VRNs (22.08.2013) – Nghệ An – Công an thành phố Vinh mời các chị Trần Hoài Tô và Kim Chi đến để trả tài sản bị cướp, nhưng gần như toàn bộ thời gian dành cho những điều tra những vấn đề khác, mà không trưng ra văn bản được Viện kiểm sát cùng cấp chấp thuận cho làm.
Vào lúc 14 giờ 15, ngày 20.08.2013, chị Trần Hoài Tô và chị Kim Chi, thân nhân của anh Trần Hữu Đức, một trong 14 TNCG và TL ở Nghệ An có cuộc trao đối với công an TP Vinh sau khi hai chị lấy lại các tài sản mà công an đã thu giữ của hai chị bị cướp, vào ngày 31.07.2013 vừa qua. Và công an đã giữ và điều tra hai chị ngoài nội dung của giấy mời làm việc.
Chị Hoài Tô và chị Kim Chi có cùng nhận định: “Đây không phải cách các cán bộ mời tôi làm việc mà họ đã bắt cóc tôi.”
Theo chị Hoài Tô và Kim Chi cho biết, ngoài nội dung công an mời hai chị lên lấy lại tài sản họ còn tra khảo và điều tra hai chị xung quanh 5 vấn đề khác. Chị Hoài Tô nói: “Thứ nhất, công an cho rằng, có người viết bài vu khống công an dàn dựng vụ cướp để cướp đồ của chúng tôi vào ngày 31.07.2013 vừa qua. Thứ hai, tôi đi thăm tù nhân lương tâm chính trị Nguyễn Xuân Anh sau khi anh Xuân Anh được mãn hạn tù. Thứ ba, các hình ảnh của tôi và các bài viết được đăng trên facebook Pha Lê Tuyết là như thế nào. Thứ tư, hỏi tôi về vụ dân oan Bến Thủy. Thứ năm, tôi tham gia khóa huấn luyện truyền thông do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức. Thứ sáu, họ nói với tôi, vấn đề biển đảo có đảng và nhà nước lo nên việc đi biểu tình là sai với pháp luật và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc tế”.
Chị Hoài Tô cho hay: “Công an đã tách hai chị em ra hai phòng riêng để làm việc”.
Chị Hoài Tô kể lại sự việc: “Vào lúc 16 giờ 30, sau khi công an TP Vinh giải quyết việc thu giữ tài sản của chúng tôi xong, chúng tôi chuẩn bị ra về thì có 6 công an gồm 4 nam và 2 nữ ập vào phòng và giữ chúng tôi lại để làm việc.
Cán bộ phó đội trưởng đội hình sự Nguyễn Thành Hoan mang số hiệu 226-963 đã hẹn gặp và trực tiếp làm việc với tôi trong suốt thời gian tôi ở trong đồn công an. Cán bộ Hoan là người bắt tôi tắt tất cả các thiết bị thu âm và chụp hình, thu giữ điện thoại của tôi và kiểm tra dữ liệu trong điện thoại của tôi… Sau đó, cán bộ Hoan đã cho một cán bộ nữ lục soát đồ đạc của tôi và khám xét người tôi.
Về nội dung thứ nhất, họ hỏi tại sao tôi lại nói công an dàn dựng cảnh cướp đồ của hai chị em tôi? Ai là người viết bài này?… Tôi trả lời: “Tôi không biết gì về bài viết này. Tôi chưa nghe bao giờ và tôi lại càng không biết ai là người viết bài đó. Nếu các anh muốn biết thì đi hỏi tác giả của bài viết này và làm việc với họ, tôi không có liên quan gì đến việc này hết…”. Cán bộ nói: “Chị là người Công giáo. Giáo lý Thiên Chúa dạy chị sống theo lương tâm, không nói dối… và chúng tôi đã giúp đỡ chị rất nhiệt tình, để bắt hai đối tượng kia đưa ra ánh sáng và nhanh chóng giải quyết sớm trả lại tài sản cho chị. Vậy mà khi người ta vu khống cho chúng tôi, sao chị không lên tiếng để đòi lại sự trong sạch cho chúng tôi? Tôi nói: “Các anh đừng nói các anh giúp tôi. Các anh làm gì cho tôi thì tôi cám ơn. Nhưng đây là trách nhiệm của các anh vì bố mẹ tôi quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm tiền, đóng thuế, trả lương cho các anh. Tôi không nghĩ các anh dàn dựng vụ cướp để cướp tài sản của tôi. Sau khi tôi bị cướp nhiều bạn bè biết tin và hỏi thăm tôi nên tôi kể cho họ nghe, nhưng tôi không biết gì về nội dung bài viết mà các anh đang nói”.
Nội dung thứ hai, cán bộ hỏi tôi tại sao tôi lại đến nhà anh Xuân Anh? Tôi đến đó làm gì? Tôi có quan hệ gì với anh Xuân Anh? Những người đi chung với tôi là ai? Ai là người chụp hình… Tôi trả lời: “Việc tôi đi thăm anh Xuân Anh là việc tôi bày tỏ lòng mến mộ và sự cảm phục của tôi đối với anh ấy, nên tôi đến chia sẻ niềm vui với gia đình và hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh ấy. Tôi cũng chả có quan hệ gì với anh ấy. Thậm chí trước đây, tôi cũng chưa từng biết anh ấy nhưng tôi cảm phục anh ấy, vì anh Xuân Anh cũng là người tốt như anh trai tôi đã bị [nhà cầm quyền] kết án và đi tù oan. Tôi là em gái của anh Trần Hữu Đức nên tôi hiểu rõ anh trai tôi [và bạn của anh trai tôi] là người như thế nào. Và, anh Xuân anh sống như thế nào thì những người bạn và hàng xóm của anh ấy là những người hiểu rõ nhất. Tôi chả đi cùng với ai và tôi cũng chả để ý người chụp hình là ai cả. Lúc tôi đến đó, tôi đã thấy hàng xóm của anh ấy đến đấy rồi.” Một cán bộ khác xen vào và hỏi: “Thế hàng xóm là những ai?”. Tôi nói: “Anh hỏi thế thì làm sao mà tôi biết được. Hàng xóm của anh Xuân Anh chứ có phải của tôi đâu. Tôi có ở đấy đâu mà tôi biết?”.
Tiếp theo, nội dung thứ ba, cán bộ hỏi tôi về các hình ảnh và nội dung bài viết trên facebook của Pha Lê Tuyết. Công an đã in sẵn một xấp hình ảnh và các bài viết về tôi. Công an hỏi tôi có biết facebook Pha Lê Tuyết không? Nội dung các bài viết trên facebook Pha Lê Tuyết là như thế nào? Hình chị chụp chung với những người này là như thế nào? Chị có biết họ là ai không?… Tôi nói: “Tôi không biết facebook đó là của ai. Tôi càng không biết những bài viết đó do ai viết. Còn những hình ảnh kia tôi đi chơi, người ta xin chụp hình chung thì tôi chụp và tôi cũng không biết những người đó là ai.” Các cán bộ cứ liên tiếp thay nhau hỏi tôi: “Sao chị nói vô lý thế? Chị nói như thế thì lương tâm chị tự làm việc với chị. Giáo lý chị dạy chị không được nói dối. Chị bảo chị không biết họ, không biết về facebook Pha Lê Tuyết, không biết những bài viết đó trong khi những hình ảnh đó là của chị, bài viết liên quan đến chị, chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ tình hình về địa chỉ nơi giam giữ và các đợt thăm anh trai chị…”. Công an liên tục lấy giáo lý của Thiên Chúa ra hù dọa tôi. Tôi nói: “Các anh đừng có chụp mũ tôi. Tôi chả nói gì vô lý, có sao thì tôi nói vậy! Lương tâm tôi như thế nào thì đấy là việc của tôi, nếu tôi có làm gì cắn rứt lương tâm thì tôi sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa của tôi, Người sẽ phán xét tôi, còn các anh chả có quyền gì để phán xét tôi cả. Đấy không phải là việc của các anh! Những hình ảnh và bài viết mà các anh tự in ra ở đây, rồi tự các anh khẳng định lấy từ facebook của tôi và cho đó là hình và bài viết của tôi. Bây giờ, nếu các anh thích, tôi sẽ chụp hình các anh và tải lên facebook sau đó tôi cũng bảo đó là facebook của anh, là bài viết của anh vì tất cả đều là hình của anh thì anh nghĩ như thế nào? Việc tôi đi thăm anh trai tôi có cả khối người biết và người ta biết việc làm của anh trai tôi. Họ biết rõ anh tôi là người như thế nào nên họ rất quan tâm đến gia đình tôi. Mỗi lần, gia đình tôi đi thăm anh trai tôi về thì họ đều kéo nhau đến hỏi thăm gia đình tôi, nên gia đình tôi rất cảm mến tấm lòng của họ. Còn các bài viết về anh trai tôi, có thể là những người đến thăm gia đình tôi và nghe gia đình tôi kể về tình trạng của anh trai tôi nên họ đã viết và họ lấy bút danh như thế nên chả có gì là vô lý cả.
Một cán bộ khác tiếp tục hỏi tôi: “Thế chị có biết Lã Xuân Thắng là ai không? tại sao lại chụp hình chung với họ?” Tôi nói: “Tôi không biết ông ấy là ai cả, như tôi đã nói, người ta xin chụp hình chung thì tôi vui vẻ chụp chung vậy thôi”. Cán bộ hỏi tiếp: “Chị không cảm thấy vô lý sao, trong lúc chị chụp hình chung với người ta chị cười rất tươi, rất niềm nở và rất thân thiết. Tôi khẳng định là chị phải quen biết và thân thiết với họ?”. Tôi nói: “Tôi chả thấy có gì vô lý! Tôi hỏi anh, nếu người ta xin chụp hình với anh, chả lẽ anh tỏ thái độ này nọ rồi vẻ mặt cứ hừng hực hay anh buồn bã rầu rĩ, hoặc quay lưng làm mặt này với họ sao? Tiếc gì mà không nở nụ cười thật tươi với họ để lấy tấm hình cho đẹp. Đó là quan hệ xã giao hết sức bình thường. Đó là nghệ thuật tối thiểu trong giao tiếp.”
Tiếp theo đó, cán bộ hỏi tôi về Dân oan Bến Thủy. Cán bộ hỏi tại sao tôi lại đến đó? Đến vì mục đích gì? Tôi có gọi điện thoại hẹn người ta không? Tôi có xúi giục người dân ở đó khích động không?… Tôi trả lời: “Cán bộ ăn nói cẩn thận nhé, chú ý trong cách dùng từ. Tôi xuống đó chỉ vì tò mò. Tôi nghe người ta xì xào về người dân Bến Thủy bị cưỡng chế đất đai và họ đang dựng nhà nấu ăn ngoài trời để giữ đất. Thấy hay, tôi đến tôi xem và chả vì mục đích gì cả! Tôi cũng chả gọi điện thoại, chả kích động và xúi giục bất kỳ ai.”
Tiếp sau đó, họ hỏi tôi về lớp truyền thông. Họ lấy hình tôi chụp chung với mọi người ra và hỏi tôi: “Vừa rồi chị có tham gia khóa học truyền thông phải không? Chị tham gia vì mục đích gì? Số lượng tham gia là bao nhiêu? Ai dạy?…” Tôi nói: “Tôi có tham gia vì văn tôi còn kém nên tôi muốn trau dồi vốn viết văn của tôi. Số lượng người thì tôi chẳng nhớ. Tôi cũng chả thèm quan tâm ai dạy. Tôi chỉ biết mỗi việc học thôi. Tôi nói với các anh: tôi không phải là tội phạm, tôi cũng chẳng bị khởi tố về bất cứ vụ án gì nên tôi thích thì tôi nói, tôi không thích thì tôi không nói và các anh cũng không có quyền ép tôi. Có những gì thì tôi đã nói rồi. Riêng về việc học truyền thông, tôi nói thẳng với các anh, tôi sẽ không làm việc với các anh về vấn đề này, tôi sẽ không trả lời các anh bất kỳ câu hỏi nào thêm nữa. Các anh thích thì các anh tự đi mà tìm hiểu, tôi không có nghĩa vụ phải làm việc với các anh”.
Cuối cùng, cán bộ nói với tôi về vấn đề biển đảo VN và nói với tôi rằng: “Việc biển đảo đã có đảng và nhà nước lo. Cái gì cũng phải từ từ, phải có chiến lược. Hơn nữa dân, đảng và nhà nước phải đồng lòng với nhau thì mới chiến thắng được. Từ trước đến nay, chị cũng biết đó, nhờ ai đã đưa VN có được như ngày hôm nay. Ai đã dẫn dắt các cuộc đấu tranh, để giành thắng lợi, để có được một VN hòa bình như ngày nay.” Tôi nói: “Tôi hỏi anh với tư cách là một công dân yêu nước, anh có thấy bức xúc khi tàu khựa bắn giết ngư dân mình, bắn chìm tàu cá của mình, rồi có biết bao nhiêu hàng chứa chất độc hại TQ [tràn vào VN] để hại chết người dân mình không? Anh nói, đã có đảng và nhà nước lo, vậy thì đảng là ai? nhà nước là ai? Ai là người cụ thể sẽ đứng ra vạch chiến lược và lo cho đất nước? Hay đảng và nhà nước chỉ là một tổ chức, một khái niệm chung chung. Anh nói, nhờ đảng và nhà nước dẫn dắt và đưa đất nước ra khỏi chiến tranh để có ngày hôm nay thì tôi nói cho anh biết, đảng chỉ là người đến sau vì mãi đến năm 1930, đảng mới thành lập. VN đánh thắng bao cuộc đấu tranh là nhờ sự hy sinh của biết bao xương máu của các bậc lão thành cách mạng.” Cán bộ hỏi: “Bây giờ đã có biết bao nhiêu chiến sỹ đang hy sinh ở ngoài biển đảo để ngày đêm canh giữ, chị không thấy họ rất dũng cảm sao? Không cảm phục tấm lòng của họ hay sao? Nếu người ta gọi chị ra canh giữ biển đảo để bảo vệ lãnh thổ chị có đi không?”. Tôi trả lời: “Tôi rất biết ơn và cảm phục những sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ đang hết lòng ngày đêm canh giữ biển đảo. Tôi biết điều đó chứ. Chính vì thế, tôi mong sẽ sớm có cách giải quyết hợp lý để người dân mình không phải khổ, không phải đau và lo nỗi đau mất nước nữa. Nếu gọi tôi đi canh giữ biển đảo thì tôi luôn sẵn sàng, vì bảo vệ quê hương đất nước tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng của tôi.” Cán bộ nói: “Ví dụ như gia đình chị và gia đình hàng xóm ở cạnh nhau, nhà hàng xóm rất giàu có và họ lấn đất của gia đình chị thì chị sẽ xử lý thế nào?”. Tôi nói: “Vườn nhà tôi bao nhiêu thước, bao nhiêu mét vuông đã có sổ có sách và có giấy trắng mực đen rõ ràng rồi. Nếu người ta lấn đất và đã thương lượng với nhau rồi mà không được thì cứ theo luật pháp mà làm thôi.” Cán bộ hỏi tiếp: “Vấn đề biển đảo cũng tương tự như chị nói, phải để nhà nước thương lượng và làm việc tình cảm đã chứ, đằng này cứ làm loạn và xuống đường biểu tình là sai pháp luật, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc tế.” Tôi nói: “Cán bộ bảo thương lượng thì thương lượng đến bao giờ? Nước ta đã thương lượng hàng chục hàng trăm lần rồi mà có thấy tiến triển gì đâu? Mình càng nhân nhượng thì địch càng lấn tới. “Con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước thì vỡ bờ” thôi. Đến lúc người dân bức xúc quá, họ nhận thấy không thể đứng nhìn được nữa thì họ hành động, họ xuống đường biểu tình để phản đối việc làm của tàu khựa thôi. Tôi thấy việc biểu tình ôn hòa như thế là việc làm rất hay, rất đáng được ghi nhận”.
Chị Hoài Tô kiên quyết không ký bất kỳ biên bản nào mà công an yêu cầu. Chị Hoài Tô khẳng khái: “Hôm nay, các anh làm việc với tôi, các anh thích lập biên bản thì các anh tự đi mà ký với nhau hoặc nhờ ai ký là việc của các anh. Còn tôi tôi tuyên bố tôi không ký”.
Công an bắt chị Hoài Tô viết bản tường trình nhưng chị Hoài Tô nhất quyết không viết. Chị Hoài Tô trả lời thẳng thắn: “tôi không viết bởi vì tôi không thích. Chỉ đơn giản vậy thôi!”.
Về phía chị Kim Chi, chị Hoài Tô cho biết: “Công an hỏi chị Kim Chi về nội dung bài viết đã vu khống công an dàn dựng để cướp tài sản của chị em Kim Chi và Hoài Tô là như thế nào?… Đồng thời, công an cũng hỏi chị Kim Chi vì sao chị có mặt cùng với Dân oan Bến Thủy… Và chị Kim Chi trả lời với công an: “Tôi không biết và tôi không quan tâm những điều này. Nếu các ông muốn biết rõ thì tự các ông đi mà điều tra lấy”.
Kết thúc buổi làm việc, chị Hoài Tô bình phẩm: “Tôi không bằng lòng về cách làm việc của các cán bộ. Cán bộ Hoan mời tôi đến đây để giải quyết vấn đề trả lại tài sản cho tôi đã bị cướp và không hề thông báo với tôi về nội dung làm việc này. Mặc dù, các cán bộ đã giải thích với tôi rằng, giấy mời không quy định phải ghi nội dung chỉ cần nói đến làm việc là được nhưng tôi không ghi nhận lời giải thích đó và không phục cách làm việc của họ. Tôi cho rằng, đây là cách các công an bắt cóc tôi. Ngày hôm nay, các cán bộ đã làm lỡ biết bao nhiêu công việc của tôi. Tôi dự tính bắt xe xuống đây chỉ giải quyết và nhận lại tài sản của tôi nhanh trong vòng 5-10 phút. Sau đó về nhà, làm tiếp công việc. Đã hết giờ làm việc hành chính mà các cán bộ vẫn giữ tôi ở đồn cho mãi đến 19 giờ”.
Còn chị Kim Chi nhận xét: “Tôi không bằng lòng cách làm việc của họ. Họ mời tôi đến để giải quyết về việc trả tài lại sản cho tôi nhưng họ lại giữ tôi lại và và ép buộc tôi phải trả lời. Đây không phải cách mời tôi làm việc mà họ đã bắt cóc tôi, bởi vì trong giấy mời họ mời đến giải quyết việc trả lại tài sản. Thời gian làm việc trả lại tài sản cho chúng tôi đã xong lúc 16 giờ 50 nhưng mãi đến 19 giờ họ mới cho chúng tôi về. Họ không ép được Hoài Tô ký biên bản và viết tường trình nên họ rất tức tối. Tại đây, chúng tôi liên tục phản đối cách làm việc của họ và đòi buộc họ thả chúng tôi về”.
Kết thúc buổi làm việc vào lúc 19 giờ tối cùng ngày, chị Kim Chi và Hoài Tô rất khát và mệt mỏi.
Được biết bố mẹ chị Hoài Tô là người đạo đức, nên khi có ba người con, ông bà đã đặt tên các con theo thứ tự là Đức (Trần Hữu Đức), Ki (Trần Kim Ki) và Tô (Trần Hoài Tô).
PV. VRNs ghi
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi