lundi 9 juin 2014

Hành trình lá cờ đỏ ( bán nước )


Trần Gia Phụng (Danlambao) - Trong thời gian gần đây, nhân các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng của người Việt khắp nơi ở hải ngoại, trong khi những lá cờ vàng tung bay rợp trời chung quanh quả đất để phản đối Trung Quốc, thì ở một vài nơi cũng xuất hiện lá cờ đỏ của chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lá cờ nầy đã trải qua cuộc hành trình như sau:

1. Thuở ban đầu

Lá cờ đỏ xuất hiện công khai trước quần chúng lần đầu ngày 17-8-1945 tại Hà Nội trong cuộc mít-tinh do Tổng hội công chức tổ chức tại Nhà hát lớn nhằm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Khi các diễn giả đang nói chuyện, thì một cán bộ mặt trận Việt Minh (VM) mà người ta không biết tên, ở trên lầu Nhà hát lớn quăng xuống một lá cờ đỏ sao vàng. Lúc đó cờ nầy là cờ của VM. Thế là cán bộ VM giương cao lá cờ nầy lên và mọi người cùng nhau theo người dẫn đầu, biểu tình ủng hộ VM. 

Việt Minh là tên tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Hồ Học Lãm thành lập ở Trung Hoa năm 1936. Hồ Học Lãm có bí danh là Hồ Chí Minh, già yếu, ít hoạt động nên nhóm cộng sản (CS) do Nguyễn Ái Quốc cầm đầu ở Trung Hoa chiếm dụng danh xưng của hội nầy; và từ năm 1942 Nguyễn Ái Quốc cũng chiếm dụng luôn tên Hồ Chí Minh của Hồ Học Lãm. Từ đó, đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) bí mật điều khiển VM, nhưng rất ít người biết, nên lúc đó đại đa số dân chúng Việt Nam vẫn lầm tưởng Hồ Chí Minh và VM là những người quốc gia yêu nước chân chính.

Với biểu tượng cờ đỏ sao vàng, nêu cao khẩu hiệu tranh đấu giành độc lập, chống Pháp, diệt Nhật, VM tiếp tục tổ chức biểu tình ngày 19-8-1945, chiếm Bắc bộ phủ (phủ toàn quyền Pháp cũ), cướp chính quyền Hà Nội. Vua Bảo Đại ở Huế tuyên bố thoái vị ngày 25-8-1945, giao quyền cho VM.

Hồ Chí Minh lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Trong lễ ra mắt, Hồ Chí Minh đưa ra ba lời thề quyết tâm chống Pháp. Tuy nhiên, khi quân Pháp xuất hiện ở Bắc Kỳ vào đầu tháng 3-1946, Hồ Chí Minh không giữ lời thề, mà lại thỏa hiệp với Pháp, ký hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, rồi ký Tam ước ngày 14-9-1946, hợp thức hóa việc Pháp trở lại Việt Nam.

Tiếp đó, Pháp tăng quân ở Hà Nội, uy hiếp VM và đòi kiểm soát an ninh Hà Nội. Việt Minh không thể bỏ trốn ra khỏi Hà Nội một cách nhục nhã, nên Hồ Chí Minh họp Trung ương đảng Cộng Sản ngày 18-12-1946, quyết định phát động chiến tranh chống Pháp ngày 19-12-1946 để thoát thân khỏi Hà Nội một cách chính đáng.

Chống ngoại xâm là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Nay theo lời kêu gọi kháng chiến của VM, dân chúng Việt Nam nô nức lên đường đáp lời sông núi vì lòng yêu nước, thương nòi, chứ hoàn toàn không nghi ngờ và không hay biết những âm mưu và thủ đoạn mà lúc đó VM giấu kín. Nhờ vậy cờ đỏ sao vàng đi hàng đầu trong đoàn quân kháng chiến chống Pháp, khá được dân chúng hâm mộ. (Theo lời kể của những người lớn tuổi còn sống.)

Khi chiến tranh khởi phát cuối năm 1946, lực lượng VM yếu thế, chạy dài và rút lui lên rừng núi hay vào bưng biền. Tuy nhiên, từ đầu năm 1949, tình hình thay đổi khi đảng CS Trung Quốc (CSTQ) bắt đầu thắng thế, tiến xuống phía nam Trung Quốc. Từ đó, CSTQ, tăng cường giúp đỡ VM. Càng ngày, VM càng mạnh dần và bắt đầu mở cuộc phản công.

Vào giữa năm 1949, VM theo kiểu CSTQ, mở phong trào thi đua “Rèn cán chỉnh quân”, và “Rèn cán chỉnh cơ”, tức rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn quân đội hay chỉnh đốn cơ quan. (Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Los Alamitos, CA: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tt. 205, 421.) Hai phong trào nầy không mấy thành công và được VM tiếp nối bằng phong trào "Chỉnh huấn" năm 1950.

Cũng theo mô thức của CSTQ, phong trào "Chỉnh huấn" nhằm thanh lọc đảng viên, củng cố tư tưởng chuyên chính vô sản, và hỗ trợ cho Cuộc cải cải ruộng đất (CCRĐ). Theo cộng sản, chỉnh huấn là tự phê, tự kiểm, có nghĩa là tự suy nghĩ và nhận xét về những tư tưởng, hành động cũ của mình trong đời sống đã qua, không thích hợp với đường lối cộng sản. Những tư tưởng và hành động nầy bị xem là sai lầm, tội lỗi, được từng cá nhân tự giác ngộ, tự khai và tự đề ra những biện pháp sửa chữa. 

Nói cách khác, chỉnh huấn là đoạn tuyệt với quá khứ và tự nguyện sống theo nguyên tắc cộng sản, hay cũng theo ngôn từ cộng sản là lột xác để trở thành con người cộng sản. Phong trào chỉnh huấn gây nhiều điêu đứng cho giới trí thức, văn nghệ sĩ. Một trong những điêu đứng rất mỉa mai, như lời một đảng viên cộng sản cao cấp ở miền Nam là Nguyễn Văn Trấn viết, đó là:"Họ nói khổ sở không phải là nói ra lỗi lầm, mà khổ sở là phải bịa ra lỗi lầm để bản kiểm thảo được coi là thành khẩn." (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tr. 173.) 

Trong khi đó, với giới nông dân, VM không ra ngoài bài bản của Trung Quốc, mở cuộc CCRĐ, lúc đầu nhẹ tay để mỵ dân, nhất là trong thời gian còn chiến tranh. Khi Trung Quốc viện trợ dồi dào, VM càng ngày càng thắng thế trên chiến trường, VM không còn cần tài lực của giới địa chủ, thì VM tăng cường CCRĐ, mạnh mẽ đấu tố địa chủ. Nơi nào ít có hay không có địa chủ thì đôn các phú nông hay trung nông lên thành địa chủ để đấu tố theo lệnh của cố vấn Trung Quốc.

Do cuộc tranh đấu giai cấp, VM càng ngày càng để lộ bản chất cộng sản. Thế là thời kỳ trăng mật khởi nghĩa đã qua, lá cờ đỏ không còn được che đậy, mà để lộ nguyên hình là lá cờ CS.

2. Đi đến toàn trị

Năm 1949 xảy ra hai biến cố quan trọng. 1) Chính thể Quốc Gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại thành lập ngày 14-6, quy tụ những thành phần chống cộng sản. Những người không cộng sản hay theo chủ nghĩa dân tộc, hồi cư về thành phố, sống dưới chính thể Quốc Gia Việt Nam. 2) Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ngày 1-10. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tăng cường viện trợ mạnh mẽ cho VM cả về lý thuyết lẫn súng ống, võ khí. 

Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, CSVN thành công năm 1954. Hiệp định Genève (20-7-1954) chia hai đất nước, tái lập hòa bình. Việt Minh CS cai trị phía bắc vĩ tuyến 17. Để ổn định xã hội Bắc Việt, ở thành phố CS mở cuộc cải tạo công thương nghiệp, đồng thời chận đứng phong trào đòi hỏi tự do sáng tác của giới văn nghệ sĩ. Ở nông thôn, CS mở lại cuộc CCRĐ.

Trong cuộc cải tạo công thương nghiệp ở thành phố, CS thi hành kế hoạch công tư hợp doanh, nghĩa là tư nhân đưa cơ sở riêng của mình đang kinh doanh, vào hợp doanh với nhà nước. Tất cả mọi doanh gia đều phải vào công tư hợp doanh. Nhà nước không bỏ vốn, chỉ đứng ra tổ chức ban quản lý để điều hành. Mỗi lần một cơ sở tư nhân bước vào quốc doanh, việc đầu tiên là lá cờ đỏ được treo lên tại trụ sở kinh doanh, chứng tỏ là nhà nước đã quản lý cơ sở nầy. Cách thức công tư hợp doanh nầy sẽ tái diễn ở Nam Việt Nam sau năm 1975.

Cuộc đàn áp văn nghệ sĩ không cần viết lại ở đây. Vụ án Nhân văn Giai phẩm quá nổi tiếng. Chỉ xin nhắc lại lá cờ đỏ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của văn nghệ sĩ đến nỗi thi sĩ Trần Dần đã thốt ra: “Tôi bước đi / không thấy phố / không thấy nhà / chỉ thấy mưa sa / trên màu cờ đỏ...”

Ở nông thôn, CS mở lại cuộc CCRĐ, tất cả mọi nông dân phải đưa đất đai của mình vào hợp tác xã nông nghiệp do nhà nước quản lý. Dân chúng chẳng những mất đất mà còn mất mạng nữa. Cho đến nay, số lượng nạn nhân thực sự bị giết trong cuộc CCRĐ chưa được đảng CSVN loan báo chính thức. Số liệu phỏng chừng từ 150,000 đến 200,000 người.

Trong CCRĐ, điều mà người dân lo sợ nhất là những cuộc đấu tố tại các tòa án nhân dân. Việc xét xử không dựa trên luật pháp, mà chỉ theo quyết định tại chỗ của đội CCRĐ, gồm những người do đảng Lao Động (tức đảng CSVN) lập ra. Nạn nhân bị xỉ vả, chửi mắng, phóng uế, bỏ đói khát, phơi nắng mưa, tra khảo. Con tố cha. Vợ tố chồng. Anh chị em tố nhau. Luân thường đạo lý đảo điên, văn hóa suy đồi.

Mỗi lần mở tòa án nhân dân để đấu tố, ban CCRĐ cho đánh trống chiêng ầm ỷ và lá cờ đỏ được giương cao lên để lấy khí thế. "Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,/ Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,/ Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,/ Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt." (Thơ Tố Hữu) (Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa, Sài Gòn 1959, tr. 22.) 

Theo một tài liệu trong nước (không phải của nhà nước CSVN), thì số địa chủ, phú nông bị giết trong cuộc CCRĐ năm 1955-1956 ở Bắc Việt lên đến 172,000 người. (Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II, Hà Nội, Nxb. Khoa Học Xã Hội, tr. 85.) Đó là chưa kể những người bị tù đày, bị gởi vào các trại cải tạo, bị sỉ nhục cả gia đình, bị đuổi việc, đuổi học, con cái bị người ngoài xa lánh…Trong suốt lịch sử Việt Nam, chưa có cuộc diệt chủng nào lớn hơn cuộc CCRĐ lần nầy của đảng LĐ.

Tất cả những chủ trương trên đây chỉ nhắm mục đích duy nhất là tóm thâu quyền lực toàn trị vào tay đảng LĐ tức đảng CSVN, bất chấp đạo lý dân tộc, bất chấp tội ác phi nhân. Lá cờ đỏ là thế đó.

3. Lớn nhất và lạ lùng nhất trong lịch sử

Chiếm được một nửa đất nước năm 1954, Hồ Chí Minh và đảng CS vẫn nuôi ý định tiếp tục chiến tranh chống miền Nam, quyết tâm làm chủ hoàn toàn Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế với Liên Xô và Trung Quốc. 

Nguyên trước khi ký kết hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai đất nước, Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động (Khóa II) ngày 15-7-1954, trình bày mục tiêu chiến đấu mới của CSVN. Hồ Chí Minh tuyên bố: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Miên Lào...Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7: 1953-1955, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 314-315.) Chủ trương chĩa mũi nhọn vào Mỹ làm nhiệm vụ quốc tế về sau được Lê Duẫn khẳng định: “Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Trung Quốc, cho Liên Xô.”(Nguyễn Mạnh Cầm (ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000) trả lời phỏng vấn BBC ngày 24-1-2013.)

Muốn tiếp tục chiến tranh, Bắc Việt cần được viện trợ từ các nước cộng sản, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, nên Bắc Việt cần phải lấy lòng hai nước nầy để cầu xin viện trợ. Cơ hội tốt là vào ngày 4-9-1958, Trung Quốc ra tuyên cáo xác định hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý. Tuyên cáo gồm 4 điểm, trong đó điểm 1 và điểm 4 cố ý lập lại và mặc nhiên khẳng định chắc chắn rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (vốn của Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Quốc và gọi theo tên Trung Quốc là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức Trường Sa]. 

Tuyên cáo xác định hải phận là chuyện của Trung Quốc. Không nước nào trên thế giới trả lời bản tuyên cáo nầy trừ Bắc Việt. Ngày 14-9-1958, không có gì bắt buộc phải trả lời, thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng, với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng Lao Động (tức đảng CSVN), gởi công hàm cho Trung Quốc “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc”. Điều nầy có nghĩa là nhà nước Bắc Việt cộng sản tự động công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc theo điểm 1 và điểm 4 của tuyên cáo Trung Quốc. Trong lịch sử, so với Trần Ích Tắc (nhà Trần), Lê Chiêu Thống (nhà Hậu Lê) thì việc nhượng đảo do tổ tiên để lại của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và đảng LĐ là tội phản quốc lớn lao hơn nhiều.

Với chủ trương chĩa mũi dùi vào Mỹ, Đại hội III đảng Lao Động năm 1960 quyết định phát động chiến tranh chống miền Nam, chống Mỹ cứu nước. Thật là khôi hài ở chỗ lúc đó (1960) Mỹ chưa đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Quân Mỹ chỉ vào miền Nam Việt năm 1965, nhằm giúp Nam Việt sau khi Bắc Việt xâm lăng Nam Việt. Năm 1960, quân Mỹ chưa có mặt mà tại sao lại chống Mỹ cứu nước? 

Vì tham vọng quyền lực và vì làm nhiệm vụ quốc tế mà đảng LĐ phát động chiến tranh 1960-1975, cướp đi hàng triệu sinh mạng Việt Nam và làm cho đất nước đổ vỡ tan tành. Sau ngày 30-4-1975, khi lá cờ đỏ xuất hiện ở các thành phố miền Nam Việt Nam, hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do. Khoảng nửa triệu người Việt bỏ mình trên Biển Đông. Biển Đông trở thành nghĩa địa biển lớn nhất thế giới, ghi dấu thêm thành tích tội ác của CS.

Sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc là cường quốc cộng sản số 1. Đảng CSVN quay qua cầu cạnh Trung Quốc. Hội nghị Thành Đô (Chengdu), thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vào hai ngày 3 và 4-9-1990 giữa Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Lý Bằng (Li Peng), đại diện Trung Quốc và Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng (đại diện Việt Nam), ký kết “Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước”, nhưng nội dung không được công bố. 

Vì không công bố nội dung, nên phía Trung Quốc dùng lý của kẻ mạnh, giải thích mật ước Thành Đô theo chủ trương của Trung Quốc. Đây không khác gì là một hình thức bán nước không văn tự lạ lung nhất trong lịch sử Việt Nam. Dân tộc Việt Nam phải gánh chịu hậu quả của một mật ước mà mình không biết gì cả. 

Rõ ràng với việc nhượng đảo, việc bán nước không văn tự ở Thành Đô, lá cờ đỏ không thể chạy tội phản quốc lớn lao, lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam.

4. Tại sao ở Hải Ngoại

Như thế, hiểm họa Trung Quốc ngày nay là do tội phản quốc của Hồ Chí Minh, của Phạm Văn Đồng, của Nguyễn Văn Linh, nói chung là của đảng CSVN, rước voi về giày mồ. Khi nhận thấy Trung Quốc càng ngày càng hoành hành, luật sư trẻ Lê Chí Quang viết bài “Hãy cảnh giác với Bắc triều” và đưa lên mạng lưới toàn cầu ngày 1-10-2001, thì anh bị bắt giam vào tháng 2-2002. 

Từ đó, tất cả những ai viết những gì chống Trung Quốc đều bị bắt giam. Danh sách rất dài, kể ra đây sợ thiếu. Chỉ xin đưa ra vài trường hợp tiêu biểu. Năm 2011, nhạc sĩ Việt Khang sáng tác hai bài “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu?” cũng bị cầm tù. Năm 2013, nữ sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên bị đưa ra tòa án chỉ vì câu viết “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”... 

Ngày 2-5-2014, Trung Quốc đem giàn khoan 981 đến cắm tại vùng biển gần đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa, khiến chân chúng trong nước uất ức nổi lên biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc. Nhà cầm quyền CSVN lo ngại, cho lồng người vào đoàn biểu tình để phá đám. Kẻ lạ cũng lợi dụng biểu tình để cướp giật, phá hoại những cơ sở sản xuất của Đài Loan và Nhật Bản. Thế là dựa vào đó, nhà nước CS liền dẹp các cuộc tụ tập đông người, cho công an giả dạng du côn hành hung, đánh phá đám đông đả đảo Trung Quốc. 

Vừa làm tay sai cho Trung Quốc, vừa lo sợ áp lực của Trung Quốc, nhà cầm quyền CSVN không cho phép biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước, nhưng trong tháng vừa qua, tại sao lại có các cuộc biểu tình ở hải ngoại mang cờ đỏ của chế độ Hà Nội chống Trung Quốc xâm lăng? 

Thứ nhất, phải kể là có nhiều du học sinh Việt thực lòng yêu nước, cảm thấy uất hận khi đất nước bị xâm lăng, nên muốn tổ chức hoặc tham gia biểu tình để chống Trung Quốc. Thứ hai, nhà cầm quyền Hà Nội muốn nhân cơ hội nầy, kích động lòng yêu nước nhằm cầu hòa tức hòa giải hòa hợp với Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. Thứ ba, đây là yếu tố chính, nhà cầm quyền Hà Nội muốn nhân cơ hội nầy trình làng lá cờ đỏ của CS với Cộng đồng và với thế giới. Từ trước đến nay, lá cờ đỏ chỉ du dú trong các Tòa đại sứ hay các Tòa lãnh sự CSVN trên thế giới. Đây là hoàn cảnh thuận tiện hiếm có để lộ diện. Cần chú ý là trong cộng đồng người Việt hải ngoại, có khá nhiều thanh thiếu niên sinh trưởng ở nước ngoài, chưa thấy lá cờ đỏ của CS.

Sau các cuộc biểu tình cờ đỏ ở Đức, Pháp, Canada... thì báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình trong nước tuyên truyền rộng rãi rằng đây là cộng đồng người Việt ở nước ngoài biểu tình chống Trung Quốc với cờ đỏ cầm tay. Khi loan tin nầy, báo nào ở trong nước cũng nhấn mạnh các chữ “Cộng đồng người Việt ngoài nước”. Dân chúng trong nước đọc, xem hay nghe các bản tin nầy, sẽ lầm tưởng rằng cộng đồng người Việt hải ngoại cầm cơ đỏ biểu tình, trong khi thật sự chỉ có một số du học sinh và nhân viên các Tòa đại sứ hay lãnh sự CS mới cầm cơ đỏ mà thôi. 

Riêng tại Montreal, trong cuộc biểu tình cờ đỏ ngày 25-5-2014, khi được hỏi lý do tham dự biểu tình thì một nữ du học sinh bảo rằng đây là lệnh của Tòa đại sứ Việt Nam ở Ottawa, vì số du học sinh Việt Nam ở Montreal đông nhất ở Canada, khoảng 200 người, chưa kể nhân viên của nhà nước CS và gia đình. Đặc biệt là truyền thông trong nước đưa tin nầy, mà quên không đưa thêm tin là phía bên kia đường, đối diện với nhóm biểu tình cờ đỏ, cũng có một đoàn biểu tình tự phát của dân địa phương, đưa cao khẩu hiệu là CSVN bán nước, đàn áp nhân quyền...

Tại Ottawa ngày 31-5-2014, cũng câu hỏi đó, thì một du sinh trả lời: “Thật khổ tâm cho tụi em, lệnh của Tòa đại sứ, không đi biểu tình thì không được, mà đi biểu tình thì tụi em lại cũng sợ, vì các Tòa đại sứ Tàu cũng như Việt đều có máy quay phim trá hình như các ngọn đèn, đặt trước Tòa đại sứ, lén thu hình tất cả những ai đứng trước hay đi vào Tòa đại sứ. Lại có tình báo Trung Quốc lẫn lộn trong đám du học sinh của tụi em nữa. Tình báo Trung Quốc biết được thì cũng nguy hiểm cho gia đình tụi em ở Việt Nam và nguy hiểm cho chính tương lai của tụi em vì sau nầy về Việt Nam làm việc, làm sao giao thiệp với các cơ quan Trung Quốc. Mấy ông lớn còn sợ Trung Quốc, huống gì là tụi em. Xin thông cảm cho tụi em.”

Riêng tại Toronto, khi Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Ontario cùng Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội Toronto dưới lá cờ Vàng tổ chức biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng ngày 11-5-2014 trước Tòa lãnh sự Trung Quốc, thì có một số du học sinh Việt Nam xin tham dự. Ban tổ chức đưa lá cờ Vàng cho các em cầm, thì các em tâm sự:“Vì yêu nước, tụi cháu đến tham dự, nhưng tụi cháu không dám cầm cờ Vàng, sợ bị chụp hình thì Tòa đại sứ đuổi về. Tụi cháu chỉ cầm biểu ngữ chống Trung Quốc mà thôi.” Ban tổ chức rất hoan hô tinh thần của các em.

Anh chị em du học sinh rất có tinh thần yêu nước, nhưng anh chị em hãy chú ý là chính lá cờ đỏ đã rước Trung Quốc vào Việt Nam, cũng chính lá cờ đỏ đàn áp người trong nước viết bài hay biểu tình chống Trung Quốc, thế thì tại sao ở hải ngoại các Tòa đại sứ và lãnh sự CSVN tổ chức biểu tình chống Trung Quốc? Nói trắng ra, đây là âm mưu của CSVN nhắm nhân cơ hội nầy ra mắt lá cờ đỏ của CSVN. Xin anh chị em đừng dễ dàng để các Tòa đại sứ lợi dụng làm công cụ trình diễn lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ máu của chế độ diệt chủng và bán nước. Như thế, anh chị em sẽ bị mang tiếng đồng lõa với chế độ CSVN.

Anh chị em bị nhồi sọ từ nhỏ ở trong nước. Chuyển đổi tư tưởng là một quá trình khó khăn và lâu dài. Tuy nhiên, ra nước ngoài du học, có cơ hội học cao hiểu rộng, đọc nhiều sách báo, tiếp xúc rộng rãi, anh chị em có dịp so sánh các chế độ dân chủ trên thế giới với chế độ hiện nay ở trong nước, tại sao anh chị em không nghĩ rằng đã đến lúc anh chị em phải dứt khoát với lá cờ đỏ, là lá cờ của đã trải qua một hành trình đầy tội ác với chế độ CSVN, một chế độ độc tài, tàn bạo, phi nhân, diệt chủng và phản quốc?

Có thể vì hoàn cảnh du học sinh, anh chị em chưa làm gì được, thì khi về nước, anh chị em hãy cùng với dân tộc tranh đấu giải thể lá cờ đỏ và chế độ CSVN. Nếu không, Việt Nam sẽ không thoát khỏi nguy cơ Hán thuộc trong thời gian sắp đến. 

(Toronto, Canada)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi