Nhớ anh Điếu Cày
Lần đầu tiên tôi nói chuyện với anh là vào tháng 3 năm 2007, khi tôi vừa đi Thanh Hóa về ít hôm và viết phóng sự “Uất ức- biển ta ơi!”. Anh khen tôi viết hay. Chỉ là cuộc nói chuyện qua điện thoại rất ngắn ngủi nhưng tôi thật sự rất ấn tượng và chúng tôi coi nhau như anh em. Lần thứ hai vào đầu tháng 4, và cũng là lần sau cùng vì không đầy nửa tháng sau anh bị bắt. Anh giải thích cho tôi nghe vì sao anh chọn cái tên Điếu Cày.
Điếu Cày trẻ hơn so với tuổi, vì thế tôi …lỡ kêu anh bằng “anh”. Khi biết tuổi của anh, tôi chuyển qua gọi bằng “chú”. Điếu Cày mắng: “Đừng gọi anh bằng chú. Đồng đội không ai xưng hô thế”. Tôi nhớ lắm cuộc nói chuyện hôm đó. Chúng tôi trao đổi với nhau một số dự tính cho công việc. Đang nói chuyện, tôi nghe rất nhiều tiếng ồn ào trong nhà anh. Điếu Cày nói đó là tiếng đập cửa và quát tháo của công an. Cuộc nói chuyện của chúng tôi buộc phải chấm dứt và anh bị “khiêng” đi làm việc theo miêu tả của anh sau đó.
Sau một chuỗi những ngày bị khủng bố, ngày 20 tháng 4 năm 2008, Điếu Cày bị bắt với thứ tội danh bịa đặt là “trốn thuế” và bị kết án 30 tháng tù giam vào ngày 10 tháng 9. Tám ngày sau phiên tòa của anh, tôi bị bắt.
Khi còn trong tù tôi luôn tin rằng anh đã được thả ra sau ba mươi tháng bị đọa đày. Nhưng không, anh đã bị bắt cóc khi vừa bước khỏi trại giam. Để rồi lần lượt đi qua hết nhà tù này tới nhà tù khác trên khắp ba miền Bắc- Trung- Nam.
Chuyện về Điếu Cày thì nhiều lắm, và tôi sẽ giữ kỷ niệm sau đây như là một món quà riêng tặng cho anh. Hy vọng anh sẽ thấy ấm lòng khi buộc phải lìa xa cố quốc.
Câu chuyện này do Cựu tù nhân lương tâm, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kể lại: Tháng 7/2013, anh Điếu Cày từ trong Nam bị chuyển ra trại Nghệ An lý do, theo anh nói, là vì anh không nhận tội và có những hành động đấu tranh giúp đỡ, bênh vực anh em tù hình sự. Ban giám thị ở đó không chịu nổi anh nên họ chuyển anh đi. Khi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và anh Điếu Cày gặp nhau, họ mừng lắm. Mỗi lần bị chuyển đi như thế thì thường là anh không mang theo được gì nhiều, nhất là các vật dụng cần thiết cho sinh họat. Bởi vì chuyển người tù đi thì họ không thông báo trước mà đi rất đột ngột, cũng không biết là sẽ đi đâu. Tất nhiên, là bạn tù, đồng đội thì chuyện san sẻ cho nhau vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui.
Trong tù, cần lắm hơi ấm của người thân, của anh em tranh đấu nên nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói với anh Hải:
-Tôi sẽ nói cô Nghiên gửi đồ vào cho anh. Tôi tin anh sẽ rất ấm lòng khi nhận được quà của cô ấy.”.
-Nhưng nhắn bằng cách nào?” Điếu Cày hồi hộp.
-Rồi tôi có cách.
Ít hôm sau, cô Nga vợ chú Nghĩa hớt hải sang nhà tôi:
-Hôm qua chú Nghĩa gọi điện về cho cô, bảo cô sang nói với cháu là mua cho anh hai bộ quần áo, nhớ là quần đùi áo thung cho người cao một mét tám.Và mua thêm hai chiếc áo gối nữa. Chú còn nhắc đi nhắc lại câu “Nhớ phải là cháu Liên(*) mua nhé.”. Không hiểu sao chú lại dặn thế ?
Thời gian đó thông tin về việc Điếu Cày bị chuyển trại đã lan tràn trên các trang báo mạng. Tôi đã hiểu được thông điệp mà nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhắn gửi.
Khi ra tù, chú Nghĩa kể lại rằng Anh Điếu Cày vui lắm khi nhận được quà của tôi,. Anh ấy cười rất tươi, nụ cười hồn nhiên lạ. Hôm sau anh Điếu Cày gặp nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, thì thầm: “Này, tôi nhận được tin nhắn của Nghiên đấy. Đây này!”. Rồi đưa cho nhà văn xem dòng chữ tôi kín đáo viết bên trong chiếc áo gối.
Bây giờ tôi cũng không nhớ mình đã viết những gì trong chiếc áo gối tặng anh. Nhưng ít ra khi ấy, tôi đã mang đến cho anh chút niềm vui tuy đơn sơ, nhỏ bé nhưng chan chứa tình đồng đội. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã cho tôi cơ hội này, để bây giờ khi gõ những con chữ rối rắm này, tôi càng thấy ấm lòng hơn khi nghĩ về anh.
Tôi tin rằng, dù nhà cầm quyền đã tước bỏ của anh quyền sống chết trên mảnh đất Việt Nam ruột thịt, thì Điếu Cày vẫn một lòng trung trinh với Tổ quốc, cho dù ở đâu đi chăng nữa.
Rạng sáng ngày 22/10/2014
(*) Liên: tên thường gọi của tôi.
Bài liên quan: Chúng ta sẽ không bao giờ mất anh.
http://phamthanhnghien.blogspot.be/2014/10/nho-anh-ieu-cay.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi