VRNs (16.07.2014) – Sài Gòn – “Tôi không có trải nghiệm về điều này vì chưa từng bị cùm trong thời gian ở tù. Tuy nhiên, hầu hết tù nhân mà tôi tiếp xúc khi ở các trại giam khác nhau đều kể với tôi đúng như anh Huỳnh Anh Trí tố cáo, vì họ đã trải qua trường hợp bị cùm do vi phạm kỷ luật của trại giam. Họ rất e ngại các cùm dính máu như vậy, nhưng không ai dám đề nghị thay đổi hay phản đối, vì sợ bị quy chụp là chống đối cán bộ quản giáo và do đó sẽ mất cơ hội được xét giảm án. Thật ra, tình trạng này có thể tránh được vì chỉ cần làm vệ sinh các cùm đó mỗi khi đã sử dụng, song dường như đấy không phải là mối bận tâm của các cán bộ quản giáo”. Luật sư Lê Công Định bình luận về câu chuyện của ông Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV/AIDS trong trại giam và đã quan đời vào ngày ngày 05.07.2014, tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – Sài Gòn.
Sau đây xin mời Quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa Pv. VRNs với Luật sư Lê Công Định.
VRNs: Thưa Ls Lê Công Định, trên trang facebook cá nhân của ông, Luật sư đã viết: “Tôi xác nhận có tình trạng sử dụng một dao lam cạo râu và hớt tóc cho rất nhiều tù nhân ở các trại tạm giam và trại cải tạo mà tôi từng trải qua”. Luật sư có thể nói rõ hơn về tình trạng này được không ạ? Và ông nhận định như thế nào về việc làm này?
Ls Lê Công Định: Tôi đọc bài phỏng vấn anh Huỳnh Anh Trí về sự việc đó thấy anh nói chính xác, vì tôi đã chứng kiến tình trạng như vậy trong thời gian ở tù. Nội quy của các trại giam đều cấm sử dụng vật dụng bằng sắt trong buồng giam, đồng thời cũng cấm tù nhân nam để râu và tóc dài. Do vậy, tại các trại giam, quản giáo thường buộc tù nhân cạo râu chung để tiện quản lý, từ đó đưa đến tình trạng nhiều tù nhân phải sử dụng cùng một dao lam do trại cung cấp. Riêng ở khám Chí Hòa, nơi tôi ở trong 2 năm rưỡi, không có tình trạng này, vì dao lam bị cấm tuyệt đối, nên tù nhân phải nhổ râu bằng các dụng cụ tự chế hoặc bằng cách se chỉ, tôi nghe nói rất đau rát.
Tất nhiên, việc cấm sử dụng vật dụng bằng sắt trong buồng giam có lý do chủ yếu là tránh trường hợp tù nhân thanh toán lẫn nhau khi bất hòa, nhưng điều đó không thể biện minh cho việc duy trì tình trạng sử dụng chung một dao lam cho nhiều tù nhân, vốn nguy hiểm vì nguy cơ lây lan cao các bệnh truyền nhiễm qua đường huyết như AIDS. Ai có lương tâm cũng dễ dàng nhận thấy rằng nhiễm bệnh hiểm nghèo nhiều khi nguy hiểm hơn bị thương tích vì bạo hành, và đương nhiên người quản lý có lòng nhân đạo phải ngăn ngừa cả hai mối nguy hại như vậy cho tù nhân. Sở dĩ quản giáo của các trại giam chỉ tập trung ngăn ngừa tù nhân thanh toán lẫn nhau là vì họ không muốn chịu trách nhiệm về tình trạng mất trật tự trong trại giam, còn việc tù nhân nhiễm bệnh hay không thì dường như họ chẳng bận tâm.
VRNs: Thưa Luật sư, Ông Huỳnh Anh Trí cũng tố cáo về các cùm dơ còn rướm máu thì ông nghĩ như thế nào về điều này? Luật sư có trải nghiệm ra sao về điều này?
Ls Lê Công Định: Tôi không có trải nghiệm về điều này vì chưa từng bị cùm trong thời gian ở tù. Tuy nhiên, hầu hết tù nhân mà tôi tiếp xúc khi ở các trại giam khác nhau đều kể với tôi đúng như anh Huỳnh Anh Trí tố cáo, vì họ đã trải qua trường hợp bị cùm do vi phạm kỷ luật của trại giam. Họ rất e ngại các cùm dính máu như vậy, nhưng không ai dám đề nghị thay đổi hay phản đối, vì sợ bị quy chụp là chống đối cán bộ quản giáo và do đó sẽ mất cơ hội được xét giảm án. Thật ra, tình trạng này có thể tránh được vì chỉ cần làm vệ sinh các cùm đó mỗi khi đã sử dụng, song dường như đấy không phải là mối bận tâm của các cán bộ quản giáo.
VRNs: Thưa Luật sư, ông là đã từng trải qua các nhà tù cs VN thì quan điểm của ông như thế nào về câu chuyện của ông Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV/AIDS trong trại giam?
Ls Lê Công Định: Thật ra việc anh Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV/AIDS trong trại giam chưa thể xác quyết về phương diện bằng chứng vì nhiều lẽ, nhất là trong thời gian bị giam cầm anh không được chăm sóc y tế đầy đủ và không được xét nghiệm cần thiết để phát hiện và chữa bệnh. Nên bây giờ người ta có thể nêu nhiều giả thuyết về khả năng nhiễm bệnh để chối phăng đi. Tuy nhiên, theo tôi việc anh Trí bị lây nhiễm trong khi ở tù có thể tin được, nếu xét thời gian phát bệnh, ra tù và qua đời.
Khi ở trong tù tôi cũng e ngại việc lây nhiễm bệnh xảy ra với mình và ngay từ đầu tôi luôn để tâm ngăn ngừa mọi khả năng như thế. Sau khi ra tù, điều đầu tiên tôi làm là kiểm tra sức khỏe và thực hiện mọi xét nghiệm cần thiết tại một bệnh viện tin tưởng. May mà sức khỏe tôi tốt, thậm chí hơn cả thời gian trước khi bị bắt, do tôi ăn uống điều độ, thường xuyên tập luyện thể dục và điều quan trọng là sống ung dung tự tại trong tù.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi đã được chăm sóc y tế tốt hay đặc biệt trong tù. Khi bị bệnh tôi cũng chỉ được cấp thuốc như các tù nhân khác, mà thuốc được cấp thì chất lượng không bảo đảm và thường bị thiếu, muốn nhờ gia đình gửi riêng vào thì họ không cho với lý do không rõ nguồn gốc. Chỉ riêng thuốc trị cao huyết áp mà tôi uống hàng ngày gia đình mới được phép gửi, do trại giam không có loại phù hợp với tôi, nhưng việc gửi vào lại rất phiền toái bởi lắm thủ thủ tục này nọ nhằm gây khó khăn. Vì vậy, cách duy nhất bảo vệ mình là tập thể dục và giữ vệ sinh.
VRNs: Để tránh những chuyện đau lòng khác có thể xảy ra, vậy thưa Luật sư, chúng ta nên làm gì để có thể cải thiện chế độ lao tù cũng như chế độ chăm sóc y tế cho các tù nhân, tù thường phạm là những người đang bị đối xử ngược đãi, bị mất nhân quyền và nhân phẩm?
Ls Lê Công Định: Thật khó có thể làm gì để cải thiện chế độ lao tù cũng như chăm sóc y tế cho các tù nhân, đơn giản vì chính quyền kiểm soát việc này mà không ai có quyền góp ý kiến. Chẳng hạn, hồi tôi sống tại trại Chí Hòa, buồng giam tôi ở đặt ngay gần một ống dẫn nước thải hôi thối nồng nặc 24/24 giờ. Có nhiều đêm đang ngon giấc tôi đã phải bật dây vì mùi xú uế độc hại xông thẳng vào mũi khiến mình có cảm giác chết ngạt. Tôi nhiều lần yêu cầu cán bộ quản giáo sửa chữa, thì họ viện lý do cơ sở vật chất đã cũ và xuống cấp nên không thể khắc phục. Mãi đến khoảng hơn 1 tháng trước khi tôi được trả tự do, họ mới cho sửa chữa lấy lệ, nhưng mùi hôi thối thì đâu vẫn hoàn đấy. Trong 2 năm rưỡi hít thở bầu không khí ô nhiễm suốt ngày đêm và gần 4 năm tắm giặt bằng nước giếng không qua xử lý, tôi tự hỏi phải chăng sức chịu đựng bền bỉ đã giúp tôi vượt qua nghịch cảnh ấy? Vậy nhưng lúc nào người ta cũng “leo lẻo” rằng tôi đã được đối xử đặc biệt và nhiều ưu ái.
Ngoài ra, cần phải nói đến việc tù nhân bị chửi mắng và đánh đập. Tất cả các trại giam mà tôi trải qua đều có tình trạng này ở mức độ nghiêm trọng. Có hay không lý do, tù nhân đều có thể bị đánh chửi. Chẳng hạn, tôi từng chứng kiến điều tra viên và cán bộ quản giáo đánh người khi không cung khai đầy đủ hoặc vi phạm kỷ luật. Tù nhân đang thi hành án bị bệnh đề nghị khám sức khỏe có thể bị mắng là kiếm cớ trốn lao động. Ở khám Chí Hòa, việc sỉ nhục tù nhân là “trâu”, “chó” là điều bình thường mà tôi thường xuyên nghe thấy, thậm chí có cán bộ, mà tôi không tiện nói tên, gọi tù nhân là những “con thú tù”. Có lần tôi phản ứng trước việc một cán bộ quản giáo trẻ tuổi đánh chửi một tù nhân lớn tuổi, thế là từ đó có chỉ đạo ngầm từ ban chỉ huy rằng quản giáo không nên đánh chửi tù nhân trước mặt tôi. Nhìn tù nhân bị chửi mắng và đánh đập, tôi không nghĩ họ được đối xử như con người khi sa chân vào chốn lao tù. Riêng tôi chưa bị đối xử như vậy vì thái độ cư xử của tôi luôn ôn hòa, từ tốn và không dễ bị khiêu khích một cách cố ý từ ai.
Cám cảnh thân phận của các tù nhân nói chung mà tôi từng trải qua, chứng kiến và nghe kể lại, tôi đã làm bài thơ sau đây để diễn đạt nỗi lòng và nỗi xót thương tận cùng của mình:
Phận mọn “thú tù” thua thú vật,
Đổi cơm cày nặng ách trâu bò.
Cãi lời quản giáo ngang nhiên đánh,
Phạm lỗi gia đình tốn kém lo.
Ngã bệnh cắn răng đau mắng chửi,
Muốn yên học nhẫn chịu dày vò.
Giữa trần địa ngục nay tin có,
Vàng mã nhân quyền giấy hóa tro!
(Làm tại khám Chí Hòa năm 2012)
VRNs: Xin chân thành cám ơn Ls Lê Công Định
Xin nhắc lại, trước khi Tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí qua đời, ông đã can đảm công bố cho công luận biết ông đã bị nhiễm HIV/ AIDS trong thời gian bị giam cầm. Ông Trí khẳng định, ông bị nhiễm HIV/ AIDS qua đường máu với các bằng chứng sống động và thực như các cán bộ trại giam bắt các tù nhân, tù thường phạm phải sử dụng chung 1 con dao lam để cạo râu, cắt tóc… đặc biệt là các tù nhân, tù thường phạm bị “kỷ luật” mà “không biết điều” thì sẽ bị cùm những cùm dơ bẩn, vẫn còn rướm máu thịt của những người bị nhiễm HIV/AIDS đã bị cùm trước đó.
Ông Trí mãn hạn tù vào tháng 12.2013. Thời gian này, sức khỏe ông càng ngày càng nguy kịch. Vào tháng 5.2014, ông Trí đi xét nghiệm máu ở bệnh viện Pasteur cho kết quả dương tính với HIV/ AIDS và đã chuyển sang giai đoạn cuối là giai đoạn AIDS.
Ông Trí khẳng định, trước khi vào nhà tù, ông là một người khỏe mạnh nhưng sau khi mãn hạn tù ông đã mắc căn bệnh thế kỷ này. Ông Huỳnh Anh Trí quả quyết, ông bị nhiễm HIV/ AIDS là do sự ác ý và cố tình của nhà tù cs VN với chủ trương hủy diệt tính mạng các tù nhân lương tâm chính trị của nhà cầm quyền cs VN.
Huyền Trang, VRNs đặt câu hỏi
Ls Lê Công Định viết trả lời
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi