Hương Vũ
Gửi cho BBC từ Geneva, Thụy Sỹ
2 giờ chiều (giờ Thụy Sỹ) ngày 5 tháng 2, đúng vào thời điểm
phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam thực hiện Kiểm định Định kỳ Phổ quát (UPR)
phía trong trụ sở Liên Hiệp Quốc, thì tại quảng trường Place des Nations phía
đối diện sẽ diễn ra biểu tình phản đối tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Đây là hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân người Việt
đang sinh sống tại nhiều quốc gia, nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Đường nào cũng dẫn đến Geneva
Do chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng và nhạy cảm về chính
trị thế giới nên khu vực quảng trường Place des Nations, nơi đặt biểu tượng
chiếc ghế ba chân khổng lồ trước cổng trụ sở Liên Hiệp Quốc là địa điểm thường
xuyên được các tổ chức đến từ khắp thế giới chọn làm nơi biểu tình.
Riêng với các hội đoàn người Việt, lần biểu tình quy mô nhất
gần đây tại chính vị trí này là cách đây hơn 4 năm, trong thời gian diễn ra kỳ
kiểm định UPR lần thứ nhất.
Ông Trần Nhân Định, đến từ Pháp cho biết ngay khi được biết
thông tin công bố về thời gian diễn ra UPR từ nhiều tuần trước, các hội đoàn
người Việt từ khắp thế giới đã mở chiến dịch trên các trang mạng xã hội kêu gọi
mọi người cùng thu xếp thời gian và công việc để đến Geneva biểu tình.
Một số cách “truyền thống” hơn như trực tiếp vận động
bạn bè, người thân cùng tham gia cũng được nhiều người áp dụng.
Sáng sớm ngày 4 tháng 2, đoàn gồm khoảng 50 người tới từ
Paris cùng đi chung trên một xe bus lớn đã có mặt trước cổng trụ sở Liên Hiệp Quốc,
nhưng trước đó đoàn đã cử một số người tới Geneva để thu xếp nơi ăn chốn ở trong
các ngày diễn ra sự kiện.
Một đoàn khoảng 40 người đến từ Đức cũng đã có mặt vào hồi
8 giờ tối. Có vài nhóm nhỏ từ 6-10 người từ Bắc Âu thậm chí đã có mặt từ một vài
ngày trước đó bằng nhiều loại phương tiện khác nhau.
Ghi nhận từ các trưởng nhóm, tới thời điểm tối ngày hôm trước
diễn ra biểu tình chính thức đã có khoảng 200 người Việt đến từ các nước Pháp,
Đức, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Mỹ, Thụy Sỹ, Việt Nam… tập trung thành từng nhóm
riêng, hoặc cùng tìm một địa điểm sinh hoạt chung tại Geneva.
Theo thông tin công bố ban đầu, kỳ kiểm định UPR lần này
của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 28 tháng 1, nhưng sau đó đột ngột đổi sang
ngày 5 tháng 2 nên khá nhiều người đã có kế hoạch xin nghỉ làm trong thời gian
này để tới Geneva biểu tình đã không kịp “trở tay”, vì phần đông những người
tham gia đều đang làm việc tại các hãng xưởng.
Tuy nhiên, ông Trần Nhân Định cho biết hiện có một số nhóm
vẫn đang trên đường tới Geneva.
Tạm
trú trong… hầm chống bom nguyên tử
Toàn bộ chi phí để tham dự cuộc biểu tình này đều do chính
những người tham gia tự chi trả cho nên mọi người đã tìm cách tiết kiệm hết mức
có thể trong thời gian diễn ra sự kiện tại đất nước Thụy Sỹ nổi tiếng đắt đỏ.
Từ trước đó khá lâu, các hội đoàn người Việt đang cư trú
tại Thụy Sỹ đã rốt ráo tìm kiếm các thông tin về nơi lưu trú và phương tiện đi lại
hỗ trợ các đoàn bạn. Hầu hết các đoàn trước khi di chuyển tới Geneva đều tự trang
bị mì gói, bánh mì, nước uống… để hạn chế chi phí ăn uống, nhà hàng. Giải pháp
thuê khách sạn giá rẻ và cùng chia phòng cũng được tận dụng triệt để.
Hiện có một nhóm khoảng 50 người tới từ nhiều nhóm khác nhau
đang tạm trú ngụ bên trong hầm tránh bom nguyên tử trên đường La Voie de Moens.
Những hầm tránh bom kiên cố này được xây dựng tại hầu
hết các thành phố ở Thụy Sỹ, được trang bị những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu
và không gian tương đối rộng, đủ cho vài chục tới cả trăm người trú ngụ cùng
một lúc.
Ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên hội Thụy Sỹ- Việt Nam (Cosunam)
cho biết: “Giá trung bình cho một người ở khách sạn tại Geneva là 120 franc
Thụy Sỹ (xấp xỉ 130 đô la Mỹ) cho một ngày đêm, nhưng nếu ở trong hầm chống bom
như thế này chi phí chỉ còn 20 franc nên cũng tiết kiệm được cho bà con đáng
kể!”
Theo quan sát của tôi thì những người đang sinh hoạt tại
địa điểm này cũng có vẻ không phiền phức gì với những tiện nghi tối thiểu này. Ngược
lại, mọi người còn tỏ ra rất thích thú được có cơ hội ngủ trong một địa điểm
đặc biệt chỉ có tại Thụy Sỹ.
Ngày
mai, tôi sẽ hét thật to!
Hầu hết những người được hỏi về lý do dẫn họ tới Gieneva
biểu tình đều có chung ý kiến cho rằng việc tới đây biểu tình đối với họ là trách
nhiệm của một người dân Việt Nam luôn hướng về tổ quốc, và góp phần lôi kéo sự
chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế trong việc gây áp lực với phái đoàn
của chính phủ Việt Nam về các cam kết thực thi nhân quyền trong nước.
"Ngày mai tôi sẽ cố gắng hét thật to để
những người quanh đó đều nghe thấy. Tôi thấy rằng bổn phận của người Việt Nam ở
nước ngoài là phải nói lên những tiếng nói mà những người ở trong nước không
nói được, để người dân trong nước biết được vẫn có những đồng bào hải ngoại
hướng về họ."
Ông Lê Hữu Đào
Ông Nguyễn Hữu Phước, tới từ Hòa Lan chia sẻ: “Khi rời khỏi
Việt Nam tôi còn quá nhỏ để thù ghét. Những thông tin tôi tiếp cận được trong
quá trình trưởng thành tại Hòa Lan luôn khách quan để tôi có thể nhìn nhận mọi
việc một cách đa chiều.
Chính quyền Việt Nam bị chỉ trích do những chính sách
sai lầm nhất định, và tôi cho rằng đó là lỗi của chế độ chứ không một ai có mặt
tại đây muốn chống đối với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đi biểu tình, để cố
gắng giúp đỡ người dân trong nước”.
Ông Lê Hữu Đào, tới từ Bỉ cho biết:
“Ngày mai tôi sẽ cố gắng hét thật to để những người
quanh đó đều nghe thấy. Tôi thấy rằng bổn phận của người Việt Nam ở nước ngoài
là phải nói lên những tiếng nói mà những người ở trong nước không nói được, để
người dân trong nước biết được vẫn có những đồng bào hải ngoại hướng về họ.
Chúng tôi đi biểu tình không phải để trực diện đối phó với
những đại diện của chính phủ cầm quyền đang ngồi ở phía trong, mà để thu hút sự
chú ý của dư luận quốc tế, tìm kiếm thêm sự ủng hộ của họ về vấn đề nhân quyền
tại Việt Nam và để bạn bè quốc tế thấy rằng người Việt không bàng quan với sinh
mệnh chính trị của đất nước họ!”
Bài viết thể hiện cách nhìn của
tác giả Hương Vũ từ Thuỵ Sỹ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi