lundi 6 mai 2013

Đảng ta lại "Hèn với giặc - Ác với dân"




Trung Quốc ngang ngược dùng vòi rồng đuổi tàu cá ở Trường Sa


Sơn Duân (TTO) - Truyền thông Trung Quốc vào hôm nay, 6.5, loan tin một tàu ngư chính của nước này đã ngang nhiên sử dụng vòi rồng để xua đuổi một tàu cá tại khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tường thuật trên website của tờ Nhân dân Nhật báo nói tàu Ngư chính 45001 của Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu được mô tả là tàu nước ngoài song không nói rõ thời điểm xảy ra vụ việc và chiếc tàu cá bị xua đuổi là của nước nào.

Kèm theo tường thuật là một bức ảnh chụp cảnh chiếc tàu cá bị bắn vào rồng ở khoảng cách gần. Trong bức ảnh, số hiệu của chiếc tàu cá đã được làm mờ đi. Theo truyền thông Trung Quốc, chiếc tàu cá đã phải rút lui khỏi khu vực sau khi bị xua đuổi bằng vòi rồng.

Một tàu cá bị bắn vòi rồng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh:www.gxnews.com.cn

Hiện chưa rõ chiếc tàu cá thuộc nước nào song việc tàu công vụ Trung Quốc sử dụng vòi rồng tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa rõ ràng là hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại khu vực.

Cũng trong hôm nay, 6.5, Tân Văn xã loan tin một đội tàu cá gồm 32 chiếc của Trung Quốc đã xuất phát từ đảo Hải Nam hướng về quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt phi pháp.

Truyền thông Trung Quốc cho hay đây là đội tàu đánh cá quy mô lớn nhất của Trung Quốc được cử đến Trường Sa trong năm 2013.

Trong thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.



***

Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ ra biển Đông


Lucy Nguyễn (Thanh niên) - Chính quyền Trung Quốc thông báo đưa giàn khoan “khủng” nhất của nước này ra khu vực phía đông của biển Đông.

Reuters ngày 3.5 dẫn thông cáo từ Cơ quan năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) cho hay giàn khoan Hải Dương 981 được triển khai đến giếng dầu Lệ Loan 6-1-1 vào ngày 9.5. Khu vực này nằm trong lòng chảo Châu Giang, tức khu vực bồn địa cửa sông Châu cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.

Được cư dân mạng Trung Quốc gọi bằng cái tên phô trương “tàu sân bay dầu khí”, Hải Dương 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm nửa nổi được đầu tư kinh phí 935 triệu USD và do Tập đoàn đóng tàu quốc gia hoàn tất vào cuối năm 2011. Theo thông báo của Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC), với chiều dài hơn 650 m, chiều cao 136 m, trọng tải 30.000 tấn, giàn khoan có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m.

Chiến lược tham vọng


“Bảo bối” Hải Dương 981 được thiết kế chuyên khai thác dầu trên biển Đông, vốn nằm trong chiến lược đối với khu vực của Trung Quốc. Giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa từng khẳng định về kế hoạch “tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác dầu ở biển Đông trong tương lai gần”. Vì vậy CNOOC đã có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (khoảng 54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Bên cạnh đó, tờ Tin nhanh Hàng Châu đưa tin trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh khai thác thêm 30 giếng dầu nữa, và cần xây dựng thêm 70 giàn khoan. Báo này cũng tiết lộ để hỗ trợ cho các giàn khoan sẽ có khoảng 200 tàu bè các loại đi theo, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.


Giàn khoan Hải Dương 981 - Ảnh: Nhân Dân nhật báo

Một số chuyên gia đánh giá kế hoạch khai thác dầu đầy tham vọng nói trên nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm thâu tóm gần như toàn bộ biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu từng dẫn lời một số quan chức không ngần ngại nói thẳng sự xuất hiện của Hải Dương 981 sẽ “giúp Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn” tại vùng biển này. Như vậy, triển khai giàn khoan “khủng” được cho là một bước khác để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông của chính quyền Trung Quốc. Ngay từ tháng 7.2011, cộng đồng người Mỹ gốc Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Washington, San Francisco, New York, Los Angeles và Chicago để phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là về giàn khoan Hải Dương 981, theo Đài ABS-CBN.

Đáng ngờ


Tuy hiện nay, khu vực triển khai Hải Dương 981 không nằm trong vùng biển đang có tranh chấp nhưng vẫn có nhiều lo ngại và ngờ vực về việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan này ra biển. Như đã nói, lòng chảo Châu Giang nằm rất sát đảo Hải Nam và khá gần Philippines nên Trung Quốc có thể dễ dàng di chuyển Hải Dương 981 sâu xuống phía nam, tức vào khu vực đang có tranh chấp và nằm trong bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý của nước này.

Vị trí lòng chảo Châu Giang - Đồ họa: Hoàng Đình

Mặt khác, theo thông cáo của NEA thì giàn khoan cũng sẽ khoan ở giếng Lệ Loan 6-1-1 trong vòng 56 ngày rưỡi. Với một giàn khoan được đánh giá “khủng” như Hải Dương 981 thì không thể có chuyện chỉ hoạt động có gần 2 tháng. Trung Quốc đến nay chưa thông báo rõ sau khoảng thời gian thử nghiệm tại lòng chảo Châu Giang thì giàn khoan sẽ được di dời tới đâu. 

Ngoài ra, được coi như “bảo bối” quý giá của ngành dầu khí Trung Quốc nên Hải Dương 981 tất nhiên không thể thiếu một đoàn tàu hộ tống hùng hậu vây quanh. Tuy nhiên, đến nay chính quyền lẫn giới truyền thông chưa hề tiết lộ có bao nhiêu tàu thuộc những loại nào đi theo hỗ trợ giàn khoan cho lần triển khai này. Vì thế, cũng có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn trên biển Đông trong thời gian qua và điều thêm tàu bè đến khu vực bãi cạn Scarborough đang căng thẳng với Philippines cũng nhằm chuẩn bị cho việc kéo giàn khoan đến các khu vực nhạy cảm hơn trong thời gian tới. Hiện Bắc Kinh có tới 14 tàu, bao gồm 4 tàu tuần tra, xung quanh Scarborough, theo báo Business Mirror. 


Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Philippines

Bộ Ngoại giao Philippines thông báo Mỹ sẽ tăng viện trợ quân sự cho nước này từ 11,9 triệu USD năm 2011 lên 30 triệu USD trong năm nay, theo Reuters hôm qua. Ngoài ra, Washington đồng ý chia sẻ với Manila dữ liệu về biển Đông và các hoạt động hải quân. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt ngày 4.5 lên đường sang thăm Mỹ theo tờ China Daily. Giới quan sát cho rằng vấn đề biển Đông và lập trường của Bắc Kinh về sự tăng cường hiện diện của Washington trong khu vực sẽ được ông Lương nêu ra trong chuyến thăm kéo dài đến ngày 10.5 này.

Cùng ngày, hãng tin CNA dẫn lời giới chức Đài Loan khẳng định đảo này sẽ không hợp tác với Bắc Kinh về tranh chấp trên biển Đông. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tân Hoa xã dẫn lời quan chức Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, kêu gọi người dân hai bên cùng gánh trách nhiệm “bảo vệ các đảo” ở biển Đông. Ngoài ra, Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để điều tên lửa đất đối không tầm ngắn tới 2 đảo mà Đài Bắc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông vì lo ngại sẽ gây thêm căng thẳng, theo báo South China Morning Post.
Văn Khoa


http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120505/trung-quoc-dua-gian-khoan-khong-lo-ra-bien-dong.aspx


***

Đội tàu cá Trung Quốc ào ra Trường Sa của Việt Nam


Vietnamplus.vn - Mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc sáng 6/5 đã xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản. 

Đây là hành động mới nhất xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo một số hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, như việc quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Mạng Tin tức Trung Quốc cho hay đây là đội tàu đánh cá quy mô lớn nhất của Trung Quốc đến hoạt động tại ngư trường Trường Sa từ đầu năm 2013 đến nay.

Theo nguồn tin, số tàu trên đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên, được lắp đặt thiết bị thông tin hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc với đất liền 24/24 giờ, trong đó có một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và một tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn làm nhiệm vụ bảo đảm vật tư thiết yếu như dầu, nước ngọt, đá cây, thực phẩm; quản lý an toàn hoạt động sản xuất và hỗ trợ xử lý khẩn cấp cho đội tàu. 

Được biết, thời gian hoạt động của đội tàu này sẽ kéo dài trong khoảng 40 ngày.

Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía Trung Quốcchấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông,” người phát ngôn nói./.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi