mardi 10 septembre 2013

Công an khủng bố Công giáo Nghệ An: khởi tố 3 vụ án


VINH 9-9 (NV) -
 Công an Nghệ An công bố quyết định khởi tố ba vụ án hình sự, xảy ra tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc. Có một số dấu hiệu cho thấy đây là hình thức khủng bố tinh thần.
Những thánh lễ với không khí như thế này tại giáo xứ Bình Thuận đã diễn ra tại tất cả các nhà thờ trong Giáo phận Vinh Thứ Bảy và Chủ Nhật vừa qua. (Hình: Truyền thông Dòng Chúa Cứu thế)

Ba vụ án hình sự được xác định là đã xảy ra trong các ngày 30 tháng 8, 3 tháng 9 và 4 tháng 9. Những “vụ án hình sự” này liên quan đến việc giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên, Giáo phận Vinh vây trụ sở xã Nghi Phượng yêu cầu thả hai giáo dân mà công an đã bắt giữ trái phép.
Thông thường, đi kèm theo các quyết định “khởi tố vụ án” sẽ là quyết định “khởi tố bị can” (những người được xác định là đã phạm tội và tội họ đã phạm tạo thành vụ án), song lần này, tuy Công an Nghệ An loan báo là đã thu thập đủ chứng cứ và bắt giữ hàng chục “đối tượng”, mà hành vi cho thấy đã phạm vào các tội: “gây rối trật tự công cộng”, “giữ người trái pháp luật”, “chống người thi hành công vụ”, song Công an Nghệ An chưa công bố quyết định khởi tố bất kỳ “bị can” nào đã gây ra ba “vụ án” vừa kể.
Quyết định khởi tố ba vụ án hình sự vừa kể được đưa ra vào chiều thứ bảy, 7 tháng 9 là thời điểm hệ thống công quyền Việt Nam nghỉ cuối tuần nhưng lại là ngày sát thời điểm mà Giám mục Nguyễn Thái Hợp, đề nghị giáo dân Giáo phận Vinh cùng “cầu nguyện, dâng những hy sinh cũng như có những hành động cụ thể biểu lộ sự hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên và tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực” (Chủ nhật 8 tháng 9).
Tuy có nhiều giáo dân bị lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đánh trọng thương nhưng chính quyền vẫn phủ nhận đã thẳng tay đàn áp thường dân. (Hình: Truyền thông Dòng Chúa Cứu thế)

Cũng trước ngày 8 tháng 9, hệ thống truyền thông Việt Nam đã đồng loạt nhập cuộc để phản bác Giám mục Nguyễn Thái Hợp và nội dung Thư chung của vị giám mục này.
Vụ Mỹ Yên, Nghệ An khởi đầu từ cuối tháng 5. Hôm 22 tháng 5, giáo dân của giáo xứ Mỹ Yên đã bắt ba người đàn ông mặc thường phục, khi cả ba vô cớ gây khó khăn cho những gíao dân về Linh địa Trại Gáo dự lễ. Lúc bị bắt, cả ba người đàn ông này mới thú nhận họ là sĩ quan an ninh của Công an tỉnh Nghệ An. Vì không thể giải cứu ba sĩ quan an ninh, Công an tỉnh Nghệ An đã nhờ Tòa Giám mục Xã Đoài can thiệp với giáo dân.
Khi công kích Giám mục Nguyễn Thái Hợp hồi cuối tuần qua, hệ thống truyền thông Việt Nam không dám phủ nhận vai trò của ông trong việc giải cứu ba sĩ quan an ninh nhưng lại xoay sang chỉ trích ông đã “uy hiếp” ba sĩ quan an ninh này để họ phải ký vào biên bản, xác nhận đã vi phạm pháp luật Việt Nam (giấu lai lịch, mặc thường phục, quấy nhiễu, ngăn cản giáo dân tham dự sinh hoạt tôn giáo).
Khoảng một tháng sau sự kiện 22 tháng 5, có hai giáo dân của Giáo xứ Mỹ Yên là ông Ngô Văn Khởi và ông Nguyễn Văn Hải đột nhiên mất tích. Cuối cùng, Công an tỉnh Nghệ An mới xác nhận đang giam giữ hai ông này và đã khởi tố cả hai về tội “gây rối trật tự công cộng”. Cũng vì vậy, giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên đã phản đối kịch liệt việc bắt người trái pháp luật.
Lúc vừa xảy ra vụ đàn áp giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên hôm 4 tháng 9, trong bài “Xung quanh vụ gây rối ở Nghi Phương (Nghi Lộc): Ông Nguyễn Thái Hợp đã làm gì ?!”, “Cổng thông tin điện tử Nghệ An” tiết lộ, Công an Nghệ An đã đề nghị Giám mục Nguyễn Thái Hợp bảo lãnh cho ông Khởi và ông Hải nhưng Giám mục Nguyễn Thái Hợp không đồng ý. Chưa hiểu vì sao “Cổng thông tin điện tử Nghệ An” lại công bố chi tiết này, khai thác nó để chỉ trích Giám mục Nguyễn Thái Hợp “thiếu thiện chí” khi “đòi thả người vô điều kiện” và “đòi điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra sự kiện ngày 22 tháng 5 năm 2013” (vì sao ba sĩ quan an ninh lại bị giáo dân bắt giữ).
Sau khi xảy ra vụ đàn áp giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên hôm 4 tháng 9, tại khu vực trụ sở xã Nghi Phương, trả lời các cơ quan truyền thông quốc tế, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói rằng, có những dấu hiệu cho thấy, chính quyền tỉnh Nghệ An đã dàn dựng vụ việc để thẳng tay đàn áp. 
Khởi đầu, chính quyền hứa sẽ thả hai người mà Công an Nghệ An đã bắt cóc rồi khởi tố họ về tội “gây rối trật tự công cộng”. Khi giáo dân tập họp để đón người thì có nhiều kẻ lạ mặt trà trộn trong giáo dân, đột nhiên dùng đá ném vào công an, tạo cớ cho công an, bộ đội, dân quân xông vào đàn áp giáo dân.
Trong loạt bài tấn công Giám mục Nguyễn Thái Hợp trước ngày 8 tháng 9, hệ thống truyền thông xác nhận, chính quyền địa phương có một văn bản hứa sẽ đề nghị thả ông Ngô Văn Khởi và ông Nguyễn Văn Hải. Tuy nhiên, hệ thống này cho rằng, các viên chức chính quyền địa phương đã bị “ép” ký, còn tha hay giam giữ là quyền của công an, nên văn bản của chính quyền địa phương “vô giá trị” (bài “Lại diễn trò vu khống, kích động”, báo Nghệ An, ngày 7 tháng 9).
Trước ngày 8 tháng 9, Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An và Đài Truyền hình quốc gia của Việt Nam, phát một video clip, ghi lại hình ảnh nhiều người ném đá vào lực lượng vũ trang của tỉnh Nghệ An, khi lực lượng này bao vây giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên tại trụ sở xã Nghi Phương để lên án giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên, “chống người thi hành công vụ.
Mấy người phụ nữ ném đá về phía Công an ở trước trụ sở xã Nghi Phương buổi chiều ngày Thứ Tư 4/9/2013 đều che mặt và mặc loại áo chống nhiệt, giáo dân và tòa giám mục Xã Đoài phủ nhận họ là giáo dân. (Hình chụp lại từ youtube clip của đài truyền hình Nghệ An)

Một số blogger và facebooker đã so sánh bộ dạng những người ném đá vào lực lượng vũ trang hôm 4 tháng 9 với những người đã vây bà Nguyễn Thị Hóa - mẹ ông Nguyễn Đình Cương – một trong 14 thanh niên Công giáo, Tin lành bị hệ thống Tòa án Việt Nam kết án “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” – khống chế bà để chích một loại  thuốc không rõ tác dụng hôm 23 tháng 5. Những người ném đá vào lực lượng vũ trang của tỉnh Nghệ An giống hệt những người đã vây, khống chế, chích thuốc vào người bà Hóa: Mặc áo chống nắng có mũ trùm đầu và đeo khẩu trang bịt kín mặt!
Những người mặc áo chống nắng đội mũ trùm kín đầu, bịt mặt bằng khẩu trang, vây và khống chế bà Nguyễn Thị Hóa để chích một loại thuốc không rõ tác dụng trong phiên tòa xử con bà hồi cuối tháng 5. Nhiều người trong bộ dạng giống hệt như vậy đã liệng đá vào lực lượng vũ trang Nghệ An hôm 4 tháng 9 để lực lượng này xông vào đàn áp giáo dân Mỹ Yên. (Hình: facebook Dũng Huy)

Có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, đợt khủng bố tinh thần của chính quyền Việt Nam đối với giáo dân Giáo phận Vinh bằng ba quyết định “khởi tố vụ án” và sự tấn công trực diện vào Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã thất bại. Trong ngày chủ nhật 8 tháng 9, khoảng 200 giáo xứ với gần 500 ngàn giáo dân ở Giáo phận Vinh vẫn công khai  “cầu nguyện, dâng những hy sinh cũng như có những hành động cụ thể biểu lộ sự hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên và tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực”. Hình ảnh về những thánh lễ này cho thấy, các nhà thờ đầy ắp giáo dân, tất cả cùng thắp nến cầu nguyện bên cạnh những băng rôn ghi: “Đồng hành cùng anh chị em Mỹ Yên”, “Trong lời cầu nguyện, hiệp thông, liên đới”, “Phản đối chính quyền tỉnh vu khống cha tôi”.
Một số người chuyên quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam nhận định, chính quyền Việt Nam đang sử dụng các biện pháp khủng bố tinh thần để thăm dò phản ứng của giáo dận Giáo phận Vinh nói riêng và Công giáo Việt Nam nói chung. Do hoang mang về hậu quả, chính quyền chỉ dám “khởi tố vụ án”, chứ không khởi tố thêm bất kỳ bị can nào vì điều đó có thể là giọt nước làm tràn ly như ly “Mỹ Yên” đã từng tràn khi công an bắt cóc, rồi khởi tố hai ông  Ngô Văn Khởi và ông Nguyễn Văn Hải hồi cuối tháng 6.
Giáo phận Vinh có khoảng 200 giáo xứ với 500 ngàn giáo dân, đa số cư trú tại Nghệ An, phần còn lại sống ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Những sinh hoạt chính trong giáo phận này thường qui tụ hàng trăm ngàn giáo dân. Hôm 4 tháng 9, thánh lễ truyền chức giám mục cho Giám mục phụ tá Nguyễn Văn Viên, tại nhà thờ Xã Đoài, có đến 200 ngàn giáo dân tham dự.   
Trong vài năm gần đây, giáo dân Giáo phận Vinh đã từng nhiều lần tỏ ra bất phục những nỗ lực áp đặt của quyền lực thế tục lên niềm tin của họ. Nhiều vụ phán kháng như Tam Tòa (Quảng Bình, 2009), Cầu Rầm (Nghệ An. 2011), Quỳ Châu (Nghệ An, 2012), Con Cuông (Nghệ An, 2012), Trại Gáo (Nghệ An, 2013) đã từng khiến chế độ Hà Nội lúng túng. (G.Đ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi