vendredi 18 juillet 2014

Giàn khoan Hoa Lục đã tìm được dầu và khí đốt gần đảo Lý Sơn


VRNs (18.07.2014) – Sài Gòn – Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời trang mạng Bộ Ngoại giao Cộng sản Hoa Lục ngày 16.7 cho biết, Cộng sản Hoa Lục đã chính thức xác nhận việc Bắc Kinh di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ra khỏi vùng biển gần khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Việc Cộng sản Hoa Lục rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn dự kiến một tháng cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Tuy nhiên một ngày sau, cũng tờ báo này cho biết một thông tin gây tranh cãi: “Sau một ngày theo dõi việc di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981, từ 22g tối 16-7 đến 10g30 sáng 17-7, Kiểm ngư Việt Nam đã nhận thấy giàn khoan Hải Dương 981 không còn di chuyển nữa”.
Bài báo viết tiếp: “Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 từ 22g tối 16-7 định vị cho đến thời điểm này tại 15 độ 47 phút vĩ Bắc; 111 độ 00 phút 42 giây kinh độ Đông”.
 “Như vậy, trong 25 giờ di chuyển, giàn khoan Hải Dương 981 chỉ chạy “loanh quanh”, rời vị trí ban đầu 35 hải lý về hướng tây tây bắc. Đặc biệt vị trí mới của giàn khoan chỉ cách đảo Lý Sơn 112 hải lý, gần hơn khoảng 30 hải lý so với vị trí trước khi di chuyển”.
Không một lời cải chính cho biết thông tin trên đúng hay sai, tờ Tuổi Trẻ đã nhanh chóng rút bài viết về ‘hành động khó lường của Trung Quốc’.
Nhiều thông tin được lan truyền trên mạng giải thích rằng: “Những thông tin này [của Tuổi Trẻ] đã gây hiểu lầm và hoang mang một bộ phận dư luận về một hành động xâm lấn mới của Trung Quốc”.
“Việc giàn khoan Cộng sản Hoa Lục ngừng di chuyển, theo phán đoán là để tránh cơn bão số 2 đang có xu hướng đổ bộ trực tiếp vào đảo Hải Nam. Giàn khoan này sẽ tiếp tục di chuyển theo lộ trình khi cơn bão suy yếu”.
Ngoài ra, “để dịch chuyển về vị trí dự kiến gần đảo Hải Nam, giàn khoan Cộng sản Hoa Lục sẽ có xu hướng tiến gần hơn về phía đảo Lý Sơn trước khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là giàn khoan Cộng sản Hoa Lục đang ‘tiến sâu hơn vào vùng biển Việt Nam’”.
Thông Tấn Xã Việt Nam hiện chưa có cập nhật gì về vị trí giàn khoan kể từ ngày 16.7.
Trước đó, tờ Thanh Niên dẫn lời Bộ ngoại giao Trung Quốc vào ngày 16.7 cho biết, Cộng sản Hoa Lục khẳng định không nên xem việc di chuyển giàn khoan Hải Dương – 981 là một động thái rút lui.
Người phát ngôn bộ ngoại giao Cộng sản Hoa Lục Hồng Lỗi phát biểu: “Như thông tin công bố từ các công ty Hoa Lục có liên quan, hoạt động của giàn khoan HYSY 981 (Hải Dương-981), bắt đầu từ ngày 02.05 tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa (tên gọi ngụy xưng của Cộng sản Hoa Lục đối với Hoàng Sa) đã hoàn tất một cách thành công vào hôm 15.07 theo đúng lịch trình”.
Không hiểu với lý do gì, bài báo trên cũng bị tờ Thanh Niên gỡ xuống.
Reuters và CNN dẫn lời hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết thêm, ‘hoàn tất một cách thành công’ ở đây chính là việc giàn khoan dầu đã hoàn thành việc thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và phát hiện dấu hiệu của dầu và khí đốt.
Tuyên bố nói: “Công ty sẽ đánh giá các dữ liệu thu thập được và quyết định bước tiếp theo”.
Khu vực khoan có các điều kiện cơ bản và khả năng khai thác dầu khí, Wang Zhen, Phó Giám đốc Văn phòng CNPC nghiên cứu chính sách, nói với Tân Hoa Xã.
Với những khẳng định trên, việc cộng sản Hoa Lục rút giàn khoan hay đang ‘dừng lại’ đều là những động thái để chuẩn bị cho những ‘bước tiếp theo’. Như họ mô tả, đây không phải là một động thái rút lui.
Hình minh họa
Hình minh họa
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng từng  nhấn mạnh với tờ Một Thế Giới: “Đừng ảo tưởng việc giàn khoan Hải Dương 981 rút về đảo Hải Nam là Cộng sản Hoa Lục đã chấm dứt việc bành trướng, bá quyền.”
Theo Facebook Tin Vui nhận định: “việc HD 981 rút sớm là muốn ngăn cản sự chiến thắng của phe thân Mỹ trong Bộ chính trị. Họ [phe thân Mỹ] đã ép bên thân TQ phải chấp nhận kiện TQ, vì dân đòi hỏi. Bây giờ rút rồi thì kiện cái gì? Quyết định đó vô hiệu”.
Bên cạnh đó, tác giả Lý Thái Hùng cũng đưa ra 3 nhận định về việc ‘Cộng sản Hoa Lục rút giàn khoan HD 981 trước thời hạn’.
Ông cho rằng: “Thứ nhất là sợ bị cô lập. Hầu hết dư luận thế giới đều lên án hành động bá quyền của Cộng sản Hoa Lục khi mang giàn khoan HD 981 vào trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Sự kiện Nhật Bản, Úc, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Hoa Kỳ đều lên tiếng chống đối mạnh mẽ cho thấy các quốc gia có quyền lợi trực tiếp trên tuyến đường hàng hải biển Đông sẽ không để yên cho Cộng sản Hoa Lục thao túng. Đồng thời qua vụ giàn khoan, thế giới đã thấy rõ thực chất của cái gọi là “trổi dậy hòa bình” của tân đế quốc này, và nguy cơ gây bất ổn trong vùng cũng như trên toàn thế giới của Hoa  Lục”.
“Thứ hai là sợ một liên minh chống Cộng sản Hoa Lục hình thành. Vụ giàn khoan đã vô hình chung tạo lý cớ thuận lợi cho các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc Châu, Nam Hàn, Mã Lai liên kết thành một liên minh chống lại sự bành trướng của Cộng sản Hoa Lục – không chỉ ở biển Đông mà bao gồm cả vòng đai Á Châu Thái Bình Dương. Đây có thể nói là cơ hội bất ngờ giúp cho Nhật Bản mở rộng tiềm năng hoạt động của lực lượng tự vệ cùng với Hoa Kỳ trong vùng mà không gặp sự chống đối nào của công luận”.
“Thứ ba là sợ nội bộ lãnh đạo CSVN phân hóa vì Bắc Kinh. Sự phẫn nộ của người Việt Nam ở trong và ngoài nước về vụ giàn khoan đã dâng cao tột đỉnh, tạo ra những áp lực mạnh mẽ lên hàng ngũ lãnh đạo CSVN vốn đang lệ thuộc vào Hoa Lục. Các áp lực này đã đẩy Bộ chính trị CSVN rơi vào tình thế lúng túng, đưa đến sự hình thành hai khuynh hướng thoát Trung và bám Trung rất nguy hiểm cho quan hệ tay sai mà Bắc Kinh đã nuôi dưỡng từ năm 1990 cho đến nay, và nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ vốn đã bị người dân khinh ghét”.
Pv.VRNs

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi