VRNs (26.12.2012)
– Sài Gòn – Tối Noel, 24.12.2012, lúc 20 giờ, cô Tạ Minh Tú đến gặp
chúng tôi tại Nhà thờ Kỳ Đồng, nhưng lúc ấy mỗi người một việc ở khắp
nơi, nên không ai có thể tiếp cô Tú được. Do đó, cô Tú để lại lá thư kể
về tình trạng của cô Tạ Phong Tần, sau khi cô vào thăm, tại trại giam
Chí Hòa, quận 10, Sài Gòn, chiều 24.12.2012.
Trong thư
cô Tú viết: “Chị Tần bị viêm họng mãn tính, ho nhiều, tối không ngủ
được, rất đau họng, ăn không được”. Theo cô Tú, chị Tần có thể đề nghị
hoãn phiên tòa, vì sức khỏe quá yếu, không chắc đủ sức hiện diện ở phiên
tòa ngày 28.12 tới đây.
Cô Tú kể,
khi biết tin cha Chân Tín đã qua đời, cô Tần bật khóc, khiến cô Tú khóc
theo. Cô Tần dặn cô Tú mỗi khi lên thăm nuôi, nhớ đến nhà hài cốt thắp
nhang cho cha Chân Tín và xin lễ cầu nguyện cho cha Tín.
Khi nói
chuyện trực tiếp, và hỏi về việc chăm sóc y tế trong trại giam, cô Tần
cho biết: “Bác sĩ cho uống thuốc, nhưng lâu rồi không thuyên giảm. Yêu
cầu cho kháng sinh loại mới hoặc tăng đô, thì bác sĩ nín thinh không nói
gì”. Cô Tần cho biết, xin nhiều lần, nhưng bác sĩ không cho. Thuốc cô
Tần đang dùng không có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là thuộc nhóm hạ nhiệt
giảm đau. Có loại thuốc uống vào đau bao tử, đề nghị bác sĩ đổi, bác sĩ
nín thinh không trả lời.
Cô Tú bảo
cô Tần đề nghị bác sĩ cho phép người nhà mang thuốc vào giúp điều trị,
nếu nhà tù không đủ thuốc, nhưng cô Tần không nói gì, không biết đã có
đề nghị hay chưa, nhưng lần thăm gặp trước kia thì chính cô Tú bị hành
làm đơn nhiều kiểu khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn không được gởi thuốc
vào.
Cô Tú nhận xét: “Bọn chúng giết người không gươm đao!”
Cố Tú viết
thêm cho linh mục phụ trách truyền thông: “Con thấy chị ốm và xanh
nhiều hơn rồi. Cha ơi, cứu bệnh như cứu hỏa, mong cha về sớm đọc thư
này”.
Những
người bạn của cô Tạ Phong Tần thực sự lo lắng về thông tin này, vì cô là
người nóng tính, hay phản ứng tức thời trước những sai trái, dù người
làm việc sai là ai, và đang ở đâu. Nhưng hiện nay, cô đang bị tắt tiếng
dần, nói khó, và mọi nhu cầu chính đáng cho việc chăm sóc sức khỏe của
cô bị xử sự bằng cách “nín thinh”. Tình trạng mạnh mẽ không còn cách
diễn tả ra bên ngoài thì sức mạnh đó có thể sẽ quay vào tự tấn công nội
tâm. Đây là đòn tâm lý hiểm độc, chắc chắn chỉ với những quản giáo của
trại giam Chí Hòa thì sẽ không bao giờ hành động như vậy, những đây, có
dấu hiệu của một chủ trương đẩy cô Tạ Phong Tần đến chỗ tự thanh toán
mình.
Trước đây,
tại trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, cô Tần đã từng nói mình là người Công
giáo, nên sẽ không tự tử, nhưng với hoàn cảnh này, và cách cố tình dùng
biện pháp tâm lý đẩy một người mắc bệnh bình thường đến khổ tâm, rồi
chuyển sang tâm bịnh thì sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho cô Tạ
Phong Tần trong thời gian sắp tới.
Xin lưu ý,
nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, sở dĩ không làm đơn kháng cáo để xử phúc thẩm
là vì ở trại tạm giam, công an đã khủng bố anh ban ngày lẫn ban đêm,
khiến anh nói với thân nhân rằng, thà đi tù để thoát nơi đây chứ không
thể chịu nổi sự khủng bố của công an trong trại tạm giam.
Riêng
trường hợp của thân mẫu cô Tạ Phong Tần, trước khi mất cũng đã bị công
an khủng bố, biến một con người bình thường thành người luôn luôn sợ bị
sát hại.
Trong vòng
sáu tháng, trước khi bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu cô Tạ Phong Tần
chết, công an Sài Gòn và Bạc Liêu đã phối hợp nhau liên tục khủng bố
tinh thần của bà. Bà đi chùa, họ cũng vào theo chỉ trỏ, xầm xì, bà đi
siêu thị họ cũng theo. Bà đưa cháu đi học cũng theo. Họ nói xấu bà với
hàng xóm, xúi hàng xóm tẩy chay bà. Bà khám bệnh, họ ép bác sĩ chứng
nhận bà bệnh tâm thần, trong khi bà chỉ đi khám bệnh thông thường như
nhức đầu xổ mũi.
Tối trước hôm Bà Liêng chết, con trai lớn của bà là anh Phú cho biết: “Má nói Má phải đi xa. Người ta đe dọa ám hại má”.
Sáng hôm
sau, công an Bạc Liêu thông báo với gia đình rằng Bà Liêng tự thiêu, mà
cho đến nay không ai làm chứng bà tự thiêu, và tự thiêu ở chính xác vị
trí nào trong Trụ sở đảng CSVN, tỉnh Bạc Liêu, lúc mấy giờ, và tự thiêu
bằng cách nào?
Lời kêu cứu của cô Tạ Minh Tú cho chị mình rất đáng được mọi người quan tâm hành động.
PV. VRNs
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi