samedi 10 novembre 2012

Obama ngay lập tức quay lại châu Á

BBC - Một ngày sau khi dẫn vợ và hai cô con gái bay từ Chicago trở lại Washington, Tổng thống vừa tái đắc cử Barack Obama đã chủ trì cuộc họp bàn về chuyến đi châu Á.
Ông Obama tiếp tục thúc đẩy chiến lược chuyển sang châu Á.
Tin từ Bắc Mỹ nói, cuộc họp của ông Obama với Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon ở Nhà Trắng hôm 8/11 tập trung vào việc làm rõ chính sách châu Á của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì của ông Obama. 
Trong lúc báo chí quốc tế tập trung vào chuyến thăm Miến Điện mang tính lịch sử và đầy biểu tượng của ông Obama, chuyến thăm của ông Panetta trở lại Úc nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh lâu đời với Canberra cũng không kém phần quan trọng. 
Tin của Quân lực Hoa Kỳ hôm 8/11 nói ông Panetta sẽ qua chuyến công du ba quốc gia châu Á – Thái Bình Dương lần này nhằm “tăng sức mạnh cho các mối quan hệ đồng minh” trong vùng. 
Bên cạnh Úc vốn đã cho Thủy quân lục chiến Mỹ luân chuyển qua căn cứ ở Darwin, nay Hoa Kỳ muốn làm sống lại cam kết an ninh với Thái Lan, mà phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, ông George Little gọi là “có lịch sử 60 năm”. 
Nếu không kể chuyến đến Campuchia dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh, ông Obama cùng các vị lãnh đạo quân sự và ngoại giao Mỹ lần này đến Thái Lan và Miến Điện cho thấy rõ sự xác định đồng minh, bạn, đối tác và đối thủ trong vùng, tùy theo cấp độ chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ. 
Chọn ai, ngăn ai? 
Hoa Kỳ còn dẫn đầu khu vực về quân sự đến giữa thế kỷ. 
Trong bài viết đăng hôm nay trên BBC News, cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd nêu rõ quan điểm của Úc, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương về Trung Quốc. 
“Trong lúc sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lên nhanh, năng lực quân sự của họ vẫn còn thua Hoa Kỳ khá nhiều. Vì thế, về quân sự, Mỹ sẽ vẫn là siêu cường hàng đầu thế giới từ giờ đến giữa thế kỷ, và là siêu cường với khả năng vươn khắp toàn cầu thực sự,” 
Nhắc đến căng thẳng trên Biển Đông và quanh Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông, ông Kevin Rudd cho rằng “chủ nghĩa dân tộc mang tính chính trị đang trỗi dậy tại vùng Đông Á. Dù kinh tế các nước liên kết mạnh hơn, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa rất dễ bốc cháy”. 
Ông Rudd cho rằng đây là thách thức dễ trở nên khó xử lý cho các chính phủ, kể cả dân chủ hay không, trong vùng. 
Ông đề nghị dùng cơ chế đối thoại cao cấp, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, để tăng độ tin cậy và xây dựng an ninh giữa quân đội các nước. 
Trong chuyến thăm tới Perth cùng Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta còn có Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Rodham Clinton, Tổng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Martin E. Dempsey và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel J. Locklear III.
Dù ông Obama không có mặt nhưng phái đoàn hùng hậu của Mỹ tới Úc là chỉ dấu trong nhiệm kỳ hai của mình, Tổng thống Mỹ thực sự muốn gửi ra thông điệp rằng tương lai kinh tế và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào các diễn tiến tại vùng châu Á – Thái Bình Dương. 
Còn với Asean, về chính trị, chuyến thăm của ông Obama gửi ra thông điệp về nhân quyền và dân chủ mạnh mẽ cho toàn vùng. 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ cùng Tổng thống tới Phnom Penh nhưng để họp với bộ trưởng quốc phòng 10 nước Asean tại Siem-Reap. 
Ở đây, nhờ chuẩn bị lâu dài trong những năm qua để quay lại Indonesia và tăng tốc quan hệ gần đây với Việt Nam mới nhất là với Miến Điện, cộng với con số các đồng minh từ lâu, giới quân sự Hoa Kỳ đã đạt 90% sự ủng hộ cho chiến lược quay lại khu vực của họ. 
Nhưng Hoa Kỳ sẽ tế nhị không trực tiếp xuất hiện mà muốn ủng hộ cho các hoạt động “hợp tác quốc phòng do Asean chỉ huy”, qua lời ông George Little.
Trong kỳ vận động tranh cử, ông Obama đã gọi Trung Quốc là “địch thủ” (advesary), ít ra là về kinh tế nhưng cũng coi nước này là đối tác tiềm năng trong quan hệ quốc tế. 
Nhưng như nhà bình luận thời sự Canada gốc Việt, ông Vũ Đức Khanh nêu ra, sự chuyển hướng chiến lược quân sự của Hoa Kỳ sang châu Á “đã không được Trung Quốc chào đón với nụ cười”. 
Mặt khác, với nước Mỹ, chiến lược này cũng không đem lại việc làm cho kinh tế nội địa, theo LS Vũ Đức Khanh và sự thành công của nó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ: 
“Chiến lược chuyển hướng sang Tây Thái Bình Dương sẽ bị thử thách nếu Quốc Hội không trách được sự đổ vỡ về ngân sách gây ra cắt giảm mạnh cả trong chi tiêu quốc phòng.” 
Với khu vực châu Á và trên thế giới, “niềm tin vào Hoa Kỳ hiện đang được thử thách, không chỉ về tài chính và cả về uy tín”. 
“Nếu Hoa Kỳ không thể giải quyết khủng hoảng kinh tế và nếu (chính trị) Washington bị bế tắc, khả năng thực hiện chính sách ngoại giao sẽ bị giảm đáng kể,” ông Vũ Đức Khanh viết. 
Tây Nam Trung Quốc 
Biến đổi ở Miến Điện bỏ rào cản cho nhiều vấn đề khu vực. 
Nhưng với Trung Quốc, mọi chuyển động quân sự, ngoại giao của Hoa Kỳ ở các khu vực láng giềng đều là chuyện nghiêm trọng. 
Tuy thế, quá trình dân chủ hóa tại Miến Điện mà Hoa Kỳ cùng Phương Tây thúc đẩy cũng không hẳn là điều Trung Quốc phản đối. 
Chiến lược phát triển kinh tế vùng Tây Nam của Trung Quốc sang Miến Điện, Thái Lan và Lào cũng cần một môi trường ổn định. 
Trả lời báo chí tại Đại hội Đảng 18 ở Bắc Kinh, một cán bộ cao cấp của Trung Quốc từ vùng giáp biên giới giải thích điều này. 
Theo Reuters, ông Tần Quang Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam, giáp biên giới Miến Điện và có quan hệ kinh doanh gắn bó, nói rằng Trung Quốc là hoàn toàn ủng hộ quá trình cải cách ở Miến Điện, đặc biệt vì hòa bình và ổn định sẽ có lợi cho Trung Quốc.
Ông Tần Quang Vinh cũng nói ông biết rõ về chuyến đi theo dự kiến của Tổng thống mới tái đắc cử của Hoa Kỳ. 
"Chúng tôi hiểu và hỗ trợ mong muốn của nhà nước Miến Điện muốn cải cách và trở thành một phần của thế giới," ông nói với các phóng viên bên lề của Đại hội Đảng Cộng sản, lời bình luận hiếm hoi về mối quan hệ nhạy cảm. 
"Chúng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Miến Điện sẽ lèo lái đất nước của họ trong quá trình thay đổi một cách khôn khéo. Họ biết rằng người dân Trung Quốc sẽ luôn là người bạn thật sự của Miến Điện." 
Trung Quốc lo lắng về bất ổn tại nước láng giềng phía Tây Nam mà hiện còn yếu kém về kinh tế. 
Ngoài giao tranh giữa chính phủ Miến Điện và phiến quân sắc tộc tạo ra làn sóng tị nạn chạy sang Trung Quốc còn có nạn buôn ma túy vào Trung Quốc qua cửa khẩu tại các tỉnh phía nam, theo Reuters.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi