“Từ nay, đất nước ta vĩnh viễn bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do…” (Lê Duẩn – 02-9-1975).
Kỷ nguyên hòa bình “vĩnh viễn” ấy chỉ đếm được có mỗi 641 ngày. Đó là 641 ngày của những chuyến tàu Thống Nhất vội vã chuyển hàng trên đường ray xuyên Việt từ Nam ra Bắc. Đó là 641 ngày khởi đầu của các chiến dịch dài hơi tù cải tạo/diệt tư thương/kinh tế mới/hợp tác xã/tem phiếu hộ khẩu/ngăn sông cấm chợ/đổi tiền… Đó cũng là 641 ngày ký sinh của một guồng máy tiếp tục ăn bám quân viện lẫn kinh viện (nên phải răm rắp theo lệnh truyền) của Đệ Tam Quốc Tế.
Tháng 6 năm 1977 là mốc điểm chính thức bùng vỡ cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh (thông qua Lê Duẩn của VN và Pol Pot của Khmer).
Cuối năm 1977, Lê Duẩn huy động sáu sư đoàn của quân đội nhân dân VN đánh sâu vào tận Neak Luong rồi mới rút lui, mang theo một số nhân vật quan trọng bên phía Khmer, trong đó có cả thủ tướng tương lai của Campuchia là Hun Sen.
Cuối năm 1978, Lê Duẩn điều chuyển 17 sư đoàn bộ binh và các sư đoàn không quân, lữ đoàn thiết giáp, pháo binh, công binh… đánh thẳng vào Nam Vang, Siem Reap, Battambang, lấn sâu vào cả bên trong biên giới Thái. Ước chừng tổng lực quân đội VN thời bấy giờ vào khoảng hơn nửa triệu quân, thì đã có khoảng phân nửa của lực lượng ấy tham chiến, với hệ quả thương vong lên tới hàng chục vạn chiến sĩ, dân công và thanh niên xung phong, cùng nhiều vạn thường dân VN ở vùng biên
giới Tây Nam.
giới Tây Nam.
Đảng CS Campuchia (mới, thân CSVN) được thành lập ngay sau đó, với chủ tịch đảng là Pen Sovan, một cán bộ Khmer tập kết về Hà Nội năm 1954. Những ủy viên thường vụ của đảng gồm Hun Sen, Bou Thang, Chan Kiri, Heng Samrin và Chia Soth. Một nhà nước (mới, thân Hà Nội) thành hình để ổn định sinh hoạt chính trị. Heng Samrin, chủ tịch Hội đồng Cách mạng Campuchia, ký với Hà Nội một hiệp ước hợp thức hóa sự hiện diện của 180.000 bộ đội/cán bộ VN được cài lại xứ Chùa Tháp, bằng danh xưng “chuyên gia” (dưới quyền điều động tại chỗ của Lê Đức Anh).
Một tháng sau trận chiến Tây Nam kinh hoàng (đánh tay sai Tàu bằng nghĩa vụ quốc tế trên nghị quyết của Liên Xô) đó, lực lượng tổng trừ bị của quân đội nhân dân VN, bao gồm cả một phần lực lượng vừa tiến chiếm Nam Vang, cộng thêm lực lượng mới tổng động viên, được cấp tốc điều ra biên giới phía Bắc.
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận Trung ương của đảng CSVN, số ra ngày 17-02-1979, đã đi tựa lớn choán đầy bề ngang trang nhất: “Trung Quốc phát động chiến tranh quy mô lớn trên biên giới Việt – Trung”. Đặng Tiểu Bình đặt tên cho cuộc tấn công vũ trang quy mô lớn này là cuộc chiến “giáo trừng” (dạy cho bọn lãnh đạo hiếu chiến VN 1 bài học).
Hà Nội bấy giờ, vừa mới gia nhập CMEA (29-6-1978), lại tin tưởng vào bảnHiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa VN và Liên Xô (03-11-1978, với chữ ký của cả đảng cộng sản lẫn nhà nước hai bên) cùng chiếc mũ bảo hiểm của điện Cẩm Linh, nên không thể ngờ “người anh em hữu hảo” TQ quyết định dàn một triệu rưỡi quân PLA dọc theo biên giới Trung-Xô, cùng lúc, điều động hơn nửa triệu quân dọc biên giới Việt-Trung (một lực lượng tương đương hay vượt cả con số toàn bộ quân đội của VN), cho trận đòn roi vọt này. Điều bất ngờ lớn hơn (và gây hậu quả núi xương sông máu dân lành) là ở dàn lãnh đạo các tỉnh dọc biên phía Bắc. Một số gia đình tỉnh ủy/huyện ủy còn không kịp chạy trước dân!
Bộ phận tuyên truyền trung ương khẩn cấp hoàn tất đồ án phủi tay/lật mặt: “Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh” (nxb KHXH-1979); và đóng thành sách “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” (nxb Sự Thật-1979). Phụ trội thêm một số tranh biếm họa “Mưu Sâu Họa Càng Sâu” (nxb QĐND-1979).
Chữ nghĩa, ảnh biếm và tiếng loa không ngăn được đạn cối và pháo trực xạ.
Sáng sớm ngày 17-2-1979, các cuộc tấn công chớp nhoáng của giặc Tàu đã đồng loạt diễn ra tại 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc dài 1460 km của Việt Nam.
Bài nhạc thúc quân của lính Tàu (bản dịch của FBker Nguyên Trung Thuan, trích từ 1 Status trên tường nhà FBker Ngô Nhật Đăng) bấy giờ có đoạn: “…碾碎越寇称霸东南亚的狼子野心,Nghiền nát dã tâm lang sói xưng bá Đông Nam Á của giặc Việt, 砸向那忘恩负义的越南傀儡政府。Đập tan chính quyền bù nhìn VN vong ơn bội nghĩa…”.
Ngày 19-2-1979, điện Cẩm Linh công bố bản Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô, với một khẳng định làm an lòng lãnh đạo Hà Nội: “…Nhân dân Việt Nam có những người bạn thủy chung và là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện đầy đủ những điều khoản cam kết được ghi trong Hiệp ước Hợp tác Hữu nghị Toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam. Liên bang Xô Viết kiên quyết yêu cầu (TQ) chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam và lập tức rút quân khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Người lính VN, khác với lãnh đạo Hà Nội, không hề chờ đợi những tia nước bọt đó.
Người lính VN chỉ hành động theo độ sôi của máu trong người.
Khí phách của người lính VN là có thật và sáng rỡ vầng dương. Khí phách đó chỉ nghe theo tiếng hịch của tiền nhân, quyết không để mất một tấc đất một ngọn cây vào tay giặc. Khí phách đó tự thích vào máu hai chữ Sát Thát, quyết chạy ngược chiều dòng người sơ tán để lên giữ tuyến đầu hay giành lại tuyến đầu. Khí phách đó đã vượt qua các thành phố và thị trấn đã bị san bằng để giành lại từng cao điểm núi đồi. Khí phách đó đã đẩy lùi lũ giặc trở về điểm xuất phát. Khí phách đó, nhân dân Việt Nam không hề quên và sẽ không bao giờ quên…
Tiếc nỗi, cuộc chiến sử dụng khí phách hào hùng (và núi xương sông máu nhân dân) đó, như lịch sử ghi lại từng nét, đã bắt nguồn từ: 1) tính nô lệ của dàn lãnh đạo Bắc Bộ Phủ bấy giờ cúi đầu vâng lệnh quan thầy Cẩm Linh; và 2) tính lật lọng cũng của dàn lãnh đạo (bị mắng là phản thùng) đó đối với quan thầy Trung Nam Hải:
Hà Nội đã dồn quan thầy TQ vào chỗ mất mặt là không bảo vệ được bọn đàn em khát máu Pol Pot trước một bọn cựu đàn em khác (cũng khát máu không kém), còn đang hung hăng tự mãn trên thành quả nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, và còn đang ôm mộng bá chủ Đông Dương, trong lúc trên thực tế là chọn thế ôm chân ăn bám vào trụ cột duy nhất Liên Xô.
Đó là một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai thế lực Tiểu Bành Trướng tranh bá với Đại Bành Trướng, chẳng những phi chính nghĩa, mà còn là phi nhân, phi lý.
Đó là một cuộc chiến không đáng có.
Đó là một cuộc chiến làm tổn hại nguyên khí quốc gia, tàn phá của cải, giết hại dân lành, hủy hoại cả tình người giữa những sắc dân thiểu số sống dọc hai bên đường biên giới.
Hệ quả tại chỗ và lâu dài là:
· Quân TQ rút về sau đường biên giới do chính nó định (chứ không phải là biên giới có sẵn từ trước cuộc chiến);
· VN bị thế giới cấm vận suốt 10 năm liền, phải hoàn toàn ký sinh vào Liên Xô, cho đến lúc bị buộc rút quân ra khỏi Campuchia;
· TQ củng cố lực lượng trên quần đảo Hoàng Sa và xua quân chiếm thêm các đảo Trường Sa của VN;
· Liên Xô cắt đứt kinh viện cho VN trước khi Quốc Tế III tan rã ngay trên cái nôi sản sinh ra nó;
· Hà Nội mất điểm tựa chính trị và kinh tế, phải quay lại khấu tấu xin lệ thuộc vào kẻ cựu thù Bành Trướng Bá Quyền Bắc Kinh;
· Tất cả sách sử và tài liệu Khoa Giáo của CSVN đều được viết lại, không để quan thầy đại hán phật ý mích lòng;
· TQ vẫn có thể xâm chiếm VN mà chưa cần phải huy động quân đội của chúng lần nữa, một khi đã mua đứt dàn lãnh đạo Hà Nội, bằng tiền và gái, từ Thành Đô đến Tử Cấm Thành;
· Từ đó, bộ phận Lý luận TW đồng loạt giương cao chủ trương “VN nhỏ yếu, TQ lớn mạnh – Phải nhẫn nhịn, nhượng bộ” (với giặc, và thẳng tay với dân);
· TQ thành lập đơn vị hành chánh Tam Sa. CS VN không dám phản ứng. Nhân dân tuần hành phản đối, lại bị nhà nước đàn áp;
· Trang web hợp tác thương mại giữa VN-TQ có tên miền “.vn” thì lại do TQ điều hành và thường xuyên đăng bài của TQ khẳng định chủ quyền trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa.
· Nhà nước ra lệnh tổ chức đón tiếp ngọn đuốc Olympic 2008 trọng thị và an toàn đi ngang qua thành Hồ, suýt đi ngang qua Trường Sa & Hoàng Sa trước khi hồi đáo Bắc Kinh. Blogger Điếu Cày là tay dân báo đầu tiên bị bắt tù, về tội danh thiếu thuế cho thuê nhà, chỉ vì đã mặc áo Olympic 5 còng và cầm biểu ngữ phản đối TQ hung hăng trên biển Đông, sau đó, bị chồng thêm án chính trị mà không cần ra tòa.
· Hầu hết những blogger dân báo, với khá đông những luật sư, trí thức và doanh nhân thành công, từng viết bài báo động về một giai đoạn Bắc thuộc mới, đều bị bắt và bị kết án bằng những tội danh hình sự. VN lọt vào danh sách “Kẻ Thù Của Internet” liên tục mỗi năm, từ lúc danh sách này ra đời vào năm 2008 tới nay;
· Nhà nước VN tổ chức cực kỳ hoành tráng lễ chào mừng quốc khánh TQ, ẩn bên dưới lý cớ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
· Đại sứ VN tại Bắc Kinh khẳng định “Chúng ta không có hai lòng” trong quan hệ với TQ.
· Nhân dân tự tổ chức những buổi thắp hương dâng hoa tưởng niệm các chiến sĩ xả thân bảo vệ Hoàng Sa & Trường Sa, đều bị nhà cầm quyền giải tán bằng các biện pháp lưu manh/láu cá vặt;
· Bia tưởng niệm sự hy sinh của quân đội nhân dân VN dọc biên giới bị đục bỏ chữ“anh hùng”. Hàng chữ “quân TQ xâm lược” cũng bị đục bỏ trên bia kỷ niệm chiến thắng của VN. Một số tỉnh dọc biên giới lập nghĩa trang và dựng bia liệt sĩ cho lính TQ. Lãnh đạo VN dâng hoa tưởng niệm lính TQ tử trận trong cuộc chiến giáo trừng của Đặng Tiểu Bình (Bài viết “Lễ Dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ Trung Quốc nhân Tiết Thanh minh” trên web langson.gov.vn đã bị gỡ bỏ sau khi bị làng dân báo chỉ trích, nhưng hình ảnh vòng hoa tưởng niệm “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc” thì đã được lưu giữ làm bằng).
· Lãnh đạo Tuyên Giáo triệu tập các tổng biên tập dàn báo đài trong luồng để ban mật lệnh cấm đăng bài bình luận/phóng sự/tâm bút liên quan đến Hoàng Sa/Trường Sa/chiến tranh biên giới. Trang mạng Một Thế Giới vừa khởi sự đăng loạt bài 35 năm cuộc chiến tranh biên giới, với những bài viết rất hay, chẳng hạn như “Phút Bi Tráng Ở Pò-Hèn”, hoặc “Hoa Đào Biên Viễn”… Nhiều người nhanh tay chép lại ngay. Rất nhiều người chưa kịp đọc, thì Một Thế Giới đã nhận lệnh tháo gỡ.
· Lại có nguồn tin tại Hà Nội cho biết, vào ngày 15-01-2014, phía TQ đã bất ngờ nêu yêu cầu trao đổi giữa TBT Tập Cận Bình với TBT Nguyễn Phú Trọng qua đường dây nóng, nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18-01). Nhiều phần, đã có một yêu cầu từ lãnh đạo cao nhất của cả hai đảng, nên mới có tình trạng ngưng ngang niềm hy vọng của nhiều ký giả là báo trong luồng sẽ có bài tưởng niệm các anh hùng xả thân vì nước trong các trận chiến bảo vệ Hoàng Sa (19-01), bảo vệ biên giới phía Bắc (17-02), và bảo vệ Trường Sa (14-3).
· …
Rõ là nhà nước bắn lệnh vào nhân dân thủng tim dễ hơn đạn quân thù.
Lệnh nhà nước đã khiến các anh hùng ngậm ngùi chết thêm lần nữa.
*
Năm ngoái, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Bộ Công an đã nhấn mạnh: “Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổquốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ”. (Thiếu tướng Lê Văn Cương, trả lời phỏng vấn của phóng viên Ng.Phong, đăng trên báo Thanh Niên ngày 17-02-2013).
Năm nay, Giáo sư Sử học Vũ Minh Giang nhấn lại lần nữa, trên báo Lao Động: “Về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung tháng 2-1979: Cần được xem như chiến thắng chống ngoại xâm”.
Theo đó, một câu hỏi tích lũy và lưu cữu từ nhiều năm qua bỗng nhiên bật dậy: Tại sao trong lúc TQ cho đăng non nghìn bản tin vào thời điểm này hàng năm, thì đảng và nhà nước VN nhất mực im lặng và buộc nhân dân im lặng?
Diễn giảng ra cho rõ nghĩa, vẫn theo Thiếu tướng Lê Văn Cương:
“Vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15… hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2-1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họsẽ nghĩ gì về chuyện này?”.
Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược. Đừng hỏi vì sao Khí Phách Việt bị đảng chôn vùi dưới mớ chữ vàng nô lệ. Nếu có khả năng đội mồ đứng dậy, có lẽ các tử sĩ Vị Quốc Vong Thân sẽ khoan thai nhếch mép khinh miệt:
Lãnh đạo đảng xua quân “đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”.
Lãnh đạo đảng xua quân đánh Khmer Đỏ là đánh bọn bá quyền Trung Quốc cho đàn anh Liên Xô.
Lãnh đạo đảng xua quân ra biên giới Bắc là để chống lại cuộc trả thù trực tiếp của Trung Quốc.
Lãnh đạo đảng xua quân vô hầm ngày nay là bởi mớ sinh tử phù tiền/gái của Trung Nam Hải.
Lãnh đạo đảng xua quân bắt bớ người dân yêu nước là để làm hài lòng bọn lãnh đạo cao hơn.
Rồi, sẽ thư thả chốt lại:
12-02-2014 – Kỷ niệm tròn 102 năm Phổ Nghi thoái ngôi, chấm dứt Thanh Triều.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi