BUỔI NÓI CHUYỆN CỦA BÀ TRẦN NGỌC MINH, THÂN MẪU CỦA ĐỖ THỊ MINH HẠNH, TẠI BRISBANE (10/5/2014)
Bạch Phượng
Tôi đến sớm, hội trường còn nhiều ghế trống. Tôi ngồi xuống cạnh hai chị bạn. Chúng tôi đang trò chuyện thì một người phụ nữ tuổi khoảng 60, mặc áo dài lịch sự, bước đến. Tôi đoán đây là bà Trần Ngọc Minh, mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, diễn giả của buổi nói chuyện hôm nay.
Bà Ngọc Minh cầm một số vòng đeo tay bằng chỉ đen kết những viên tròn đính kim cương giả, bà cầm tay chúng tôi và đeo vào cho mỗi người một chiếc. Bà nói là chút quà nhỏ tặng chị em ở Brisbane. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú vì chưa bao giờ tôi đi dự một buổi nói chuyện nào mà được diễn giả tặng quà như vậy.
Đến 2 giờ chiều, đồng hương đến đầy hội trường. Người điều khiển chương trình hôm nay là anh Lê Minh Tuấn (mà mọi người quen gọi là Tuấn Lê).
Sau nghi thức chào cờ Úc Việt và phut mặc niệm và phần giới thiệu thành phần quan khách tham dự, Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc châu – Queensland, chào mừng diễn giả và đồng hương. BS Cường cho biết là ông đã từng gặp cô Đỗ Thị Minh Hạnh trong đại hội của Ủy ban Bảo Vệ Người Lao Động tại Mã Lai vào năm 2009. BS Cường cũng có đôi lời giới thiệu về cha và mẹ của cô Minh Hạnh.
Tiếp theo, ông Nguyễn Quang Duy, đại diện Khối 8406 Úc châu và là người điều hợp chuyến viếng thăm và vận động đồng hương cùng chính giới tại Úc châu của bà Trần Ngọc Minh. Ông Duy trình bày cùng đồng hương về lịch trình làm việc của bà Ngọc Minh tại Úc châu. Ông cho biết tuần tới bà Ngọc Minh sẽ đi Canberra để gặp gỡ một số dân biểu Úc tại Quốc Hội lien bang. Sau đó bà sẽ đến Sydney, Melbourne, Adelaide và Perth.
Ngay từ những giây phút đầu tiên, bà Trần Ngọc Minh đã thu hút được sự chú ý của cử toạ với lối tâm tình đầy cảm xúc.
Bà cám ơn đồng hương ở những nước tự do trên thế giới đã hỗ trợ cho Minh Hạnh cũng như đã tiếp đón bà rất nồng hậu trong chuyến đi vận động quốc tế này.
Bà kể rằng con gái của bà, cô Đỗ Thị Minh Hạnh, năm 18 tuổi đã tham gia công tác xã hội. Năm 2005 cô đến Hà Nội giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai và bị giam nhiều ngày tại Hà Nội, được gia đình bảo lãnh về và bị cộng sản giam lỏng theo dõi tại Di Linh, Lâm Đồng.
Khi hay tin chính quyền CSVN cho Trung quốc đầu tư khai thác Bauxit tại Tây nguyên, cô đã bí mật cùng Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đến tận nơi chụp ảnh các công trường của TQ tại đây và chuyển đi toàn cầu qua mạng Internet.
Năm 2007 Minh Hạnh đã tổ chức cho công nhân người Việt bị áp bức tại công ty nước ngoài để biểu tình và đình công để được tăng lương và an toàn lao động.
Tháng 3 năm 2009 Hạnh trong nhóm Ngủ Gật một phần đã hỗ trợ cho ̣̣đồng bào Tây Nguyên biểu tình. Tháng 12 năm 2009 cô đã bí mật đi đường bộ sang Cambuchia, Thái Lan để đến Malaysia tham dự đại hội kỳ 2 của Ủy ban về người lao động Việt nam.
Tết Canh Dần, Hạnh cùng hai người bạn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chuơng và một số người bạn rải truyền đơn " Ngàn năm Thang Long", tố cáo nhà cầm quyền Cộng sản và nguy cơ mất nước, hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc.
Tháng hai 2010 Minh Hạnh bị bắt vì bị cáo buộc "xúi giục" công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công. Ngày 27-10-2010 Đỗ Thị Minh Hạnh bị xử 7 năm tù giam với tội danh "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 89 Bộ luật Hình sự, vì đã rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, đình công.
Bình luận về vụ này, HRW nói trong một thông cáo năm 2011: "Tất cả những gì mà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam trong việc được tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc."
Ngày 12 tháng 12 2011, giải quốc tế nhân quyền Việt nam 2011, được tổ chức tại Úc, đã trao tặng giải này cho TS Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Vào đầu tháng 7 2013, qua một cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại hội nghị Asean ở Brunei, ngoại trưởng Úc Bob Carr yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương: “Chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng cho việc bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do thành lập công đoàn.... Tôi đã yêu cầu Việt Nam thả những người này.”
Trong tù Minh Hạnh vẫn tiếp tục đấu tranh phản kháng sự áp bức bóc lột sức lao động của các tù nhân từ công an trại giam.
Bà Trần Ngọc Minh không cầm được nước mắt khi kể đến những đọan con gái mình bị công an đánh đập, hành hạ và làm nhục trong tù.
Cử toạ im lặng, đè nén cảm xúc.
Tôi thầm nghĩ, nếu như con của tôi bị sa vào vòng lao lý vì đấu tranh cho lý tưởng, cho sự công bằng cho người dân thì tôi sẽ làm sao?
Liệu tôi có đủ nghị lực để ủng hộ cho việc làm của con mình hay không?
Liệu tôi có đủ can đảm để đối phó với nhà cầm quyền cộng sản VN tàn ác hay không?
Liệu tôi có đủ kiên cường để vượt hiểm nguy, bôn ba khắp nơi để tìm cách giải thoát cho con mình như bà Ngọc Minh hay không?
Ngày mai là Ngày Thân Mẫu, ngày của mẹ… bất giác tôi không cầm được nước mắt.
Buổi nói chuyện của bà Trần Ngọc Minh chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều sau phần trả lời các câu hỏi của đồng hương.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi