lundi 22 septembre 2014

Sài Gòn: Thừa nhận việc cảnh sát dùng du đãng đánh chết dân


SÀI GÒN (NV) - Công An Sài Gòn vừa công bố quyết định loại bỏ một viên thượng úy cảnh sát giao thông vì dùng du đãng để “trị” dân. Ðây là lần đầu tiên, Công An Sài Gòn thừa nhận tình trạng này.


Ðám tang ông Nguyễn Văn Chín hồi tháng 6. Lúc đó, Công An Sài Gòn lớn tiếng phủ nhận mọi cáo buộc. (Hình: Thanh Niên)

Hồi cuối tháng 6, dân chúng và báo giới đồng loạt đòi điều tra, truy cứu trách nhiệm những kẻ liên quan tới việc ông Nguyễn Văn Chín, ngụ ở Gò Vấp, Sài Gòn, bị đánh chết vào tối 25 tháng 6. 

Thân nhân ông Chín cho biết, tối hôm đó, ông gọi điện thoại cho họ, báo tin, ông đang bị cảnh sát giao thông giữ lại tại một ngã tư ở quận Tân Bình. Khoảng 10 phút sau, ông Chín gọi điện thoại cho biết, ông đang bị đánh. 

Trong khi thân nhân đang trên đường chạy tới nơi ông Chín bị cảnh sát giao thông giữ và đánh thì Bệnh Viện Thống Nhất báo tin, ông Chín đang được cấp cứu ở đó. 

Theo lời ông Chín kể với thân nhân tại bệnh viện thì cảnh sát giao thông đã chặn ông lại để đo nồng độ cồn, rồi thông báo sẽ tạm giữ xe của ông. 

Ông đòi phải đưa biên bản thì nhóm cảnh sát giao thông này từ chối. Cũng vì vậy, ông Chín đã tranh cãi với cảnh sát giao thông. Trong khi đang tranh cãi thì có hai người mặc thường phục, cùng đứng với nhóm cảnh sát giao thông, tách ra, bảo ông Chín đi theo họ vào hẻm để nhận biên bản. 

Trong hẻm, hai người mặc thường phục đã đánh ông Chín bất tỉnh. Một người lái taxi kể rằng, ông ta được cảnh sát giao thông chặn lại, ra lệnh chở ông Chín đến bệnh viện. Ðến nửa đêm thì ông Chín tắt thở. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nội tạng của ông bị dập, vỡ nhiều nơi.

Giống như nhiều lần trước đó, cảnh sát giao thông phủ nhận trách nhiệm trong việc ông Chín bị đánh chết. Tuy nhiên sự phẫn nộ của công chúng buộc Công An Sài Gòn phải điều tra.

Trong kết luận điều tra mới được công bố, Công An Sài Gòn thừa nhận, một viên thượng úy tên là Phạm Sỹ Hoài Như, làm việc tại Ðội Cảnh Sát Giao Thông, Công An quận Tân Bình, chính là người đã nhờ du đãng “trị” ông Chín.

Tối 25 tháng 6, sau khi bị ông Chín chỉ trích vì làm việc sai quy trình (tạm giữ xe nhưng không giao biên bản), viên thượng úy vừa kể đã gọi điện thoại cho Nguyễn Minh Chung, 23 tuổi, quê ở Quảng Ngãi - một trùm du đãng, nhờ Chung “trị” ông Chín. 

Chung đã sai ba đàn em là Phạm Thanh Kim Hạnh, 17 tuổi, quê ở Nam Ðịnh, Ngô Thành Vương, 18 tuổi, quê ở Hải Dương và Trần Ðức Vững đến ngã tư Tân Kỳ Tân Quý-Trường Chinh, lôi ông Chín ra chỗ vắng, đánh ông. 

Công An Sài Gòn đã quyết định lột lon, đuổi Phạm Sỹ Hoài Như ra khỏi ngành công an vì “vi phạm nghiêm trọng quy trình công tác; không trung thực trong báo cáo, không thành khẩn nhận khuyết điểm và có quan hệ với đối tượng có tiền án, tiền sự.” Tuy nhiên chưa thấy Công An Sài Gòn xác định có truy cứu trách nhiệm hình sự của Phạm Sỹ Hoài Như hay không (?).

Trước nay, dân chúng và báo giới đã nhiều lần đề cập đến vấn nạn công an Việt Nam liên kết với du đãng để kiếm chác nói chung. Lực lượng cảnh sát giao thông của công an không nằm ngoài khuynh hướng này. Lực lượng cảnh sát giao thông thường sử dụng du đãng để nhận tiền mãi lộ và “trị” những người dân dám phản kháng.

Ông Chín không phải là người duy nhất phản kháng cảnh sát giao thông rồi bị du đãng đánh chết. Hồi tháng 4 năm 2013, sau khi chỉ trích nhóm cảnh sát giao thông chặn mình lại trước nhà số 512 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, một người đàn ông tên là Trần Văn Hiền đã bị du đãng đánh chết. 

Công An Sài Gòn đã bắt Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng - hai kẻ đã đánh ông Hiền thiệt mạng. Bằng và Tòng khai chuyện rượt theo ông Hiền, đánh ông là vì “bất bình” do thấy ông Hiền “vô lễ” với cảnh sát giao thông. 

Cũng vì vậy, không có cảnh sát giao thông nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Hiền đã yêu cầu điều tra, làm rõ quan hệ của Bằng và Tòng với nhóm cảnh sát giao thông chặn, giữ xe của ông Hiền.

Hồi giữa năm ngoái, báo chí Việt Nam từng liên tục đề cập đến một nhóm du đãng túc trực thường xuyên tại ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh-Tôn Ðức Thắng, quận 1 và đánh tất cả những người phản kháng cảnh sát giao thông khi bị cảnh sát giao thông chặn lại giữa đường nhưng Công An Sài Gòn lờ đi, không điều tra. (G.Ð)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi