jeudi 31 juillet 2014

Blogger Phạm Lê Vương Các bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất


IMG_3266
Phạm Lê Vương Các (ngoài cùng bên phải) trong chiến dịch vận động UPR tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 6 năm 2014.
Một nhà hoạt động tham gia vân động nhân quyền cho Việt Nam tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) vào cuối tháng 6 vừa qua , blogger Phạm Lê Vương Các đang bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất khi vừa trở về nước vào rạng sáng hôm nay, ngày 1/8/2014.
Anh Phạm Lê Vương Các là một blogger, một nhà hoạt động pháp lý cùng với các đại diện của 10 hội đoàn xã hội dân sự là tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật gia Trịnh Hữu Long, luật sư Nguyễn Thị Vy Hạnh tham dự vào cuộc họp chính thức và có phát biểu về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva – Thụy Sĩ.
Sau đó, anh Vương Các cùng với phái đoàn đã có những buổi gặp gỡ nhằm vận động giới chức Liên minh châu Âu, Bộ ngoại giao Ba Lan và Cộng hòa Séc quan tâm theo dõi và đưa ra các tham vấn nhằm giúp nhà nước Việt Nam thực thi hiệu quả các cam kết về nhân quyền.
10510212_10102439144167364_1999397025_n
Blogger Phạm Lê Vương Các đang trình bày về tình hình nhân quyền Việt Nam tại Nhóm làm việc về Nhân quyền của Liên minh châu Âu – EU tại trụ sở cơ quan này ở Brussels (Bỉ) ngày 25-6-2014.
Vi phạm cam kết
Theo thông tin chúng tôi có được, chuyến bay trở về nước của anh Vương Các đã hạ cánh vào lúc 00h 20′, nhưng đã ba giờ đồng hồ trôi qua, những người thân không thấy anh bước ra khỏi cửa kiểm tra an ninh.
Tình trạng câu lưu và thẩm vấn trong nhiều tiếng đồng hồ liên tục, và việc tịch thu hộ chiếu ngay tại sân bay đã từng xảy ra đối với anh Bùi Tuấn Lâm – một người cũng từng tham dự cácUPR khi vừa trở về.
Điều này cho thấy nhà nước Việt Nam tiếp tục vi phạm các quy định của cơ chế UPR là phải tôn trọng và tạo điều kiện cho các cá nhân và các tổ chức XHDS tham gia đóng góp tiếng nói vào quá trình kiểm điểm nhân quyền định kỳ của Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, qua việc câu lưu và thẩm vấn trái pháp luật đối với anh Phạm Lê Vương Các đã cho thấy nhà nước Việt nam đã đi ngược lại với những cam kết của mình trong phiên UPR vào tháng 6 vừa qua.
Cần nhắc lại rằng, trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhà nước Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị liên quan trực tiếp đến hoạt động của người bảo vệ nhân quyền, đó là khuyến nghị 143.162 của Na Uy “dành cho các cá nhân, các nhóm và các bộ phận của xã hội sự công nhận và chính danh trong việc thúc đẩy nhân quyền và biểu đạt quan điểm của họ hoặc sự bất đồng của họ một cách công khai”.
Nội dung liên quan này cũng được đề cập qua các khuyến nghị 143.149 của Luxemburg, 143.167 của Tunisia, 143.169 của Tây Ban Nha, 143.173 của Ireland, và 143.174 của Cộng hòa Séc … bảo vệ quyền tự do thông tin và biểu đạt của những người bảo vệ nhân quyền và tạo môi trường thuận lợi cho họ, mà nhà nước Việt Nam đã cam kết.
Dấn thân vì nhân quyền
Đánh giá sau chuyến đi, anh Phạm Lê Vương Các đã cho biết: “Chẳng có gì phải tự hào hay hãnh diện khi gặp gỡ giới chức của các nước. Vì khi nghe họ hỏi về tình hình nhân quyền Việt Nam, thật lòng tôi không muốn trả lời. Nó làm cho tôi có cảm giác phải đi “méc” với thế giới bên ngoài về những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Giá như nhà nước biết cởi mở và lắng nghe hơn, thì người Việt chúng ta dù có bất đồng cũng có thể ngồi lại với nhau, đối thoại và tìm giải pháp. Khi đó tôi chẳng cần phải đi đâu hết.”
Phạm Lê Vương Các là người tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở Sài Gòn-Việt Nam. Anh được nhiều người biết đến khi còn đang là sinh viên luật, với các bài viết sâu sắc trên BBC Việt ngữ và các trang tin độc lập khác về các vấn đề pháp luật, xã hội, chính trị nhằm cỗ vũ cho cho dân chủ và nhân quyền .
Bên cạnh đó, anh còn tham gia hỗ pháp lý cho một số dân oan bị cưỡng chế đất đai đi đòi quyền lợi chính đáng của họ. Hay đã từng vận động công luận bằng cách cùng với hai người bạn trong trường luật của mình khởi xướng “Tuyên Ngôn Công lý Đoàn Văn Vươn” kêu gọi tòa án cần xét xử độc lập trong những vụ việc liên quan đến tranh chấp chất đai của người dân với chính quyền.
cachotrophaply
Phạm Lê Vương Các đồng hành với tiểu thương Long Khánh – Đồng Nai đối thoại với chính quyền, đòi quyền lợi về đất đai.
Với các hoạt động này, anh Vương Các đã bị báo Nhân Dân – một cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cáo buộc là “chống Đảng, chống nhà nước, kêu gọi lật đổ chính quyền” dưới bài viết “Phản động nhân danh lòng yêu nước”[1], từng bị một nhóm người theo bám nhiều ngày mỗi khi rời khỏi nhà và sau đó là hành hung trên một con đường vắng vẻ vào đêm khuya.[2]
Dù gặp khó khăn và nhiều rủi ro đang còn chờ đợi phía trước, trước mắt anh có thể tịch thu hộ chiếu và bị cấm xuất cảnhnhưng khi trao đổi với chúng tôi vài giờ trước khi trở về nước, anh cho biết: “Nếu tôi bị cấm xuất cảnh, tôi cảm thấy hãnh diện vì điều đó. Vì qua đó, tôi đã có lời cam kết rõ ràng rằng, tôi sẽ không bao giờ rời khỏi đất nước này vì những hoạt động cho quyền con người.”
Chú thích:

Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo


Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo (ohchr.org)
Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo (ohchr.org)

Thanh Phương
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cáo buộc Việt Nam về những « vi phạm nghiêm trọng » quyền tự do tôn giáo của người dân, mặc dù đã có vài tiến bộ về việc giảm bớt sự kiểm soát của Nhà nước.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm nay, 31/07/2014, sau khi kết thúc chuyến đi 10 ngày ở Việt Nam, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt cho biết là chuyến đi của ông đã bị gián đoạn và trong thời gian viếng thăm, ông đã bị các nhân viên an ninh và công an Việt Nam theo dõi sát và ông đã không thể nói chuyện tự do với người dân, trái với những điều kiện được đặt ra cho chuyến đi này.
Tuy nhấn mạnh là ông không thể có đánh giá toàn diện về các trường hợp cá nhân, ông Bielefeldt tuyên bố là « có những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo » ở Việt Nam. Các nhân chứng đã kể cho báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về những vụ vi phạm cụ thể, như thường xuyên mời lên công an, sách nhiễu, quản thúc tại gia, bỏ tù, phá hủy nơi thờ phượng, đánh đập.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tuy vậy cũng ghi nhận một số tiến bộ, với việc không gian cho việc hành đạo đã được Nhà nước Việt Nam mở rộng một cách thận trọng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình thì khẳng định với báo chí rằng chính phủ Việt Nam đã làm tất cả trong khả năng của mình để đáp ứng các yêu cầu của phái đoàn Liên Hiệp Quốc trong thời gian viếng thăm.
Nhưng ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của tổ chức Human Rights Watch thì tố cáo Việt Nam vẫn ngăn không cho các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo gặp báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, để ông không nghe được những điều khác với thông tin chính thức về tình tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam.

Điện thoại chế tạo tại Trung Quốc có gài mã độc mật vụ

Ks. Nguyễn Ngọc Bảo
Trong 3 năm trở lại đây, các cuộc tấn công của tin tặc nhằm vào các điện thoại di động trên các hệ điều hành Symbian OS, Windows Mobile, IOS, Android, Blackberry đã gia tăng rất nhanh. Vào tháng 6 2013, các nhóm nghiên cứu về an ninh mạng đã khám phá ra một loại mã độc độc hại trên hệ điều hành Android, mang tên  "Backdoor.AndroidOS.Obad.a". Mã độc này vượt qua được mọi nhu liệu phòng chống mã độc, có thể di chuyển qua mạng Bluetooth hay Wifi và có khả năng đoạt quyền quản trị của máy Android để thu thập tất cả các dữ kiện cá nhân (danh sách sổ điện thoại, lịch trình các buổi họp, mật khẩu,..).Trước đó, có loại mã độc Android.spy, Android Dream được gài trong hơn 30 ứng dụng (apps), Hardcore 88, mã độc gián điệp về lãnh vực ngân hàng trên Android (2013), DroidOS/spitmo (9/2011) thể loại mã độc Android  đầu tiên của trojan nổi tiếng SpyEye, Geimini, mã độc tinh vi (12/2010) xuất hiện bên Trung Quốc để xâm nhập các điên thoại di động Android, dược gài vào các apps tiếng Tầu, và cho phép kẻ tấn công kiểm soát máy điện thoại bị nhiễm từ xa (remote).
Số lượng mã độc trên điện thoại di động đã tăng vọt từ 155% (2011-2012) lên đến 614% (2012 (>38.000) - 2013(>276.000)). Hiện có hơn 1 tỷ máy điện thoại di động tinh khôn trên thế giới, và tới 2017, theo dự phóng sẽ có hơn 1 tỷ mã độc trên điện thoại di động, trong đó hơn 90% nhằm vào hệ điều hành Android. Hiện nay, 3/5 các apps store trên toàn thế giới, tiệm trên mạng cung cấp các ứng dụng apps cho điện thoại di động,  bị nhiễm mã độc, đa số tiệm này đều nằm bên Nga và nhất là tại Trung Quốc. Lợi dụng sự thông dụng của điện thoại di động, các nhóm tin tặc được điều hành bởi nhà cầm quyền CS Trung Quốc đã dồn nỗ lực nhắm vào các máy điện thoại di động để theo dõi, bẫy các thành phần dân chủ bên TQ, hay ngay cả các thành phần đối thủ chính trị của lãnh đạo đảng trong đảng CSTQ, thu thập các danh sách, số điện thoại cũng như một số nội dung /SMS riêng tư, mật, để gởi về một số địa chỉ IP bên Trung Quốc.
Các công ty an ninh mạngTây Phương vừa khám phá ra những điện thoại (smart phones) chế tạo tạiTrung Quốc bị gài mã độc loại gián điệp như STAR N9500, Xiaomi, ngay từ xưởng chế tạo. Nhiều cảnh báo đã được công bố nhằm báo động cho người xử dụng biết đề đề phòng. Những phát giác này tiếp theo sau những chứng cớ bị gài mã độc, liên hệ đến các máy điện toán cá nhân hiệu Lenovo, hay các máy thiết bị viễn thông (router) hiệu Hua Wei. Những thiết bị này đã được các cơ quan an ninh mạng quốc gia Hoa Kỳ và Liên Âu, khảo nghiệm và kết luận là có một số bị gài mã độc, nhằm thu thập những dự kiện mật về kỹ thuật quốc phòng, bí mật sáng chế. Người ta chắc chắn là Trung Quốc cũng sẽ cung cấp cho CSVN, Bắc Hàn, nhằm theo dõi và bẫy các thành phần đối kháng.
Trên một bình diện rộng hơn hiện nay, các cơ quan chính phủ, công ty về quốc phòng, viễn thông Tây Phương đều được nhận khuyến cáo không xử dụng các thiết bị viễn thông chế tạo tại Trung Quốc. Việc nhận các thực tập viên đến từ Trung Quốc cũng bị hạn chế rất nghiêm nhặt, vì đã xảy ra rất nhiều trường hợp thực tập viên người Trung Quốc công khai lấy cắp, sao chép, gởi về Trung Quốc các hồ sơ mật về kỹ thuật tiến tiến thu thập được tại Liên Âu, Hoa Kỳ. Các công ty về kỹ thuật tiền tiến và quốc phòng Tây Phương đều rất cẩn thận khi làm việc với đối tác Trung Quốc, vì biết chắc qua kinh nghiệm hơn 20 năm giao dịch, đầu tư với Trung Quốc, là Trung Quốc chỉ nhằm vào việc thu thập, lấy cắp kỹ thuật tiền tiền rồi sau đó tìm cách tự chế tạo lấy, mà không cần tới công ty ngoại quốc nữa. Đó là lý do tại sao ngày nay, đa số các quốc gia phát triển đều biết Trung Quốc tiến hành chính sách cạnh tranh bất chính, bất chấp mọi luật lệ quốc tế, để triệt hạ bằng mọi cách đối thủ trên thương trường.
Người xử dụng cần theo dõi thường xuyên các cảnh báo trên các mạng về vi tính và an ninh và cần tránh mua các hiệu điện thoại bị gài mã độc, đồng thời nên mua nhu liệu phòng chống mã độc để cài đặt trên điện thoại. Nếu cần, có thể liên lạc về www.nofirewall.net  để được hướng dẫn thêm.

mercredi 30 juillet 2014

Hội CTNLT: Thư ngỏ gửi Ngài Đại sứ Úc, Đại diện EU, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ

CNTLT
CTNLT | 29/7/2014
V/v: Chính quyền VN ngăn cấm CTNLT Phạm Bá Hải tham dự “Hội thảo : Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” tại Hà Nội.
Kính gửi:
-          Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Úc cùng các vị Đại diện của EU, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ tại Hà Nội.
-          Ngài Tim Wilson, Đặc Ủy Viên của Ôxtrâylia về Nhân Quyền.
Hội CTNLTVN nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần nội dung hội thảo “Truyền thông phi nhà nước ở VN trong thời kỳ hiện nay” sẽ diễn ra ngày 30/7/2014 tại ĐSQ Úc, Hà Nội, có sự kết hợp tổ chức với Cộng đồng Âu châu, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ.
Báo chí viết (in và mạng) đóng vai trò như một chiếc cầu quan trọng giữa nhà nước và công dân. Nó có mối liên quan đến chính trị tùy thuộc vào mức độ tự do viết phóng sự điều tra, báo cáo…để đưa ra ánh sáng các khuất tất, lạm quyền và bất công. Vì để bảo vệ bộ máy cai trị độc tài, xâm phạm nghiêm trọng các quyền căn bản của con người, chính quyền VN thực thi hệ thống kiểm duyệt báo chí gắt gao, toàn diện. Kiểm duyệt trực tiếp như thông qua tòa soạn, trang web và phóng viên phải chịu trách nhiệm những gì họ viết, đưa tin. Kiểm duyệt gián tiếp như sự chỉ đạo, định hướng của các cơ sở đảng; chương trình giáo dục phóng viên viết theo “tính đúng đắn” của chính sách của đảng…
Việc tập trung toàn bộ quyền lực báo chí vào duy nhất đảng CS, đã tạo ra luồng thông tin một chiều nhằm củng cố cho mục đích chính trị của họ, và phục vụ cho quyền lợi của họ. Những tư tưởng khác “phi nhà nước” đều bị xem là phi pháp, “không khách quan” và “sai sự thật”. Hiện đang có trên 30 người cầm bút đang ngồi tù vì chính sách kiểm duyệt và bịt miệng bất đồng chính kiến, trong đó có Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn…và mới đây là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.
Đã có quá nhiều hy sinh để đòi quyền tự do thông tin tại VN, đã có quá nhiều giấy mực nói lên khốn khó vô bờ của thân nhân gia đình các tù nhân ấy và với tư cách thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ, đây là thời điểm chính quyền VN cần phải thực hiện và tôn trọng quyền tự do bày tỏ ôn hòa các chính kiến bất đồng của người dân.
Hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” là dấu hiệu đáng mừng trong tình hình truyền thông phi nhà nước không ngừng bị đàn áp. Anh Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội CTNLT đã vinh dự nhận giấy mời tham gia hội thảo này.
Tuy nhiên, trưa ngày 29/7/2014 khi trên đường từ nhà ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội, CTNLT Phạm Bá Hải đã bị lực lượng an ninh công an phối hợp ngăn cấm không cho đi. Họ nói lệnh của BCA là Phạm Bá Hải không được đi tham gia hội thảo này, nếu chấp hành thì quay về nhà, còn nếu phản đối thì sẽ bị cưỡng chế vào đồn công an theo giấy mời mà họ đã tống đạt vào lúc sáng cùng ngày.
Kính thưa quý vị Đại diện ngoại giao
Đây là vụ việc xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại trong nước của công dân Phạm Bá Hải một cách bất hợp pháp. Can thiệp ngăn cấm mà không hề có giấy lệnh nào ngoại trừ một lực lượng công an an ninh của Phòng Bảo vệ chính trị (PA67), Cơ quan điều tra Phan Đăn Lưu (PA72), an ninh huyện Hốc Môn và công an địa phương.
Cách đó mấy ngày, anh Phạm Bá Hải cũng đã bị cấm ra khỏi nhà khi Ngài Heiner Beiderfeldt, Báo cáo viên LHQ về tự do tôn giáo đến Sài Gòn vào ngày 25/7/2014. Vị Đồng Chủ tịch hội CTNLT – Bs Nguyễn Đan Quế cùng với Phạm Chí Dũng và Dương Thị Tân cũng bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà.
Tiến trình ra đời các tổ chức phi chính phủ của quần chúng và dần dà hình thành xã hội dân sự là một tiến trình tất yếu, và VN cũng đã chấp nhận khuyến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hoạt động XHDS có thể tự do hội họp và thể hiện quan điểm. Trái lại tinh thần trên, sau khi nhận được hộ chiếu ngày 9/7/2014, thì ngay ngày hôm sau anh Phạm Bá Hải đã bị Phòng quản lý XNC Tp HCM (PA 72) mời lên làm việc và tịch thu lại. Điều kiện để được có hộ chiếu và được sang Ấn Độ tiếp tục học chương trình tiến sĩ mà Phạm Bá hải đã bị dỡ dang khi bị bắt năm 2006 là rút tên ra khỏi và chấm dứt hoạt động trong Hội CTNLT và Hội Nhà báo Độc lập (IJAVN).
Trong phạm vi truyền thông phi nhà nước, thông tin đa chiều và thừa nhận quyền tự do hội họp và lập hội là những dấu mốc không thể tránh khỏi, Hội CTNLT kêu gọi Ngài Đại sứ Úc, cùng các Đại diện các đoàn ngoại giao trong ban tổ chức hội thảo tiếp tục mở ra nhiều cuộc hội thảo tương tự, làm sáng tỏ quyền được tiếp cần thông tin đa chiều của người dân.
Qua đó, chính quyền VN phải thả toàn bộ những người đã bị xét xử theo điều 88, điều 258 cùng các điều khoản khác có liên quan trong bộ luật hình sự CHXHCNVN; vô hiệu hóa Nghị định 72 và các văn bản dưới luật khác nhằm hạn chế quyền này.
Việt Nam, ngày 29/7/2014.
Thường trực BĐH Hội CTNLT:
-          Đồng chủ tịch: Bs.Nguyễn Đan Quế, Lm.Phan Văn Lợi
-          Chủ tịch Hội đồng cố vấn: HT.Thích Không Tánh
-          Điều phối viên: Ths.Phạm Bá Hải, Ls.Nguyễn Văn Đài
-          Phát ngôn viên: Ts. Phạm Chí Dũng

Nhận định của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về tình trạng công dân Việt Nam bị ngăn chận, sách nhiễu tham gia buổi hội thảo của Đại sứ quán Úc


Trong lần Đánh giá định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR) năm 2014, nhà nước Việt Nam đã chấp nhận những khuyến nghị của UPR Úc trong lãnh vực "truyền thông phi chính phủ", tự do thể hiện quan điểm, tự do hội họp, và tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi để các nhà hoạt động xã hội dân sự có thể tự do hội họp và thể hiện quan điểm của mình.

Dựa vào thái độ chính thức trên của chính phủ Việt Nam, Úc đã cùng với Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ đứng ra tổ chức buổi Hội thảo: Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Khách mời tham dự khác bao gồm Chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam, thành viên của cộng đồng khối ngoại giao và xã hội dân sự trong đó có Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN). 

Ngày 29/7/2014 - một ngày trước buổi hội thảo - công an Nha Trang đã bắt giữ không có lý do một thành viên của MLBVN là blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với mục đích ngăn chặn blogger này đang trên đường ra Hà Nội tham dự buổi hội thảo theo lời mời chính thức của Đại sứ quán Úc.

Ngày 30.7.2014 - trước giờ khai mạc hội thảo - công an Hà Nội đã bao vây chị Trần Thị Nga và Huỳnh Phương Ngọc, ngăn chận hai công dân này đến tham dự. Ngay sau khi buổi hội thảo chấm dứt, blogger Phạm Thanh Nghiên, đại diện MLBVN, đã bị an ninh bao vây, khủng bố tinh thần, tìm cách áp đảo về đồn công an cho đến khi các thành viên của MLBVN phải liên lạc với người của Đại sứ quán Úc đến tận hiện trường để can thiệp.

Từ những vụ việc trên, MLBVN nhận định rằng:

1. Tất cả những "thiện chí" mà chính phủ Úc ghi nhận đối với nhà nước Việt Nam tại bàn ngoại giao đã bị chính các bộ phận an ninh chứng minh bằng hành động rằng: đó là những lời hứa hẹn suông. Hành vi tùy tiện bắt giữ và ngăn chận công dân Việt Nam tham dự hội thảo là "bài thuyết trình" sống và thật nhất của an ninh Việt Nam, là những phủ định hùng hồn nhất gửi đến chính phủ Úc sau khi quốc gia này cho rằng có sự "thể hiện thiện chí ngày càng tăng của Việt Nam trong tiến trình phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước về các vấn đề nhân quyền. Thiện chí này cũng được thể hiện trong sự tham gia đầy tính xây dựng của Việt Nam vào Đánh giá định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR) năm 2014..." như đã ghi trong thư của Đại sứ quán Úc gửi mời khách tham dự buổi hội thảo. (*)

2. Vấn đề mà Đại sứ quán Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu muốn cùng với chính phủ Việt Nam, đảng CSVN, cộng đồng ngoại giao và xã hội dân sự thảo luận "có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới như thế nào để thúc đẩy nhân quyền trong khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam" (*) đã có kết luận ngay cả trước khi buổi hội thảo bắt đầu:

- Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền, tự do thể hiện quan điểm bị bắt cóc, bao vây và tự do hội họp bị ngăn chặn, cấm đoán.

- Những cam kết như "Việt Nam cũng chấp nhận những khuyến nghị rằng Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi để các nhà hoạt động xã hội dân sự có thể tự do hội họp và thể hiện quan điểm của mình" (*) của Bộ ngoại giao Việt Nam đã bị vi phạm và chà đạp bởi Bộ Công an Việt Nam qua những hành vi của bộ phận này đối với công dân Việt Nam.

- Phương tiện truyền thông mới không thể hoạt động trong "khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam"hiện thời vì đó là một khuôn khổ vi phạm hiến pháp, đứng trên luật pháp, bất chấp dư luận thế giới, đi ngược lại mọi cam kết quốc tế bởi một nền công an trị.

3. Sự can thiệp ngay lập tức của Đại sứ quán Úc để bảo vệ cho blogger Phạm Thanh Nghiên đã nói lên sự quan tâm đầy trách nhiệm từ phía tổ chức đối với những khách mời. Mạng Lưới Blogger Việt Nam tin rằng sự quan tâm này sẽ được tiếp tục trong những thời gian tới với những thử thách, đe dọa, bao vây và khủng bố tinh thần áp đặt lên blogger Phạm Thanh Nghiên nói riêng và các blogger khác nói chung đang nỗ lực góp phần biến những cam kết về nhân quyền mà chính phủ của họ, trong vai trò một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận thi hành, thành hiện thực.

Ngày 30 tháng 7 năm 2014



(*) Thư của Đại sứ quán Úc gửi mời tham dự buổi hội thảo "Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay".
http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/07/hoi-thao-truyen-thong-phi-nha-nuoc-o.html

mardi 29 juillet 2014

Nóng: Chuyển biến mới từ bên trong ĐCSVN. "Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN"


Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN

Ngày 28 tháng 07 năm 2014                                    
THƯ NGỎ    
Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.
Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.  
Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.
 Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.  
Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…
Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.
Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.
Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!
______________________

DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
  1. Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.
  2. Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  3. Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  4. Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
  5. Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.
  6. Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
  7. Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
  8. Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.
  9. Hoàng Hiển, vào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà Nội.
  10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.
  11. Hà Tuân Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.
  12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa, Quân Y viện 108, Hà Nội.
  13. Phạm Xuân Phương, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
  14. Tô Hòa, vào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
  15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam.
  16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.
  17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.
  18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
  19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.
  20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh.
  21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, Hà Nội.
  22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.
  24. Nguyễn Kiến Phước, vào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.
  25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
  26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Hà Nội.
  28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký‎ Hội Trí thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
  30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư k‎ý của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
  31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập báoSài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.
  33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
  34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.
  35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
  36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  37. Nguyễn Lê Thu An, vào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh.
  38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ hưu, Hà Nội.
  39. Trần Văn Long, vào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Hà Nội.
  41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.
  42. Võ Thị Ngọc Lan, vào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP. Hồ Chí Minh.
  43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí Minh.
  44. Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, TP. Huế.
  45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
  47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
  48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.
  49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.
  50. Lê Thân, vào Đảng năm 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.
  51. Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế.
  52. Trần Kinh Nghị, vào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu, Hà Nội.
  53. Hồ An, vào Đảng năm 1979, nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.
  54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban Giao lưu trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.
  55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
  56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
  57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
  59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1997, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
  61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1996, Trung tá, cựu chiến binh, Hà Nội.
_____________________
2 0012 002

Thánh Lễ Công lý – Hòa bình tại nhà thờ Thái Hà: Cầu nguyện cho Blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)


VRNs (28.07.2014) – Như thường lệ vào Chúa Nhật cuối tháng tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà diễn ra Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình vào lúc 20g.
Hôm nay, ngày 27/7 thánh lễ đặc biệt có sự góp mặt của những người rất quen thuộc như: vợ blogger Nguyễn Hữu Vinh, nhà giáo Phạm Toàn, TS. Chu Hảo, nghệ sĩ Kim Chi, nhà văn Thùy Linh, TS. Ngô Đức Thọ, luật sư Hà Huy Sơn… cùng với anh chị em tham gia phong trào đấu tranh cho những quyền cơ bản của con người. Và hàng ngàn giáo dân đã tham dự Thánh Lễ này.
Ngay đầu vào thánh lễ cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong có đôi lời chia sẻ với cộng đoàn về buổi lễ cầu nguyện đặc biệt hôm nay. Sau lời giới thiệu về những người tham dự buổi lễ là các ý cầu nguyện: Cầu cho các quyền cơ bản của con người sớm được tôn trong, đặc biệt quyền tự do ngôn luận. Cầu cho các tù nhân lương tâm sớm được trả tự do, và cũng nhân ngày hôm nay 27/7 là ngày tưởng nhớ đến các thương binh liệt sĩ dù họ thuộc phe phái nào họ cũng xứng đáng được ghi nhớ vì lý tưởng và ý chí thời đó.
140728-Thai Ha (1)
140728-Thai Ha (2)
140728-Thai Ha (4)
140728-Thai Ha (3)
140728-Thai Ha (5)
140728-Thai Ha (6)
Trong bài giảng sau đó, cha Gioan Nam Phong cũng chia sẻ:
Chủ đề của buổi cầu nguyện hôm nay là cầu nguyện cho nhà cầm quyền Hà Nội tôn trọng các quyền mà Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, đã ban cho con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận; cách riêng chúng ta cầu nguyện cho Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông, những nạn nhân mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội. Ông bị bắt một cách oan ức vì đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các quyền con người, cách riêng lên tiếng bảo vệ biển dảo quê hương trước nguy cơ bị xâm lược bởi người láng giềng xấu tính Bắc Kinh.
Thật là trùng hợp, khi ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho tự do ngôn luận đang tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng tại Việt Nam, chúng ta được phụng vụ kể lại cho nghe câu chuyện về Vua Salomon.
Chúng ta biết, trong Thánh Kinh, linh đạo lắng nghe là một linh đạo vừa cũ vừa luôn mới mẻ. Con người phải biết nghe theo Thượng đế, nghe tiếng nói của Người trong tạo thành, trong các trật tự của tự nhiên, đặc biệt là nghe theo tiếng lòng của dân chúng. Người lãnh đạo phải biết nghe dân và yêu dân, nhờ đó họ mới trở thành người lãnh đạo tốt.
Cha Gioan cũng nhấn mạnh rằng: Chúng ta biết, để có thể lắng nghe điều quan trọng phải biết tôn trọng người khác. Nói cách khác, việc lắng nghe đòi người lãnh đạo phải tôn trọng các quyền cơ bản của người dân trong đó có quyền tự do ngôn luận. Có thể nói, một quốc gia hùng mạnh, phát triển là một quốc gia trong đó các quyền của con người được bảo đảm và người dân được tự do bày tỏ những quyền cơ bản ấy trong trật tự công ích và trong những bó buộc của luật tự nhiên.
Đối với Giáo hội Công giáo chúng ta, bảo vệ các quyền con người là một bổn phận và trách nhiệm quan trọng, đến độ:
“Những hành động cố ý vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc phổ quát của nhân quyền, cũng như các lệnh truyền thi hành các hành động ấy, đều là tội ác. Chấp hành mệnh lệnh cách mù quáng không đủ để bào chữa cho những ai tuân hành các lệnh đó. Do đó, việc tiêu diệt một dân tộc, một quốc gia hoặc một nhóm thiểu số phải bị kết án như một tội trọng. Luân lý đòi chúng ta phải chống lại các mệnh lệnh diệt chủng” (Số 2313, Sách Giáo lý Công giáo).
Trong Thông Điệp Hòa Bình trên Trái đất, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, kể ra tất cả những quyền cơ bản mà Thượng đế hay Tạo hóa ban cho con người, cũng là những quyền được nhắc tới trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc Ban hành năm 1948, trong đó, ngài viết: “Ai cũng có quyền được người khác tôn trọng nhân phẩm, thanh danh, quyền được tự do đi tìm chân lý, và trong phạm vi trật tự luân lý và công ích cho phép, được tự do phát biểu ý kiến, phổ biến tư tưởng, theo đuổi bất cứ nghệ thuật nào, và sau hết, được quyền theo dõi tin tức một cách khách quan” (số 3)
Đặc biệt trong bài giảng Cha chia sẻ: Trong một khoảng thời gian hết sức eo hẹp của ngày lễ hôm nay, chúng ta không thể nói hết được mọi khía cạnh phong phú, thiêng liêng của “các quyền mà Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa ban cho con người” Chúng tôi chỉ xin gợi lại ở đây một chút nào đó lời dạy của Giáo hội về trách nhiệm và bổn phận của mỗi chúng ta “phải dấn thân và lên tiếng bảo vệ các quyền của con người”, trong đó có các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận; đặc biệt, trách nhiệm của mỗi giáo dân chúng ta trong việc bảo vệ những người vì bảo vệ các quyền của con người mà bị bắt giam cách trái pháp luật như anh Basam Nguyễn Hữu Vinh và rất nhiều các tù nhân lương tâm khác.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, như Salomon, biết lắng nghe dân để lãnh đạo dân và biết phân biệt phải trái, để cùng người dân phụng sự tổ quốc và dân tộc. Chúng ta cầu nguyện cho họ, hãy từ bỏ con đường sai lầm đầy sự hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản, để quay về với nhân dân với tổ quốc với đồng bào.
Ngày hôm nay chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các liệt sĩ, các thương binh, những người đã vì lý tưởng và tự do, dù họ thuộc phe phái nào, đã ngã xuống với ước vọng bảo vệ tổ quốc; đặc biệt các liệt sĩ đã hy sinh tại Hoàng sa và Trường sa, các người mẹ già mất con đang sống cô quạnh những năm tháng cuối đời, xin cho tất cả được an ủi.
Thiết nghĩ, muốn thoát Trung, thoát Cộng, thì căn bản và quan trọng nhất là “thoát Tôi” để đi tới cái “Chúng ta” trong Chân lý.
Thánh lễ kết thúc với phần thắp nến cầu nguyện dâng lên những lời nguyện cầu với Đức Mẹ Maria của tất cả mọi người.
140728-Thai Ha (7)
140728-Thai Ha (8)
140728-Thai Ha (9)
140728-Thai Ha (10)
Pv. VRNs tại Hà Nội

Thăm hai Thương phế binh có hoàn cảnh đặc biệt


VRNs (28.07.2014) – 8 giờ sáng Chúa Nhật ngày 27/7/2014, cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh DCCT Việt Nam, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn, chị Dương Thị Tân, phu nhân blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cùng với một số cộng tác viên của Văn phòng cũng như Truyền thông Chúa Cứu Thế đã đến viếng linh cữu của ông Thương phế binh VNCH Nguyễn Văn Xúp tại tư gia ở đường Nguyễn Duy, P.9, Q.8.
Ông TPB Nguyễn Văn Xúp, sinh 1951, thuộc Sư đoàn 25, Trung đoàn 46, đã bị thương ở Củ Chi năm 1971, bị cụt 2 chân. Sau khi giải ngũ, ông lập gia đình với bà Lê Thị Tiền. Ông bà sinh được hai người con trai nay đã trưởng thành và ra riêng.
Người em trai của ông Xúp cũng là lính VNCH, làm việc bên quân vận Quân đoàn 3 cho biết: gia đình có nhà đất rộng rãi ở Củ Chi nhưng ông Xúp không bao giờ chịu về đó sinh sống vì vẫn còn ám ảnh trận đánh khiến thân thể ông ra như hiện nay. Ông sống trong một căn hộ rất chật hẹp với người vợ làm nghề giúp việc ở quán ăn, căn hộ của ông nguyên là ao rau muống.
Ông qua đời hôm 25/7/2014. Bà Tiền cho hay, “ông Xúp qua đời do bị bệnh bạch huyết cầu. Ngoài ra, ông còn mang các chứng bệnh như suy tim, thận…”. Quan tài ông đặt nằm lọt thỏm trong căn hộ, bàn hương và bát nhang đặt bên ngoài, ngay cửa ra vào.
Cha Giám Tỉnh và phái đoàn DCCT đã niệm hương trước linh cữu người quá cố, mong ông yên nghỉ trong chốn vĩnh hằng và cầu nguyện cho quê hương đất nước Việt Nam tuy hết chiến tranh nhưng vẫn còn đầy dẫy bất công và bạo tàn.
Cha Giám Tỉnh quyết định sẽ trợ giúp chi phí tang lễ cho ông.
140727-Nguyen Van Xup 1
140727-Nguyen Van Xup 2
140727-Nguyen Van Xup 3
140727-Nguyen Van Xup 4
140727-Nguyen Van Xup 5
Phu nhân ông Nguyễn Văn Xúp chụp ảnh với cha Giám Tỉnh
Sau khi viếng linh cữu ông TPB Xúp, cha Giám Tỉnh và đoàn đến bệnh viện Chợ Rẫy thăm một ông TPB khác là Lê Xuân, một người Công giáo, đang được theo dõi để chữa trị căn bệnh suy thận nghiêm trọng. Ông Lê Xuân sinh năm 1950, thuộc Tiểu đoàn 42 Biệt động quân Cọp 3 Đầu Rằn đã bị một viên đạn bắn trúng ngay xương sống khiến ông bị bại liệt nằm một chỗ kể từ năm 19 tuổi. Vết thương này đã hành hạ ông hơn 45 năm qua. Tuy nhiên, ông Lê Xuân không đầu hàng số phận, tuy không có bạn đời nhưng vẫn cùng mẹ già mưu sinh bằng nghề bào củ mì kiếm sống. Từ khi mẹ ông qua đời cách nay 2 năm, ông chỉ trông chờ vào sự chăm sóc của anh chị em ruột, đặc biệt là bà Hòa, em gái của ông.
Cha Giám tỉnh đã chia sẻ một chút giúp chi phí chữa bệnh cho ông.
140727-Le Xuan 1
140727-Le Xuan 3
Bà Hòa (áo đỏ) là em gái ông Xuân
9g30 đoàn rời bệnh viện, kết thúc cuộc thăm viếng hai ông Thương phế binh VNCH có hoàn cảnh đặc biệt.
PV. VRNs
Ảnh: Đức Hiệp