dimanche 23 décembre 2012

Bài thơ “Lính mà em” của Phạm Tiến Duật hay của Lý Thụy Ý?

Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Chúng tôi (TMH) vừa nhận được email của nhà thơ, nhà văn Lý Thụy Ý nói về bài thơ “Lính mà em” của bà đã từng in trên báo “Văn nghệ tiền phong” tại Sài Gòn năm 1967, sau đó in vào tập thơ “Khói lửa” của bà in năm 1972 tại Sài Gòn. Bài thơ này còn in trong tuyển tập: “Thơ tình năm 1975” của miền Nam. 
Nhưng, lạ lùng thay, bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ Lý Thụy Ý lại thấy nằm trong tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật do nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, tất nhiên là bài thơ mang tên Phạm Tiến Duật (có sửa một số chữ màu xanh) dưới đây.
Còn đây là lá thư điện tử của nhà thơ Lý Thụy Ý gửi chúng tôi (TMH): 
Kính gởi nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Tôi tình cờ đọc được trên trang mạng của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Khắc Phục những luồng ý kiến về bài thơ "LÍNH MÀ EM" mà tôi là tác giả. Tôi, Lý Thụy ý, viết báo và làm thơ tại Sài gòn trước 1975, đã viết "Lính mà em" khoảng năm 1967-1968. Bài thơ sau đó đăng lên tuần báo Văn nghệ Tiền phong của Sài gòn, tạo được tiếng vang cho tên tuổi Lý Thụy Ý, và được đưa vào thi phẩm "Khói lửa 20"...

Đó là tâm tư của một người con gái thời chiến yêu lính, "đặc sệt" chất "Em gái hậu phương", nói với người tình lính chiến hay dùng "Lính mà em" để biện hộ cho những lần thất hứa... Tôi tin rằng nhiều người Sài gòn vẫn còn nhớ "Lính mà em" của Lý thụy Ý, vì bài thơ được hai nhạc sĩ Y Vân và Anh Thy phổ nhạc, Hùng Cường hát và phát đi phát lại trên đài phát thanh nhiều lần...

Tôi gởi kèm cho ông 2 bài thơ, 1 được cho là của nhà thơ Phạm Tiến Duật (ông Nguyễn Khắc Phục gần như khẳng định). Bài thơ có lẽ được chép qua những người không "thuộc" cho lắm nên lôm côm và mất ý, tôi tin nếu Phạm Tiến Duật làm, chắc chắn sẽ hay hơn nhiều! Và một "Lính mà Em" của chính tác giả, Lý Thụy Ý, để ông thấy rõ sự khác biệt giữa "thật" và "tam sao thất bổn"... Thật ra, tôi đã đọc nhiều "Lính mà em"... và thất vọng khi thấy câu chữ hầu như... chẳng còn gì ngoài ba từ "Lính mà em!"

Hy vọng với sự khách quan, ông cho vài ý kiến, và tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi khi mà bài thơ nầy giờ đây cũng đã nằm chễm chệ trong tập thơ cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu cú... đáng buồn!

Cũng xin nói thêm rằng, chỉ có "người ngoài cuộc" là nói Lính mà Em của Phạm Tiến Duật, còn bản thân ông thì không thừa nhận. Trên báo TUỔI TRẺ số ra ngày Chủ nhật- 4-11-2007, trong bài "Một người lính đặc biệt trên đường mòn huyền thoại" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về Phạm Tiến Duật có đoạn: (xin trích nguyên văn) "... Khi tôi đến, ông lấy tập thơ tặng tôi và mở tập thơ ra chỉ cho tôi xem một bài thơ và nói đó không phải là thơ của ông, nhưng vì yêu quí mà những người làm sách đã đưa bài thơ đó vào. Đó là bài "Lính mà Em". Phạm Tiến Duật nói đây là bài thơ của một nhà thơ nào đó của Sài gòn viết trước 1975..." (Nguyễn Quang Thiều).

Thật ra, những dư luận cũng đã qua khá lâu, nhưng gần đây tôi mới tình cờ biết được nên nghĩ tác giả Lính Mà Em lên tiếng cũng không thừa, trước hết để tránh sự ngộ nhận không đáng có, thứ hai là đưa ra nguyên bản bài thơ để những người yêu Lính mà em có một bài thơ đúng nghĩa.

Hy vọng không làm phiền nhà thơ.

Chân thành cám ơn.

Lý Thụy Ý

Sài gòn 22-12-2012 
*
Lính mà em 
Phạm Tiến Duật 
Em trách Anh gửi thư sao chậm trễ 
Em đợi hoài em sẽ giận cho xem 
Thư Anh viết bao giờ Anh muốn thế 
Hành quân hoài đấy chứ, 
Lính mà em! 
Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại 
Để làm quà không về được em ơi 
Không dự lễ Nô-En cùng em được 
Thôi đừng buồn em nhé, 
Lính mà em! 
Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố 
Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm 
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ 
Anh mỉm cười rồi nói, 
Lính mà em! 
Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm 
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm 
Anh che em khỏi ướt tà áo tím 
Anh quen rồi không lạnh, 
Lính mà em! 
Anh kể em nghe chuyện trong này 
Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu 
Thư Anh viết chữ mờ nét vụng 
Hãy hiểu dùm Anh nhé, 
Lính mà em! 
Ghét Anh ghê chỉ được tài biện hộ 
Làm cho người ta thêm nhớ thương 
Em xa lánh những ngày vui trên phố 
Để nhớ người hay nói, 
Lính mà em! 
Phạm Tiến Duật:
Phạm Tiến Duật sinh ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và tiếng Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Ông tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, ông sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là thời gian ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt nam. Ông sống ở  Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là người dẫn chương trình của một chương trình dành cho người cao tuổi của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tặng Giải thường Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Ngày 19 tháng 11 năm 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động  hạng nhì cho nhà thơ Phạm Tiến Duật[1].
Ngày 4 tháng 12 năm 2007, vào khoảng 8:50, ông mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh ung thư phổi [2].
Đóng góp
Ông đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái "tinh nghịch" nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây".
Những tập thơ chính: 
- Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), nổi tiếng nhất với tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính".
- Ở hai đầu núi (thơ, 1981) 
- Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983) 
- Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994) 
- Nhóm lửa (thơ, 1996) 
- Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997) 
- Tuyển tập Phạm Tiến Duật (in xong đợt đầu ngày 17-11-2007, khi Phạm Tiến Duật đang ốm nặng) 
Ông được ca tụng là "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già”, "nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là "có sức mạnh của một sư đoàn"[3]
*
Lính Mà Em 
Lý Thụy Ý 
Mình trách anh hay hồi âm thư trễ
-Em đợi hoài! Em sẽ giận cho xem
Thư anh viết:- Bao giờ anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ- Lính mà Em!
Anh gởi về em mấy cành hoa dại:
-Để làm quà không về được Noel
Không đi lễ nửa đêm cùng em gái
Thôi đừng buồn anh nhé- Lính mà em!
Anh kể chuyện hành quân nằm sương gối súng
Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
-Hãy hiểu dùm anh nhé- Lính mà Em!
Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
-Anh quen rồi, không lạnh- Lính mà em
Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh cười buồn khẽ nói:- Lính mà em!
Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
Làm “người ta” càng thương mến nhiều thêm
Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
Để nhớ một người hay nói LÍNH MÀ EM!
(Khói Lửa 20-1967) 
Lính Mà Em, thơ Lý Thụy Ý, trong tập THƠ TÌNH NAM 1975 do gio-o.com tuyển chọn và giới thiệu. 
© gio-o.com 2011 
*
Qua những bằng chứng trên đây, rõ ràng bài thơ “ Lính mà em” là thơ của nhà thơ Lý Thụy Ý chứ không phải thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chỉ cần nghe hơi thơ biết đây là thơ của một người phụ nữ, càng không phải phong cách thơ tinh nghịch, hóm hỉnh, nghiêng về bút pháp hiện thực của Phạm Tiến Duật. 
Chắc là người chủ biên tuyển tập Phạm Tiến Duật (tập 1) là nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc khi thực hiện tuyển tập thơ này. Mong nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho công luận biết vì sao một bài thơ của nữ thi sĩ Việt Nam Cộng hòa làm cho lính miền Nam lại biến thành bài thơ của nhà văn cộng sản miền Bắc làm cho lính miền Bắc trong khi hai bên đang ở hai chiến tuyến giao tranh? 
Bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ Lý Thụy Ý viết năm 1967, khi Phạm Tiến Duật chưa nổi tiếng ngoài miền Bắc. Trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969, chùm thơ của Phạm Tiến Duật được giải nhất, bạn đọc mới biết tên tác giả này. 
Chúng tôi xin giới thiệu thêm hai bài thơ của chị Lý Thụy Ý để thấy hơi thơ cùng hơi thơ của ‘Lính mà em” là do một người viết: 
Lý Thụy Ý - Những Bài Thơ Viết Trước 1975 
Mang ý tưởng về những người lính chiến 
Từng đêm buồn gác bên súng vào Thơ 
Phương trời xa - theo ánh hỏa châu mờ 
Nghe chiến trận về gần miền đô thị 
1968 
*
Vì… 
Viết trong mùa hè đỏ lửa 
Vì tất cả những người trong cuộc chiến 
Đều mỉm cười chấp nhận chuyện chia ly 
Vì chúng mình là người trong cuộc chiến 
Em không buồn khi tiễn bước anh đi 
Vì hai tiếng Việt Nam trìu mến quá 
Nên hàng hàng lớp lớp tiếp chân nhau 
Vì mãnh đất quê hương kiều diễm quá 
Nên hoa ngụy trang áo chiến chóng phai màu! 
Vì Trường Sơn còn kiêu hùng ngạo nghễ 
Nên từng đoàn chim sắt lướt tung mây 
Vì Cửu Long còn từng cơn sóng vỗ 
Nên tàu đi những chuyến hải trình dài 
Vì thương người bên kia bờ vĩ tuyến 
Nên vạn bàn tay chung sức đắp con đường 
Còn ngăn cách bởi dòng sông Bến Hải 
Và nhịp cầu mang hai chữ Hiền Lương! 
Vì dưới bóng quân kỳ bay phất phới 
Còn những người lính trẻ đứng hiên ngang 
Nên như ngày xưa tiễn Người ra quan ải 
Em hai tay nâng rượu tiển đưa Chàng… 
1972 
*
MỘT CHÚT TIỂU SỬ - LÝ THỤY Ý 
- Tên thật Nguyễn Thị Phước Lý, Sinh nhật vào ngày: 02-04-1947 
- Quê nội: Quảng Nam - Quê ngoại: Thừa Thiên - Huế 
- Làm thơ, viết văn, viết báo ở đất Sài Gòn từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX. 
Lý Thụy Ý, một nữ văn, thi sĩ nổi danh từ trước 1975, khởi sự viết cho tuần báo ' Văn Nghệ Tiền Phong', thư ký tòa soạn tờ báo này trông coi mục Văn nghệ Kaki (Văn nghệ lính) 
Sau 1975, Lý Thụy Ý, bạn cải tạo các nhả văn, báo Thanh Thương Lý Đại Nguyên, văn sĩ Doãn Quốc Sỹ vv.. ở trại tập trung nào đó trên Cao nguyên (tôi không nhớ rõ niên hạn năm cải tạo), sau về tp. HCM lấy chồng, viết văn, sáng tác. 
Những tác phẩm chính: 
Thơ: - Khói lửa 20 (1972) - Thơ tình Lý Thụy Ý (1995) - Kinh tình yêu (2003) 
Văn: - Theo triền nắng đổ (1970) - Người sau tuyến lửa (1972) - Bông hồng không tỏa hương (1992) - Ngọc lai (1993) - Khuya hoang (1994) - Những mùa xuân chín (1999) 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi