samedi 4 mai 2013

Việt Nam chống chọi với nợ xấu



Hãng thông tấn Reuters ngày 3/5 đã có bài viết phê bình các chính sách điều hành kinh tế và giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam của cây bút Martin Petty.

    Khi công ty đồ nội thất của Nguyễn Mạnh Hùng còn ăn nên làm ra, đơn đặt hàng từ những khách hàng giàu có tại Việt Nam, vốn ưa chuộng các sản phẩm giường, tủ và bàn làm bằng tay có thể đem lại cho ông lợi nhuận ở mức 25 nghìn đôla một tháng sau khi trừ chi phí và trả lương cho 35 thợ.
    Hai năm sau, khi kinh tế đi xuống, công việc kinh doanh của công ty đặt tại Hà Nội của ông Hùng bắt đầu đi xuống. Ông mất 4 nghìn đôla mỗi tháng, ngay cả khi đã cắt chi phí xuống mức tối đa và cho tạm nghỉ 30 thợ mà ông không đủ sức trả lương.
    "Tôi chỉ cần vài khách hàng để tồn tại, tuy nhiên những người mà tôi có lại hủy đơn đặt hàng," ông Hùng nói.
    "Không có ngân hàng nào chịu cho tôi mượn tiền. Tôi coi như xong."
    Hoàn cảnh đáng buồn của ông Hùng phản ánh sự tuyệt vọng của một trong những nền kinh tế nhiều bệnh kinh niên nhất Châu Á, với một hệ thống ngân hàng ngập chìm trong nợ xấu và không đủ sức cung cấp cho doanh nghiệp nguồn vốn cần thiết để xoay chuyển tình thế.
    Bên cạnh đó, giải pháp của chính phủ - được hứa hẹn sẽ sớm đưa ra - dường như không đủ để giải quyết vấn đề.
    Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Thanh Bình, nói với Reuters rằng một công ty xử lý nợ xấu có tên VAMC sẽ được thành lập với số vốn ban đầu là 24 triệu đôla.
    Tuy nhiên một số người đánh giá là khoản này quá nhỏ so với khối nợ xấu đang ảnh hưởng tới gần như mọi góc cạnh của nền kinh tế Việt Nam.


    Hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã đóng cửa trong hai năm qua
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước tính nợ xấu ở khoảng 7,8 tỷ đôla, hay 6% của tổng dư nợ là 130 tỷ đôla.
    Tuy nhiên, các nguồn tin của Reuters nói mức nợ xấu của các ngân hàng cao hơn mức này ít nhất là ba lần - khoảng 23 tỷ đôla.
    Như vậy, nguồn vốn của VAMC chỉ bằng 0,3% mức nợ xấu hiện tại và có lẽ chỉ đại diện cho vốn lưu động. Việc giải quyết nợ xấu thực sự được cho là sẽ giải quyết thông qua các giấy bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước.
    "24 triệu đôla có vẻ như là một khoản tiền nhỏ để tái huy động vốn khu vực ngân hàng," Matt Hildebrandt, một kinh tế gia tại J.P.Morgain Chase ở Singapore bình luận.
    "Quan ngại của tôi, đó là việc thiết lập VAMC diễn ra quá chậm và lượng vốn quá ít để thực sự giải quyết được vấn đề. Hướng giải quyết mông lung thế này đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ tiếp tục trong tình trạng yếu kém nhiều năm tới."

    Sự khởi đầu quan trọng

    Việc thiết lập VAMC là một biện pháp khá giống với nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính của Châu Á hồi năm 1997/98. Lúc đầu, nước này chỉ mua một số nợ xấu từ khu vực bất động sản. Nợ sau đó được bán ở giá kế toán và sau đó "trái phiếu đặt biệt" sẽ được phát hành ở cùng giá trị để làm thế chấp cho vốn tái huy động từ Ngân hàng Nhà nước, theo Phó Thống đốc Bình.
    Việc VAMC có quá ít vốn làm dấy lên câu hỏi về việc liệu ngân hàng trung ương có đặt ra giới hạn cho việc phát hành trái phiếu để giải quyết nợ xấu hay không.
    "Công ty này sẽ giúp giải quyết 50% nợ xấu của các tổ chức tín dụng," ông Bình nói trong một e-mail phản hồi Reuters, đồng thời cho rằng VAMC sẽ là một sự "khởi đầu quan trọng" để mang tới những kết quả khả quan trong năm nay.
    "Sau đó, tùy vào diễn biến tình hình, công ty này có thể mở rộng quy mô nợ và thế chấp để đi đến mục tiêu cuối cùng, đó là đẩy nợ xấu tín dụng xuống tỷ lệ an toàn."
    Giới phân tích và các lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng cái nhìn này có lẽ là quá lạc quan. Ông Bình không nói ai sẽ cung cấp vốn cho VAMC và công ty này sẽ làm gì với khối nợ xấu hay câu hỏi trước việc liệu công ty này có phải chỉ đang chuyển nợ xấu từ tài khoản này sang tài khoản khác hay không.

    Bẫy thanh khoản

    "Nếu như Việt Nam không thể tái cơ cấu và chứng minh sự ổn định về chính sách, sự quan tâm của giới đầu tư sẽ biến mất trong vòng 3-5 năm nữa."
    Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội
    Tăng trưởng tín dụng đình trệ đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
    Các ngân hàng trong nước vì ngập chìm trong tỷ lệ nợ xấu cao nhất Châu Á nên đã thắt chặt cho vay, dẫn đến tình trạng bẫy thanh khoản trong thị trường tiêu dùng những 90 triệu dân.
    Khu vực bất động sản đang suy thoái nặng nề. Nền kinh tế vốn từng là ngôi sao đang lên của Châu Á giờ đang rơi vào mức tăng trưởng chậm nhất kể từ 13 năm trở lại đây. Hậu quả của điều này, đó là hơn 100 nghìn doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa trong năm 2011, 2012 và 13 nghìn doanh nghiệp khác phải đóng cửa trong năm nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
    Những doanh nghiệp này đã không tiếp cận được vốn mới, trong lúc mức tiêu dùng ngày càng đình trệ, thể hiện qua tăng trưởng doanh số bán lẻ trong quý một năm nay chỉ ở mức 11,8%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, theo số liệu từ chính phủ.
    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói hồi tháng Ba rằng lãi suất vốn vay, hiện ở mức 9-16%, sẽ được giảm xuống dưới 13% để giúp việc tiếp cận vốn mới dễ dàng hơn. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phàn nàn về sự lề mề của ngân hàng và nói họ vẫn phải chịu đựng lãi suất ở mức 17-18%.
    Sau nhiều năm chứng kiến tăng trưởng thường niên ở mức 7%, Việt Nam giờ này đang bước vào tình trạng nguy kịch: Sự bất bình trong người dân ngày càng lên cao bởi nạn tham nhũng và vật giá tăng cao. Các công ty thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng lại kinh doanh kém hiệu quả, làm thất thoát hàng tỷ đôla tín dụng và dấy lên quan ngại về khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
    Đảng Cộng sản đang phải đối mặt với những quyết định về chính sách vốn có thể vực dậy nền kinh tế từng được mệnh danh là "con hổ" của Châu Á, hay khép lại số phận của nó như là một nền kinh tế chậm chạp trước xu hướng phát triển của khu vực Đông Nam Á.

    "Ghế điện"

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
    Giới chuyên gia cho rằng việc đầu tư vào các ngân hàng yếu kém của Việt Nam không mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài
    Tuy nhiên vẫn có một vài tín hiệu hy vọng.
    Việt Nam xuất siêu lần đầu tiên sau hai thập kỷ trong năm 2012 và các kinh tế gia đã dự đoán điều tương tự trong năm nay. Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng năm 2013 ở mức 5,2% và lạm phát đã giảm xuống mức 6,6% từ mức 20% hồi tháng 12 năm 2011.
    Tỷ giá VNĐ/đôla, sau nhiều lần trượt giá đã bắt đầu trở nên ổn định và sàn HOSE đang trở thành sàn chứng khoán tăng mạnh nhất Châu Á, với mức tăng trưởng gần 15% năm nay, 95% số chứng khoán được mua bởi các nhà đầu tư người Việt.
    Tuy nhiên thị trường chứng khoán chỉ che đậy vấn đề sau xa hơn cũng như sự bất định về hướng giải quyết chúng.
    "Đầu tư trên thị trường này cũng giống như ngồi trên ghế điện," ông Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư đã bán tháo hầu hết số chứng khoán có trong tay hồi tháng 12 để mang về 20% lợi nhuận nói.
    "Các vấn đề kinh tế đã hiện rõ, nhưng không có một viễn cảnh cụ thể cho tương lai."
    Bất chấp những công bố của chính phủ về "định hướng" và các "ban chỉ đạo", bên cạnh hàng loạt lời tuyên bố cải cách hùng hồn khác, giới kinh tế gia nói Việt Nam giải quyết nợ xấu quá sức chậm chạp - một bước đi hết sức quan trọng nếu muốn tái thu hút đầu tư nước ngoài.
    Alfred Chan, giám đốc mảng tài chính của Fitch Rating tại Singapore, nói tầm ảnh hưởng của nợ xấu ở Việt Nam đang bị coi thường, với sự yếu kém về độ minh bạch cũng như các kế hoạch cải cách đều lề mề và sơ sài. Những vấn đề ăn sâu hơn, ví dụ như việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước (SOE) cũng cần được tiếp tục giải quyết.
    "Những bước đi này là đúng hướng. Tuy nhiên chúng cũng chỉ là những bước đầu tiên của công cuộc cải cách," ông Chan nói trong một email.
    100 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Việt Nam đã vay số vốn tổng cộng 64 tỷ đôla, bằng một nửa nợ chưa trả. Nhiều doanh nghiệp trong số này bỏ tiền vào đầu tư những ngành không liên quan, nhất là bất động sản - khu vực đang đóng băng trầm trọng.
    "Nếu như Việt Nam không thể tái cơ cấu và chứng minh sự ổn định về chính sách, sự quan tâm của giới đầu tư sẽ biến mất trong vòng 3-5 năm nữa," ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội nói với Reuters.
    Louis Taylor, giám đốc điều hành của Standard Charterered Bank khu vực Đông Dương, nói các ngân hàng nước ngoài có một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tuy nhiên ông này cũng cho rằng việc đầu tư vào các ngân hàng của Việt Nam mang lại ít lợi ích cho ngân hàng nước ngoài.
    "Chúng tôi nghi ngờ rằng sẽ có một sự quan tâm to lớn từ các ngân hàng nước ngoài đối với những ngân hàng yếu kém nhất tại Việt Nam," ông Taylor nói với các phóng viên.
    Cổ phần sở hữu được cho phép đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam hiện là 30% và 20% đối với nhà đầu tư chiến lược riêng lẻ từ nước ngoài. Hồi tháng Hai, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị nâng mức sở hữu cổ phần cho phép của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng trong nước lên 30%, nhưng chỉ trong "trường hợp đặc biệt", khi thủ tướng được phép định mức sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngân hàng thuộc dạng yếu kém.
    Nguồn tin từ các ngân hàng thương mại nói khu vực này nên được tự do hóa để tăng cường công tác quản lý rủi ro, cũng như việc huy động vốn, tuy nhiên những nhóm lợi ích giàu có với quan hệ chính trị đang ngăn cản điều này.
    "Họ nhìn vào những ngân hàng nước ngoài như những gã khổng lồ không được chào đón," một quản lý cấp cao tại một ngân hàng thương mại nói.
    "Có lẽ họ không muốn người nước ngoài đầu tư, để rồi nhìn vào sổ sách bà bắt đầu lôi mọi thứ ra ánh sáng."

    Aucun commentaire:

    Enregistrer un commentaire

    Phản Hồi