samedi 31 mai 2014

Tin về nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa


CTV Danlambao - Theo tin chúng tôi vừa nhận được, sáng nay nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa gọi điện từ trại giam An Điềm (Đà Nẵng) về cho vợ là bà Nguyễn Thị Nga. Cuộc điện thoại kéo dài chừng 5 phút dưới sự giám sát chặt chẽ của công an trại giam.

Ông Nghĩa cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của ông rất tồi tệ. Ông bị chứng bệnh đau răng hành hạ vài tháng nay. Phía trại giam chỉ đưa ông đi nhổ răng sau những lần ông đấu tranh quyết liệt. Tuy nhiên, thay vì nhổ răng đau, trong hai lần đưa đi khám công an đã nhổ hai chiếc răng khỏe của ông. Nhà văn đã phản đối sự vô nhân đạo của nhà tù và tiếp tục có những nỗ lực trong đơn độc, buộc phía trại gian phải đưa ông đi nhổ bỏ chiếc răng sâu. Trong cuộc điện thoại gọi về nhà, ông Nghĩa cho biết ông rất đau đớn và mệt mỏi. Bác sĩ trại giam giải thích đó là vì phản ứng của thuốc và ông bị… đau dây thần kinh số năm (chứ không phải đau răng). Ông cũng nói rằng, mặc dù chỉ còn hơn 3 tháng nữa là mãn hạn tù nhưng phía trại giam liên tục gây sức ép cho ông.

Cần nhắc lại, tháng 11 năm 2012, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị xiềng chân và tay ngay trên giường bệnh khi vừa rời khỏi phòng mổ. Ông chỉ được tháo xiềng khi phản đối quyết liệt và tuyên bố sẽ tự vẫn ngay trên giường bệnh để bảo vệ danh dự và khí tiết. Mặc dù ca mổ đã thực hiện cách đây gần hai năm nhưng ông vẫn luôn bị đau đớn. Ông Nghĩa bị mắc một số bệnh như khối u tiền liệt tuyến, khối u ở má trái, đau dạ dày và một số biểu hiện đáng lo ngại khác.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là một nhà đối kháng rất nổi tiếng. Ông sống tại Hải Phòng và bị bắt trong “chiến dịch mùa thu” tháng 9 năm 2008 cũng với nhiều nhân vật tranh đấu khác như Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Ngô Quỳnh, Vũ Hùng, Nguyễn Kim Nhàn. Ông là thành viên trong ban điều hành khói 8406. Ông cũng là một cây viết rất khỏe với nhiều thể loại như bình luận, ký sự, tùy bút, phóng sự, thơ… Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa còn là một trong những nhân vật mạnh mẽ nhất trong việc chống Trung Quốc xâm lược. Ông đã nhiều lần xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc và bày tỏ lòng yêu nước. 

Trong 6 năm bị giam giữ, ông Nghĩa đã bị chuyển đi nhiều nhà tù từ bắc tới miền Trung như Trần Phú (Hải Phòng), B14 (HN), Nam Hà (Hà Nam), Trại 6 (Nghệ An) và bây giờ là An Điềm ( Đà Nằng).

Trong cuộc điện thoại, gia đình cho biết nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bày tỏ sự mong muốn được công luận quan tâm và giúp đỡ. Hầu gây sức ép buộc nhà cầm quyền phải dừng các hành vi đàn áp trong tù đối với ông và những tù nhân luơng tâm khác.


Các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Báo Động Thế Giới Về Việc Công An Bạo Hành

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2014

Kính gửi: Chính phủ các nước, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Chúng tôi, các tổ chức Xã hội dân sự và bảo vệ nhân quyền của Việt Nam, cùng nhau  bày tỏ sự quan ngại và bất bình về các vụ bạo lực xảy ra đối với những người hoạt động nhân quyền ôn hòa trong thời gian gần đây.

1/ Ngày 21 tháng 3 năm 2014, sau khi tham dự  buổi cà phê Nhân Quyền ở Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội anh Trịnh Anh Tuấn đã bị ba nhân viên an ninh thường phục có mặt trước đó ở quán bám sát. Khi lái xe đếnđoạn đường Giải Phóng gần ga Giáp Bát, 3 người này bất ngờ lao đến đạp xe khiến anh Tuấn bị ngã xuống mặt đường, đánh đập túi bụi khắp người, điện thoại bị đập vỡ tung tóe xong lên xe bỏ chạy.

2/ Ngày 22 tháng 3 năm 2014, ông Trương Văn Dũng đang đi xe máy trên đường, thì bị một
nhóm 5 thanh niên tấn công. Họ đã dùng tuýp sắt đánh vào chân ông Dũng, khi ông Dũng ngã xuống, nhóm thanh niên này đã dùng gót giày đạp vào mặt làm cho ông bị thương tích nặng;

3/ Ngày 24 tháng 3 năm 2014, ông Nguyễn Bắc Truyển đang trên xe taxi để tới tòa Đại sứ Australia tại Hà Nội. Ông bị một nhóm 5 thanh niên dừng xe taxi, rồi họ tấn công ông Truyển. Hậu quả xương mũi của ông Truyển bị gãy, và nhiều thương tích trên mặt;

4/ Ngày 8 tháng 5 năm 2014, ông Nguyễn Văn Đài đang ngồi uống café với 4 người bạn thì bị một nhóm 5 thanh niên tấn công. Hậu quả là ông bị nhóm thanh niên ném cốc thủy tinh vào đầu và bị khâu 4 mũi.

5/ Ngày 25 tháng 5 năm 2014, chị Trần Thị Nga cùng hai con nhỏ đang được chở bằng xe máy trên đường, thì bị một nhóm 5 thanh niên dùng gậy sắt tấn công. Hậu quả là chị bị đánh vỡ xương đầu gối phải, gãy tay trái và nhiều thương tích trên người.

Chúng tôi biết rằng, trước và ngay sau khi những người hoạt động nhân quyền ôn hòa bị tấn công, họ đã bị cơ quan an ninh theo dõi và giám sát rất chặt chẽ. Bởi vậy, chúng tôi tin rằng những kẻ tấn công đã được sự che chở hay đồng lõa của giới chức thẩm quyền.

Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế hãy lên án các vụ tấn công bạo lực nhằm vào những người hoạt động nhân quyền ôn hòa tại Việt Nam. Đồng thời gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam phải xử lý điều tra và ngăn chặn tình trạng bạo lực này.

Trân trọng cảm ơn.

1/ Ban Vận Động Hội Bảo Vệ Dân Oan;
2/ Con Đường Việt Nam;
3/ Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự
4/ Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam
5/ Hội Anh Em Dân Chủ;  
6/ Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam
7/ Hội Bầu Bí Tương Thân;
8/ Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam.


***
Hanoi, May 30, 2014.

Dear Governments and International Human Rights Organizations.

We, the civil society organizations and human rights defenders in Vietnam, jointly express our concerns about the violence that has happened to peaceful human rights activists lately.

·                     On March 21, 2014 Trinh Anh Tuan was surveilled by three plainclothes police officers when he attended a human rights event at a coffee shop in Hoan Kiem District, Hanoi. After the event the police officers followed him on motorbike and deliberately ran into him. He fell to the ground and they kept beating him and destroyed his mobile phone.

·                     On March 22, 2014, while riding his motorcycle Mr. Truong Van Dung was attacked by a group of five young strangers. They hit his legs with metal tubes, and when Mr Dung fell, this young group  stomped on his face, causing serious injuries;

·                     On March 24, 2014, while Mr. Nguyen Bac Truyen was on a taxi to the Australian Embassy in Hanoi.  He was stopped by a group of five young strangers who proceeded to attack him. He suffered many injuries to his face, including a broken nose.

·                     On May 8, 2014 , while Mr. Nguyen Van Dai was drinking coffee with his four friends, he was attacked by a group of 5 young strangers. He was assaulted and incurred head injuries that required 4 stitches.

·                     On May 25, 2014, while Ms. Tran Thi Nga and her two young children were on a motorcycle, she was assaulted by a group of 5 young strangers. She was beaten with metal tubes and left with a broken left arm, a broken right knee and multiple injuries all over her body.

Before and immediately after the peaceful human rights activists were attacked, they had been watched and followed very closely by security forces. We suspect that the authorities were complicit in these attacks.

We call on Governments and International Human Rights Organizations to condemn the violent attacks aimed at peaceful human rights activists in Vietnam, at the same time, please pressure  the government of Vietnam to investigate  and stop this sort of violence.

With our sincere appreciation,

1/ Brotherhood for Democracy;
2/ Bau Bi Tuong Than Association;
3/ Civil Society Forum;
4/ Committee to Form Association To Protect Aggrieved Citizens;
5/ Former Vietnamese Prisoners of Conscience;
6/ Movement of The Path of Vietnam;
7/ Vietnamese Women for Human Rights;
8/ Vietnam Human Rights Committee.

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 4)

Cảm ơn bạn đọc đã đồng hành trong câu chuyện của tôi. Tôi không có ý định để mọi người phải chờ, nhưng tôi không có nhiều thời gian. Tôi viết được đến đâu post luôn đến đó.
7 giờ trong trạng thái mệt mỏi, không có phương tiện hỗ trợ, nên tôi chỉ dựa vào trí nhớ. Vì vậy có thể những chi tiết không theo trật tự thời gian như chi tiết sau có thể đưa lên trước và ngược lại. Cũng có những chi tiết bị quên, sau khi post lên mới nhớ ra. Chuyển sang văn viết nên tôi không thể mang nguyên câu nói (và cũng không thể nhớ nguyên văn) còn từ ngữ nếu không nhớ chính xác thì dùng từ đồng nghĩa hay gần nghĩa nhưng đảm bảo trung thực.
Tôi chỉ viêc kể, còn nhận xét như thế nào là quyền của các bạn.

Có vẻ như bạn đọc rất thích thú với nhân vật Vũ (Vũ tiến sĩ) trong ghi chép này nên tôi kể thêm chút nữa.
Khi Vũ đang ca ngợi lý tưởng của cậu ta và thao thao chửi bới bọn phản động, một tay công an đến bảo tôi:
-Đã làm chính trị thì đừng sợ, sợ thì đừng làm (có lẽ vì cậu ta thấy tôi thường ngồi im, không đối đáp với Vũ)
Tôi nói:
- Tôi không làm chính trị. Tôi không có khả năng và tuổi cũng cao rồi. Tôi không có tham vọng chính trị mà tôi chỉ bày tỏ thái độ chính trị. Tôi phản ánh sự thật và nói lên chính kiến của mình. Tôi chỉ là giọt nước góp phần làm nên biển cả. Vợ tôi nói, cô ấy không đồng ý cho tôi nhận bất cứ vị trí nào trong chính quyền, cô ấy muốn tôi vẫn là chồng cô ấy. Tôi đồng ý với ý kiến này. [Cô ấy bảo: “Em chỉ sợ có chút quyền chức trong tay, anh sẽ biến thành con người khác”].
Tôi ý thức được việc làm của mình. Nhiều người đấu tranh ôn hòa, bày tỏ thái độ chính trị theo đúng Hiến pháp qui định nhưng vẫn bị bỏ tù. Điều này họ đều lường trước nhưng vẫn dấn thân.
Không thể nói rằng “tôi không có gì để sợ”. Con người phải có cái để mà sợ. Đó là sợ làm những điều gì hại cho Đất Nước, cho Dân Tộc.
Có người nói vâng (hoặc đúng vậy), tán thành cái nỗi sợ mà tôi vừa nêu ra làm tôi hơi ngạc nhiên.
Vũ hỏi:
- Anh cho rằng nhiều người đã phải trả giá. Tại sao anh nói thế? (ý Vũ nói đến câu “nhiều blogger đã phải trả giá, kể cả đi tù với mức án nặng nề” trong nội dung điều trần của tôi tại Quốc hội Hoa Kỳ). 
Tôi nói:
- Trần Văn Hải - Điếu Cày với hai án tổng cộng 14,5 năm, Tạ Phong Tần 10 năm rồi Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất… gần đây nhất là Ba Sàm, thế chưa đủ sao.
Trước khi ra khỏi phòng thẩm vấn, Vũ nói rằng hôm nay cậu ta làm việc như thế, chứ chưa dùng đến phương pháp khác… Tôi hiểu phương pháp mà cậu ta nói ở đây ngầm ý là phương pháp... chân tay.
Vũ tiến sĩ đi rồi, trong phòng lúc này có tôi 5,6 người còn lại. Tôi không biết tên bất cứ một ai trong số này vì họ không giới thiệu mà tôi cũng không hỏi.
Việc thẩm vấn lại tiếp tục. Lại quan tâm đến mối quan hệ của tôi với Việt Tân và bản điều trần. Tôi vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, tránh mắc mưu khiêu khích, chỉ nói khi thấy cần thiết.
Thực ra, tôi chưa bao giờ quan tâm tìm hiểu Việt Tân như thế nào. Quan niệm của tôi là tiếp xúc với ai không quan trọng, vấn đề là mình nói thế nào và hành vi của mình ra sao. Trong luật Việt Nam, các hành vi bị xử lý tôi không thấy có hành vi tiếp xúc với Việt Tân. Tôi cũng không thấy văn bản nào cấm Việt Tân hoạt động. Và như đã nói ở kỳ trước, xét về nguyên tắc, tôi không thể khẳng định ai là Việt Tân khi tôi không là cán bộ tổ chức của Đảng này.
Vì vậy, khi tiếp xúc hay trả lời phỏng vấn tôi chẳng bao giờ quan tâm xem người đó là ai, “phản động” tới mức nào. Điều quan tâm của tôi là phải tôn trọng sự thật, đừng bịa đặt hay thêm bớt.
Nghe nói Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Lại có ý kiến cho rằng, Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng. Vì vậy, nhiều người sợ dính líu đến Việt Tân. Cũng có những người cho rằng, cứ ai bị tuyên truyền nói xấu nhiều nhất thì phải hiểu ngược lại.
Ông Đỗ Hoàng Điềm có kể cho chúng tôi nghe một chuyện:
Năm 2007 ông có dịp nói chuyện với tổng thống Mỹ George Walker Bush trong Nhà Trắng. Ông nói vui:
- Ông có biết là ông đang tiếp chuyện trùm khủng bố không?"
George W. Bush cũng khôi hài:
- Ông là khủng bố vậy thì tôi đồng lõa với khủng bố.
Còn ông phó Tổng thống ngồi bên nói:
- Các ông là khủng bố thế thì tôi là đồng lõa với ai?



Tổng thống Mỹ George Walker Bush tiếp ông Đỗ Hoàng Điềm tại Nhà Trắng (ông Điềm ngồi đầu tiên, phía tay trái ông Bush)


Nước Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc chống khủng bố. Chẳng lẽ Việt Tân là tổ chức khủng bố mà Mỹ lại dung túng?
Tôi đã gặp một số người được cho là đảng viên đảng Việt Tân, họ đều nói mục tiêu của họ là đấu tranh cho một nước Việt Nam mới. Họ muốn có một chế độ có khả năng đưa đất nước phát triển, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Hôm biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, tôi thấy tràn ngập cờ Việt Nam Cộng hòa. Một người giải thích: “Bây giờ chưa có cờ nào thì dùng tạm cờ này để đối chọi lại cờ đỏ thôi. Sau này đất nước thay đổi, cần phải có một lá cờ khác, chung cho cả nước”....
 30/5/2014
(Còn tiếp)

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 3)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Vũ hỏi:

- Anh có biết Hoàng Tứ Duy không?

- Không, có thể tôi gặp rồi mà không biết tên hoặc quên tên.

- Hoàng Tứ Duy là người cao cao ấy.

- À có phải là cái anh cao ráo đẹp trai đó không (mấy hôm nay đọc tin, tôi mới biết Hoàng Tứ Duy là người phát ngôn của Đảng Việt Tân)

- Anhh có gặp Hoàng Cơ Định không?

- Không.

Một viên công an đưa ra 1 ảnh chụp chung in từ máy ra:

- Có phải hình anh đây không?

- Ảnh in bằng giấy đen trắng làm sao tôi xác nhận được.

- Nhưng anh có chụp ảnh với mọi người chứ?

- Tôi chụp với rất nhiều người. Ai rủ vào chụp tôi cũng chụp hết.

Một người đưa ra cho tôi bản in 6 bài điều trần từ facebook của tôi:

- Đây có phải là phát biểu của anh không? 

- Anh in ra từ đâu thì hỏi chủ trang ấy. Tôi nhớ làm sao được 

- Không, anh chỉ cần xác nhận bài phát biểu của anh thôi. 

- Tôi không thể xác nhận vì in ra có thể không còn nguyên văn. Nhưng ý tôi như thế nào thì tôi nhớ. Mỗi người chúng tôi chỉ có 1 phút 20 giây đến 1 phút 30 giây nên không nói được nhiều. 

- Anh có nói rằng Nhà nước VN độc quyền quản lý báo chí? 

- Vâng, đấy là sự thật. 

- Anh cho rằng, cần phải có đa nguyên, đa đảng?

- Đúng thế. Tôi nêu lên quan điểm của tôi chứ chưa đòi nhưng rồi tôi sẽ đòi.

Vũ tiếp tục công việc tuyên truyền, rằng Việt Tân bây giờ tan tác, trước đây bao nhiêu giờ chỉ còn bấy nhiêu (tôi không nhớ con số cậu ta nói). Việt Tân đòi chia sẻ quyền lãnh đạo. Cậu ta bảo cậu ta là đảng viên, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đảng, cậu căm thù bọn phản động...

Thấy tôi không mặn mà gì với những lời lẽ hùng hổ của cậu ta, độc thoại chán, cậu ta khiêu khích:

-Sao, anh không nói được gì à, nhà dân chủ nổi tiếng mà như thế này sao.

Tôi bảo:

- Anh không bao giờ thuyết phục nổi tôi đâu và tôi cũng chẳng có ý định thuyết phục anh. Anh nên bỏ giọng qui chụp, khiêu khích đi. Tôi thấy không cần thiết phải tranh luận với anh. Tôi sẽ tranh luận khi ra tòa.

Cậu ta dằn giọng:

- Ra tòa là quyền của chúng tôi nhé.

Tôi nói tiếp:

-Mặt khác, nếu thích thì tôi chỉ tranh luận với tỉ lệ 1/1 (về số người và hoàn cảnh cũng phải như nhau, chứ không phải tôi đang bị bắt giữ trong đồn công an như thế này) Tốt nhất anh nên chấm dứt lối nói như thế này và chuyển sang làm việc chính thức. Anh muốn hỏi tôi điều gì thì hỏi đi. 

Cuối cùng thì cậu ta bỏ đi, chẳng biết về hay ngồi phòng nào khác nhưng từ đó tôi không thấy cậu ta nữa. Xem ra, lối nói của cậu ta là tùy hứng chứ không có hệ thống.

Tôi ngồi trong phòng, biết là vợ con tôi và các bạn tôi đang ở bên ngoài đấu tranh đòi người. Sau đây là lời kể của vợ tôi:

Chúng tôi hơn 10 người đến sân bay Nội Bài trước giờ máy bay hạ cánh.

Đợi cho hành khách của chuyến bay ra hết, không thấy anh Thụy ra, chúng tôi kéo đến phòng quản lý xuất nhập cảnh.

Đòi chồng tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh

Tôi vào phòng nói về việc chồng tôi đi trong chuyến bay ấy nhưng giờ không thấy đâu. Họ bảo vậy thì chị làm đơn trình báo chồng chị mất tích. Tôi bảo, không phải mất tích. Chồng tôi báo máy bay đã hạ cánh đúng 9 giờ 30 nhưng giờ là 10 h 30 rồi không thấy chồng tôi ra. Chồng tôi đang gọi điện cho tôi thì bị công an cướp điện thoại.

Họ cầm đơn đi hỏi. 1 giờ sau quay lại bảo chồng chị đang ở đồn công an cửa khẩu. Cơ quan công an còn làm một số việc về an ninh quốc gia. 

Vẫn là cái giọng qui chụp. Việc làm của chồng tôi mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia? Có mà ảnh hưởng đến quyền lợi ích kỷ của họ thì có.

Chúng tôi giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho chồng tôi. Họ bảo không được giăng biểu ngữ nhưng chúng tôi cứ giăng, cứ chụp.


Chúng tôi thuê tắc xi đến đồn công an cửa khẩu. Lái xe tắc xi đòi đúng 100 nghìn đồng chứ không chịu tính theo cây số như qui định. Khoảng 12 giờ thì chúng tôi đến được cổng đồn.

Cổng đóng. Đợi cho đến lúc có một chiếc xe 24 chỗ vào, nhân lúc đó tôi mới xông vào hỏi. 

Một tên đẩy tôi ra. Tôi nói:

- Tôi đi tìm chồng tôi.

Hắn bảo:

- Không chồng con gì ở đây hết

Tôi nói:

- Thế vợ con ông không có tội gì mà bị bắt giam ông cũng nói như thế à? Ông là ác thú à?

Mọi người bảo chụp lấy ảnh nó.

Hắn bảo:

- Chụp đi, chụp 10 kiểu cũng được

Rồi hắn lẩn vào trong

Tôi quan sát cổng đồn công an lúc này rất nhộn nhịp. Xe lớn, xe bé, xe máy, người đi bộ náo loạn cả lên. Sao có một chồng tôi mà họ huy động lực lượng đông như thế này.


Chúng tôi đứng ở cổng đồn hô khẩu hiệu đòi người rồi chụp ảnh. Mọi phẫn nộ:

- Quân hèn với giặc, ác với dân. Có giỏi thì ra Biển Đông mà nhổ giàn khoan của giặc đi, đừng bắt nạt dân.

Tôi thấy công an Việt Nam làm những điều thật vô lý và vô ích, tự nhiên đẩy tôi vào thế đối nghịch. Tôi thấy chồng tôi chẳng làm điều gì sai trái mà vẫn bị bắt tới 8 lần. Tôi đã đến bao nhiêu đồn công an để đòi chồng. 

Tôi nói to với hy vọng chồng tôi trong ấy nghe thấy:

- Anh Thụy ơi! Em chờ anh ngoài này. Chờ đến bao giờ cũng được.

Cháu Trần Bùi Trung, con trai cô Bùi Thị Minh Hằng nói vọng vào: 

- Bác Thụy ơi! Vững lòng nhé bác, mọi người luôn bên bác.

Mọi người cũng hô to tên chồng tôi

Hai cháu công an ra bảo:

- Các bác đừng hô nữa, để cho người ta còn ngủ.

Đài RFA gọi điện phỏng vấn tôi. Sự việc diễn ra như thế nào thì tôi trả lời như vậy. 

Liên tục những cuộc điện thoại của bạn bè gọi đến, nói là ngày mai sẽ đến sân bay sớm tiếp sức. Tôi nhẩm tính, như vậy là sớm mai sẽ có 2 xe nữa tới sân bay.

Nhưng rồi 4 giờ 30 họ thả chồng tôi ở nhà ga. Chúng tôi ào đến với một niềm vui khôn xiết. Chúng tôi bảo nhau đưa ngay tin lên và gọi điện để cho ai sáng sớm định lên thì đừng lên nữa.



29/5/2014

(Còn tiếp)

vendredi 30 mai 2014

Blogger Tạ Phong Tần biểu tình chống Trung Quốc trong trại giam



Chương trình Cà Phê Tối của Truyền Thông Chúa Cứu Thế - Blogger Tạ Phong Tần: Biểu tình chống Trung Cộng trong trại giam, ngày 29.05.2014

1.Gia đình ông Ngô Hào: Hãy cứu gia đình chúng tôi!

2. Blogger Tạ Phong Tần: Biểu tình chống Trung Quốc trong trại giam

3.Theo đạo ông Dương Văn Mình không được khám chữa bệnh và cấp bảo hiểm y tế

4. nhà cầm quyền cưỡng chế Dân tộc H'Mông, tỉnh Cao Bằng

Làm cách nào xóa mối nhục bán nước?


Ngô Nhân Dụng

Các “đồng chí anh em” bắt đầu tỏ thái độ đối nghịch với nhau. Lần đầu tiên một thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (viết tắt là Việt Cộng) dọa rằng sẽ dùng đòn pháp lý để nói chuyện với Cộng Sản Trung Quốc (viết tắt, Trung Cộng). 

Chỉ mới nói thôi, chưa đưa đơn kiện, tức là chưa làm gì cả; nhưng dám nói còn hơn không. Thêm vào đó, tờ tạp chí trên mạng, tiếng nói của đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ đích danh lãnh tụ Trung Cộng tố cáo là theo chủ nghĩa Ðại Hán. Hai chữ này diễn tả một truyền thống kéo dài hơn 2,000 năm, ít nhất kể từ thời Mã Viện. Tất nhiên nói như vậy vẫn chỉ là người Việt nói cho người Việt nghe cho sướng tai; giống như nói chuyện kiện cáo mà không dám đưa đơn kiện, không đụng tới lông chân mấy anh

chị Ðại Hán ở Trung Nam Hải. Một bước đi xa hơn nữa là trên tờ báo lề phải còn đăng bài biện minh rằng bức công hàm của Phạm Văn Ðồng ký năm 1958 đồng ý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc là không có giá trị. Bài báo này có vẻ nhắm đến dư luận quốc tế, trong đó có cả Trung Quốc; chứ không chỉ nhắm người Việt nói với nhau. Nhưng lập luận của bài báo đó cũng không có giá trị nào cả. Muốn chống lại chiến dịch xâm lấn Biển Ðông của Trung Cộng, người Việt Nam phải dùng biện pháp khác, triệt để hơn.

Chế độ cộng sản ở Hà Nội hiện nay là thừa kế chính thức của chính phủ Phạm Văn Ðồng. Cho nên, khi họ xác định rằng bức công hàm do ông Phạm Văn Ðồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 là vô giá trị, đó là một bước thoái lui có ý nghĩa. Bởi vì đây là lần đầu tiên đảng Cộng Sản Việt Nam xác định chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có giá trị pháp lý. Từ năm 1954, Việt Cộng không bao giờ công nhận điều đó. Họ gọi chính quyền miền Nam là “ngụy,” nghĩa là “giặc.” Bây giờ họ chính thức thừa nhận chính quyền Sài Gòn làm chủ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cho nên, họ biện minh, ông Phạm Văn Ðồng, thủ tướng chính phủ Hà Nội, không có quyền hành nào trên các quần đảo đó. Vì vậy, ông Ðồng không thể đem trao cho Trung Cộng, dù ông ta muốn cống hiến. Nói cách khác, Việt Cộng bây giờ đồng ý rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ hợp pháp; công nhận chế độ đó làm chủ một nửa nước Việt Nam. Thật đáng tiếc, hồi đó họ lại chủ trương đánh chiếm miền Nam để cùng “tiến lên chủ nghĩa xã hội!” Họ lờ đi không nói rõ ông Ðồng có ý nhường các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Cộng hay không, dù ông ta không có quyền! Tội nghiệp ông Ðồng, ông chỉ ký tên vào bức thư đã được tất cả Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận, vì thế mà riêng ông mang tội bán nước.

Nhưng dùng lối phủ nhận này không phải là thứ lý luận đứng vững trong cuộc đối đầu với Trung Cộng, cũng như trong ý định biện minh cùng dư luận thế giới.

Thứ nhất, bởi vì sau khi nước ta bị chia đôi năm 1954, chính quyền cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam trong thời gian đó đều tự coi mình nắm chủ quyền trên toàn thể nước Việt Nam. Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đều khẳng định lãnh thổ Việt Nam kéo dài từ Nam Quan đến Cà Mau; mà Hiến Pháp miền Bắc cũng vậy. Khi chính phủ Phạm Văn Ðồng giao thiệp với Trung Cộng, họ nhân danh cả nước Việt Nam, chứ không riêng gì miền Bắc vĩ tuyến 17; mà Bắc Kinh cũng công nhận điều đó. Ông Ðồng ký bức công hàm theo nội dung này. Bây giờ nói đi nói lại, rằng ông Ðồng chỉ nhân danh một nửa nước Việt Nam thôi; Bắc Kinh sẽ bác bỏ luận điệu đó một cách dễ dàng, rất khó cãi lại.

Tập Cận Bình và tập đoàn thống trị ở Ðông Nam Hải còn có thể nêu ra rất nhiều bằng cớ chứng tỏ ông Ðồng và tất cả đảng Cộng Sản Việt Nam đã công nhận Trung Cộng làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm Phạm Văn Ðồng viết cho Chu Ân Lai nói rằng chính phủ của ông “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố của Trung Cộng ngày 4 tháng 9 năm 1958 về lãnh hải Trung Quốc. Trong văn bản đó, Trung Cộng nói rõ ràng Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, ông Ðồng và cháu chắt ông ta không thể chối cãi rằng họ hiểu lầm được. Một bằng chứng hiển nhiên khác mà Trung Cộng có thể nêu ra là các sách giáo khoa vẫn được sử dụng ở miền Bắc. Năm 1964, cuốn sách “Tập Bản Ðồ Việt Nam” do Cục Ðo Ðạc và Bản Ðồ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đã dùng địa danh “Tây Sa” và “Nam Sa” theo cách gọi của Trung Cộng chứ không gọi là “Hoàng Sa” và “Trường Sa” theo cách của người Việt Nam. Với bằng chứng đó, khó cãi với họ lắm.

Hơn thế nữa, năm 1974 khi Trung Cộng tấn công chiếm Hoàng Sa, chính quyền Hà Nội không hề lên tiếng phản đối. Khi phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa thưa kiện Trung Cộng về vụ này, cả chính phủ miền Bắc lẫn đám bù nhìn của họ ở miền Nam đều không đồng ý. Tại hội nghị La Celle Saint Cloud, được mời cùng đứng tên phản đối hành động xâm lăng Hoàng Sa, họ cũng từ chối. Bây giờ làm sao nói ngược lại được? Gần đây, phóng viên Xuân Hồng của đài BBC có phỏng vấn bà Bảy Vân, vợ của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn. Bà Bảy Vân xác nhận: “Phạm Văn Ðồng có ký văn bản. Ngụy nó đóng ở ngoài đó (Hoàng Sa). Cho nên giao cho Trung Quốc quản lý Hoàng Sa.” Người Tàu họ có thể đọc được tiếng Việt, sẽ vin vào các bằng cớ đó mà xác định rằng Bắc Việt đã đồng ý trao Hoàng Sa cho Trung Cộng từ năm 1958!

Tất cả luận điệu của đảng Cộng Sản Việt Nam chối bỏ bức công hàm của Phạm Văn Ðồng trở thành vô giá trị khi ra trước công luận thế giới. Vậy chúng ta có cách nào xóa bỏ mối nhục bán nước đó hay không?

Có một cách. Là toàn thể dân chúng Việt Nam, từ Bắc chí Nam, bây giờ cùng nhau khẳng định rằng chính phủ Phạm Văn Ðồng là một chính quyền vô giá trị, không bao giờ làm đại diện cho dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, đó là một chính quyền ngụy tạo, mạo nhận, không chính đáng.
Người Việt Nam có thể làm công việc đó ngay bây giờ, bằng một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng sẽ xóa bỏ tất cả cơ cấu quyền hành từ thời Phạm Văn Ðồng tới ngày nay; thay thế bằng một chính thể mới, do người dân Việt Nam tự do bỏ phiếu lựa chọn.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam có thể làm công việc đó. Giống như đảng Cộng Sản Bulgaria đã làm năm 1989. Một ngày sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Bộ Chính Trị Cộng Sản Bulgaria đã họp nhau, tự xóa bỏ độc quyền lãnh đạo trong Hiến Pháp và xóa luôn tên đảng cộng sản. Họ tổ chức bầu cử, viết một Hiến Pháp mới, và chính quyền mới (cũng do các người trong đảng cộng sản cũ cầm đầu) tuyên bố tất cả các hiệp ước với Liên Xô đều vô giá trị.

Trên thế giới, nhiều nước đã xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với nước ngoài bằng cách đó. Chính quyền Phạm Văn Ðồng chịu công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc, đó là một thứ thỏa hiệp bất bình đẳng. Trung Cộng đã đưa ra 16 chữ vàng: “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan.” Ðảng Cộng Sản Việt Nam diễn tả thành ra 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Bây giờ là lúc dân Việt Nam chấm dứt mối quan hệ bất bình đẳng này, do áp lực của Trung Cộng qua chủ nghĩa cộng sản. Người Việt Nam có quyền xóa bỏ một chế độ sai lầm, xây dựng lại đất nước,

Trả lời cuộc phỏng vấn của nhật báo Người Việt, Ðức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã nói rằng vụ giàn khoan 981 “là một sự kiện rất đau thương, nhưng rất có thể đó cũng là một cơ hội đặc biệt tạo ra cái đổi mới, cái khởi đầu nào đó cho Việt Nam. Nhiều người hy vọng rằng, biết đâu nhờ biến cố đặc biệt đó mà Việt Nam lấy lại cái thế chủ quyền độc lập của mình, thoát khỏi vòng tay Trung Cộng.” Người Việt trong nước hiện đang nôn nóng đòi thi hành một chính sách đối ngoại “Thoát Trung.” Muốn thoát Trung, phải thoát Cộng. Không chấp nhận “lý tưởng tương thông” thì mới thoát được cái gọng kìm “vận mệnh tương quan.” Dân Việt phải tự quyết định, tự mình làm một “cái khởi đầu nào đó” cho nước Việt Nam. Ðó là cách tốt nhất để xóa mối nhục bán nước năm 1958.

Nói một lần rồi thôi về chuyện MÀU CỜ


Song Chi
Cho đến bây giờ đã gần 4 thập niên trôi qua kể từ ngày VN thống nhất, nhưng lòng người Việt vẫn chưa thể thống nhất. Một trong những biểu hiện rõ nhất là đa số vẫn chỉ có thể chấp nhận đứng dưới một lá cờ: hoặc vàng hoặc đỏ. Chỉ có số ít hoặc không nghiêng về màu cờ nào và dành sự quyết định đó cho tương lai, khi đất nước đổi thay, sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về việc chọn lựa màu cờ; hoặc không chọn cả hai và muốn chính phủ mới sau này sẽ có một lá cờ mới, đoạn tuyệt hẳn với quá khứ.

Về phần mình, tôi tôn trọng quyết định của tất cả những ai xem lá cờ vàng là thiêng liêng, hoặc không nghiêng về màu cờ nào, hoặc không chọn cả hai như vừa nêu trên, tôi chỉ muốn tâm sự đôi điều với những ai cho đến giờ phút này vẫn xem lá cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản là cờ Tổ quốc.

Nếu đó là người dân bình thường không quan tâm và cũng không đọc/nghe/xem thông tin đa chiều về tình hình chính trị nên chưa nhận thức ra, hoặc nếu là những người từ 40, 50 tuổi trở
lên nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Bắc vốn nghe tuyên truyền bao nhiêu năm về “chế độ ngụy quyền tay sai bán nước” nên không hiểu hay căm ghét lá cờ vàng, hoặc nếu là người sinh ra sau chiến tranh không từng sống qua cả hai chế độ nên không biết chọn lựa gì hơn lá cờ đỏ…thì không có gì đáng nói.

Nhưng có những người đã hiểu ra tất cả những sai lầm, tội lỗi và hệ lụy đảng cộng sản đã gây nên cho đất nước, dân tộc VN trong bao nhiêu năm qua, thậm chí còn đứng về phía những người tiến bộ, dân chủ, mà vẫn còn lướng vướng lá cờ đỏ thì thật đáng tiếc.

Trước hết, chúng ta đều biết, lá cờ đỏ sao vàng không phải là lá cờ có từ bao nhiêu đời nay của dân tộc VN, do ông bà tổ tiên ta truyền lại, mà đó là lá cờ của đảng cộng sản VN. Cho dù được gọi là quốc kỳ thì cũng chỉ là quốc kỳ của nước VN Dân Chủ Cộng Hòa trước đây ở miền Bắc và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN hiện nay.

Là lá cờ đại diện cho đảng cộng sản, cho một chế độ do đảng cộng sản dựng nên, nhưng trên thực tế, một sự thật mà cho đến nay những ai có lương tri, có hiểu biết đều không thể phủ nhận rằng chính đảng cộng sản trong quá khứ và hiện tại, đã và đang là lực cản lớn nhất trên con đường giành lại tự do dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân và sự cường thịnh cho đất nước. Sau bao nhiêu năm độc quyền lãnh đạo, không có lý do gì để đổ thừa cho bất cứ nguyên nhân nào khác, đảng và nhà nước cộng sản mà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi:

Để cho VN hôm nay trở thành một quốc gia lạc hậu, thua xa các nước láng giềng hàng chục, hàng trăm năm về mọi mặt.

Để cho người dân ngày hôm nay sống trong một xã hội không có tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, đạo đức suy đồi, văn hóa tàn mạt, những bản tính tốt đẹp, nhân văn của con người VN bị hủy hoại đến tận cùng…

Để cho VN bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng từ kinh tế cho đến chính trị, VN bị mất đất, mất đảo, mất biển và có nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng…

Đó là chưa kể, vì sự mù quáng của đảng cộng sản mà trong suốt thế kỷ XX, VN bị lôi kéo vào những cuộc chiến tranh liên tiếp hao người tốn của, tàn phá nặng nề đất nước và con người, từ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc và biên giới Tây Nam với Khơ me Đỏ-Cambodia…

Chưa kể, chính những hành động ngu muội, đặt tình hữu nghị Việt-Trung lên trên quyền lợi đất nước, dân tộc của đảng cộng sản đã đưa tới bao hệ lụy thiệt thòi, nguy cơ cho đất nước và dân tộc VN, như công hàm của ông Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1958 cho tới nay đã luôn bị Bắc Kinh đưa ra làm cứng họng Hà Nội khi mở mồm nói về chủ quyền Hoàng Sa là một trong rất nhiều ví dụ.

Vậy có nên đứng dưới một lá cờ đại diện cho một chế độ, một đảng cầm quyền có quá nhiều sai lầm, mà nếu gọi là cõng rắn cắn gà nhà, bán nước thì cũng không ngoa hay không? Xin tùy cho mọi người suy nghĩ.

Hãy nhìn từ Liên Xô cho đến các nước XHCN cũ ở Đông Âu, sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản, có nước nào sử dụng lại lá cờ của đảng cộng sản trước đó hay ngược lại, họ vĩnh viễn cất bỏ tất cả mọi thứ liên quan đến thời kỳ, chế độ cộng sản vào…bảo tàng?

Mong rằng một ngày nào đó, trên khắp nẻo đường VN sẽ tung bay lá cờ của một chế độ tự do dân chủ văn minh tôn trọng con người, lá cờ ấy màu gì cũng được nhưng đừng là màu đỏ gợi nhớ tới màu đỏ máu mà các đảng cộng sản trên thế giới thích dùng, bởi biểu tượng cờ đỏ, búa liềm, ngôi sao là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, của toàn thể phong trào cộng sản trên thế giới.

Trong khi ngày nay nhắc lại “thành tích” của các chế độ cộng sản từ Liên Xô, các nước Đông Âu cũ…cho tới Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam…người ta chỉ lạnh người nhớ đến những tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, hay tội ác xâm lược…mà các chế độ này đã từng gây ra đối với nhân dân của họ và của nước khác.

Và cùng với lá cờ mới, là một bài quốc ca mới, không còn những ngôn ngữ sắt máu, hiếu chiến kiểu như “Cờ in máu chiến thắng…Đường vinh quang xây xác quân thù…”, mà sẽ là những ca từ ngọt ngào tụng ca quê hương VN, tụng ca hòa bình, tình yêu thương.

Chỉ đến lúc đó, mới hy vọng có thể có được sự bình yên và thống nhất trong lòng mọi người con dân Việt, dù đang sống trong hay ngoài nước.

Đảng CSVN giữa ngã ba đường lịch sử

Việt-Long - RFA
Tách khỏi Trung Quốc để giữ biên cương, biển đảo, hay mãi mãi quy phục bá quyền. Cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Tín bày tỏ ý kiến như trên trong cuộc phỏng vấn với RFA
 
Cựu ĐT Bùi Tín: Bộ chính trị chưa thống nhất trước thời cơ lịch sử 

Còn gay go, chưa nhất trí
Việt-Long: Ông có thể biết được gì về kế hoạch củaViệt Nam trước sự xâm lấn của Trung Quốc?

Ô. Bùi Tín: Tôi cũng đang theo dõi tình hình ấy. Theo những gì tôi được thông tin từ trong nước ngay từ đêm hôm qua, thì hiện nay người ta vẫn còn chờ đợi. Bộ chính trị (BCT) xem ra đang thảo luận rất gắt gao nhưng chưa đạt được sự nhất trí, chưa được cả một đa số cho quyết định giải quyết theo hướng nào. Đây có thể là một thời cơ lớn để bẻ lái về đối nội cũng như đối ngoại, nhưng BCT có nắm được thời cơ này hay không, BCT có nghe được đúng lòng dân, mà khi chủ quyền quốc gia bị đụng đến, đã bật dậy, hoặc là vẫn chịu khuất phục quân bành trướng như trước đây, hoạc là phải theo một đường hướng mới, dứt tình với Trung Quốc, do anh gây sự như thế, không còn tình nghĩa đồng chí bạn bè tốt nữa mà chỉ còn giữ một mối quan hệ bình thường, và chúng ta phải gắn bó với lực lượng dân chủ của thế giới, của châu Á, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Liên Âu, Hoa Kỳ, có chỗ dựa vững chắc để đương đầu với cuộc xâm lăng thực sự của bọn bành trướng Trung Quốc.

An ninh-quốc phòng về một bên
Việt-Long: Như vậy là BCT có hai khuynh hướng?

Bùi Tín: Nếu xem xét kỹ thì thấy Tổng Bí Thư (TBT) là ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay vẫn rất dè dặt, thận trọng, gần như giữ nguyên đường lối ngả hẳn về phía Trung Quốc, không dám thay đổi hẳn. Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì, theo lời nói của ông, ông muốn phát đơn kiện Trung Quốc như đã nói ở Manila, và đã có những lời tố cáo khá mạnh, theo với nhân dân. Tôi nghĩ đấy là một khuynh hướng nữa.

Việt-Long: Còn những nhân vật khác trong BCT theo khuynh hướng nào?

Bùi Tín: Theo tôi được biết, lực lượng an ninh và lực lượng quân sự có vẻ ngả về phía Thủ tướng, trong khi lực lượng tuyên huấn ngả về phía TBT Nguyễn Phú Trọng. Lực lượng của ban Tổ chưc trung ương, của Tô Huy Rứa, của Đinh Thế Huynh vẫn đang còn lưỡng lự, nhưng mà ngả về phía Nguyễn Phú Trọng. Do đó chuyến đi của Phạn Bình Minh theo lời yêu cầu của Mỹ mời sang để thảo luận về cuộc khủng hoảng biển Đông đã bị trì hoãn, chưa định được ngày. Ông Phạm Bình Minh không là Ủy viên BCT, nên phải theo chỉ thị của TBT, đó là lý do.

Những bàn tay có điều kiện
Việt-Long: Hiện đang có một phái đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ làm việc ở Việt Nam, nói chuyện với Việt Nam. Điểm thứ hai là Thủ tướng nhật Shinzo Abe chuẩn bị đọc diễn văn tại Hội nghị Shangri-La lên án Trung Quốc về hành động xâm lấn ở biển Đông. Ông nhận định ra sao về khuynh hướng của Hoa Kỳ, các nước dân chủ phương Tây và dân chủ ở châu Á về vấn đề biển Đông của Việt Nam hiện nay?

Bùi Tín: Tôi được biết phái đoàn (nghị sĩ Mỹ) ấy hiện nay có mặt ở Hà Nội, rất đúng lúc, và đúng lúc quốc hội Việt Nam đang họp, Vùa rồi ông trưởng đoàn (Mỹ) có gặp chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Nguyễn Sinh Hùng có tố cáo Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ lúc này đúng là thời cơ. Nhật Bản, Mỹ, Philippines đã chìa tay thân thiện, chìa tay gần như ủng hộ Việt Nam đương đầu với bành trướng. Nhưng Việt Nam có nhận cái chìa tay thân thiện đó không, thời cơ đó không, hay lại bỏ tuột mất thời cơ.

Việt-Long: Những cái chìa tay nào cũng có điều kiện trong đó. Và điều kiện của Hoa Kỳ, phương Tây là Việt Nam phải dân chủ hóa...

Bùi Tín: Đúng như thế. Đường lối đối nội và đối ngoại gắn bó chặt chẽ với nhau. Điều kiện để bẻ hướng đối ngoại là trước hết phải bẻ hướng về đối nội. Tức là thực thi dân chủ. Anh Việt-Long có nhớ là hôm mùng 1 tháng giêng vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu một thông điệp rất hay, rất tốt, trong đó ông nói rõ là "dân chủ và pháp quyền là hai thành quả song sinh của nền chính trị hiện đại" và ông cam kết sẽ thục hiện...

Đã nói, hãy làm
Việt-Long: Xin ngắt lời ông để báo rằng hôm qua trong mục Thế giới Trong tuần chúng tôi đã nhận định rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều chính sách rất cởi mở, tiến bộ nhưng ông không thực hiện. Bởi vì từ đầu năm đến giờ ta thấy người dân chưa được thêm quyền dân chủ nào cả, chỉ bị đàn áp thêm...

Bùi Tín: Đúng thế. Hôm qua tôi đã viết một bài báo gọi là "Nói để làm, hay nói rồi để đấy" cho gió bay qua. Cho nên chính lúc này là lúc phải làm. Nhân dân đã có yêu cầu cấp bách; mà anh đã hứa, đã thề thốt, và lời hứa đầu năm bao giờ cũng là lời hứa tốt đẹp để đạt kết quả mỹ mãn. Ông đã nói dân chủ ngày đầu năm, hứa pháp quyền ngày đầu năm, đó là hai điểm yếu nhất của chế độ. Ông cam kết đến như thế, thì làm đi! Đây là một dịp may hiếm có, một thời cơ nghìn năm có một. Lòng dân đã biểu thị, cho nên tôi nghĩ ngày nay người lãnh đạo mà hiểu được lòng dân, bẻ lái được về đối nội và đối ngoại một cách có hệ thống thì sẽ được to. Nhân dân ta sẽ có chuyển biến rất lớn, và thế ngoại giao của ta sẽ khác hẳn. Tôi nói thêm là đừng sợ Trung Quốc. Tôi nhớ là cách đây 30 năm, Đặng Tiểu Bình đã dặn Giang Trạch-Dân, rỉ tai dặn kỹ 4 chữ "Thao quang dưỡng hối" tức là 30 năm tới hãy tránh ánh sáng, dưỡng hối là nuôi dưỡng bóng tối, cái âm mưu bốn hiện đại ấy. Trong thời kỳ đó đừng lộ nanh vuốt vội, đừng vội mà bị chặn lại. Nay thì đang vội quá, cho nên đang bị khối liên minh Hoa Kỳ-Nhật, Hoa Kỳ-Thái Lan, Hoa Kỳ-Philippines chặn lại sớm, mà đến bao giờ anh mới có lực lượng hải quân ngang với Mỹ để có thể chiếm được biển Đông này. Tôi nghĩ đây là sai lầm chiến lược của Bắc Kinh mà ta cần nắm chắc lấy để chuyển sang hướng mới cho đất nước.

Việt-Long: BCT liệu có được đảm lược chính trị, có được quyết tâm chính trị để thực hiện điều đó cho Việt Nam không?

Bùi Tín: Tôi hoài nghi lắm! Bởi vì cái gánh nặng về giáo điều nó nặng quá. Muốn như vậy thì anh phải bỏ cái Mác-Lê Nin đi chứ...

Nhu cầu chiến lược từng thời đại
Việt-Long: Không làm được như vậy thì làm sao nắm được cái phao mà phương Tây và Nhật Bản đã đưa ra?

Bùi Tín: Cho nên tôi nghĩ đây là thời cơ nghìn năm có một! Đây là thừ thách. Lúc này chỉ có cách nhân dân phải biểu thị sức ép với lãnh đạo mạnh hơn nữa. Giới trí thức phải lên tiếng mạnh hơn nữa để thuyết phục các lãnh đạo. Lãnh đạo hiện nay đã phân hóa, nhưng phân hóa chưa đủ nên phải có một tác động. Bây giờ rõ ràng thế giới đã chìa tay cho anh rồi. Và nhu cầu chiến lược là như thế... Ở đây tôi cũng nói thêm với anh Việt-Long là bà con ta ở hải ngoại có nhiều người có định kiến với Mỹ, rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, có đáng tin cậy nữa không.  Tôi thấy cần rõ rằng họ bỏ rơi lúc bấy giờ là vì nhu cầu chiến lược của thời chiến tranh lạnh, phải tranh thủ Trung Quốc để đánh gục Liên Xô là kẻ thù số một. Nhưng bây giờ yêu cầu chiến lược, lợi ích chiến lược của Mỹ là chặn cái thằng bành trướng Trung Quốc lớn nhất. Họ cần ta. Lúc này họ rất cần ta. Họ chìa tay cho ta, tại sao ta không nắm thời cơ này? Ta bỏ tuột thời cơ này thì phải nói là vĩnh viễn mất hết. Hãy trở lại với nhân dân, trở lại với chính nghĩa, trở lại với dân tộc, đi với thời đại. Còn chủ nghĩa Mác-Lê Nin, chủ nghĩa xã hội ảo tưởng, với Cộng Sản... là thuộc về quá khứ. Phải dứt với quá khứ, cái quá khứ đó dính với tội ác, dính với sai lầm chiến lược. Ta phải đi với nhân dân, đi với thời đại thì sẽ có tất!

Việt-Long: Xin cám ơn ông Bùi Tín đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

DienDanCTM
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese