vendredi 23 août 2013

Phải chăng đất cho những đấu tranh dân chủ đã chật chội?


Người Buôn Gió - Hay mảnh đất đấu tranh giờ đã quá chật chội, không còn chỗ cho những người đã lầm đường như ông Lê Hiếu Đằng... những người cộng sản muốn quay đầu về với nhân dân? Cho nên phải dập tắt những lực lượng mới lăm le ra đời đòi đấu tranh dân chủ, đòi tự do...

*

Tôi bị bắt nhiều lần, mỗi lần ra khỏi công an, xem tin tức lại về chuyện mình bị bắt. Đôi khi thấy chạnh lòng.

Nhiều người khi họ bị bắt mình lên tiếng, viết bài, cổ động đòi thả người, hỏi han gia đình họ... nhưng lúc mình bị họ im như không biết.

Đã thế có những người còn xầm xì, thằng này dại theo nhóm nọ, nhóm kia. Thằng này nhận tiền để làm việc đó cho bọn ABC nên mới bị bắt thế...

Dường như trong họ dấy lên cả niềm vui nhỏ, bớt đi một người đấu tranh, thì mảnh đất đấu tranh dân chủ rộng hơn cho họ một khoảnh. Số này tất nhiên không nhiều. Nhưng không phải là hiếm hoi.

Một người đàn ông tật nguyền nói chuyện với tôi nhiều lần. Anh không nói rõ, nhưng tôi hiểu anh muốn cho tôi một thông điệp sống trong cuộc đời.

- Mình có thể sinh ra trong cảnh hèn mọn, nhưng mình đừng để ý nghĩ của mình hèn mọn.

Để ý người ta đối xử với mình thế nào khi mình bị bắt. Giúp cho mình nhiều điều, thứ nhất mình sống có gì không phải, thứ hai mình không muốn người ta đối xử với mình như thế, thì mình cũng đừng đối xử với người khác như thế. Với tôi một người đấu tranh nào bị bắt cũng cần phải lên tiếng, cần tìm thông tin để cho dư luận biết việc làm chính nghĩa của họ. Dẫu không tạo được sức ép để nhà cầm quyền thả họ, ít ra cũng cho người thân thuộc của họ được an ủi rằng, họ bị bắt vì làm những điều chính nghĩa cho dân tộc và đất nước.

Không biết lòng người vô tâm hay lòng người hẹp, hay mảnh đất đứng để đấu tranh dân chủ trở nên hạn hẹp không còn chỗ cho nhau?

Tin gì mấy lão cộng sản tỉnh ngộ, tội ác chúng gây ra còn đó, bọn cò mồi.

Mấy ngày nay, sau khi ông Lê Hiếu Đằng khởi xướng ý định lập đảng. Nhiều dư luận, trong đó có nhiều nhà đấu tranh phản ứng từ nghi hoặc có, lên án có, sỉ nhục có, chửi bới cũng có, nhẹ nhất là góp ý với những điểm nào đó trong bài viết của ông Lê Hiếu Đằng những điểm họ thấy không hài lòng.

Trước đây nhóm Con Đường Việt Nam ra đời, một số người cũng bài bác và chỉ trích là nhóm lập ra cò mồi. Thời gian đến nay đủ để chứng minh nhóm Con Đường VN không phải nhóm cò mòi. (Nhiều người sẽ bảo- chưa chắc đâu, thời gian nữa mới biết- xin thưa, thời gian thì vô tận lắm, đời người chỉ có mấy chục năm thôi, con người cần phải có kiến giải căn bản của mình để nhận thức chứ đừng để thời gian quá dài để giải thích hộ cho mình).

Lúc đó dư luận phản ứng gay gắt với CĐVN đầy hoài nghi, có khi còn là phẫn nộ.

Phản ứng với CĐVN trước đây và phản ứng tuyên bố Lê Hiếu Đằng hôm nay chẳng khác gì nhau.

Một số nhóm phản ứng vì cay cú, ta làm cái này họ không ủng hộ, giờ thì ta chẳng ủng hộ, ta vạch mặt cho thiên hạ thấy nhóm nọ thế nào.

Một số nhóm lo sợ thêm nhóm đấu tranh, lòng những người ủng hộ sẽ giảm tập trung về họ. (mà cái lòng ủng hộ này đôi khi ngoài hành động, cổ võ còn là tiền ủng hộ nữa.). Lo sợ uy tín thanh thế của nhóm mình bao lâu nay hoạt động vất vả, chịu bao cảnh gian nan, bắt bớ, đánh đập... giờ nhóm mới ra mắt đã vang danh dư luận. Dường như họ sợ thêm một nhóm đấu tranh, mảnh đất đấu tranh dân chủ sẽ bị hẹp đi đối với họ.

Nhìn khách quan, chưa biết ông Lê Hiếu Đằng đã phải cò mồi không. Nhưng ông Đằng là người cộng sản, từng mang thân mình phục vụ dưới lá cờ cộng sản.

Chúng ta đều phải khẳng định một nhà đấu tranh dân chủ đứng trước ống kính truyền hình của chính quyền cộng sản để nói những lời ăn năn, hối lỗi, nhận thấy sai lầm, xin chính quyền CS khoan hồng tha thứ... đã khiến tim chúng ta quặn đau thế nào, dù chúng ta không trách họ, không đòi hỏi họ can trường. Nhưng thế nào đi nữa, là những người đấu tranh thì trước cảnh đồng đội mình cúi đầu xin xỏ, nhận tội đó, chúng ta vẫn thấy len lỏi nỗi chua chát, đắng cay trong lồng ngực.

Nhà cầm quyền thường o ép bằng được những nhà đấu tranh nhận tội, dù nhận tội có thể giảm án đến mức bất ngờ như Lê Văn Sơn từ 13 năm xuống còn 4 năm và vài trường hợp khác. Chính thế mà mặc dù Nguyễn Văn Hải đã bị kết án lâu rồi, nhưng trại giam vẫn o ép bắt anh lý vào tờ nhận tội. Mới đây cũng nhiều nhà đấu tranh trẻ khác trong lao tù chịu án, vẫn bị công an trại giam bức ép phải viết tờ nhận tội dù họ đã chịu án tù. Mà án tù đó tòa đã tuyên thêm cả tình tiết tăng nặng là do không thành khẩn nhận tội. Thế nhưng trại giam vẫn nỗ lực làm việc vượt cả tòa là ép phạm nhân nhận tội.

Họ cần những nhà đấu tranh nhận tội, để trưng ra với công chúng, dư luận rằng. Đó, những việc đấu tranh này là sai trái, những người vi phạm đã thành khẩn nhận tội đây.

Vậy tại sao chúng ta không nghĩ rằng, những người cộng sản trở cờ, nhận lỗi lầm với nhân dân vì phục vụ đảng cộng sản là một điều đáng hoan nghênh, một điều chúng ta cần phải nỗ lực để những trường hợp đó ngày một nhiều hơn, cũng như nhà cầm quyền đang mong muốn và nỗ lực bắt những nhà đấu tranh nhận tội nhiều hơn. Sự tỉnh ngộ đó là một điều lớn lao tác động đến tâm lý nhân dân. Đấy! họ theo CS như thế mà giờ họ còn phải thốt ra những lời phê phán ĐCS, họ phải sám hối... (đừng đòi hỏi họ khi sám hối phải thêm phần nhắc đến sự kiện này, đến việc nọ, việc kia một cách chi tiết như câu chuyện ngụ ngôn Ở Đây Có Bán Tươi). Sự tỉnh ngộ của họ cộng hưởng với những gì chúng ta đang làm sẽ cho nhân dân hiểu nhanh hơn về hiện tình đất nước, về chủ nghĩa CS.

Hay mảnh đất đấu tranh giờ đã quá chật chội, không còn chỗ cho những người đã lầm đường như ông Lê Hiếu Đằng... những người cộng sản muốn quay đầu về với nhân dân? Cho nên phải dập tắt những lực lượng mới lăm le ra đời đòi đấu tranh dân chủ, đòi tự do...

Nhiều nhà đấu tranh dường như bỏ đôi chút công sức, chịu mất mát chút ít giờ đã thành danh là nhà đấu tranh, người bất đồng chính kiến, nhóm a b c da... và dường như thế với họ là đã đủ. Họ không có chiến lược hành động gì để tiến thêm vì muốn ở ngưỡng an toàn. Đôi khi họ cũng làm vài ba hoạt động gọi là có còn hoạt động, lên tiếng vài ba câu khi có vụ gì, dăm tháng viết một bài cho thiên hạ thấy mình còn đang đứng trên mảnh đất đấu tranh dân chủ. Những con người như thế, sợ một lực lượng đấu tranh khác nổi bật hơn là điều tất nhiên.

Tất nhiên có nhiều người cẩn thận, nhiều người đã từng bị mắc lừa, nhiều người lo lắng cho người khác đặt nghi vấn là điều cũng phải.

Nhưng nếu vì những động cơ ích kỷ, sợ dành mất vị thế, uy tín của mình của những nhóm mới, lời kêu gọi mới, thì chỉ như tâm lý sợ đất chật rồi, người khác đứng mất chỗ của mình.

Chả lẽ mảnh đất đấu tranh cho dân chủ chật hẹp đến mức thế sao.?


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi