vendredi 28 septembre 2012

Mood'ys hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam do ngân hàng quá yếu kém

Tại một ngân hàng ở Hà Nội ngày  29/11/10
Tại một ngân hàng ở Hà Nội ngày 29/11/10
Reuters

Thanh Phương RFI
Hôm nay, 28/09/2012, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Moody's đã hạ điểm của Việt Nam, với lý do là tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Moody's hạ điểm tín nhiệm đối với trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành từ « B1 » xuống thành « B2 », kéo theo việc hạ điểm của 8 ngân hàng Việt Nam.
 

Đồng thời, Moody's cũng hạ điểm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ « B2 » xuống « B3 ».
Nhưng triển vọng tín dụng dài hạn của Việt Nam được Moody's duy trì ở mức ổn định.Việc Moody's hạ điểm tín nhiệm rất có thể sẽ làm chậm thêm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vốn đã bị tác động của suy thoái toàn cầu, bởi vì khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng để hỗ trợ hoạt động kinh tế sẽ kém hơn.
Chính sách siết chặt tín dụng từ đầu năm ngoái đã giúp giảm nhiệt cho nền kinh tế Việt Nam sau một thời gian lạm phát tăng vọt, nhưng nó cũng đã góp phần làm suy thoái chất lượng tín dụng, trong một hệ thống ngân hàng vốn thiếu sự minh bạch và nay có tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á. Lạm phát đã được kềm chế, nhưng mức tăng trưởng kinh tế cũng đã sụt giảm mạnh xuống dưới mức 5%.
Việc Moody's hạ điểm tín nhiệm đối với Việt Nam diễn ra sau khi hôm qua công an Việt Nam loan báo khởi tố cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch ngân hàng ACB, ngân hàng đang bị tai tiếng tài chính. Ông Trần Xuân Giá bị khởi tố với tội danh « cố ý làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng ».
Theo nhận định của tờ Financial Times hôm nay, vào lúc mà các lãnh đạo chính trị của Việt Nam đang chịu áp lực buộc phải có hành động, hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và lãnh đạo ngân hàng đã bị bắt hoặc bị truy tố. Thế nhưng, do sự thiếu minh bạch trong hệ thống tư pháp của Việt Nam, nhiều nhà quan sát nghĩ rằng, những vụ bắt bớ nói trên vừa là do nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng cũng vừa là hậu quả của các vụ thanh toán chính trị giữa các phe đảng trong giới cầm quyền.
Chính phủ Việt Nam đã nêu ý định thành lập một công ty để mua lại nợ xấu ngân hàng, một biện pháp mà các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đánh giá là một bước đi theo hướng tốt. Nhưng giới lãnh đạo Hà Nội đã bác bỏ khả năng nhờ sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giải quyết vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Tám ngân hàng Việt Nam bị Moody's hạ điểm:
- ACB (Ngân hàng Thương mại Á Châu - Asia Commercial Bank)
- BIDV (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Bank for Investment & Development of Vietnam)
- MB ((Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - Military Commercial Joint Stock Bank)
- SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội - Saigon - Hanoi Commercial Joint Stock Bank)
- SacomBank (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Saigon Thuong Tin Commercial Joint-Stock Bank)
- Techcombank (Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam)
- VietinBank (Ngân Hàng Công Thương Việt Nam - Vietnam Bank for Industry and Trade)
- VIB (Ngân hàng Quốc tế - Vietnam International Bank)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi