Phạm Chí Dũng
Thư ngỏ:
Về thái độ và hành động cần và phải có
trước hiểm họa Trung Quốc
trước hiểm họa Trung Quốc
Chủ tịch nước Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Công an
Thường trực Ban bí thư
Đồng kính gửi: Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh
Nếu ngay bây giờ hoặc sắp tới Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam, sự thể sẽ ra sao?
Gần đây, bạn bè của tôi – những sĩ quan trung cao cấp trong quân đội – đã không mấy tin tưởng rằng bộ đội Việt Nam còn đủ khả năng để tái hiện chiến thắng biên giới phía Bắc năm 1979. Nguồn cơn không chỉ bởi tương quan chênh lệch có thể chỉ khoảng 1/3 về vũ khí và khí tài quân sự dàn đều trong các binh chủng và quân chủng, mà tử huyệt của bộ đội Việt Nam nằm ở lòng quân.
Đã từ lâu, lòng quân chểnh mảng, phân hóa, chia rẽ và hoang mang. Khả năng sẵn sàng chiến đấu cao chỉ chủ yếu tồn tại trong giáo trình quân sự. Điều đơn giản nhất mà một người lính luôn tự hỏi là một khi chiến tranh nổ ra, anh ta sẽ chiến đấu cho cái gì và vì ai.
Nhiều người lính như vậy lại có thân nhân là dân oan đất đai và nạn nhân của vô số đối xử bất bình đẳng từ phía các cấp chính quyền. Có ít nhất hàng triệu người dân phải chịu bất công ở các mức độ từ bình thường đến nghiêm trọng và cực kỳ nghiêm trọng trên khắp các vùng đất nước. Một người lính sẽ không thể quyết tử vì tổ quốc quyết sinh nếu người thân của họ bị chính quyền địa phương ngày đêm chà đạp quyền lợi và các quyền con người.
Quân đội từ nhân dân mà ra. Lòng quân cũng bắt nguồn và là hệ quả của lòng dân. Tình cảm của một người dân trước hiểm họa ngoại xâm chỉ thể hiện giản dị qua hành động phản ứng rất đỗi bình thường là biểu thị tinh thần phản kháng và biểu tình để tìm đến tinh thần đoàn kết dân tộc.
Thế nhưng ngay vào lúc này, nếu những người cầm quyền ở Việt Nam muốn phát động một cuộc biểu tình của dân chúng chống lại sự can thiệp của Trung Quốc, liệu còn được bao nhiêu người dân xuống đường?
Khả năng không sẵn sàng chiến đấu và có hơi hướng thất bại về tư tư tưởng của quân đội cũng là một thất bại quá lớn về niềm tin của người dân đối với chế độ. Mất niềm tin chính thể cũng dẫn đến não trạng vô cảm của không ít người dân dù phải đối mặt với hiểm họa xâm lăng ngoại bang.
Một trong những nguyên do dễ giải thích nhất cho sự vô cảm ấy lại thuộc về thái độ của chính quyền, khi giới lãnh đạo quốc gia và ngành công an đã luôn tìm cách ngăn chặn, khống chế, trấn áp và cả đàn áp đối với đám đông biểu tình chống Trung Quốc từ nhiều năm qua, đặc biệt từ giữa năm 2011 đến nay.
Hậu quả quá cay đắng mà một dân tộc đủ tự trọng phải nhận lãnh là trong ít nhất mấy năm qua, dư luận nhân dân đã công khai công kích về những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống thời cuộc, về cái gọi là “chính sách ngoại giao đầu gối” từ lẩn khuất đến công nhiên trong một bộ phận lãnh đạo quốc gia mà đang quét sạch chút ý chí còn lại của quân đội và dân chúng.
Nhưng với người bạn “Bốn Tốt”, tất cả chỉ mới bắt đầu. Chỉ mới bắt đầu cho một trang lịch sử nô thuộc mới đối với Việt Nam. Chỉ mới bắt đầu cho một chiến dịch thăm dò phản ứng, uy hiếp và tiến tới xâm lược quân sự tổng lực đối với đất nước “Thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.
Bi kịch thời đại của đất nước hình chữ S đó đang tiếp biến vào tháng 5/2014, với hình ảnh giàn khoan “Mười sáu chữ vàng” của Trung Quốc ngự trị ngay trên vùng lãnh hải và lương tri quốc gia.
Giới lãnh đạo Việt Nam sẽ làm gì? Làm gì để ngăn chặn mối họa xâm lăng, ít nhất ngang bằng với lòng kiên định và hành động mà họ đã thường phô bày để chế ngự ý chí phản kháng ngoại bang của dân chúng? Vì sao họ không tiến hành điều tra ngay lập tức về chuyện liệu có một quan hệ “đi đêm” nào giữa những quan chức nào đó của Việt Nam với người Trung Quốc để dẫn đến hậu quả ngang nhiên và ngang ngược như ngày hôm nay? Và tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại không đủ hồi tâm, thống nhất và quyết đoán để ít nhất chấp nhận một cuộc biểu thị lòng yêu nước xứng đáng của trí thức và người dân, tại ít nhất hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Sài Gòn?
Đã khá muộn khi nhắc lại lời ai điếu của người dân: “Chính sách ngoại giao đầu gối” không bao giờ có thể khiến cho 500 đại biểu quốc hội và gần 200 ủy viên trung ương đảng cầm súng tiến ra mặt trận. Nhưng tinh thần quỳ gối không còn chút liêm sỉ của một bộ phận quan chức nào đó trong đảng và chính quyền lại đang khiến cho chẳng còn mấy người dân tình nguyện đỡ đạn ở chốn tiền phương, thay cho các nhóm lợi ích tham lam và sẵn lòng biến khỏi đất nước vào bất kỳ thời điểm nào Tổ quốc lâm nguy.
Cuộc biểu tình dự kiến vào ngày chủ nhật 11/5 tới đây tại Hà Nội và Sài Gòn chỉ là khúc bi tráng đầu tiên trong giai điệu bi ca và lâm nguy của dân tộc Việt Nam…
Song những người cầm quyền vẫn còn chút cơ hội để vớt vát lại niềm tin dân chúng, nếu họ thể hiện lòng hồi tâm bằng việc hủy bỏ chế độ ngăn chặn và đàn áp đối với các tầng lớp nhân dân chỉ xuống đường vì lòng yêu nước chứ không phải nhằm lật đổ chế độ.
Giá trị lịch sử của các tầng lớp nhân dân như thế vẫn còn nguyên vẹn, từ nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh, tiểu thương, công nhân và nông dân, đảng viên lão thành, cựu chiến binh…, kể cả con số ngày càng tăng của cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an đang tại ngũ. Đó là những người còn mất ngủ trước hiện tình hỗn mang đất nước, còn linh cảm tồi tệ về lương lai một quốc gia nô bộc, còn chưa thể bỏ mặc dĩ vãng tận cùng của “Ngàn năm Bắc thuộc”.
Các tầng lớp nhân dân ấy – cội nguồn và lịch sử của dân tộc Việt Nam – đã đến lúc không cần phân biệt “Lề phải” và “Lề trái”, hãy cùng kết tay nhau và nắm tay giới cán bộ, công chức còn nặng tình quê hương trong hệ thống đảng và chính quyền, gìn giữ những giá trị cuối cùng nhưng sắp mất nốt của dân tộc chúng ta.
Tổ quốc hay là chết!
Sài Gòn ngày 8 tháng 5 năm 2014
Phạm Chí Dũng
Cựu sĩ quan quân đội, nhà báo độc lập
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi