Tấm ảnh vừa chụp tại Nhật đang gây xôn xao dư luận.
Ngày 10/6 trên mạng đã xuất hiện một bức ảnh gây sốc khi một bảng “cảnh cáo” được cho là chụp tại thành phố Saitama (Nhật Bản) có ghi chú bằng tiếng Việt trước cả tiếng bản xứ.
Tấm biển cảnh cáo cấm ăn cắp vặt viết rõ ràng bằng tiếng Việt do một fanpage Facebook của hội những người Việt Nam ở Nhật đăng tải. Trong ảnh, có thể thấy rõ ràng tấm biển "Cảnh Cáo" được viết bằng tiếng Việt, và phần dịch sang tiếng Nhật được viết nhỏ hơn bên dưới.
Những lời cảnh cáo được viết bằng tiếng Việt cụ thể là: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường tuần tra”.
Bảng "cảnh cáo" bằng tiếng Việt được cho là xuất hiện tại thành phố Saitama (Nhật Bản)
Tấm biển cành báo này như một “giọt nước tràn ly” đối với cộng đồng mạng khi mà ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người Việt đang làm xấu xí hình ảnh của đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế.
Rất nhiều ý kiến cho rằng đối tượng bị cảnh cáo trong tấm biển chính là người Việt bởi “không có lửa thì làm sao có khói”. Phải chăng nhiều khách Việt đã có những hành động không đẹp đến nỗi một nước được cho là thân thiện như Nhật cũng phải để lại những bảng “cảnh cáo” như thế này?
Nick Phùng Thanh Huyền chia xẻ: “Thấy thường xuyên nhất là các bảng cảnh báo không phí phạm thức ăn bằng tiếng Việt ở Thái Lan và Singapore. Lần trước cũng xấu hổ khi có bảng cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt ở một cửa hiệu thời trang bên Thái. Nhưng lần này qua tới Nhật thì đẹp mặt thật, người Việt mình sao lại xấu xí đến mức này nhỉ?”
Nick Nai Tuyết bức xúc: “Ở Việt Nam ăn cắp không được hay sao mà phải ra nước ngoài ăn cắp cho xấu mặt vậy trời? Còn nhớ lần trước Thái Lan bắt vụ ăn cắp quần áo xịn mà công bố là một băng nhóm người Việt. Riết chắc ra nước ngoài không dám nói tiếng Việt luôn quá!”
Bức ảnh chia sẻ này đã làm dấy lên quan ngại thật sự về cách cư xử của người Việt khi ra nước ngoài, khiến bạn bè quốc tế nhìn người Việt với con mắt thiếu thiện cảm. Qua đó, nhiều người cũng chia sẻ những rắc rối của mình khi bị “phát hiện” là người Việt.
Chia sẻ của một nhạc sỹ
Trường hợp rất quen thuộc là bảng cảnh báo tại các quán ăn buffet ở nước ngoài thường có bảng cảnh báo bằng tiếng Việt sẽ phạt tiền nếu bạn phí phạm thức ăn. Và nhạc sỹ Nguyễn Hồng Thuận đã chia sẻ tâm trạng của mình khi nhìn thấy những ghi chú như thế này ở nước ngoài:
Thuận đã suy nghĩ và phân vân rất nhiều trước khi up tấm hình này lên . Rất có thể sẽ nhận được các ý kiến đa chiều từ các bạn tuy nhiên lựa chọn cuối cùng của Thuận là vẫn up và ghi kèm vài dòng cảm nhận của mình vì nó khiến cho Thuận cảm thấy rất khó chịu mấy hôm nay... Ai xem thấy Thuận nói sai thì bỏ qua xem như Thuận tào lao đi hen.
Tấm hình được nhạc sỹ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ trên facebook
Tấm hình này Thuận chụp ở Singapore trong chuyến du lịch cùng gia đình vừa qua. Nhà hàng buffet này nằm ở khu trung tâm của Sing, khi Thuận vào quán thì dường như chỉ có bàn của Thuận là người Việt, còn lại là dân bản xứ và vài người khách phương Tây...
Vậy tại sao lại là một cái bảng ghi bằng tiếng Việt thế này mà không phải là tiếng Anh , hoặc là 1 cái bảng gồm nhiều ngôn ngữ? Phải chăng là trong quá khứ đã từng có vài người Việt chúng ta đến đây ăn và phung phí thức ăn khiến cho họ phải làm như vậy? Thử đặt trường hợp ngược lại nếu ta là chủ quán thì liệu chúng ta có muốn ghi những cái biển theo kiểu đuổi khách thế này trong quán mình không?....
“Tiếng tăm” với hải quan
Một điều đặc biệt khác là phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài (đặc biệt là các nước Đông Nam Á) nếu đi một mình hoặc thành nhóm nữ sẽ bị hải quan đưa vào phòng “thẩm vấn” ngay lập tức.
Trong một chuyến du lịch Thái Lan, anh Hồ Vĩnh Khôi được hai cô gái nhờ nói hộ là đi du lịch chung nhóm. Nhìn bộ dạng hai cô này anh biết rằng sẽ gặp rắc rối nếu nhận “dắt” dùm nên từ chối. Quả nhiên, lát sau hai cô gái này bị hải quan sân bay tách vào phòng riêng.
Người Việt Nam đang bị chú ý khi đi du lịch (Ảnh minh họa)
Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả là khi biết anh là người Việt Nam, hải quan liền hỏi: “Anh đi du lịch hay đi đâu và chừng nào về?”. Anh Khôi trả lời: “Công ty mẹ của tôi ở Thái Lan cử qua đây công tác chừng nào xong việc sẽ về nhưng không quá 25 ngày”. Nghe anh nói vậy viên cảnh sát còn tỏ vẻ không tin tưởng và bắt anh đưa số điện thoại để gọi trực tiếp cho công ty tại Thái Lan để xác nhận mới chịu.
Theo NCĐT
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi