mercredi 21 novembre 2012

Về với đất và người Văn Giang

Bùi Thị Minh Hằng - Ngày xảy ra trận đàn áp Văn Giang, tôi còn đang nằm trong trại Thanh Hà. Trở về nhà, vừa theo dõi thông tin tôi lại vừa khóc. Thật tình ở mãi tận Vũng Tàu tôi không thể làm được việc gì trước nỗi đau của bà con Văn Giang.
Tôi âm thầm in những hình ảnh, bài viết về Văn Giang của bạn bè, các blogger Hà Nội và dán lên tấm bảng tin HÃY ĐẾN MÀ XEM ngay trước cổng nhà, cùng với những hình ảnh đàn áp giáo phận Con Cuông... coi như đó là sự chia xẻ, đồng cảm với nỗi đau đớn, oan khuất trước những lối hành xử tàn nhẫn của nhà cầm quyền đối với bà con mình.
Tôi vẫn lặng người đến nghẹt thở theo dõi chặng đường tranh đấu của bà con cả Văn Giang - Vụ Bản - Dương Nội - Phúc Thọ... và cả những đoàn dân oan khắp nơi trên cả nước.
Chưa bao giờ tôi cảm nhận thấy nỗi đau đớn và sự thương cảm trước đồng bào của mình hơn những lần chứng kiến hay xem những clip về cảnh bà con quyết tâm giữ đất như thế.
Và rồi, tình cờ tôi được về với Văn Giang trong ngày chủ nhật đẹp trời 18-11-2012.
Tôi về với Văn Giang trong niềm vui khôn tả của bà con nông dân nơi đây, trước khí thế đấu tranh có chuyển biến thắng lợi bước đầu mà niềm vui ấy hòa trong bao giọt nước mắt.... Tôi lại được cùng khóc những giọt nước mắt chia vui.
Hai ngày qua đã có không biết bao nhiêu bài viết về Văn Giang. Đã có không biết bao nhiêu hình ảnh bà con Văn Giang trong ngày đón những "đại diện Nhân Dân" về với họ. Tôi nghĩ mình cũng không cần viết thêm gì nữa vì bao người đã nói thay cho tất cả... Nhưng rồi bao tâm sự cứ thôi thúc tôi, bao hình ảnh bà con Văn Giang mà tôi được lần đầu gặp gỡ cứ quanh quẩn trong ý nghĩ tôi suốt ngày và cả trong giấc ngủ, cả khi tôi đi làm việc hay lúc ngồi uống cafe cùng bạn bè 
Thế nên tôi phải viết một chút gì về mảnh đất lần đầu tôi đặt chân tới. Viết về những con người mà mới chỉ gặp một lần nhưng sao quá đỗi thân quen
Tôi trở về Hà Nội sau đúng một năm cách xa. Ngay cả những người thân quen cũ từ những ngày hè đỏ lửa 2011 tôi cũng chưa có cơ hội gặp mặt hết
Đúng dịp có bức thư mời của đại diện nhân dân Văn Giang vào chủ nhật (18-11-2012), tôi vội xin đi ngay lập tức.
Mấy anh em rong ruổi xe máy từ 8 giờ sáng qua cầu Chương Dương, gặp thêm một nhóm bên kia cầu nữa, chúng tôi hào hứng tiền về hướng Văn Giang.
Gần tới cổng làng thì ngồi nghỉ chờ nhau cho đông đủ. Chừng 10 giờ nghe điện thoại chúng tôi tiến vào lối nhà văn hóa xã thì đã thấy khoảng hơn trăm người cả khách lẫn dân làng.
Tôi thấy sự có mặt của cụ Lê Hiền Đức, bác đại tá Quang , tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và nhiều nhân sĩ trí thức. Một số nhà báo mà tôi từng biết và cả những người lần đầu tôi mới gặp, cùng rất đông bà con Dân Oan các tỉnh và cả những blogger, những biểu tình viên chống Trung Quốc.
Tôi hưởng niềm vui mừng đầu tiên khi gặp lại một số các bác và anh chị em quen từ những lần biểu tình năm ngoái. Ai cũng tay bắt mặt mừng.
Rồi cả những người mà tôi chưa từng biết đến, nhưng cũng bắt tay thăm hỏi rộn ràng như từng gắn bó thân quen.
Bà con lần lượt dẫn đoàn khách đi thăm lại cánh đồng từng bị cưỡng chế và những nơi máu đồng bào Văn Giang đã đổ cho cuộc giữ từng tấc đất quê hương.
Xe chúng tôi chạy theo sự hướng dẫn của các bà con đến những điểm tham quan để thấy rõ những việc làm sai trái gây thiệt hại và thương đau cho Nhân Dân nơi này và lý giải vì sao họ anh dũng bền bỉ và trường kỳ theo đuổi cuộc đấu tranh pháp lý trong tám năm qua.
Sau khi đi hết một vòng những điểm thăm quan đoàn trở về cổng UBND xã.
Nơi đây bà con 3 xã tề tựu về đông đủ. Mới từ đầu làng mọi người đã đứng 2 bên đường vẫy cờ, giơ tay vẫy chào và vỗ tay khi xe chúng tôi bắt đầu tiến tới.
Đầu tiên với tôi là cảm xúc ngỡ ngàng, sau đó là xúc động, xúc động đến lặng người.
Tại điểm tập trung này tôi lại gặp thêm biết bao những khuôn mặt thân quen từ những ngày xuống đường biểu tình như bác Quang , Anh Đào Tiến Thi, Anh Ba Sàm, Anh JB Vinh và rất nhiều người quen khác.
Xúc động nhất là khi xe đưa cụ Lê Hiền Đức vào tới nơi bà con tràn lên, người thì chạy theo xe, người thì cầm dù che, người thì cố vươn người víu lấy cánh tray cụ , hay chỉ mong cầm vào bàn tay cụ mân mê...
Và bà con khóc, người đứng gần thì ôm lấy cụ khóc, người đứng ra thì chùi mắt sụt sùi, nghẹn ngào... Tôi cũng khóc tự bao giờ và khi nhìn lên thì thấy kể cả cánh đàn ông mạnh mẽ cũng không thể dễ gì cầm lòng vì xúc động. Xem những tấm hình, những video clip tôi thấy được tình cảm da diết và sự tin yêu của bà con biết nhường nào dành cho những con người từng cùng họ sát cánh xẻ chia trong cuộc đấu tranh giữ đất này.
Tám năm đầy gian khổ hy sinh để hôm nay dù mới chỉ nhìn thấy những thay đổi nhỏ nhoi như sự nhìn nhận sai trái của một quan chức chính quyền đã về hưu mà bà con đã mừng vui khôn tả.
Bởi họ như thấy được sự hiện diện của chính nghĩa và công lý.
Biết bao khuôn mặt của nhiều thế hệ trẻ già đều rưng rưng một niềm xúc cảm.
Mọi người bảo nhau ngồi vào những hàng ghế chỗ căng bạt để nghe cụ Đức và các vị đại diện bà con nông dân phát biểu.
Cứ mỗi câu nói, môi lời nhắc nhở động viên là lại vang dội những tràng vỗ tay của mọi người
Niềm vui hiện rõ trên những khuôn mặt và những đôi mắt ngấn lệ của các ông bà , các cô bác anh chị.
Nó như sự động viên, thôi thúc cho cả những bà con Dân Oan khắp nơi hôm nay cũng có mặt chia sẻ cùng bà con Văn Giang.... Mọi người vồn vã đón tiếp, vồn vã chia sẻ cả những nỗi niềm và cả bao nỗi vất vả buồn đau, hy sinh đã qua.
Các Cụ bà thì têm trầu mời khách, các cô các chị thì gói bánh đặc sản quê hương đãi khách... Mọi người ngồi chuyện trò râm ran. Chẳng hề thấy sự xa cách hay khách xáo nào trong sự đón tiếp rất chân quê nhưng nồng hậu đến nao lòng.
Tôi cứ day rứt mãi về câu chuyện của một chị khi chị mang đĩa bánh răng bừa mời mọi người và ấn vào tận tay tôi nói: "Chị ăn đi, bánh này tự tay em làm đấy, gạo thì cấy ngay trên ruộng từng bị cưỡng chế này, hạt gạo thấm cả máu và mồ hôi dân Văn Giang chúng em"
Rồi chị kể về những đau thương của 8 năm trường kỳ giữ đất có biết bao những đau thương uất hận.
Có những đau thương không hiển hiện bằng sự đổ máu bên ngoài, không phải những bạo tàn của nhà cầm quyền dành cho nông dân qua những vỏ đạn cay hay thuốc nổ mà nó là nỗi đau đớn uất hận và cay đắng không dễ gì nguôi ngoai trong tiềm thức người nông dân phải chịu cay đắng bất công trên đất Văn Giang này và chắc chắn còn nhiều nơi trên mảnh đất chứ S đau thương này nữa.
Bằng giọng nghẹn ngào, chị kể: "Nhà chị có người anh là liệt sĩ. Tìm bao nhiêu năm mới đem được xương cốt từ chiến trường miền nam về. Vậy mà chỉ vì quyết tâm giữ đất, không thỏa hiệp trước sai trái của chính quyền mà xã đã không cho người chết được vào trong nghĩa trang liệt sĩ...."
Chao ơi! Thật không thể nào mường tượng ra những tàn ác bất công mà chính quyền khắp nơi cứ áp lên đầu người dân. Họ bất chấp tất cả không chừa cả đến vong linh người đã khuất và họ sẵn sàng chà đạp để cướp bóc cho thỏa lòng tham.
Phải chăng vì họ đã không còn biết đến cả những điều tâm linh, không màng tới công lao những người đã khuất, nên vong hồn quả cảm của những anh hùng liệt sĩ đã không thể tha thứ cho những kẻ dã tâm xâm chiếm cướp bóc và nhất định sẽ trừng phạt họ?
Những tên quan lại tàn ác sẽ bị trừng trị !
Đất và ruộng vườn phải trả về tay nông dân và những người chủ thật sự của nó.
Hơn tất cả là những anh hùng liệt sĩ cống hiến trọn đời và xương máu mình vì độc lập dân tộc phải được về nằm đúng nơi đúng chỗ của mình trong lòng đất và trong lòng dân.
Chia tay bà con Văn Giang trong lưu luyến và tràn đầy thương yêu, cảm phục, tôi nhủ với lòng mình chắc chắn tôi sẽ phải về mảnh đất này thêm nhiều lần nữa.
Và quả thật hai đêm nay trong lòng tôi luôn tràn ngập bao hình ảnh và bao suy nghĩ về mảnh đất với con người Văn Giang.
Hà Nội 20-11-2012

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi