Về vụ án các thanh niên Công giáo
Ngày 24/5/2012, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xử phạt bốn thanh niên
tại Vinh: Đậu Văn Dương 42 tháng tù, Trần Hữu Đức 39 tháng tù, Chu Mạnh
Sơn 36 tháng tù và Hoàng Phong 24 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội
“Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo
điểm c, khoản 1, Điều 88, Bộ luật Hình sự hiện hành của Nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những vụ án đã gây nhiều bất
bình và tranh cãi cho dư luận trong nước và quốc tế. Trước phiên tòa phúc thẩm sắp tới, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh nhận định:
(i) Lập luận của nhà lập pháp Việt Nam, nhất là của các cơ quan tư pháp
Nghệ An tại điều 88 (và ngay cả điều 79) Bộ luật hình sự hiện hành về
“Tội tuyên truyền chống phá nhà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam”(cũng như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”), đã đi
ngược lại quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
hiện hành về “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông
tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”
(Điều 69). Những quyền này đã không được ghi nhận trong Bộ luật dân sự
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 !
Đặc biệt, cách lập luận đó đã đi ngược lại các quy định về quyền tự do
ngôn luận, tự do lập hội của luật quốc tế tại Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế
về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 mà Việt Nam là quốc gia thành
viên từ ngày 20/9/1977 và Điều 19, khoản 2 Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã gia nhập ngày
24/9/1982.
Theo đó, hành vi của những thanh niên nói trên thực sự chỉ là những
tiếng nói lương tâm ôn hòa trong các quyền nhân thân căn bản của con
người, hướng đến một xã hội tiến bộ. Luật pháp cho họ quyền tự do tìm
kiếm, tiếp nhận và phổ biến các loại tin tức và ý kiến căn bản, không
phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình
thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại
chúng nào khác theo sự lựa chọn của mình. Đây là nhận thức chung của
nhân loại về quyền của con người và là mục đích, nguyện vọng chính đáng
của tất cả các thành viên trong xã hội, không thể tùy tiện quy kết hành
vi tội phạm được.
(ii) Tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt
đã hoặc đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Họ
xuất thân từ các gia đình nông dân chất phác và cần cù. Không những
không hề có tiền án, tiền sự, mà họ vẫn hăng say tham gia các hoạt động
tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội. Nếu họ có những hành vi như
tòa án đã nêu thì cũng chỉ là những hành vi nhỏ nhặt, có động cơ mục
đích nhắm đến là một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển. Thử hỏi những
bằng chứng mà tòa án Nghệ An đưa ra đã đủ để kết tội các em về loại tội
phạm an ninh quốc gia hay không? Liệu có gây hoang mang và bất bình
trong dư luận không?
(iii) Qua việc bắt, điều tra, xét xử vụ án trong thời gian qua, công
luận đã nhận thấy có nhiều sai phạm thủ tục tố tụng vốn đã được quy định
chặt chẽ tại Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành: Vi phạm việc bắt người
(Điều 80), vi phạm do không tổ chức việc đối chất (Điều 138), vi phạm
trong việc thu giữ tài sản, tang vật (Điều 145), vi phạm trong việc thu
thập chứng cớ và chứng minh động cơ phạm tội (Điều 63-78) và cuối cùng
là vi phạm do không trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thiếu những chứng cứ
quan trọng và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 168). Với những
vi phạm nghiêm trọng như vậy, làm sao tránh được việc kết án oan sai và
trái luật.
Vì những bất cập của việc áp dụng luật pháp Việt Nam và các vi phạm tố
tụng đó, chúng tôi đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét
lại toàn diện vụ án và có những quyết định thật sự khách quan và công
bằng, đảm bảo việc thi hành đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật
pháp quốc tế, và tôn trọng quyền lợi của công dân, đáp ứng mong mỏi của
dư luận.
Xã Đoài, ngày 28 tháng 8 năm 2012
Ban Công lý Hòa bình Giáo phận Vinh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi