mercredi 29 août 2012

Tháng 8 mùa Thu và những vụ Đình Công

Huỳnh Công Đoàn (Diễn Đàn Công Nhân) - Những ngày này, đảng Cộng Sản lại rầm rộ kỷ niệm cái ngày mà họ gọi là “cách mạng mùa thu tháng 8”. Khắp chốn mọi nơi, cờ hoa rợp trời và loa phát thanh thì liên tục phát đi những ca khúc cách mạng thôi thúc lòng người. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, ngày mà đảng Cộng sản cướp chính quyền về tay giai cấp Công Nhân và nhân dân Lao động đó cách nay đã 67 năm. Tuy thời gian dài là vậy, nhưng người công nhân Việt Nam vẫn chưa ai quên lời hứa của đảng: “Giai cấp Công Nhân là giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước”. Tháng 8 này, đáp lại lời hứa lừa dối của đảng Cộng sản, những người Công Nhân lại cùng nhau tổ chức đình công để phản đối sự bóc lột quyền lợi và đối xử thậm tệ.
Hơn 60 năm sống dưới thiên đường Cộng sản, giai cấp Công nhân bị bần cùng hoá một cách toàn diện. Cuộc sống tinh thần và vật chất của họ không được cải thiện, lại còn bị nhà nước “Vô sản” giam hãm và bóc lột thậm tệ. Dưới chế độ bao cấp trong những năm đầu của chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, người công nhân phải sống thoi thóp trong những nhà máy và xí nghiệp của nhà nước. Nhà nước vô sản đã vắt kiệt sức lao động của người công nhân cho cái mà họ gọi là “Xây dựng chủ nghĩa Cộng sản ở miền Bắc, giải phóng Miền Nam”. Với những khẩu hiệu mị dân và bộ máy nhà nước độc tài kìm kẹp, người Công nhân bị cuốn vào vòng quay bóc lột mà không một ai dám kêu ca và phản kháng. 
Những năm gần đây - khi Việt Nam mở cửa với thế giới –số lượng các công ty ngoại quốc cũng như trong nước mọc lên như nấm sau mưa. Cùng với đó là số lượng giai cấp công nhân tăng nhanh, những người nông dân nay lại tìm đường đến với các hãng xưởng để mong có được thu nhập tốt hơn mảnh ruộng ngàn đời. Khi rời bỏ mảnh ruộng, họ hi vọng thoát ra khỏi sự bóc lột của bộ máy nhà nước làng xã, cũng là để tìm đến với sự tự do. Họ không ngờ rằng nhà nước độc tài đã cấu kết với giới chủ để đợi sẵn mà bóc lột họ từ lâu. Thoát khỏi bộ máy làng xã thì nay họ lại gặp phải một cơ cấu khác cũng trực thuộc bộ máy nhà nước, đó là tổ chức “Công Đoàn nhà nước”. Như vậy là họ lại bị một cái còng khác còng vào tay. Làm sao có thể thoát được, vì họ đang sống trong chế độ độc tài Cộng sản mà, chả có chỗ nào có tự do cả.
Công nhân Lữ Văn Tới bị đánh đập dã man phải nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa Nghĩa Đàn ( 5/8/2011)
Dựa vào thế lực của bộ máy nhà nước độc tài, giới chủ doanh nghiệp mặc sức công khai bóc lột và đối xử thậm tệ với người lao động. Mọi sự thật bị bưng bít cho đến khi người công nhân quá phẫn nộ mà tổ chức những cuộc đình công phản đối. Tuy vậy báo chí trong nước không mấy khi đưa tin về những cuộc đấu tranh của Công nhân, ngoại trừ những vụ việc gây chấn động dư luận. 
Lương tháng không đủ sống, điều kiện lao động tồi tệ, danh dự và nhân phẩm bị chà đạp là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ đình công của công nhân dưới thời đại Cộng sản chủ nghĩa này. Tiếng nói của người Công nhân chẳng mấy khi được “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” này lắng nghe.
Trong điều kiện sống ngặt nghèo đó, những người Công nhân đã cùng nhau đoàn kết để mà cất lên tiếng nói của mình. Mặc dù tổ chức Công đoàn nhà nước và giới chủ luôn liên kết với nhau để nhanh chóng dập tắt những tiếng nói chân chính đó. Nhưng khi giai cấp công nhân đã ý thức được quyền lợi của mình mà lên tiếng, những kẻ bóc lột cũng không thể thờ ơ và im lặng được mãi.
Tháng 8 này, người công nhân vẫn không có tiền để về quê thăm hỏi gia đình. Kẻ bóc lột cũng chẳng vì thế mà quên hành hung và đối xử thậm tệ với người lao động. Đó là nguyên nhân những vụ đình công tháng 8, dù rằng hệ thống truyền thông của nhà nước vẫn ra rả tuyên truyền về cuộc sống tốt đẹp của người dân sau 67 năm “cướp chính quyền”.
Trong hai ngày 20 và 21.8.2012, đã có gần 500 công nhân công ty Đại Lợi (Khu công nghiệp Tân Tiến, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đình công để đòi được trả lương, giảm giờ làm và một số quyền lợi khác nữa. Công ty này đã trả lương không đúng hẹn cho công nhân trong nhiều tháng mà không có lý do. Trong khi đó thì đồng lương quá ít ỏi khiến công nhân không đủ trang trải cuộc sống. Họ phải làm việc 14h/ngày, nếu làm thêm giờ cũng không được tính thêm tiền công. Nhiều khi người công nhân phải làm việc thâu đêm để có đủ sản phẩm, lúc đó họ mới được trả lương. Bữa cơm của người công nhân cũng không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh. Mỗi suất cơm của họ là 6000đ, bữa cơm của họ chỉ có nửa con cá mắm, mấy cọng rau muống và vài miếng đậu phụ. Ấy vậy nhưng khi những người công nhân đình công phản đối thì chủ doanh nghiệp vẫn nói là: Việc công nhân đình công là do những phần tử kích động?. Thưa ông! Nếu người công nhân để yên cho các ông và đảng Cộng sản bóc lột như những con bò thì mới không bị gọi là do các phần tử kích động sao?
Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 21.8.2012, tại công ty TaekWang Vina Industrial (Khu công nghiệp Trung An, thành phố Mỹ Tho), gần 2000 nữ công nhân đã đình công. Nguyên nhân là những người quản lý người Trung Quốc đã đối xử thậm tệ và nhục mạ người công nhân. Chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng chế độ tiền lương, tiền công, vô cớ đuổi việc người lao động. 
Những cuộc đình công nói trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thoả đáng, khiến cho những người lao động vô cùng bức xúc trong những ngày mùa thu cách mạng này.
Vài lời nhắn nhủ với đảng Cộng sản rằng, trước khi sụp đổ thì các vị hãy đối xử tử tế với người Công Nhân một chút. Có như vậy thì lời hứa của đảng mới bớt đi phần trơ trẽn và lố bịch. Vì rằng đảng đã hứa Công nhân là giai cấp tiên phong lãnh đạo đất nước cơ mà?
28.8.2012
Huỳnh Công Đoàn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi