mardi 4 décembre 2012

Sự chuyển dịch của quyền lực chính trị tại Việt Nam

Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Trong thế giới này không có điều gì là bất biến, tất cả đều phải vận động và chuyển hóa. Quyền lực chính trị cũng như vậy.
Quyền lực chính trị chuyển biến nhanh hay chậm, tốt hay xấu tùy thuộc vào hai yếu tố: sự vận động nội tại và tác động ngoại lai.
Quyền lực chính trị bị chi phối bởi văn hóa, kinh tế và an ninh ở bên trong và bên ngoài.
Sự vận động ở bên trong và sự tương tác với bên ngoài ở một thời điểm nào đó sẽ tạo nên một diện mạo nào đó của quyền lực chính trị.
Chúng ta còn nhớ trong thời cực thịnh của đế chế Sô-Viết, các nước chư hầu của đế chế này có một mô hình phát triển khá giống nhau: chế độ toàn trị và nền kinh tế tập trung bao cấp cộng với sự bưng bít thông tin và sùng bái lãnh tụ là những mẫu số chung trong cơ cấu quyền lực của các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Việt Nam và Cu-ba .
Lúc đó đảng CS nắm quyền lực tuyệt đối thông qua một vài khuôn mặt lãnh tụ được sự chuẩn nhận và hậu thuẫn của CS quốc tế. Trong thời kỳ này quyền lực của Chủ tịch đảng hay Tổng bí thư đảng là vô cùng lớn chi phối toàn bộ đường lối, chính sánh của đảng và hướng đi của xã hội, như thời của Hồ Chí Minh và sau đó là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, không có hoặc rất ít khi diễn ra những đấu đá tranh giành quyền lực và xã hội được kiểm soát tuyệt đối, vì vậy ở các chế độ độc tài CS này người ta hay nói đến “sự ổn định chính trị” và “tự hào” về điều này.
Nhưng thực chất của cái gọi là “ ổn định chính trị ” ở các quốc gia này là sự chết lâm sàng của toàn xã hội.
Tôi đã từng sống trong chế độ của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nên hiểu rõ thời kỳ này. Xã hội sống thoi thóp và con người không còn là con người đúng nghĩa nữa mà chỉ là những chiếc bóng vật vờ sống trong sợ hãi và tuyệt vọng. Những ai có bản năng sinh tồn và ý chí tự do mãnh liệt đều chọn con đường vượt biển, họ chấp nhận trả giá bằng chính mạng sống của họ để được sống đúng nghĩa (ngoại trừ một số ít người chọn lựa ở lại VN để chia sẻ nỗi đau cùng dân tộc và tìm kiếm con đường cứu nước như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cụ Lê Quang Liêm và một số người khác).
Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, mô hình kinh tế tập trung chỉ huy của các nước Đông Âu và Liên xô đã bộc lộ hết những nhược điểm và sự phi lý tận cùng của nó, không thể đứng vững và tồn tại được trước áp lực của cuộc sống nó đã chết như một quái thai và sụp đổ như một kiến trúc phản khoa học trước sự rung chấn của hiện thực cuộc sống.
Quyền lực chính trị của các quốc gia này đã chuyển dịch từ tay đảng Cộng Sản sang các thế lực chính trị khác đã hình thành trước đó để sẵn sàng thay thế.
Tại Đông Âu các lực lượng Dân chủ đã đón được cơ hội này và đã hướng sự chuyển mình của quyền lực chính trị sang thể chế chính trị dân chủ - đa đảng tạo nên cuộc cách mạng nhung huyền thoại.
Tại Việt Nam và Trung Quốc cũng diễn ra quá trình này nhưng vì một lực lượng Dân chủ chưa phát triển đủ mạnh để làm đối trọng và thay thế cho đảng CS đang bị khủng hoảng, hơn nữa TC và VC đã từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế từ tập trung chỉ huy sang nền kinh tế thị trường theo “định hướng Xã hội chủ nghĩa”.
Trong quá trình chuyển đổi này quyền lực chính trị từ đảng CS đã từng bước chuyển dần sang các tập đoàn lợi ích nhóm, và cho đến ngày hôm nay các tập đoàn lợi ích nhóm hoàn toàn nắm thực quyền chính trị tại hai quốc gia này và thế lực của nó càng ngày càng được củng cố, đẩy đảng CS xuống thành một thế lực bình phong, một thứ vỏ bọc để tập đoàn lợi ích nhóm lợi dụng như một thứ danh nghĩa nào đó còn mang tính “chính đáng” để mị dân.
Tập đoàn - nhóm lợi ích tại VN đã nắm thực quyền chính trị trong khoảng 5- 10 năm trở lại đây, và lúc này họ đã đạt được đỉnh cao của quyền lực.
Nhưng tập đoàn quyền lực này mang màu sắc Mafia nên nó dễ dàng phạm phải những sai lầm chí tử trong cách điều hành quốc gia và quản lý kinh tế.
Một thứ siêu quyền lực độc tôn và độc tài nên sự tùy tiện và lộng hành là điều không tránh được, nó đã tha hóa đến mức không cứu chữa được.
Chính sự tùy tiện lộng hành coi trời bằng vung, coi dân như cỏ rác là nguyên ủy của những sai lầm ngày hôm nay, họ tự đào hố chôn mình.
Tập đoàn quyền lực chính trị - kinh tế này đang khủng hoảng sâu sắc, bế tắc tận cùng và nguy cơ “tự diễn biến” là không tránh được khi kinh tế đất nước lụn bại, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tràn lan, nếu hệ thống Ngân hàng phá sản người dân mất tiền, hoặc đồng tiền mất giá nặng nề, đời sống người dân rơi vào lại ngưỡng nghèo đói thì sự “tự diễn biến” này xảy ra rất nhanh và khủng khiếp.
Hiện nay ở VN đang manh nha một thế lực chính trị mới có tham vọng thay thế cho đảng CS và tập đoàn quyền lực Nguyễn Tấn Dũng đó là Quốc hội.
Như chúng ta đều biết Hiến pháp VN quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng trong thực tế đây chỉ là bánh vẽ, là một trò mị dân vì đảng CS nắm vai trò lãnh đạo (quy định trong điều 4 Hiến pháp).
Quốc hội được bầu lên theo một kịch bản do đảng CS đạo diễn, mấy “ngài” Đại biểu quốc hội chỉ là bù nhìn, là con rối trong tay đảng CS.
Nhưng những ông, bà “Nghị” này cũng là những con người làm chính trị, mà đã tham gia chính trị trong thể chế độc tài thì ít nhiều đều có tham vọng. Trong lòng họ luôn tiềm ẩn một mong muốn có quyền lực và luôn hướng đến quyền lực.
Tình hình VN ngày hôm nay đang và sẽ biến chuyển mãnh liệt vì mâu thuẫn nội tại và tác động của tình hình khu vực và thế giới.
Xin được nhắc lại, những ngày gần đây tại VN, chúng ta nhận thấy quyền lực chính trị đang có xu hướng chuyển dịch từ đảng CS và nhóm lợi ích sang một thế lực khác đó là Quốc hội, vấn đề nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào biến động kinh tế - xã hội nhưng nó là xu thế tất yếu không thể đảo ngược.
Quốc hội VN đang có trước mặt một cơ hội để giành lại quyền lực
Chúng ta chờ xem Quốc hội VN có đủ bản lĩnh và sự sáng suốt, có tinh thần trách nhiệm và viễn kiến hay không, có lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và thôi thúc của thời đại để làm một cuộc chuyển đổi từ quốc hội bù nhìn sang Quốc hội thực sự của dân do dân và vì dân hay không. Nếu họ vẫn tiếp tục mù quáng để lỡ cơ hội này thì họ sẽ muôn đời bị lịch sử và nhân dân khinh miệt, lên án.
Họ sẽ bị lịch sử và xã hội bỏ rơi và tiến tới cho dù không có họ. 
Còn nếu họ khôn ngoan biết nắm bắt thời cơ và chuyển giao quyền lực lại cho nhân dân qua một chính phủ chuyển tiếp đa nguyên và đa đảng, đại diện cho ý chí của toàn dân thì họ sẽ được lịch sử ghi nhớ, nhân dân tôn vinh.
Đây là một kịch bản khả thi, rất mong những ai quan tâm về thời cuộc, về vận mệnh của đất nước nên tính tới.
Với ưu tư của một công dân, một người đang đấu tranh cho một nhà nước tự do, dân chủ, thượng tôn luật pháp và đa đảng tôi mong rằng đồng bào trong và ngoài nước, các bậc trưởng thượng, các nhân sĩ trí thức và những chiến sĩ dân chủ sẵn sàng để nắm bắt thời cơ sẽ đến trong tương lai gần. Nên có một tiếng nói thống nhất, một tổ chức thống nhất để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân tộc để thuận tiện và chính danh trong việc vận động sự hậu thuẫn quốc tế. Chúng ta phải có một tiếng nói chung, một đại diện để không bị gạt bỏ trước sự chuyển dịch quyền lực chính trị đang diễn ra, để làm chổ nương tựa cho lòng người đang manh mún và phân tán, làm điểm hội tụ cho giới trẻ và mọi người tham gia vào việc nước.
Chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn tình trạng một khoảng trống quyền lực có thể sẽ diễn ra hoặc mặc nhiên để cho các thế lực hắc ám tiếp tục “múa gậy vườn hoang”.
Chúng ta phải sẵn sàng cho những diễn biến sẽ phải xảy ra, nhằm hướng VN đến một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Tự do, Dân chủ và Nhân bản.
Những diễn biến tại VN và khu vực sắp tới vừa mang tính tất yếu vừa mang tính thời cơ, đủ yếu tố cho chúng ta lạc quan tin tưởng rằng cục diện đã chín muồi để đất nước chúng ta bỏ lại sau lưng giai đoạn của hận thù và chia rẽ. 
25/11/2012

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi