Vào 19h30 ngày thứ ba, 13/8/2013, một nhóm 6 bạn trẻ đang học nhóm tiếng Anh ở một căn hộ trong ngõ Giếng Mật (phố Bạch Mai, Hà Nội), thì chủ nhà gọi điện cho bạn Trần Quang Trung (là người thuê nhà), bảo xuống mở cửa. Trung xuống nhà, vừa mở cửa thì có hai người lạ mặt ập vào, một trong hai kẻ này bóp cổ Trung để khống chế, kẻ còn lại giật điện thoại của Trung.
Sau đó, có khoảng 20 người – dáng vẻ như dân phòng, công an mặc thường phục – xông vào nhà, kéo lên gác, bắt mọi người xuất trình giấy tờ và bỏ hết điện thoại đặt lên bàn. Trong số đó, chỉ có một người mặc đồ công an. Họ cầm theo ba máy quay phim, chĩa vào mặt nhóm bạn trẻ, ghi hình liên tục.
Một bạn trẻ, tên là Thùy Linh, lên tiếng yêu cầu toán người xuất trình giấy tờ và dừng quay phim, nếu không họ có thể bị kiện về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Song, không ai trong số những kẻ đột nhập xuất trình giấy tờ. Một bạn trẻ khác, Hồ Đức Thành, rút điện thoại định gọi cho bạn thì trong số người đột nhập, một kẻ hét lên: “Tôi là dân phòng ở đây, hôm nay tôi đến kiểm tra tạm trú tạm vắng, yêu cầu anh ngồi im”. Do Thành không chịu “ngồi im”, nên đồng chí “dân phòng” này xông vào giật điện thoại của Thành, xô đẩy và làm vỡ một tấm kính trong nhà.
Tới 20h30, tất cả nhóm bạn trẻ bị áp giải về công an phường Trương Định. Tới nơi, công an phường yêu cầu mọi người bỏ điện thoại và máy tính ra để niêm phong, “tạm thời thu giữ, làm việc xong sẽ trả”. Mỗi chiếc điện thoại đều được đựng trong phong bì niêm phong, lấy chữ ký giáp lai của mọi người. Mỗi máy tính cũng đều được dán băng dính niêm phong và lấy chữ ký giáp lai.
Một người mặc thường phục bảo công an phường lập biên bản tạm giữ số đồ đạc, có người giao, người nhận và người làm chứng. Công an phường làm theo. Các bạn trẻ không biết biên bản ghi những gì, không ký và cũng không được giữ bản nào.
Sau đó, toàn bộ máy tính, điện thoại, biên bản đều bị mang đi. (Biên bản không có chữ ký của người bị thu đồ mà chỉ có chữ ký của công an và người làm chứng của phía công an). Còn cả nhóm thì bị chia nhỏ để “làm việc”: Người bị đưa về công an quận Hai Bà Trưng, người bị thẩm vấn ngay tại công an phường Trương Định. Các câu hỏi xoay quanh: nhân thân, tại sao biết lớp học tiếng Anh này, tham gia lâu chưa, ai tổ chức, giáo trình ai soạn, nội dung có liên quan gì đến chính trị-pháp luật không, mọi người có tham gia tổ chức chính trị nào không, có biết anh A, chị B… không, v.v.
Cuối cùng mọi người được thả ra, nhưng một số máy tính và điện thoại vẫn bị giữ.
Nguồn ảnh: ẩn danh
Vấn đề
Câu hỏi đặt ra là: Việc làm của cơ quan công quyền (nếu thực đó là cơ quan công quyền) có gì sai luật?
Câu trả lời: Đây là một trường hợp điển hình của việc “bắt giữ tùy tiện”.
Bắt giữ tùy tiện là hành vi bắt giữ người mà không có chứng cớ về việc người đó phạm tội, và/ hoặc hành vi bắt giữ người được tiến hành không đảm bảo trình tự, thủ tục pháp lý.
Việc nhóm người tự xưng là công an (trong đó chỉ có một người mặc đồ công an, và không ai xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận của họ) ập vào nhà bắt nhóm bạn trẻ về đồn, vào ban đêm, mà không có lệnh bắt, chính là “bắt giữ tùy tiện”, vì không kèm theo chứng cứ phạm tội mà cũng không đảm bảo thủ tục pháp lý, chẳng hạn, thiếu lệnh bắt.
Theo Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
- Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
- Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. (…)
- Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã (…).
Nhóm công an (cứ giả sử họ là công an thật) bắt các bạn sinh viên về đồn vào ban đêm, tịch thu tài sản (điện thoại và máy tính) mà không có lệnh bắt, trong khi đó, tất cả các bạn đều hoàn toàn không phạm tội quả tang, không thuộc diện truy nã.
Như vậy, đã đúng là “bắt giữ tùy tiện” chưa, thưa cơ quan công an?
Các sai phạm khác của CA
Trong vụ bắt người tùy tiện tối 13/8, cơ quan công an còn vi phạm Điều 31 Bộ luật Dân sự về “quyền của cá nhân đối với hình ảnh”: Công dân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của công dân phải được công dân đồng ý.
Tham chiếu với bài trước (“Chụp ảnh công an”), chúng ta thấy nổi lên một nguyên tắc: Công dân có quyền quay phim, chụp ảnh nhân viên công lực; nhưng ngược lại thì không! Ở đây, phía công an đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tóm lại là lạm dụng sức mạnh của họ để ghi hình các công dân.
Cơ quan công an vi phạm cả Điều 135 Bộ luật Tố tụng Hình sự khi họ khám xét, tạm giữ đồ đạc của nhóm bạn trẻ mà không hề có lệnh bắt hay quyết định khởi tố vụ án. (Trình tự pháp luật là: Phải có “khởi tố” thì mới có “vụ án”, và phải có “vụ án” thì mới có việc thu giữ các đồ vật là “vật chứng và tài liệu có liên quan đến vụ án”).
Cuối cùng, cơ quan công an còn có dấu hiệu vi phạm Điều 124 Bộ luật Hình sự, “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân”: Họ đã khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; phạm tội một cách có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn… Tội này có thể bị phạt tù từ một đến ba năm.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi