Phạm Trần (Danlambao) - Bài viết này nhằm “nói cho đúng hơn” những gì hai ông Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biến giới Chính phủ Việt Nam và Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói “không chính xác” về Trung Quốc và Biển Đông vì dường như phía Việt Nam không muốn nhìn nhận để bảo vệ chính trị nội bộ.
Tiến sỹ Trần Công Trục |
Ông Trục nói: “Theo dõi chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và những kết quả 2 bên đã đạt được, tôi cho rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn trong việc củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi, giảm thiểu và hướng tới giải quyết các bất đồng, nhất là vấn đề trên biển, đó là một thành công lớn.
Tuy nhiên để hiểu rõ mức độ thành công của chúng ta cũng như thành công theo quan điểm của người Trung Quốc về vấn đề hợp tác trên biển qua những thỏa thuận đã đạt được, có lẽ dư luận cũng cần hiểu rõ Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc vừa qua có gì mới, có gì khác so với trước? Tại sao phía Trung Quốc rất quan tâm đến tuyên bố này và ca ngợi rằng đó là “bước đột phá”?
Thực tế 2 bên có những giải thích khác nhau theo ý định, quan điểm và lập trường của mình, chúng ta cần hiểu điều này như thế nào? Những vấn đề này rất quan trọng đối với chúng ta trong khi tiếp tục công cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.”
Là một chuyên viên từng nói chuyện phân định biên giới với Trung Quốc nên ông Trục hiểu rõ “cách nghĩ” của đối phương tại bàn hội nghị như thế nào, vì vậy lối giải thích của ông về nội dung bản Tuyên bố chung Việt-Trung công bố tại Hà Nội ngày 15/10/2013 đã có đo lường và không thể coi như “nói cho xong chuyện”.
Chỉ có điều không rõ là liệu quan điểm của ông có phản ảnh đúng với “sự thật” không được viết ra trong Tuyên bố chung khiến ông phải mất công giải thích dùm cho Chính phủ, trong khi ba người có trách nhiệm trực tiếp là Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lại nín thinh?
Tiến sỹ Trục nói tiếp: “Nội dung được xem là mới mà Trung Quốc đang ca ngợi là “bước đột phá”, “thành quả quan trọng” trong tuyên bố lần này theo tôi lại là một nội dung có tính chất nguyên tắc: Hai bên “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.” Bản chất vấn đề và sự khác biệt trong cách nhận thức, lý giải của 2 bên nằm ở đây.
Cần phải nhắc lại rằng từ xưa đến nay Trung Quốc vẫn muốn thực hiện chủ trương“chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” đã có từ thời Đặng Tiểu Bình và bây giờ Tập Cận Bình nhắc lại và không có gì thay đổi. Và tất nhiên không ai có thể chấp nhận chủ trương này.
Trong thỏa thuận chung hai bên đạt được lần này họ không thể đưa câu “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” vào Tuyên bố chung, thay vào đó Trung Quốc đồng ý “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên”.
Theo Tiến sỹ Trục thì: “Phía Trung Quốc coi đây là “bước đột phá” vì theo cách hiểu của họ, điều này đồng nghĩa với việc yêu sách vô lý của họ ở Biển Đông họ vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi. Thời báo Hoàn Cầu hay một số tờ báo khác của Trung Quốc cũng lợi dụng điểm này để cho rằng việc Việt Nam đồng ý về mặt nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận quan điểm của Trung Quốc hòng gây hiểu lầm trong dư luận, chia rẽ nội khối ASEAN khi khiến cho các bên nghĩ rằng Việt Nam “đi đêm” với Trung Quốc.”
Có điều ngạc nhiên là sau khi báo chí Trung Quốc, kể cả tờ Thời báo Hoàn Cầu, đồng loạt căn cứ vào lời tuyên bố của ông Lý Khắc Cường để đưa tin lạc quan về kết quả “hợp tác cùng phát triển” trên Biển Đông giữa hai nước Trung-Việt thì không có bất cứ cơ quan ngôn luận nào của Việt Nam, chính thống và bán chính thống, đã viết bài phán bác lại lối suy luận “đi đêm” được coi là “trái chiều”, nếu căn cứ theo quan điểm của Tiến sỹ Trục, có hại cho uy tín và lập trường của Việt Nam về vấn đề “nhạy cảm” này.
Vì vậy ông Trần Công Trục đã khẳng định: “Không bao giờ có chuyện đó, bởi đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, “không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên” không có nghĩa là ta thừa nhận chủ trương, lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ khuyên Nhà nước nói thêm: “Một “bước đột phá” nữa theo quan điểm của Trung Quốc mà chúng ta cũng cần hết sức lưu ý và giải thích rõ trước dư luận trong nước, khu vực và cộng đồng quốc tế để tránh những hiểu lầm không đáng có mà Trung Quốc lại đang muốn tạo ra, đó là phạm vi mang tính nguyên tắc chung: “về hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Vì đây là nguyên tắc, thỏa thuận chung nhất nên chúng ta không ghi vùng biển cụ thể nào, mà là “hợp tác trên biển”, nhưng Trung Quốc đang tìm cách giải thích rằng các giải pháp tạm thời giữa 2 bên không chỉ áp dụng cho khu vực cửa vịnh Bắc Bộ mà còn áp dụng cho toàn bộ Biển Đông.”
“Chính điều này sẽ khiến dư luận khu vực và quốc tế nghĩ là chúng ta chấp nhận quan điểm “đàm phán tay đôi” của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng 4 nước 5 bên khác cũng yêu sách chủ quyền.”
Đúng như ông Trục nói vì tất cả báo chí Trung Quốc, quan trọng nhất là bài viết tiếng Anh của Tân Hoa Xã (Xinhua NewsAgency), cơ quan thông tấn chính thức của Trung Cộng, đã đặt tựa “Chinese premier calls Southeast Asian tour"complete success", ngày 16/10/2013 (Thủ tướng Trung Quốc nói chuyến đi Đông Nam Á “thành công mỹ mãn”), trong đó đã viết rõ như thế này:
“Li noted that in his talks with Vietnamese Premier Nguyen Tan Dung, they agreed to build three work groupsrespectively on maritime exploration, onshore infrastructure and financial cooperation, which are expected to starttheir work within this year.”
(Tạm dịch: “Ông Lý nói rằng trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai ông đã đồng ý thành lập ba nhóm công tác khai thác trên biển, hợp tác trên đất liền và hợp tác tài chính. Cả ba nhóm cùng khởi sự làm việc trong năm nay.”)
“The cooperation of maritime exploration will be primarily focused on the Beibu Gulf, and later extended to furtherareas, Li said, adding that the bilateral drive is to tell the region and the world that the South China Sea has to be apeaceful and tranquil area.
Both China and Vietnam have the wisdom to properly handle their differences and prevent the South China Sea issuefrom disrupting the overall cooperation, Li said.”
(Tạm dịch: “Hợp tác trên biển sẽ tiên khởi tập trung vào khu vịnh Bắc Bộ, và SAU ĐÓ MỞ RỘNG QUA CÁC KHU VỰC KHÁC, theo lời ông Lý thì sự hợp tác song phương này nhằm chứng minh với các nước trong khu vực và thế giới thấy rằng vùng biển Nam Trung Quốc sẽ là khu vực hòa bình và an toàn. Trung Quốc và Việt Nam cùng có thiện chí giải quyết những khác biệt và ngăn chặn vấn đề biển Nam Trung Quốc làm phương hại đến sự hợp tác toàn diện của hai nước.”).
Việt Nam gọi vùng biển này là Biển Đông.
Ai hiểu lầm ai?
Nguyên nhân được gọi là tạo ra sự hiểu lầm “đi đêm” của tờ Thời báo Hoàn Cầu (TBHC, The Global Times) của Trung Quốc, một bộ phận của Nhân dân Nhật báo thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, là do TBHC, trong số ra ngày 16/10/2013 đã trích lời bình luận về thỏa hiệp Lý Khắc Cường-Nguyễn Tấn Dũng của Aleksandr Larin, một chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Ông Larin, theo Bản tiếng Việt đề ngày 15/19/2013 của đài "Tiếng nói nước Nga”, nhận định rằng: “Ông Lý Khắc Cường đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh Hà Nội và Tokyo đang tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Tokyo rất khéo léo sử dụng sự lo lắng của Hà Nội trước việc Trung Quốc áp dụng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi bằng vũ lực hiện trạng ở Biển Đông. Gần đây, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã đạt thỏa thuận về sự cần thiết phải thảo ra chiến lược chung về an ninh hàng hải.
Trong khi đó, Nhật Bản cố gắng củng cố quan hệ đối tác với các nước khác trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Một thí dụ cho điều đó có thể là hợp đồng về cung cấp 10 tàu tuần tra Nhật Bản cho cảnh sát biểnPhilippines. Đợt cung cấp này sẽ củng cố khả năng của Manila trong cuộc đối đầu hải quân với Trung Quốc.”
Ông Larin nói tiếp: “Bắc Kinh đã nắm bắt được sáng kiến của Tokyo về việc tổ chức cuộc hội đàm với Hà Nội. Đặc biệtlà, Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ với Philippines là phức tạp hơn. Mỹ đã bố trí mạng lưới dày đặc ở Philippines. Washington sẽ không cho phép Bắc Kinh rút Manila khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của họ, bởi vì trong trường hợp này Mỹ sẽ mất một trong những đòn bẩy để kiềm chế Trung Quốc.
Dù thế nào đi nữa, từ Hà Nội, Bắc Kinh phô quả đấm không chỉ với Tokyo mà cả với Manila. Có vẻ như thỏa thuận Việt-Trung có thể phá vỡ các nỗ lực nhằm thành lập liên minh chống Trung Quốc gồm các nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.”
Chính kết luận này của chuyên viên Aleksandr Larin đã gây chú ý cho Ban biên tập báo Giáo dục Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội các trường Đại học, Cao Đẳng, Ngoài Công Lập Việt Nam và Tiến sỹ Trần Công Trục.
Tác gỉa Hồng Thủy viết trong số báo Giáo dục Việt Nam ra ngày 17/10/2013: “Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/10 có bài đánh giá, "tổng hợp báo chí nước ngoài" về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường theo hướng cố tình lái dư luận đánh đồng kết quả tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa 2 nước với vấn đề Biển Đông và nhằm vào bên thứ 3.
Hoàn Cầu dẫn nguồn tin đài Tiếng nói nước Nga cho rằng việc Việt Nam và Trung Quốc nỗ lực quyết tâm "giải quyết vấn đề Biển Đông" một cách hòa bình "đã đập tan ý đồ của Philippines và Nhật Bản trong việc lôi kéo các nước có tranh chấp với Trung Quốc hình thành liên minh chống Bắc Kinh"?!
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường đến Việt Nam đã nói rất rõ những nguyên tắc chung nhất mà 2 bên đồng ý để giải quyết những bất đồng trên biển, thành lập tổ công tác hợp tác trong các vấn đề ít nhạy cảm trên biển, ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và những giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên.
Cách đưa tin lập lờ của Thời báo Hoàn Cầu hòng khiến dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế hiểu lầm rằng Việt Nam đang đi đêm với Trung Quốc bất chấp một thực tế Việt Nam luôn chủ trương nhất quán giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và không đi với nước này để chống nước kia.”
Nếu so sánh giữa lời tuyên bố của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường rằng:“Hợp tác trên biển sẽ tiên khởi tập trung vào khu vịnh Bắc Bộ, và SAU ĐÓ MỞ RỘNG QUA CÁC KHU VỰC KHÁC” với ngôn ngữ “rất mập mờ” của Tuyên bố chung viết rằng: “Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đềhợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc” thì có gì khác nhau lắm không?
“Tạm thời” ở đâu ra?
Có điểm KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG cần nói thêm lần nữa ở đây (tôi đã viết một lần trong bài “Việt Nam đã mất biển và chủ quyền chưa?”) đã ghi rõ trên giấy trắng mực đen, giữa 6 điểm thỏa hiệp trong “nguyên tắc chỉ đạo” ngày 11/10/2011 tại Bắc Kinh và Tuyên bố Hà Nội 15/10/2013 là hai chữ “TẠM THỜI” đã KHÔNG CÒN trong Tuyên bố Hà Nội.
Trong Thỏa hiệp 6 điểm được ký giữa Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn, và Trương Chí Quân, Thứ trường Bộ Ngoại giao Trung Cộng), có sự chứng giám của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào thì có chữ “Tạm Thời” ghi trong điểm 4 nguyên văn như sau:
(4) “Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính Quá độ, Tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.”
Điểm (2) viết: “Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.”
“ QÚA ĐỘ” có nghĩa là chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác, nhưng đang ở giai đoạn trung gian (theo Đại từ điển Tiếng Việt-Bộ Giáo dục-Đào tạo, xuất bản năm 1999).
Như vậy thì có phải, từ sau Tuyên bố Hà Nội 15/10/2013, chuyện “Tạm Thời” đã thành “Vĩnh Viễn”?
Nhưng tại sao Tiến sỹ Trần Công Trục và Tác giả Hồng Thủy của báo Giáo dục Việt Nam đã lấy ở đâu ra mấy chữ “Giải Pháp Tạm Thời” để diễn nghĩa trong lời nói cũng như bài viết?
Nếu nhằm “nói cho rõ” thì dựa trên cơ sở nào? Văn kiện nào ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội ngày 13/10/2013 đã nói “Giải pháp Tạm thời” như thế?
Hãy nghe Tiến sỹ Trần Công Trục lý giải: “Giải pháp mang tính quá độ” trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc hay còn gọi là giải pháp tạm thời không phải là giải pháp chung chung mà ai đó có thể tùy tiện đặt ra. Nó được quy định rất rõ trong UNCLOS mà cả Việt Nam, Trung Quốc, Philippines đều là thành viên, đã phê chuẩn và phải có nghĩa vụ tuân thủ.
Theo đó khi các nhóm công tác về vấn đề hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngồi lại với nhau, muốn tìm ra các giải pháp tạm thời này thì đầu tiên phải xác định được vùng chồng lấn theo quy định của UNCLOS. Và đương nhiên quy định của UNCLOS rất rõ ràng, đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông hoàn toàn không có bất cứ căn cứ pháp lý nào, trái ngược hoàn toàn với những nguyên tắc cơ bản trong nội dung Công ước UNCLOS, đương nhiên không ai có thể chấp nhận được.”
Lời giải của Tiến sỹ Trần Công Trục, dựa theo nội dung của Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS), nếu không lầm, ghi trong ĐIỀU 74 về “ Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau”, trong đó có nói đến “dàn xếp tạm thời” ghi trong Điểm 3 nguyên văn thế này: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.” (Trích Bản dịch chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Nhưng Tuyên bố Hà Nội ngày 15/10/2013 giữa Lý Khắc Cường và Nguyễn Tấn Dũng KHÔNG làm gì có ghi “tạm thời” như trong “nguyên tắc chỉ đạo” Bắc Kinh hay “dàn xếp tạm thời” trong UNCLOS!
Tuy vậy, Tiến sỹ Trần Công Trục vẫn bảo vệ cách “diễn nghĩa” của ông với câu nói: “Tuyên bố chung được đưa ra trong bối cảnh phía Trung Quốc tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách vô lý của mình và không chịu nhân nhượng hay thay đổi. Nếu chúng ta đi vào vấn đề cụ thể, khu vực cụ thể và nêu ra trong thỏa thuận, tuyên bố chung thì quan điểm của 2 bên đối ngược nhau hoàn toàn và đàm phán sẽ rơi vào bế tắc. Lúc này, chúng ta đã tỏ ra thiện chí ngồi lại đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và đưa ra những thỏa thuận chung nhất để ngồi được với nhau, nội dung cụ thể ta bàn sau, tôi cho rằng đó đã là thành công và rất cần thiết… Điều này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nó thể hiện rõ thiện chí của chúng ta trong việc đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và tìm kiếm các giải pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta không “đi đêm” với bất cứ bên nào hay hợp tác với bên này chống bên kia mà bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng luật pháp quốc tế cũng như các giải pháp linh hoạt.”
Khác nhau thế nào?
Ngoài ra cũng cần nói thêm là tại “nguyên tắc chỉ đạo” Bắc Kinh 2011, hai nước Việt-Trung đã nói đến “luật pháp quốc tế” và “Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982” ghi trong Điểm 2: “Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.”
Trái lại, trong Tuyên bố Hà Nội 15/10/2013, có vẻ như hai bên đã “cố tình”, (hay Việt Nam đã bị ép?) không nói gì đến “luật pháp quốc tế” và “Luật biển Liên Hiếp Quốc 1982”.
“Về hợp tác trên biển”, Tuyên bố chung Hà Nội viết thêm: “Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.”
Như thế có phải hai bên đã “dàn xếp với nhau” như “chuyện trong nhà”, không cần phải căn cứ vào luật pháp của ai?
Đến nay, Tuyên bố Hà Nội đã qua 15 ngày thử nghiệm nhưng chỉ thấy các viên chức Trung Cộng và báo chí nước này phấn khởi. Họ coi như chuyện “xung đột” trên biển và biên giới với Việt Nam không còn nữa.
Phía Việt Nam thì tuyệt đối êm ru, coi như mọi chuyện tranh chấp với nước láng giềng 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt đã được giải quyết. Không thấy có ai thắc mắc hay bức xúc gì. Dường như nhiều bộ não từng năng động và nhạy cảm cũng đã bị chích thuốc mê nên tê cứng ráo trọi.
Báo chí đã nằm im không dám ngo nghoe và người dân thì tất nhiên mù tịt.
Lạc quan tếu
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son |
Ông nói: “Có lúc cảm giác sắp xảy ra chiến tranh” như khi có vụ cắt cáp tàu Bình Minh, tình hình rất nóng. Nhưng dưới sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và điều hành của cơ quan chức năng, Việt Nam đã đấu tranh rất khôn khéo, bảo đảm hòa bình ổn định mà vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ.
“Đây là điểm nhấn trong kết quả 3 năm vừa qua”
Ông còn nói thêm như đinh đóng cột: “Biển Đông đã lặng sóng hơn, căng thẳng đã được giải quyết. Việt Nam cùng với các nước có tranh chấp trên biển Đông đã xây dựng tình hữu nghị, hợp tác để đấu tranh bảo vệ chủ quyền theo đúng công ước luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982, tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và đang đàm phán xây dựng bộ quy tắc COC.”
" Chúng ta đã quốc tế hóa được vấn đề biển Đông và đây đã trở thành một chương trình nghị sự được thừa nhận trong khu vực ASEAN" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/10/2013)
“Biển Đông đã lặng sóng hơn. Căng thẳng đã được giải quyết” là ông Son đã căn cứ vào đâu mà nói như thế? Nếu đã được “giải quyết” thì Việt nam đã giải quyết được với ai?
Ông Son là người đứng đầu ngành tuyên truyền cho đảng thì phải biết rõ hơn ai hết Việt Nam chỉ có “căng thẳng và xung đột với Trung Cộng” trên Biển Đông nên nếu đã được giải quyết thì khi nào và giải quyết ra sao, văn bản đâu trưng ra cho dân xem?
Nếu chỉ nói cho vui miệng thì cựu kỳ nguy hiểm
Chuyện “đang đàm phán xây dựng bộ quy tắc COC” (Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Code of Conduct,COC) hãy còn xa vời lắm. Ông Sơn không biết rằng, Hội nghị tham vấn về COC giữa các cấp cao ASEAN và Trung Cộng họp ở Tô Châu trong hai ngày 14 và 15/9/2013 chỉ để “nghe nhau” rồi báo cáo lên Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao sau đó trong 2 ngày 9-10/10/2013 tại Brunei, nhưng cuối cùng cũng chỉ cố gắng “thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC”?
Ông Bộ trưởng có biết rằng từ lâu Trung Cộng đã thành công trong “trò chơi hoãn binh”, tuy “không phản đối việc xây dựng Bộ Qui tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhưng vẫn giữ nguyên lập trường “Vấn đề lãnh thổ phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương. Việc xây dựng COC cần phải thận trọng” (Đài Tiếng nói Việt Nam, 15/09/2013)?
Điều này có nghĩa, trước khi tiến đến thỏa hiệp COC giữa Trung Cộng và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) thì Trung Cộng phải đạt được thỏa hiệp về lãnh thổ, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông với các nước có tranh chấp với họ.
Trong trường hợp “song phương” này là giữa Trung Cộng với từng nước gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei và Mã Lai Á.
Vì vậy, từ lâu Bắc Kinh vẫn nói rằng: “các tranh chấp ở Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nó không nên và sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác Trung Quốc - ASEAN", theo Qũy nghiên cứu Biển Đông ở trong nước.
Lập trường này, theo Qũy nghiên cứu Biển Đông, cũng được Trung Cộng nói thẳng ra rằng họ “không muốn cộng đồng quốc tế quan tâm, can dự dù ở bất cứ góc độ, mức độ nào hay nói theo ngôn ngữ của Bắc Kinh là không muốn “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Như vậy là ông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã tung ra một lời nói sai sự thật, tạo hy vọng hão huyền cho người dân khi ông nói với báo chí tại Hà Nội rằng “Chúng ta đã quốc tế hóa được vấn đề biển Đông và đây đã trở thành một chương trình nghị sự được thừa nhận trong khu vực ASEAN.”
Nội dung câu nói này cho thấy ông Son “không nắm vững vấn đề”. Chuyện ASEAN đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự đã làm từ lâu vì đó là “chuyện riêng” của ASEAN. Nhưng khi ASEAN nói chuyện với Trung Cộng về Biển Đông thì Bắc Kinh lại không nói chuyện này với “ASEAN như một khối thống nhất” mà chỉ muốn nói với từng Quốc gia có tranh chấp biển với Trung Cộng mà thôi. Bởi vì 5 quốc gia gồm Thái Lan, Cao Miên, Lào, Burma và Tân Gia Ba không có tranh chấp biển đảo với Trung Cộng nên chính các nước này cũng “không mấy tích cực” nói chuyện với Bắc Kinh về chuyện tranh chấp của các thành viên khác!
Bài học Cao Miên, nước Chủ tịch khối ASEAN năm 2012 không chịu đưa vấn đề Biển Đông vào Chương trình nghị sự và không có Thông cáo chung của ASEAN sau kỳ họp thường niên vào năm ấy là một thí dụ có chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vấn đề này.
Vì vậy, cái nghĩa “Chúng ta đã quốc tế hóa được vấn đề biển Đông” trong câu nói “hào sảng” của ông Nguyễn Bắc Son không “quốc tế” chút nào cả. Nếu chính xác thì nên hiểu là “khu vực”.
Như vậy, xuyên qua hai câu chuyện khác nhau, nhưng cùng nói về Việt Nam trong “gọng kìm” Trung Cộng và Biển Đông của Tiến sỹ Trần Công Trục và Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thì ta thấy rằng hai ông đã lý giải vấn đề nhạy cảm này “theo cảm tính” nhiều hơn là bằng chứng. -/-
10/2013
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi