lắng nghe người thầy lịch sử. Quá khứ huy hoàng của dân tộc đã để lại nhiều bài học cho chúng ta. Nếu dứt khoát lựa chọn tự do, đa nguyên, nhân bản và hòa hợp, Việt Nam sẽ lột xác thành một mảnh đất thịnh vượng, độc lập và thanh bình. Thời Lý - Trần, nước Đại Việt của tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và giao hòa Đông – Tây đã đứng vững trước mọi vó ngựa ngoại xâm và làm nên một nền văn minh rực rỡ. Sau này, Đàng Trong đa sắc tộc, đa tôn giáo của các chúa Nguyễn thời Lê trung hưng cũng đã nổi danh khắp bốn phương như một cường quốc thương mại. Hôm nay, khi những “bí quyết” nêu trên đã trở thành giá trị phổ cập của loài người, và khi tiến trình toàn cầu hóa cho chúng ta nhiều người thầy, người bạn để lựa chọn ngoài đế quốc Trung Hoa, chúng ta đang có mọi thuận lợi để giải phóng sinh lực của mình, trở lại làm một cường quốc bên bờ biển Đông, giành lại những hòn đảo mà mình nắm chủ quyền, và thoát khỏi ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc. 
 
Hãy bước lên và nhập cuộc. Trong cuộc chiến đấu này, vinh quang thuộc về những chiến sĩ bảo vệ sự thật, hòa bình và tự do. Vinh quang thuộc về bất cứ ai đang chiến đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, độc lập, hòa hợp và phú cường. Vinh quang thuộc về mọi người Việt Nam yêu nước. 

Đội bóng HOÀNG SA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi