dimanche 9 février 2014

Xã hội dân sự nhìn từ bạn trẻ trong nước

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-01-23

16-305.jpg
Các Bloggers có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để yêu cầu trả tự do cho những học viên đã đi học xã hội dân sự ở Philippines trở về còn bị tạm giữ hôm 6/10/2013.
Citizen photo
 
Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.
Kính Hòa: Xin chào quý vị khán thính giả cùng các bạn trẻ nghe đài, câu chuyện được chúng tôi thảo luận tại diễn đàn hôm nay là vấn đề các hội nhóm dân sự được thành lập bên trong Việt Nam trong năm vừa qua.
Xin chào tất cả các thính giả của đài Á Châu Tự Do, có mặt tại phòng thu của đài Á Châu Tự Do hôm nay là hai bloggers đến từ Việt Nam là nhà báo Phạm Đoan Trang và anh Nguyễn Anh Tuấn. Xin chào hai bạn.
Đoan Trang: Chào anh Kính Hòa.
Anh Tuấn: Chào anh Kính Hòa và quý vị khán thính giả.
Kính Hòa: Đầu tiên xin hai bạn chia sẻ một chút về chuyến đi có thể gọi là khá dài này ở nước ngoài.
Anh Tuấn: Thưa anh chuyến đi này là nhân sự kiện UPR tức là đợt kiểm định nhân quyền phổ quát sẽ tổ chức tại Geneva. UPR bắt đầu bằng các báo cáo của các nhóm hội trong nước gửi cho Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tiếp theo là việc viếng thăm các sứ quán tại Hà nội của các nhóm hội trong nước. Bây giờ chúng tôi đại diện cho các nhóm hội đó có một cuộc vận động, và cuộc vận động này đầu tiên diễn ra ở Mỹ. Mỹ là thành viên của Hội đồng nhân quyền và sẽ tham gia giám sát UPR. Sau khi rời Mỹ thì chúng tôi đến Brussels bên Bỉ để có các cuộc gặp với Nghị viện châu Âu cũng như các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Và cuối cùng thì sẽ dừng chân ở Geneva và tổ chức một sự kiện bên lề là Vietnam Day mời các phái đoàn ngoại giao các nước đến tham gia, cung cấp thông tin cho họ để họ chất vấn chính quyền Việt Nam, và sau cùng sẽ tham gia phiên chất vấn tại trụ sở của Hội đồng nhân quyền.

Nhà nước kiểm soát chặt chẽ

Kính Hòa: Cảm ơn Anh Tuấn. Vừa rồi Tuấn có nói đến các hội nhóm ở Việt Nam. Theo tôi biết thì trong năm 2013 vừa qua có một sự phát triển mạnh của… chúng ta có thể gọi là xã hội dân sự Việt Nam. Các bạn có thể nói rõ hơn về việc này?
Đoan Trang: Khái niệm xã hội dân sự theo tôi thì khá là mới ở Việt Nam, cá nhân tôi nghe nói đến nó vào năm 2006. Những năm gần đây thì nghe rộ lên nhiều trên báo chí nhưng vẫn là truyền thông không chính thống, còn một chính sách nào đấy thực sự của nhà nước để thúc đẩy xã hội dân sự thì chưa có.
Kính Hòa: Tức là Đoan Trang nói về cái luật lập hội ở Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chưa ra đời đó phải không?
Khái niệm xã hội dân sự theo tôi thì khá là mới ở VN, những năm gần đây thì nghe rộ lên nhiều trên báo chí, còn một chính sách nào đấy thực sự của nhà nước để thúc đẩy xã hội dân sự thì chưa có.
-Đoan Trang
Đoan Trang: Dạ vâng, Luật lập hội thì nhiều lần đem ra bàn thảo, nâng lên đặt xuống vẫn chưa được thông qua. Ngoài ra còn có các nghị định khác nhằm kiểm soát các tổ chức dân sự ví dụ như nghị định 45. Đó là về mặt luật, còn trên thực tế thì báo chí cũng không được khuyến khích đưa tin, viết bài về xã hội dân sự. Lấy điển hình như tờ báo tôi làm là Pháp luật TP HCM từng bị xử lý vì một bài viết mang tên là “Chung tay xây dựng xã hội dân sự”. Cái tít ấy nó nhạy cảm hay sao đó.
Đó là nói chuyện luật. Trên thực tế ở Việt Nam rất khó nhóm họp lại, khó thành lập tổ chức. Tổ chức dân sự gọi là phi chính phủ ở Việt Nam có rất là nhiều nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nhất là các tổ chức có yếu tố nước ngoài, có làm việc với quốc tế. Gần như là có một phận công an riêng để quản lý. Cách quản lý của họ thì tôi cũng không được rõ nhưng đại khái là họ thu thập thông tin về các tổ chức đó, họ tìm hiểu hoạt động của các tổ chức phi chính phủ có yếu tố nước ngoài, khi cần thì cũng gây sức ép này khác.
Đó là các tổ chức phi chính phủ được thành lập có giấy phép. Nhưng từ năm 2011, tại Việt Nam có thêm cái mảng là các tổ chức dân sự thành lập tự phát không có giấy phép gì cả. Ví dụ như một tổ chức khá nổi tiếng trên truyền thông lề trái là Câu lạc bộ bóng đá No-U. Nó ra đời chính thức từ 30/10/2011, nhưng tiền thân của nó là hàng loạt các nhóm hội bí mật thành lập trên Facebook, trong đó có nhóm thành lập vào ngày 10/8/2011 trong một cuộc biểu tình. Anh em bị bắt nhiều quá, những người còn lại hô hào thành lập nhóm để đi tiếp tế. Tôi nghĩ rằng đó là tiền thân của xã hội dân sự theo đúng nghĩa của nó, có nghĩa là tự phát, tự làm việc với nhau, tự thỏa thuận không có sự can thiệp, sự quản lý của nhà nước. Đấy là từ năm 2011, đến giờ thì cái mảng xã hội dân sự ngầm này ngày càng mạnh hơn, đặc biệt là nửa cuối năm 2013 thì có rất nhiều nhóm ra đời.
Kính Hòa: Được biết là năm vừa rồi Đoan Trang cũng là một trong những người khởi động nhóm phản bác điều luật 258 của bộ luật hình sự. Theo các bạn thì nhóm 258 có thể được gọi là một hoạt động của xã hội dân sự không?
Đoan Trang: Vâng ạ theo tôi thì nó là một hoạt động của xã hội dân sự tức là nó theo tinh thần tự nguyện đến với nhau, tự thỏa thuận, không có sự quản lý của nhà nước. Nó không phải là cánh tay nối dài của đảng và nhà nước.
Kính Hòa: Theo Tuấn thì hiện nay nhà nước Việt Nam nhìn các nhóm thành lập tự phát này như thế nào?
Anh Tuấn: Như anh đã biết thì những nhà nước theo mô hình toàn trị như Việt Nam thì người ta ái ngại và không khuyến khích những nhóm hội nằm ngoài tầm kiểm soát của người ta.
Kính Hòa: Theo một tổ chức dân sự trong nước là chương trình sách hóa nông thôn thì với tình hình hiện tại, với luật lệ hiện tại thì xã hội dân sự vẫn hoạt động có hiệu quả. Theo hai bạn thì ý đó có chính xác không?
Anh Tuấn: Thưa anh theo tôi nghĩ thì với khuôn khổ pháp lý hiện tại thì một xã hội dân sự đích thực, hoạt động hiệu quả, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn của xã hội dân sự đúng nghĩa thì là không có. Trong khuôn khổ pháp lý hiện tại thì mặt dù Hiến pháp đã hiến định quyền lập hội của người dân nhưng luật về lập hội vẫn chưa có, đã 20 lần dự thảo mà vẫn chưa có. Khuôn khổ bây giờ vẫn là nghị định 45 với các thủ tục rất rườm rà, đăng ký chẳng những với sở nội vụ địa phương rồi còn với Bộ nội vụ với rất nhiều giấy tờ nhiêu khê.
xhds-250.jpg
Ba bạn trẻ Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện, chụp ảnh tại Philippines khi đang theo học về Xã hội dân sự hồi đầu tháng 10. Citizen photo.
Tôi có biết về nhóm sách hóa nông thôn chổ anh Nguyễn Quang Thạch. Thông thường thì các nhóm hội người ta hay dựa vào tư cách pháp nhân của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam mà đứng đầu là một ủy viên trung ương đảng. Tức là nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền.
Tôi vẫn tin là nhu cầu hiện nay cần một khuôn khổ pháp lý rộng hơn, luật về hội cởi mở hơn, thuận tiện hơn để cho các nhóm hội thành lập và hoạt động.
Kính Hòa: Nhưng mà nếu chúng ta lấy kết quả để đánh giá hiệu quả thì rõ ràng là chương trình sách hóa nông thôn cũng có kết quả của nó, và như vậy thì với tình hình luật lệ hiện tại thì vẫn có thể làm tốt hơn, đúng không?
Anh Tuấn: Tôi nghĩ có hai điểm. Thứ nhất tôi đánh giá rất cao nhóm sách hóa nông thôn và phải nói là họ đạt được những kết quả tuyệt vời, rất nhiều ý nghĩa đối với xã hội Việt Nam. Nhưng mà nếu mình có một khuôn khổ pháp lý tốt hơn như luật về các tổ chức phi lợi nhuận như nhiều nước có thì chắc chắn công việc của nhóm sách hóa nông thôn thuận tiện hơn nhiều và kết quả cũng tốt đẹp hơn.
Thứ hai là việc đem sách đến các vùng sâu vùng xa trong tình hình hiện nay thì nó không nhạy cảm như những việc có liên quan đến nhân quyền.
Một xã hội dân sự mà phát triển đầy đủ trọn vẹn thì nó phải bao quát hết các lĩnh vực, chẳng những là khai dân trí mà còn phải cả lĩnh vực nhân quyền, dân quyền. Tôi nghĩ là mình không thể lấy một kết quả cụ thể của việc sách hóa nông thôn để mình để biện minh rằng khuôn khổ pháp lý hiện nay đã đầy đủ, dã ổn thỏa, mà mình phải nhìn toàn cảnh hơn là còn nhiều lĩnh vực vẫn còn khuyết những nhóm dân sự được đăng ký và hoạt động trong vòng pháp luật.
Trong khuôn khổ pháp lý hiện tại thì mặt dù Hiến pháp đã hiến định quyền lập hội của người dân nhưng luật về lập hội vẫn chưa có, đã 20 lần dự thảo mà vẫn chưa có.
-Anh Tuấn
Đoan Trang: Tôi cũng đồng ý với Tuấn và cũng muốn bổ sung thêm là khi chúng ta đánh giá một công việc nào đấy thì chúng ta phải dựa vào mục đích của các việc chúng ta làm là gì. Chúng ta có thể nói nó thành công hay không khi chúng ta biết nó đáp ứng bao nhiêu phần trăm cái mục đích chúng ta đề ra.
Là một người quan sát từ bên ngoài thì tôi thấy là công việc phổ cập sách ở nông thôn nó khó thành công, khó tạo được một phong trào đọc sách ở nông thôn, cũng như là phát triển văn hóa đọc ở nông thôn nếu mà nó thiếu sự hổ trợ, một nền tảng tức là nó cần nhiều điều kiện khác, Ví dụ như là muốn cho trẻ con nông thôn đọc sách thì từ lớp một, thậm chí mẩu giáo khi dạy cho trẻ con học chữ cho đến cấp 1 cấp 2 thì thầy cô giáo, nhà trường, đã phải khuyến khích học sinh đọc sách rồi. Những bài thi, kỳ thi phải tự đọc sách thì mới thi được.
Cũng phải xem những đầu sách nữa, chẳng hạn như quyển Trại súc vật mà đưa về (cười) thì chắc là không được khuyến khích rồi.
Thành ra nếu chúng ta nói rằng với khuôn khổ pháp luật hiện nay mà đã có xã hội dân sự rồi, chúng ta hài lòng rồi thì tôi thấy không đúng lắm. Chúng ta muốn đi đến tận cùng của vấn đề, muốn cho mọi việc nó có trách nhiệm, đi đến cùng thì chúng ta phải đòi hỏi hơn thế nữa, cần nhiều điều kiện hơn thế nữa.
Kính Hòa: Rất tiếc là do thời gian hạn chế nên câu chuyện của Kính Hòa cùng Đoan Trang và Anh Tuấn tạm dừng tại đây. Xin mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp câu chuyện diễn đàn của ba chúng tôi trong chương trình tuần sau về Các hoạt động dân chủ bên trong Việt nam hiện nay. Xin tạm biệt.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đếnkinhhoa@rfa.org hoặc vietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đến https://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.
Tạp chí Diễn Đàn bạn trẻ xin tạm dừng nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau. Kính Hòa chào tạm biệt.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi