Hà Sĩ Phu
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) vừa khai mạc hội nghị TW9, khóa XI bằng một bài diễn văn (xem ở đây) có tính then chốt. Đây tuy là việc trong Đảng nhưng mỗi quyết định trong Đảng sẽ tỏa ra chi phối toàn xã hội (ngay Hiến pháp tối cao cũng chỉ để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thôi mà) nên mỗi người dân chúng tôi đều không thể không quan tâm đến những điều sẽ ảnh hưởng thiết thân đến bản thân mình và đất nước mình, nên dù biết mình không có phận sự vẫn cứ phải “xía vô”.
Cũng như các bài phát biểu trước đây, bài nào của TBT cũng thể hiện một tinh thần “giữ vững kỷ cương, phép nước” trong một tổ quốc tên là “Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa”, và kiên quyết chống lại những gì chệch hướng. Kỷ cương cũng là kỷ cương Cộng sản, phép nước cũng là phép nước Cộng sản mà chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, một thứ “kim” mà độ nhạy của nó không thể chỉ cho con tàu Việt Nam biết một thế kỷ nữa con tàu sẽ trôi nổi ra sao.
TBT đã tỏ ra khá nghiêm khi nói về sự thật xã hội mà ai cũng biết “đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng”, “cần đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích,... đang có xu hướng lan rộng”.
Mặc dù những lời mô tả như thế là còn quá nhẹ và hời hợt so với thực tế xã hội còn cay đắng và chua chát hơn nhiều, nhưng cũng xin coi là tạm được. Đáng bàn là những định hướng gợi ý của ông TBT trong việc tìm nguyên nhân. Về chủ quan ông TBT vẫn cho rằng sở dĩ có “biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, thói giả dối, bệnh thành tích…” là do “phai nhạt lý tưởng, hoặc chưa “quán triệt” và“nghiêm chỉnh thực hiện các nghị quyết””. Một khi đã chẩn đoán nguyên nhân như vậy thì toa thuốc tất nhiên phải là kiên trì lý tưởng Cộng sản mà Mác - Lênin - Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, nhưng phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi lĩnh vực của toàn xã hội (toàn trị), nhất là an ninh về nhận thức - tư tưởng, phải tổ chức để thực hiện các Nghị quyết sao cho thật nghiêm (nhà tù nhiều thế thì nghiêm quá rồi còn gì), mà công cụ đảm bảo cho sự “nghiêm” ấy đương nhiên vẫn là tổ chức Đảng các cấp và công an các cấp.
Nhưng xin thưa đấy chỉ là toa thuốc, là cái phác đồ điều trị luẩn quẩn chứ đâu có gì mới? Từ bao năm nay bao giờ Đảng chẳng dùng toa thuốc ấy mà những triệu chứng bệnh hoạn vẫn cứ “ngày càng lan rộng” như TBT đã nhiều lần công nhận. Bệnh và thuốc trị bệnh, hai bên cứ tương hỗ đẩy nhau ngày một nặng thêm.
Vậy, giống như Thần Kim Quy đã chỉ cho An Dương Vương khi thua chạy: Kẻ thù chính ở đằng sau nhà vua đó, chúng tôi cũng xin góp phần hội chẩn với ông TBT rằng: Nguyên nhân ở ngay sau lưng ông đó, nguyên nhân của mọi sự “thoái hóa biến chất” nằm ngay trong toa thuốc mà ông vẫn dùng để trị bệnh, nằm ngay trong cái gốc mà ông cho là linh thiêng và quyết bảo vệ vì nghĩ đó là thứ thần dược vạn năng, đó chính là cái chủ nghĩa Mác-Lê đẹp một cách ảo vọng, nhưng phi khoa học và phi thực tế đến từng chi tiết.
Hội nghị nào cũng thành công rực rỡ nhưng thực tế không giải quyết được những bế tắc, những nan đề xã hội, vì không dám nhìn rõ nguyên nhân di căn trong gốc rễ. Đôi khi đã thoáng nhìn thấy bệnh căn, như ông Nguyễn Văn An đã thấy “lỗi hệ thống” từ trong bản thể, ông Nguyễn Tấn Dũng đã thấy lỗi trong “thể chế chính trị”, nhưng rồi lại vội nhìn chệch đi chỗ khác, thản nhiên cùng nhau tiếp tục thờ phụng chính cái cái nguyên nhân gây bệnh thì hỏi có thuốc nào chữa cho được?
Trong những người kiên trì ý thức hệ như một thứ “bất biến” để “ứng vạn biến” thì TBT là người tiêu biểu hơn cả. Không biết ông TBT có lòng tin thật như thế không, nhưng từ phía người dân tôi cũng xin “nói một điều cho ngay” rằng cái “thần dược” Mác-Lê đã bị phơi lưng ở khắp nơi, ông dùng nó phải rất cảnh giác, vũ khí ấy hết vô địch từ lâu rồi, thậm chí thành thứ vũ khí phản chủ, dùng nó có khi tự sát.
Mác-Lê bị phơi áo giữa quê hương toàn cõi châu Âu bởi nghị quyết 1481 thì đã rõ. Nhưng chính ông TBT cũng đã có những bài học riêng cho mình. Có phải chỉ vì ông rao giảng thứ Mác-Lê chính hiệu ở Cuba mà bị bà Tổng thống Brazil đóng sập cửa không tiếp? Có phải vì ông dùng vũ khí Mác-Lê chính hiệu để hòng hạ bệ một đồng chí cao cấp (mà theo ông là rất thoái hóa biến chất) nhưng ông đã thua? Có phải ông đã nhân danh vũ khí Mác-Lê chính hiệu của một TBT để giới thiệu hai người vào Bộ Chính trị mà cũng thất bại trong một môi trường toàn những người Cộng sản? Có phải kết tinh mấy năm học tập gương Bác đã lọc được một tinh hoa là một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để trao giải thưởng thì “đồng chí” ấy bị ăn tát vì xúc phạm phụ nữ và bị tố cáo làm giả “hồ sơ anh hùng”? …vân vân…
Ấy là những chuyện cung đình, chắc ông quá rõ. Nay xin bổ sung một số biểu hiện đời thường mà người dân chúng tôi xin mách cùng ông, như ông đã yêu cầu phải “căn cứ vào thực tiễn cuộc sống để phân tích, đánh giá và đề xuất, kiến nghị”.
Ông TBT có biết tình trạng nhiều cấp ủy Đảng nói trong cuộc họp Đảng một giọng nhưng nói với nhau và với dân bằng một giọng hoàn toàn khác? Ông có biết có nhiều Đảng viên trẻ nói thẳng: Bây giờ phải vào Đảng như một phương tiện để giành thuận lợi trong cuộc mưu sinh khó khăn này chứ không nhằm lý tưởng xa xôi gì, đừng trách chúng tôi không có lý tưởng mà tội nghiệp.
Xin thề với ông rằng chính tôi đã được nghe lời tâm sự của một Bí thư bộc bạch rằng các tổ chức Đảng và công an chẳng qua là những công cụ để giám sát nhân dân. Lại khôi hài rất chua chát: Quý vị biểu tình vì yêu nước thì bị bắt là phải, vì nước có còn của các vị đâu mà yêu; yêu cái của người khác thì người ta diệt cho là phải còn kêu nỗi gì? Lại còn một giai thoại lưu truyền trong dân gian về câu chuyện giữa hai TBT: Thấy ông TBT tiền nhiệm làm nhiều điều bất xứng, đê tiện, ông Trọng đã khuyên can thì ông cựu TBT kia trả lời “Nếu các đồng chí sợ tôi ảnh hưởng xấu đến Đảng thì tôi xin ra Đảng”. Chẳng biết giai thoại ấy thực hư thế nào nhưng nói lên một thực chất chính những Đảng viên cũng thấy chủ nghĩa mà mình thờ phụng chẳng còn thiêng liêng gì.
Hẳn tự cho mình là người “cộng sản chân chính” ông luôn phê phán “tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống..., những tệ nạn xã hội, thói giả dối…”. Nhưng ông không biết rằng tội phạm chủ yếu gây ra lối sống gấp, thực dụng, lai căng, phù phiếm, vô cảm trước vận mệnh dân tộc ấy chính là từ những cơ quan văn hóa tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Ai đã tổ chức những trò chơi tào lao tốn kém trên hệ thống truyền hình, ai đã tổ chức những lễ hội đình đám khắp nơi, nhảy múa quanh năm, kể cả lối ăn mặc sexy…? Người dân đã ví đó như là phong trào thể thao Ducouroy của thực dân Pháp trước đây để thanh niên Việt Nam mải vui chơi mà quên đi nhục mất nước?
Còn bệnh giả dối ư? GIẢ DỐI là tên húy của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền, giải thích nữa là thừa. Một người cộng sản lớn hơn ông Trọng nhiều lần là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev đã để lại cho nhân loại một danh ngôn “Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản; nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn tuyên bố rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo”. Nói một đằng làm một nẻo, dùng một lý thuyết ảo tưởng làm kim chỉ nam lừa một dân tộc, trong khi họ đang dùng quyền lực để mở tốc lực tư bản hóa, con cái họ đều gửi sang nước thù địch của chủ nghĩa là Hoa Kỳ; đã là một cuộc “đại dối trá” thì tất cả mọi sự dối trá, lừa lọc tất yếu trong xã hội, lừa lọc đến chịu án tử hình cũng chỉ là những hệ quả, chẳng qua là những “tiểu dối trá” mà thôi, đáng kể gì mà ông TBT phê phán?
Nói về sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức thì ít nhất cũng phải nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”. Mất gốc là mất tất cả những giá trị cổ truyền như lòng ái quốc, nhân ái, thuần phong mỹ tục… Nhưng mất gốc từ bao giờ, chắc chắn chỉ từ khi có phong trào Cộng sản, vì nếu mất trước đó thì lấy đâu sức mạnh để Đảng Cộng sản dùng cho “cách mạng/chính biến/ tháng Tám” và chín năm đánh Pháp? Hình tượng “thanh kiếm và lá chắn” mà ông TBT biểu dương gắn liền với sự côn đồ hóa có sắc phục và không sắc phục, công khai xúc phạm phụ nhân phẩm phụ nữ, đánh chết người khi hỏi cung… phải được kể như những tận cùng của sự mất gốc, hiện tượng vô văn hóa này do ai tiến hành thưa ông TBT? Kẻ địch nào? Ở đây vậy?
Chúng tôi rất nhớ, có lần ông TBT nói chuyện ở Phú Thọ, để phê phán kẻ lạm quyền và tham nhũng ông đã triết lý (đại ý): Quyền lực phải được giám sát và kiềm chế, để cho quyền lực vô hạn thì cực kỳ nguy hiểm! Nếu áp dụng triết lý ấy vào quyền lực độc tôn của Đảng (đến Hiến pháp tối cao cũng chỉ là cụ thể hóa nghị quyết, cương lĩnh của Đảng) thì ông nghĩ sao? Xin hỏi: Người dân chúng tôi có cơ chế nào để khống chế quyền lực ấy? Vậy nếu đối chiếu với chân lý phổ quát hẳn ông cũng thấy sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản là phi lý và nguy hiểm. Cái kỷ cương mà ông quyết giữ, giành hết quyền lực cho một đảng, một tập đoàn, không có đối trọng để kiềm chế chính là cái kỷ cương phi lý và nguy hiểm như vậy.
Tóm lại có quá đủ dữ kiện để ông TBT thấy cái gọi là “kỷ cương” mà ông quyết giữ, chỉ còn là một cái vỏ hư không, còn cái ruột phản quy luật bên trong kỷ cương ấy đã bị quy luật tẩy sạch, chính những đồng chí của ông đã tẩy sạch, trước mặt ông và sau lưng ông, để trở về sống với những quy luật thật của đời sống, mà ông thì cứ ra công cứu vãn và… thua! Họ lẳng lặng tự bỏ vòng kim cô để thích nghi với cuộc sống thật là “thông minh” đấy. Chỉ còn ông ra sức cổ vũ cho cái kỷ cương mà nhân loại đã vứt vào sọt rác, các đồng chí của ông cũng mím miệng cười nhạo, nên thiên hạ đã tặng ông cái hỗn danh “Trọng Lú” để ghi vào bia miệng. Tôi muốn chia buồn.
Chuyện kể rằng những con đười ươi khổng lồ khi bắt được người đi rừng, nó túm chặt lấy cánh tay, rồi ngửa mặt lên trời cười đắc thắng, chờ đến khi lặn mặt trời nó mới ăn thịt. Về sau những người đi rừng khôn ngoan, chuẩn bị sẵn một cái ống tre to, lồng vào cánh tay, nếu đười ươi bắt nó cứ túm chặt ống tre và ngửa mặt lên trời. Người đi rừng rút tay khỏi ống, mặc cho con đười ươi khoái chí giữ cái ống tre rỗng đến tận lúc hoàng hôn. Cái “kỷ cương” mà ông Trọng quyết giữ có khác gì cái ống tre rỗng tuếch kia đâu?
Nhận xét cuối cùng về bài diễn văn này của ông TBT liên quan đến một vấn đề quan trọng hơn hết thảy là thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ với giặc Bành trướng Bắc Kinh mà ông là tiêu biểu. Là người Việt Nam, không ai quên được bài học 1000 năm Bắc thuộc, và ngày mở cửa biên giới năm 1949 để xin viện trợ toàn diện của Trung Quốc là cơ hội bằng vàng để Trung Quốc tiếp tục âm mưu thôn tính lâu dài ấy. Chỉ những người mê muội vì lý thuyết thế giới đại đồng Cộng sản mới tưởng đây là người “chị hiền Trung Quốc” vô tư. Nhưng dù hồn nhiên đến mấy thì sau chiến tranh biên giới 1979 cũng phải tỉnh ngộ. Nhưng chỉ nhằm cứu chế độ chứ không nhằm cứu nước, TBT Nguyễn Văn Linh đã cầm đầu cuộc đầu hàng Thành Đô năm 1990 và từ đó các TBT nối tiếp nhau trượt theo vết xe đổ ấy không gượng lên được.
Là những bậc thầy về chiến tranh nhân dân, người cộng sản hoàn toàn hiểu phải đánh thức tinh thần cảnh giác của quân đội và nhân dân trước âm mưu xâm lược mới chống được xâm lược, nhưng thay vì đánh thức lại liên tục ru ngủ, và TBT Nguyễn Phú Trọng hơi xuất sắc trong việc ru ngủ này. Vẫn biết ông TBT cũng nhiều lần nhắc đến việc bảo vệ chủ quyền bằng nhiều biện pháp, nhưng chắc chắn không thể bằng biện pháp ru ngủ nhân dân.
Giặc Bành trướng đang xúc tiến nhiều bước nguy hiểm trên biển cũng như đất liền, nhân dân đã lo lắng nhưng ông tuyên bố “tình hình Biển Đông không có gì mới” và “tình hữu nghị Việt-Trung chưa bao giờ tốt như bây giờ”, đồng thời thấy ai muốn đánh thức nhân dân thì bắt bớ tù đày, vậy không phải chính sách ru ngủ thì là gì? Chiến lược “khôn khéo” ấy đã giúp phía Trung Quốc rải các thứ “quân” trên khắp các lãnh vực và lãnh thổ Việt Nam. Nay họ dấn thêm một bước cực kỳ nguy hiểm, cắm một giàn khoan khổng lồ ngay vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và đuổi tàu bè Việt Nam không được đến gần. Ai cũng biết đó không chỉ là giàn khoan mà còn là cứ điểm quân sự, là vọng gác tiền tiêu, là đóng đinh vào lãnh thổ Việt Nam, từ đó tiếp tục ngoạm sâu hơn nữa.
Nguy cơ mất nước đã cận kề, nhân dân lo lắng và sôi sục. Vậy mà muốn biểu tình chống xâm lược chỉ canh cánh lo bị nhà nước đàn áp, thế là cái gì? Thấy Đảng mở hội nghị Trung ương bàn những việc quan trọng, nhân dân đinh ninh thế nào cũng đề cập đến tình hình này, nhưng tuyệt nhiên không. Suốt bài diễn văn đề dẫn của người có quyền lực cao nhất nước, rất chú trọng đến cả những việc “tào lao” như “thí điểm không thành lập HĐND quận huyện…” mà có vấn đề tồn vong của đất nước đang lâm nguy thì tuyệt nhiên không có một lời???
Đã đành nằm trong hệ thống ý thức hệ cứng như bằng sắt ấy thì ai ngồi chức đó cũng bị cái vòng kim cô ấy gò đầu trói tay, phẩm chất cá nhân có tốt cũng khó phát huy. Nhưng dù như vậy, người có trí tuệ và tâm huyết cũng phải tỏa được đôi điều le lói. Một Hội nghị Trung ương của quyền lực mà không bàn việc nóng bỏng quyết định sự tồn vong của đất nước trong không khí hòa đồng của nhân dân lo việc nước, thì nhân dân có cần những người lãnh đạo như vậy không?
H.S.P. (11-5-2014)
Tác giả gửi BVN.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi