Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Nhà bác học tu sĩ Công giáo Teilhard de Chardin Pháp từng có câu: Hỡi những gì đang hướng thượng (xứng đáng là trí tuệ) thì hãy hội tụ lại với nhau (Tout
ce qui monte, Converge!). Xin đề cập chân lý ấy trong bối cảnh toàn dân
Việt Nam đang cùng thế giới tiến bộ đấu tranh chống những bước leo
thang nguy hiểm của bọn xâm lược Trung Quốc, chính thức dùng “hộ chiếu lưỡi bò” để
ngang ngược thông báo như trêu tức cho cả thế giới biết Biển Đông chỉ
là ao nhà của chúng, chúng sẽ kiểm soát, khám xét tất cả những ai đi
qua. Riêng Việt Nam vốn “sừng sững bên bờ biển Đông” thì sẽ thành một
nước không có biển, muốn có biển phải thành một quận huyện của Trung
Hoa.
Trong mối căm giận ngút trời thấy Tổ quốc bị khinh thường, lịch sử 4
nghìn năm oai hùng bị nhạo báng, nhân dân có nguy cơ trở thành những
vong quốc nô kiểu mới, giới trí thức tiến bộ không thể ngồi yên.
Phạm Thanh Nghiên đã bị tù vì biểu tình yêu nước tại nhà |
Nếu xã hội Việt Nam chỉ là một xã hội bình thường như bao xã hội khác,
thậm chí cứ khổ sở như một xã hội nô lệ chính thức (như hồi thuộc Pháp)
thì nhân dân đã có những cuộc biểu tình hàng vạn người như thời Phan
Châu Trinh để bộc lộ quyết tâm bảo vệ đất nước. Khốn nỗi xã hội ta lại
là một xã hội ưu việt, hạnh phúc nhất nhì thế giới, nên đành khoanh tay
ngồi nhìn để “đảng và nhà nước lo”, xuống đường thì “chưa mất nước đã
mất mạng” vì những tội trốn thuế hay lợi dụng dân chủ tự do. Tự biểu
tình một mình trong nhà còn vô khám huống chi xuống đường “cản trở giao
thông”?
Vậy thôi thì hãy làm điều tối thiểu là ra một bản Tuyên bố để lấy chữ ký
rộng rãi phản đối cái “hộ chiếu lưỡi bò” vậy, dẫu biết rằng theo luật
của đảng thì làm thế cũng là phạm pháp (không được ký kiến nghị tập thể,
không được tụ họp quá 5 người!). Âu thế cũng là một chút dấn thân vượt
rào khi chưa xin phép, giữa kỷ nguyên “ra ngõ gặp anh hùng”. Ra tuyên bố
là một đòi hỏi khách quan.
Nhưng điều tối thiểu này đâu có đơn giản? Dù không phải người soạn thảo
“văn bản Tuyên bố” tôi cũng hình dung ra nỗi khổ tâm của những người
soạn thảo. Muốn chống xâm lược ắt phải có sức mạnh quốc gia trong đó có
quyết tâm của Nhà nước, của quân đội. Rất dễ hiểu là bản dự thảo (đăng
trên trang Người lót gạch) đã có câu “Chúng tôi cùng nhân dân cả nước sát cánh với Nhà nước...”, nhưng lập tức xuất hiện những nhận xét không thể bỏ qua: nhà nước có chống Tàu xâm lược đâu mà đòi “sát cánh”?
Sát cánh để cùng chống xâm lược bằng cách ôm hôn, để cùng tự trói chân
trói tay bằng 16 chữ vàng-4 tốt, để cùng hứa với quân xâm lược ngăn cấm
biểu tình ư, để cùng tự nguyện hạ tầm quốc gia để giao du với một tỉnh
miền núi Quảng Tây, cùng nâng hai tay kính cẩn, cùng phấn chấn múa ca
mừng tình hữu nghị “chưa bao giờ tốt như bây giờ” ư, cùng nhắm tịt mắt để ru ngủ nhau “tình hình biển Đông không có gì mới”, cùng nhẫn tâm đục bỏ những dòng chống xâm lược của ông cha ra khỏi những văn bia lịch sử... ư?
Thế là, trong văn bản chính thức buộc lòng phải sửa mấy dòng “sát cánh” ấy. Thực ra chữ “sát cánh” cũng tốt thôi, nếu sửa là “Nhà nước phải sát cánh cùng nhân dân”,
(dân biểu tình thì nhà nước phải sát cánh ủng hộ) nhưng nói thế e mắc
tội lớn. Ban soạn thảo phải trần tình với bạn bè rằng “văn bản phải thật
mềm mới ra đời được”, phải chấp nhận nhiều điều chưa như ý để “tập trung vào kẻ thù chính”.
Tôi biết anh em mình nói vậy để tự trấn an và thuyết phục mọi người còn
nông nổi thôi, chứ giữa “ngoại xâm” và “nội xâm” (nội xâm kẻ xâm lược ở
bên trong tức kẻ bán nước) thì đâu là kẻ thù chính, giữa quân địch bên
ngoài với kẻ mở cổng thành thì đâu là kẻ thù chính? Cũng ví như trong
nhà có kẻ đã bí mật đem “dâng” thì thằng hàng xóm đểu giả đâu cần phải “cướp” nữa, cứ hòa bình hữu nghị như không, một ngày như mọi ngày, diễn biến như vậy thì ai là kẻ chính đây? “Ngoại thù” tám lạng thì “nội thù” cũng dư nửa cân, e sợ nội thù thì làm sao giữ nước?
Sau mấy ngày cân nhắc, qua sự thể hiện trên các trang mạng, tôi hiểu sự
thể đã hình thành một kiểu ứng xử đa dạng, pha trộn: Văn bản chính chỉ
tập trung vào kẻ ngoại xâm, tránh kẻ nội xâm, nhưng bên cạnh đó, không
biết hữu ý hay vô tình, đã có nhiều hình thức bổ sung, hỗ trợ, vạch rõ
tính “khả nghi” và biểu hiện “đóng kịch vụng về” bị lòi
mặt chuột của nhà nước đối với quyết tâm giữ chủ quyền, và yêu cầu nhà
nước (nếu còn yêu nước) phải cho dân biểu tình, phải khuyến khích dân
biểu tình giữ nước, ít nhất thì “dân tộc anh hùng” cũng cố theo cho bằng
anh loàng xoàng Philippines... Chẳng lẽ mỗi thể chế lại có một kiểu yêu
nước khác?
Điều vui là nhiều người đã hưởng ứng ký tên vào bản Tuyên bố. Nhưng điều
mừng không kém là cũng có nhiều ý kiến phát hiện chỗ còn trống trong
văn bản này, đã bằng cách này cách khác điền vào chỗ khuyết mà bản Tuyên
bố đã, vô tình hay hữu ý, chừa ra. Một sự đa dạng đã hình thành, có chủ
động hay không chưa biết, nhưng cuộc sống vốn cứ đa dạng như thế. Nếu cùng hướng thượng ắt sẽ gặp nhau.
Kẻ trước người sau, kẻ mềm người cứng, kẻ tung người hứng, chỗ này số
ít, chỗ kia số đông, không hẹn cũng gặp. Còn lũ người chỉ “hướng hạ” thì dù cùng hội cùng thuyền một thuở rồi cũng tìm cách này cách khác chơi xỏ nhau thôi.
Xã hội vốn đa dạng, huống chi một xã hội thoát thân từ mấy cuộc tương
tàn, từ một lý thuyết phân ly, từ những chỗ đứng khác xa nhau về độ an
toàn và tai họa? Đa dạng trong ứng xử chẳng những là tất yếu phải thừa
nhận mà còn là nhu cầu, là phương pháp tốt nhất để chuyển một xã hội
đang yếu kém toàn diện thành một xã hội “công bằng-dân chủ-văn minh”
đúng nghĩa (đúng nghĩa là theo nghĩa chung của nhân loại chứ không lọc
qua khe ngắm của một chủ nghĩa hay một đảng chuyên quyền). Muốn chuyển
biến “hướng thượng” một cách hòa bình ắt phải tôn trọng phương pháp “bắc
cầu”. Trên cây cầu một chiều hướng thượng, từ độc tài toàn trị tiến sang thế giới dân chủ pháp quyền thì nhịp cầu nào cũng cần thiết, người trước người sau, miễn là cùng nhau tẩy chay bọn đi ngược chiều hay ngồi lỳ nghẽn lối.
Lâu nay tôi thường nhớ đến câu thơ Nguyễn Duy (1988):
Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn
Những người tốt đang cần liên hiệp lại!
TỐT là hướng thượng, TỐT “nhiều” nhưng chưa “mạnh” do còn phân tán, lệch pha, chưa gặp được nhau, vì những kẻ “hướng hạ” muốn phá, quyết phá tan sự “liên hiệp lại”.
Bản thân giữa những người tốt cũng có những trở ngại, những độ chênh,
nhưng trở ngại lớn nhất là sự bảo thủ và nghi kỵ, giữa một môi trường
không thiếu những giả danh và ý xấu. Nhưng sự bổ sung cho nhau rất tự
nhiên trong cuộc ký “Tuyên bố chung” phản đối “hộ chiếu lưỡi bò” này là một ví dụ khích lệ. Phải chăng điều thiện cũng nên có nhiều dạng ứng xử nặng nhẹ khác nhau,
mỗi dạng có công chúng riêng, thậm chí cũng “phê và tự phê” công khai
(xin đừng cười) cho cái thiện càng thêm mạnh, không coi đó là mâu thuẫn.
Có lẽ nên cảm ơn kẻ đã gây cho đất nước ta tình trạng lâm nguy, khiến
những người Việt Nam đang rất khác nhau bỗng cùng tỉnh ra và gần nhau
lại.
30-11-2012
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi