Những tin tức mới
nhất về phiên xử các thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do - Công an giở
trò giữ chân bà Dương Thị Tân vào ngày xét xử 24 tháng 9
Phạm Viết Bằng (Danlambao) - Phiên xử sơ thẩm ngày 24.9.2012 tại tòa hình sự tòa án nhân dân thành phố là phiên tòa đặc biệt với "hội đồng 3" tức Hội đồng xét xử gồm 3 người.
Phiên tòa sẽ diễn ra tại phòng xử A và B, sảnh ra vào ngay cầu thang
được trưng dụng làm nơi để cho báo chí nước ngoài và các nhân viên ngoại
giao nước ngoài ngồi theo dõi qua màn hình được truyền hình từ phòng xử
ra bên ngoài.
Thời gian xét xử dự kiến có thể diễn ra trong 2 ngày: 24 và 25 tháng 9. Trong 2 ngày này, toàn bộ các vụ án khác tại tòa án nhân dân thành phố đều bị tạm hoãn.
Một cán bộ tham mưu của tòa án thành phố cho biết: Về mặt tổ chức, "phiên tòa sẽ rất nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao nước ngoài". Do vậy sẽ có máy dò kim loại cho những người ra vào phiên tòa. Sẽ không có truyền thanh ra khu vực bên ngoài như phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam trước đây. Dĩ nhiên các biện pháp an ninh xung quanh khu vực tòa án thành phố sẽ được tăng cường. Không loại trừ biện pháp phá sóng điện thoại tại khu vực tòa án. Các
phóng viên được cấp thẻ chỉ tham dự phần khai mạc và tuyên án khi tác
nghiệp không được mang theo điện thoại hay chất kim khí kể cả các loại
bút viết vào phiên tòa.
Phía các đoàn ngoại giao gồm có đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ (2
người), Anh (1 người), EU (2 người), Pháp (2 người), Úc (1 người), 1 đại
diện khối ASEAN và 2 người của Ủy ban nhân quyền LHQ. Phía Tổng lãnh sự
Canada tại Sài Gòn có gởi đại diện, nhưng vì thủ tục trễ nên có thể sẽ
không kịp tham dự vào ngày 24.9. Tất cả các đoàn tham dự sẽ có thông
dịch riêng và những nhân viên này cũng như báo chí sẽ ngồi ở khu vực sảnh theo dõi qua màn hình chứ không được vào bên trong phòng xử.
Phía báo chí đến hiện nay thì ngoài các cơ quan báo chí trong
nước còn có các hãng tin AP (Hoa Kỳ), AFP (Pháp), ABC News, Bangkok Post
(Thái Lan) được tham dự phần khai mạc và tuyên án. Một hãng tin
Singapore nộp đơn đăng ký nhưng trễ hạn.
Có 5 luật sư bào chữa cho 3 bị cáo trong đó bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải có 2 luật sư. Ông Nguyễn Văn Hải có một luật sư bào chữa.
Có 9 người bị triệu tập trong vai trò người làm chứng. Nhưng việc
trích xuất tù nhân Nguyễn Tiến Trung trong phiên tòa Lê Công Định là
một bước đi có tính toán của phía an ninh Việt Nam.
Cả ba blogger bị truy tố theo khoản 2 điều 88 Bộ luật hình sự, với mức án rất nặng nề: từ 10 năm đến 20 năm tù. Theo cán bộ tham mưu này, 'bản án bỏ túi'
đối với chị Tạ Phong Tần có thể 'dưới trung bình' của mức án (dưới 15
năm), và mức án cho ông Nguyễn Văn Hải là trên trung bình của mức án
(trên 15 năm). Đây là dự kiến cuối cùng của phiên họp 3 bên Viện Kiểm Sát - Tòa án và An Ninh điều tra.
Tuy nhiên theo người này, một diễn biến khác có thể xảy ra là phần
'nhận tội' và 'xin khoan hồng' của ông Phan Thanh Hải là khá mơ hồ.
Nhiều khả năng Blogger này sẽ phản cung ngay trong phiên sơ thẩm.
Theo nguồn tin từ phía an ninh: Trong 3 bị cáo, có 2 người hoàn toàn phủ nhận cáo buộc là bà Tạ Phong Tần và ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).
Mặc dù phiên sơ thẩm chưa diễn ra vào ngày 24.9, nhưng cả
3 bị cáo đã chuẩn bị sẵn đơn kháng cáo. Việc kháng cáo của các bị cáo
không chỉ có phía an ninh, thân nhân biết mà rất nhiều tù nhân khác cùng
bị giam đều biết trước việc này.
Cho đến nay thì phía Việt Nam cho là xét xử các bị cáo trong CLBNBTD này là đúng luật và quyết không chịu nhượng bộ nào với sức ép từ bên ngoài.
Trong khi đó, vào 8:30 tối ngày 21 tháng 9, công an đã đến nhà bà Dương
Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đưa "giấy mời" yêu
cầu bà Tân phải có mặt tại cơ quan công an vào 7 giờ 30 sáng ngày 24
tháng 9 - Đúng vào ngày xử 3 nhà báo tự do.
Đây rõ ràng là một động thái nhằm giữ chân bà Dương Thị Tân không thể
tham dự phiên tòa của các thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do mà bà là
người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng như là một nhân chứng quan
trọng, không thể thiếu của vụ án.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi