Hoài Hương-VOA - Thưa
quý vị, vài ngày sau Ngày Nhân Quyền Quốc tế 10 tháng 12, 2012, Ủy Ban
Bảo vệ các Ký Giả (CPJ) đã công bố một phúc trình về tình hình tự do báo
chí trên thế giới, xếp hạng Việt Nam nằm trên danh sách các nước đàn áp
mạnh bạo nhất các nhà báo và bloggers độc lập. Câu Chuyện Việt Nam do
Hoài Hương phụ trách tuần này xin được dành để gửi đến quý vị phần đầu
cuộc phỏng vấn với ông Shawn Crispin, Đại diện cấp cao của CPJ ở
Đông Nam Á. Ông Crispin là tác giả của phúc trình nghiên cứu tình hình
tự do báo chí ở Việt Nam, và bản thân từng là một nhà báo cộng tác với
nhiều tạp chí quốc tế có uy tín. Mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa ông
Crispin và của Ban Việt Ngữ -VOA sau đây:
VOA: Thưa ông, Việt Nam xếp hạng thứ 6 trên danh sách của CPJ,
liệt kê 10 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới. Ông từng sang Việt
Nam nghiên cứu để soạn một phúc trình rất đầy đủ về tình hình báo chí
tại đó. Vậy xin ông nhận định về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam tại
thời điểm này, và liệu có cải thiện nào trong năm qua?
Ông Shawn Crispin: Rõ rệt là tình hình tự do báo chí ở Việt Nam
đang nhanh chóng tuột dốc. Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chính
quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp các blogger độc lập, và các nhà
báo viết bài đăng trên mạng. Điều đó chứng tỏ là chính quyền Việt Nam đã
có một nỗ lực phối hợp để khép lại một thế giới mạng từng hoạt động
tương đối cởi mở, cung cấp các quan điểm và tin tức đa dạng bên cạnh
giới truyền thông chính thức bị nhà nước chi phối. Sự kiện Việt Nam xếp
hạng thứ 6 trên danh sách của CPJ là một dấu hiệu cho thấy là giới thẩm
quyền Việt Nam ngày càng ra tay trấn áp mạnh bạo hơn các quyền tự do
trên mạng. Cuộc nghiên cứu do chúng tôi thực hiện cho thấy là trong 14
nhà báo hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam, có tới 13 người là những nhà báo
mạng. Thế cho nên đây là một trong những chiến dịch đàn áp tự do trên
mạng tệ hại nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới, chiến dịch này vẫn
đang tiếp diễn ở Việt Nam. Quan tâm của chúng tôi là tình hình chỉ có
thể trở nên xấu hơn trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang gặp khó khăn
kinh tế và khi những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện giữa các phe phái khác
nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
VOA: Nhưng có phải là một nghịch lý hay không khi có cả trăm
tờ báo và cơ sở truyền thông khác ở Việt Nam, sinh hoạt báo chí lẽ ra
phải nở rộ, nhưng lại có nhiều đề tài đươc coi là cấm kỵ, như các vụ bê
bối tham nhũng, đường lối quản trị kinh tế, hoạt động của giới bất đồng
chính kiến v..v… Còn đề tài cấm kỵ nào khác, và làm cách nào các nhà báo
địa phương có thể tác nghiệp trong các điều kiện đó?
Ông Shawn Crispin: Như cô nói, có hàng trăm sản phẩm in ấn, nhưng
tất cả đều có liên hệ, hay do nhà nước cho phối theo cách này hay cách
khác. Điều mà chúng tôi nhận thấy trong phúc trình của chúng tôi là rất
nhiều nhà báo làm việc cho các tờ báo ấy đã tìm cách tường thuật tin tức
một cách độc lập, nhưng những bài viết của họ thường bị các biên tập
viên cao cấp – thường là đảng viên trong Đảng Cộng sản, chặn lại, hay
kiểm duyệt. Thế cho nên điều đã xảy ra trong mấy năm gần đây là các nhà
báo này, vì không thể tường thuật sự thật trong công việc ban ngày của
họ, thế cho nên vào ban đêm họ phát tán lên các trang mạng hay các trang
blog độc lập một số tin tức mà họ không được phép phổ biến. Đó là yếu
tố đã khiến các hoạt động truyền thông mạng của Việt Nam rất là năng
động. Nhưng nhà nước Việt Nam đã chú ý tới hiện tượng này, và tăng cường
các khả năng theo dõi. Một số nhà báo làm như thế, hoặc bị coi là hậu
thuẫn các blogger đã bị bỏ tù, đã bị cảnh cáo, nhiều người từng hoạt
động từ năm 2008, 2009, đã phải đóng cửa các trang blog của họ vì sợ
đang bị theo dõi.
VOA: Một số nhà báo, cũng như các nhà đấu tranh cho dân chủ,
các blogger, và cả một số vị lãnh đạo tôn giáo nói họ đã bị sách nhiễu,
và đôi khi, bị đánh đập. Ông có từng chứng kiến những hành động ngược
đãi đối với các nhà bất đồng chính kiến với Hà Nội, dưới tay một nhân
viên cảnh sát, công an, dù là mặc sắc phục hay thường phục?
Ông Shawn Crispin: Tận mắt tôi chứng kiến thì không, nhưng trong
cuộc nghiên cứu mà tôi thực hiện hồi đầu năm nay, tôi đã tiếp xúc với
các blogger đã phải đối mặt với những hành động ngược đãi về thể chất và
trấn áp về tinh thần. Tôi đã nói chuyện với họ về những gì mà họ đã
phải trải qua. Nhưng cá nhân tôi chưa tận mắt chứng kiến một sự cố nào
như vậy.
VOA: Thưa, ngoài những blogger nổi danh như Điếu Cày, Tạ Phong
Tần, Anh Ba Saigon, là các nhà báo thuộc Câu Lạc bộ Báo chí Tự Do, còn
có các trường hợp nào khác đáng cho chúng ta chú ý?
Ông Shawn Crispin: Tôi tin rằng một trường hợp không được biết
đến nhiều là chiến dịch đàn áp các phóng viên của Dòng Chúa Cứu thế, một
trang tin tức Công giáo trực tuyến đưa tin về các vấn đề tôn giáo và xã
hội ở thành phố HCM. Trang tin tức này dựa phần lớn vào các nhà báo
công dân nghiệp dư về nội dung của nó. Giới hữu trách đặc biệt đàn áp
mạnh tay những nhà báo công dân này. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu
người, hình như là 4 người, hiện vẫn đang mòn mỏi trong nhà tù.
VOA: Trong nhiều trường hợp, những người bất đồng, những người
biểu tình, các bloggers, thuật lại rằng họ đã bị một nhóm côn đồ đánh
đập, tài sản của họ bị phá hoại, công an có mặt, trông thấy nhưng không
can thiệp. Có người tố cáo chính công an đã mướn nhóm người này, liệu có
chứng cớ gì để hậu thuẫn lời tố cáo đó hay không?
Ông Shawn Crispin: Một số người đề cập tới các sự cố khi có những
người mặc thường phục, côn đồ, hành hung các nhà báo, nhưng khi các nhà
báo này đi khiếu nại với cảnh sát, thì cảnh sát làm ngơ, không điều tra
mà còn nói họ, có lẽ “đáng bị đối xử như thế.” Chúng tôi coi đây là một
dấu hiệu là những kẻ mặc thường phục tấn công các nhà báo và blogger có
thể có liên hệ với các lực lượng an ninh, bởi vì họ từ chối không điều
tra các vụ hành hung đó.
VOA: Một số người đề cập tới những tai nạn không giải thích
được trong khi đang đi đường hay lái xe gắn máy, có chứng cớ nào cho
thấy có bàn tay của ai đó trong các tai nạn ấy không?
Ông Shawn Crispin: Vâng, chúng tôi có thấy những trường hợp đó trong một
số tài liệu thu thập được. Nhưng đây là điều mà chúng tôi chứng kiến
xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Đó là một
trong những chiến thuật mà một số nhà cầm quyền sử dụng đối với một số
nhà báo. Những người này bỗng dưng “gặp tai nạn.” Rất khó có thể nói một
cách chắc chắn tai nạn như thế ở Việt Nam là cố ý, tuy nhiên do tai nạn
xảy ra hơi thường xuyên đối với một số nhà báo bị nhà nước liệt vào
thành phần nguy hiểm, thế cho nên nó đã làm nhiều người nghi ngờ, nhất
là các nạn nhân của hành vi này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi