vendredi 23 août 2013

VOA phỏng vấn với TS Nguyễn Quang A về nghị định 72


Trà Mi (VOA) - "...Nếu tất cả người dân Việt Nam đều bảo rằng họ không thay đổi thì chúng ta dừng, cam chịu, thì nước Việt Nam này một ngàn năm nữa cũng sẽ vẫn là một nước nô lệ. Cho nên, bất luận có kết quả ngay lập tức, kết quả ít hay nhiều, thì việc vận động người dân hiểu quyền của mình và mở miệng mình ra là việc liên tục phải làm. Chỉ có như thế Việt Nam mới có tương lai để phát triển mà thôi..." - Ts Nguyễn Quang A

Hàng trăm trí thức trong và ngoài nước vừa ra Tuyên bố chung lên án Nghị định 72 vừa ban hành là vi phạm Hiến pháp lẫn pháp luật Việt Nam cũng như đi ngược lại các cam kết của Hà Nội với quốc tế về tôn trọng nhân quyền.

Trong bản Tuyên bố được phổ biến trên trang boxitvn.net, các nhân sĩ trí thức mạnh mẽ phản đối Nghị định “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” có hiệu lực vào đầu tháng sau quy định các trạng mạng xã hội chỉ được dùng để trao đổi thông tin cá nhân, cấm người dân chia sẻ hay phổ biến tin tức từ báo chí hoặc các trang mạng của chính phủ.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, người ký tên đầu tiên vào bản Tuyên bố, nhấn mạnh Nghị định này là cái cớ để nhà chức trách “muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù”.

Tiến sĩ Quang A: Tất cả những quy định của Nghị định 72 này hết sức mập mờ, tựu chung lại có thể tạo cớ cho nhà chức trách trừng trị những người mà họ không thích.

VOA: Giới hữu trách khẳng định Nghị định này nhằm thúc đẩy internet phát triển mạnh và lành mạnh tại Việt Nam và mục đích chính là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ông có phản hồi ra sao?

Tiến sĩ Quang A: Đấy hoàn toàn là những điều ngụy biện. Không có vấn đề gì về sở hữu trí tuệ ở đây cả. Nếu một trang nào lấy thông tin vi phạm bản quyền thì đã có những luật về bản quyền chi phối, không cần phải thêm Nghị định này. Điểm mấu chốt người ta nói ở đây là trang thông tin cá nhân không được trích dẫn, dẫn chiếu tin tức của các báo chính thức. Người ta muốn cấm là cấm ở chỗ đó. Đấy là sự vi phạm trắng trợn về quyền tự do ngôn luận của người dân, không phục vụ gì về chuyện bản quyền cả.

VOA: Cũng có những ý kiến cho rằng có những trang mạng chỉ chép lại nội dung các trang báo khác rồi đăng lên trang của mình để lấy quảng cáo, có thu nhập, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đó cũng là một trong những lý do họ ủng hộ Nghị định 72 ngăn chặn việc này.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trước tòa thị chính của một thành phố ở Trung Quốc với chiếc áo No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Tiến sĩ Quang A: Tôi cũng hoàn toàn phản đối cách làm của một trang mạng thương mại như vậy vì họ vi phạm trắng trợn những quy định khác của pháp luật Việt Nam về bảo vệ bản quyền. Những quy định ấy đã có sẵn, tính pháp lý còn cao hơn Nghị định 72 này. Hãy áp dụng những điều luật đó đi và trừng trị những kẻ làm bậy đó.

VOA: Giữa lúc Nghị định 72 chỉ mới đưa ra nội dung cấm chưa nói cụ thể các hình thức xử phạt, ông dự kiến trong những ngày tới Nghị định này sẽ mang lại những hệ quả, hiệu quả gì?

Tiến sĩ Quang A: Về mặt thông tin, nó sẽ không mang lại tác dụng gì cho nhà nước cả trong những ý đồ hạn chế này khác, giống hệt như các quy định cũ về internet vốn đã hoàn toàn không có hiệu quả. Cái Nghị định này cũng sẽ không có hiệu quả. Tuy nhiên, với những quy định mập mờ sẽ tạo cớ cho bên cơ quan an ninh muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù. Chưa có Nghị định này, những chuyện khác mập mờ hơn cả cái này như điều 258 hay 88 đã được dùng để bắt bớ hàng loạt các blogger trong thời gian vừa qua. Chính sự bắt bớ đấy làm cho dư luận càng dị ứng với Nghị định 72 này.

VOA: Phản đối Nghị định 71, Tuyên bố mà ông là một trong những người ký tên đầu tiên đưa ra những yêu cầu gì cụ thể với giới hữu trách?

Tiến sĩ Quang A: Yêu cầu chính phủ hoãn lại, quốc hội dùng quyền của mình hủy bỏ chuyện đó. Nếu được như thế thì rất tốt, nhưng theo kinh nghiệm của tôi từ trước tới nay, điều đó khó thể xảy ra. Khi ký vào Tuyên bố này, kỳ vọng của tôi chỉ là muốn người dân càng hiểu kỹ hơn về quyền của mình để lên tiếng ngày càng nhiều hơn và với áp lực như vậy nó sẽ có chuyển biến từ từ nào đó đối với các chính sách về internet nói riêng và các chính sách của chính phủ Việt Nam nói chung. Chứ còn những kết quả ngay trước mắt đối với tôi không phải là mục tiêu đầu tiên.

Nếu tất cả người dân Việt Nam đều bảo rằng họ không thay đổi thì chúng ta dừng, cam chịu, thì nước Việt Nam này một ngàn năm nữa cũng sẽ vẫn là một nước nô lệ. Cho nên, bất luận có kết quả ngay lập tức, kết quả ít hay nhiều, thì việc vận động người dân hiểu quyền của mình và mở miệng mình ra là việc liên tục phải làm. Chỉ có như thế Việt Nam mới có tương lai để phát triển mà thôi.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.



Trà Mi

http://www.voatiengviet.com/content/tri-thuc-viet-ra-tuyen-bo-phan-doi-nghi-dinh-ve-quan-ly-internet/1734761.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi