Như Cây Tre Việt Nam - Chủ
nghĩa Cộng sản đã đi từ khát khao tốt đẹp cho nhân loại nhưng ảo tưởng,
chân thành nhưng nguy hiểm của Marx-Angel sang tư lợi quyền lực, thủ
đoạn và quyết liệt sắt máu của Lenin, Stalin, Mao, Hồ… Có thể nói với Nghị quyết 1481 của Hội đồng châu Âu nhân loại đã đóng dấu “tội ác” vào Chủ nghĩa Cộng sản và đưa nó vào một góc trong viện bảo tàng lịch sử.
Chủ nghĩa Cộng sản như đã thấy là hết sức tai hại và không thể cải tạo.
Sự tồn tại của các chế độ toàn trị cộng sản luôn đồng nghĩa với dối trá,
bạo lực và tha hóa con người. Nhưng những người cộng sản (là đảng viên
cộng sản) không phải là Chủ nghĩa Cộng sản và cũng không hoàn toàn đồng
nhất với chế độ toàn trị cộng sản dù họ có thể ở những vị trí lãnh đạo
cao nhất. Các đảng viên cộng sản - những con người - luôn có khả năng
thay đổi và nhiều người trong số họ, một khi tỉnh thức thực sự, vẫn có
thể đóng góp tích cực cho tiến bộ của quốc gia và nhân loại.
Goóc-Ba-Chốp (Gorbachev – phiên âm theo tiếng Anh) là một trong những
người như thế. Dư luận tiến bộ thế giới đều thống nhất: Gorbachev là
người đã có công to lớn với nhân loại - khởi sự cho việc giải thể hệ
thống Xã hội chủ nghĩa, kết thúc sự ngự trị của Chủ nghĩa Cộng sản ở mức
độ thế giới. Nhưng Gorbachev vẫn không hài lòng với bản thân khi nhìn
lại mình.
Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu bản dịch tiếng Việt bài viết về cuộc phỏng vấn Gorbachev cách đây hơn một năm:
Mikhail Gorbachev: Lẽ ra tôi đã phải bỏ đảng Cộng sản sớm hơn
Jonathan Steele (guardian.co.uk)
Người dịch: Việt Hùng
Vị cựu Tổng thống nhìn lại vai trò của mình trong tiến trình sụp đổ của
Liên Xô cách đây 20 năm trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho The
Guardian.
Gorbachev. Photo: Adrian Dennis/AFP/Getty Images
Các chính khách hiếm khi thừa nhận lỗi lầm của mình, nhưng Mikhail
Sergeyevich Gorbachev thì luôn thuộc một đẳng cấp khác. Cho nên không có
gì ngạc nhiên, khi ông nhìn lại quãng thời gian sáu năm đầy biến động
của mình khi nắm quyền lực tối cao của Liên Xô, ông sẵn sàng nói đến
những sai lầm ông đã phạm.
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho The Guardian, ông đã nếu đích danh
ít nhất năm sai lầm. Những sai lầm đó không chỉ dẫn đến sự suy sụp của
bản thân ông cách đây 20 năm mà chúng còn mang lại sự sụp đổ của Liên
bang Xô Viết và tạo nên một nền kinh tế tự do nhưng bất kiểm soát đã
giúp một vài người Nga trở thành tỷ phú trong khi lại nhấn chìm hàng
triệu người khác xuống hố nghèo khổ.
Ngày hôm nay Gorbachev đã thể hiện với một hình ảnh khoan thai, thậm chí
tươi vui, nhưng vẫn thấy thấp thoáng những cơn quặn đau đắng cay, đặc
biệt khi bàn đến Boris Yeltsin, đối thủ chính của ông, hoặc khi ông nói
về những kẻ đã âm mưu đẩy ông vào tình trạng quản thúc tại gia ở Crimea
trong cú đảo chính hụt 20 năm trước.
“Họ muốn khích bác để đẩy tôi vào cuộc đánh nhau và thậm chí vào cả cuộc đấu súng để có thể tiêu diệt tôi.” ông nói.
Khi được hỏi về những điều mà ông cảm thấy hối tiếc nhất, ông trả lời ngay không do dự: “Đó là việc tôi nấn ná quá lâu với nỗ lực cải tổ đảng Cộng sản.” Lẽ
ra ông đã phải từ chức vào tháng Tư năm 1991, ông nói, và đứng ra thành
lập một đảng dân chủ cải cách vì những người Cộng sản đã tạo ra những
ngáng trở cho mọi thay đổi cần thiết.
Nhận định này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà sử học vì đây là
lần đầu tiên Gorbachev thừa nhận công khai rằng ông cần phải từ bỏ đảng
Cộng sản vài tháng trước cú đảo chính tháng Tám năm 1991. Trong hồi ký
xuất bản năm 1995 Gorbachev chưa nói tới điều này.
Vào mùa xuân năm 1991, Gorbachev đã bị mắc kẹt giữa hai khuynh hướng
quyền lực khiến ông rất khó xoay trở. Một bên là phe bảo thủ và những kẻ
phản động trong đảng cứ cố lật ngược mọi chính sách của ông. Còn bên
kia là những người tiến bộ muốn ông thiết lập một hệ thống chính trị đa
đảng và đưa đất nước đi theo xu hướng cải cách thị trường.
Tình trạng trở nên cực điểm khi diễn ra một phiên họp của Ủy ban Trung
ương đảng Cộng sản vào tháng Tư năm 1991. Trong phiên họp đó, một số
người đã đòi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt trở lại chế độ
kiểm duyệt. Theo hồi ký của ông thì Gorbachev đã phản ứng lại rất gay
gắt: “Tôi đã mỵ dân quá đủ rồi. Tôi sẽ từ chức.”
Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian, ông giải thích tường tận thêm những gì đã xảy ra: “Bộ
chính trị (cơ quan quyết định cao nhất trong ủy ban trung ương) đã
triệu tập một phiên họp trong 3 giờ đồng hồ mà không có tôi. Sau đó tôi
biết được là họ đã phê phán tôi nhưng cuộc thảo luận chẳng đi đến đâu.
Ba giờ đồng hồ sau họ đến mời tôi trở lại và yêu cầu tôi rút lại quyết
định từ chức. Trong suốt thời gian đó thì những người ủng hộ tôi trong
ủy ban trung ương đã lập ra một danh sách và có hơn một trăm người ký
tên đồng ý với việc thành lập một đảng mới.”
Khi ủy ban trung ương nhóm họp trở lại, những bức xúc đã lắng xuống và
Gorbachev đã rút lại quyết định từ chức và cũng không có ai muốn đưa vấn
đề này ra biểu quyết. Nhưng ngay cả khi Gorbachev từ chức khỏi đảng thì
ông vẫn còn là tổng thống của Liên bang Xô Viết. Trong hồi kí ông viết:
“Đến hôm nay tôi vẫn thường băn khoăn là phải chăng tôi cứ khăng
khăng phải từ chức tổng bí thư cho bằng được. Một quyết định như thế rất
có thể sẽ phù hợp hơn cho bản thân tôi. Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy
mình không có quyền “từ bỏ đảng”, ”Đảng đã cai trị nước Nga suốt từ năm
1917 và thật khó cho bất kỳ người dân nào sống ở Nga, đặc biệt là các
quan chức đã có cả sự nghiệp như là một viên chức của Đảng, lại hình
dung được cảnh Đảng từ bỏ quyền lực.”
Nhưng hôm nay, những hoài nghi, lo lắng này của Gorbachev không còn nữa. “Bây
giờ thì tôi nghĩ là đáng ra tôi phải lợi dụng ngay cơ hội đó để thành
lập một đảng mới và phải kiên quyết từ bỏ đảng Cộng sản bằng được. Đảng
lúc đó đã trở thành sự kìm hãm tiến trình cải cách cho dù chính Đảng đã
khởi xướng cải cách. Nhưng tất cả bọn họ đều nghĩ là cải cách chỉ cần ở
bề ngoài thôi. Họ cho rằng cứ sơn phết cho đẹp ở phía ngoài là được, còn
bên trong thì vẫn y nguyên sự hỗn độn, rối ren cũ kỹ.”
Điều hối tiếc thứ hai, ông nói, là ông đã không bắt tay cải tổ Liên Xô
và trao thêm quyền lực cho 15 nước cộng hòa sớm hơn nữa. Vào lúc ông bắt
đầu nghĩ đến việc hình thành một liên bang lỏng lẻo hơn khoảng đầu năm
1991, thì ba nước vùng Baltic đã tuyên bố độc lập rồi. Và máu đã đổ ở
Lithuania và Azerbaijan trong vùng Caucasus. Dưới sự lãnh đạo đầy tham
vọng của Boris Yeltsin, nước Nga – nước cộng hòa lớn nhất trong liên
bang- cũng đã trở nên ghê gớm, đòi hỏi phải được kiểm soát nhiều hơn
ngân sách của cả Liên bang Xô Viết. Một số phân tích gia hiện nay cho
rằng toàn bộ hệ thống Xô Viết lúc đó là không thể cải tổ được và bất kỳ
một sự thay đổi nào cũng đều sẽ dẫn đến một tiến trình chuyển đổi ngày
càng sâu sắc hơn không thể ngăn cản được. Theo những phân tích như thế
thì việc Gorbachev mất quyền lực là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng Gorbachev vẫn là người vui vẻ, phần vì do bản tính của Gorbachev
là người rộng lượng, có nhân cách cao thượng và ông lại có một cuộc sống
gia đình hạnh phúc (cho đến tận khi người vợ Raisa Maximovna của ông
qua đời vì bệnh máu trắng năm 1999). Sự thua cuộc vẫn không khiến ông
trở nên cay cú hay nghi kỵ. Ông cho rằng mọi vấn nạn chính của Liên bang
Xô Viết vẫn còn trong khả năng giải quyết cho tới khi xảy ra cuộc đảo
chính tháng Tám năm 1991 – biến cố đã xô đẩy các lực lượng đang cạnh
tranh với nhau vào một động lực mới.
Thời điểm đó cũng là lúc đảng Cộng sản phải chuẩn bị đưa ra dự thảo một
chương trình mới vào tháng 11 năm 1991. Quốc hội trước đó cũng đã thông
qua một “kế hoạch chống khủng hoảng” để thúc đẩy các cải cách
kinh tế. 12 nước cộng hòa Xô Viết còn lại sau khi ba nước Baltic tách
khỏi cũng đã chấp nhận các điều khoản của một thỏa ước trao thêm quyền
tự quyết về kinh tế và chính trị cho họ trong khi vẫn chấp nhận phó thác
vấn đề quốc phòng và ngoại giao cho chính quyền liên bang. Bản thỏa
ước đó đã được dự trù sẽ ký kết vào ngày 20 tháng Tám.
“Tôi đã phạm sai lầm ở đây. Tôi đã đi nghỉ phép. Nếu không đi nghỉ 10
ngày có lẽ tôi đã hoàn tất…Tôi đã chuẩn bị bay đến Moscow để ký bản
thỏa ước đó,” ông nói. Nhưng ngày 18 tháng Tám một nhóm người không mời
đã đến. Tôi nhấc điện thoại để hỏi họ là ai và ai đã phái họ đến, nhưng
không có tín hiệu gì. Điện thoại đã bị cắt.”
Lúc đó Gorbachev đang cùng với vợ và gia đình của cô con gái Irina nghỉ
tại một biệt thự của chính phủ ở Foros bên bờ Biển Đen. Toàn khu nghỉ
dưỡng đã bị bao vây canh gác suốt ba ngày cho tới khi cú đảo chính bị
dập tắt bởi sự kháng cự của Yeltsin, sự chia rẽ trong quân đội và do
những bất hòa nội bộ của nhóm âm mưu đảo chính gồm hơn chục người, đều
là các bộ trưởng hoặc cán bộ cao cấp của Đảng.
Gorbachev mạnh mẽ bác bỏ các giả thuyết cho rằng ông đã bật đèn xanh cho đảo chính. “Người
ta vẫn nói một cách sai lạc rằng Gorbachev vẫn giữ được liên lạc và tôi
đã tổ chức tất cả những thứ đó. Họ bảo Gorbachev đã nghĩ rằng cuối cùng
ông ta vẫn thắng bất chấp mọi chuyện xảy ra. Thật là kỳ cục, hoàn hoàn
kỳ cục,” ông nói. “Những người (đảo chính) đó muốn soán vị lãnh
đạo và muốn duy trì hệ thống cũ. Đó là cái họ muốn. Họ đòi tôi viết một
bản thông báo từ nhiệm chức vụ tổng thống vì lý do sức khỏe.”
Raisa Maximovna đã ghi nhật ký suốt những ngày họ bị quản thúc. Trong
nhật ký bà viết rằng Gorbachev cảnh cáo những cảnh vệ là ông sẽ sử dụng “những giải pháp cực đoan” nếu đường dây liên lạc với thế giới bên ngoài không được nối lại.
Đây chỉ là đòn gió, Gorbachev bảo tôi thế. “Đó là một phần trong kế
sách của tôi…Tôi chỉ muốn gây áp lực với họ đồng thời cũng muốn tránh
việc khiêu khích họ…Những giải pháp cực đoan của tôi chỉ là về ngoại
giao và chính trị thôi. Lúc đó tôi có đủ khả năng qua mặt họ. Nhưng nếu
không có những hành động của nhân dân trên Moscow thì chắc vị thế của
tôi đã bị treo lơ lửng trên không rồi. Nhân dân ở Moscow lúc đó đã phản
đối đảo chính. Họ đã được Yeltsin dẫn dắt và đó là lý do vì sao chúng ta
phải công nhận và trao lại công lao xứng đáng cho Yeltsin. Ông ta đã
hành động đúng.”
Là một trong những nhà báo của The Guardian có mặt tại Moscow suốt thời
gian diễn ra đảo chính, tôi nhắc lại cho Gorbachev rằng lời kêu gọi tổng
đình công của Yeltsin đã không được hưởng ứng và nhiều người Nga đã
thất vọng và có cảm giác là cuộc đảo chính sẽ thành công. Thế hệ già hơn
vẫn nhớ rõ những đồng chí cứng rắn đã dễ dàng truất ngôi Khrushchev như
thế nào và sau đó đã đưa đến một thời kỳ giải trừ Stalin hóa cho đến
khi kết thúc vào năm 1964. Tôi có hỏi Gorbachev điều gì có thể xảy ra
nếu những người âm mưu đảo chính cho bắt giam cả Yeltsin lẫn Gorbachev
ngay từ đầu. Liệu họ có thành công không?
Vị cựu lãnh đạo Xô Viết bảo rằng những câu hỏi giả định thì không có mấy
giá trị. Tương quan lực lượng lúc đó đã ở tình trạng là cuộc đảo chính
sẽ bị dập tắt bất kể những kẻ âm mưu đảo chính hành động như thế nào.
Những người âm mưu đảo chính đã bị lúng túng khi gặp sự kháng cự và từ
chối đề nghị từ nhiệm tổng thống của Gorbachev. Ông còn chỉ ra rằng các
lực lượng đặc biệt đã trở nên bất tuân thượng cấp và nổi loạn khi bị ra
lệnh tấn công Nhà Trắng (tòa nhà Xô Viết Tối cao - quốc hội của Nga.
ND)-nơi Yeltsin đang được hàng ngàn người ủng hộ bao bọc.
Khi Gorbachev liệt kê những thành quả đạt được mà ông rất đỗi tự hào, ông bắt đầu bằng một từ: “Perestroika.”
Có nghĩa là tái cấu trúc, perestroika là một chương trình cải cách toàn
bộ hệ thống kinh tế và chính trị mà Gorbachev đã cho khởi động không lâu
sau khi ông lên nắm quyền vào tháng Ba năm 1985. Nhưng perestroika cũng
liên quan đến tái cấu trúc quan hệ quốc tế dựa trên việc giải trừ vũ
khí nguyên tử, từ bỏ chính sách can thiệp bằng vũ lực ở nước ngoài và sự
thừa nhận các siêu cường cùng tồn tại trong một thế giới tương thuộc
lẫn nhau. Không một quốc gia nào là ốc đảo hoặc có thể đơn phương hành
động.
Chính chính sách không can thiệp mới của Xô Viết đã tạo điều kiện để các
quốc gia Đông Âu có các thay đổi chế độ bằng các cách ôn hòa. “Những
gì chúng tôi đã làm ở khuôn khổ trong nước và trên đấu trường quốc tế
là vô cùng quan trọng. Nó đã đặt ra một lộ trình để kết thúc chiến tranh
lạnh, đưa đến một trật tự mới cho thế giới và, dù còn nhiều điều chưa
tốt, đã tạo ra một phong trào tiệm tiến thoát khỏi nhà nước toàn trị để
hướng đến thể chế dân chủ.”
Nhưng Gorbachev vẫn chưa bao giờ thấy dễ chịu với chín năm cầm quyền của
Yeltsin mà ông cho là thời kỳ hỗn loạn. Ông cũng không đồng ý với hiệp
ước của Yeltsin với các lãnh đạo của Ukraine và Belarus nhằm tuyên bố
khai tử Liên Xô vào tháng 12 năm 1991. Đáng ra ông đã phải loại Yeltsin
ra khỏi cuộc chơi nhiều năm trước khi Yeltsin trở thành một đối thủ trực
tiếp. “Có lẽ tôi đã đối xử với Yeltsin quá dân chủ và tự do. Lẽ ra
tôi nên phái Yeltsin đi làm đại sứ ở Anh hoặc ở một cựu thuộc địa của
Anh nào đó,” ông nói.
Ông khen ngợi Putin cho giai đoạn từ lúc bắt đầu vãn hồi ổn định cho đến
khoảng năm 2006. Mặc dù Putin sử dụng một số biện pháp độc đoán, nhưng
theo Gorbachev điều đó có thể chấp nhận được. “Nhưng rồi tới lúc tôi
thấy ông ta thay đổi hệ thống bầu cử, hủy bỏ những cuộc bầu cử thống đốc
các vùng thuộc Nga và bãi bỏ các khu vực bầu cử có một thành viên. Tôi
đếm được 20 thay đổi mà tôi không ủng hộ,” ông nói.
Khi cuộc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ gần kết thúc, tôi hỏi ông cựu
tổng thống Xô Viết về sự thay đổi ở Trung Quốc, quốc gia cộng sản lớn
nhất thế giới hiện nay.
Gorbachev đã đánh giá bằng cách nhìn sâu vào lịch sử, ông chắc chắn rằng
cải cách ở Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ông cho rằng
mọi gợi ý cho rằng ông nên theo mô hình Trung Quốc, bắt đầu bằng cải
cách kinh tế hơn là chính trị, đều là sai lầm.
“Tại Liên Xô sẽ chẳng có điều gì thay đổi nếu chúng tôi làm như thế.
Nhân dân đã bị gạt ra một bên, họ bị cách li hoàn toàn khỏi bộ máy làm
chính sách, ra quyết định cho đất nước. Đất nước chúng tôi đã ở một giai
đoạn phát triển khác với Trung Quốc và đối với chúng tôi, để giải quyết
các vấn nạn chúng tôi cần phải để nhân dân can dự, tham dự vào.”
“Bạn nghĩ là người Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với những lựa
chọn hóc búa như thế sao? Sẽ đến lúc họ phải quyết định thay đổi chính
trị và hiện nay họ đã tiến gần tới điểm đó rồi.” Gorbachev nói.
Tháng Ba vừa rồi, Gorbachev đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình tại
London ở một dạ hội tại Sảnh đường Royal Albertky do Kevin Spacey và
Sharon Stone đồng chủ trì. Một loạt các ca sỹ lừng danh đã đến trình
diễn chúc mừng sinh nhật ông, trong đó có cả Shirley Bassey, Paul Anka,
Melanie C cùng ban nhạc Rock Scorpion của Đức, là ban nhạc phương Tây
thứ hai đã từng đến trình diễn ở Liên Xô trước đây.
Nhưng điểm nổi bật của lễ sinh nhật đó lại là màn trình diễn được chiếu
trên màn ảnh rộng: Gorbachev đang hát một bản tình ca Nga. Khán giả ai
nấy đều sững sờ trước chất giọng trong trẻo cũng như niềm đam mê trong
tiếng hát của ông. Tôi nói với ông là tôi không biết ông hát hay đến như
thế và có một cái tài ẩn như vậy.
Ông cười lớn và nói: “Nếu cần tôi sẽ trở thành một ca sỹ nhạc Pop,” “Raisa thích như vậy mỗi khi tôi cất tiếng hát.”
Người dịch: Việt Hùng
Nguồn: Mikhail Gorbachev: I should have abandoned the Communist party earlier, 16/08/2011
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi