jeudi 14 mars 2013

Không xứng đáng là dân biểu!

Thất Lĩnh (Danlambao) - Hàng loạt thông tấn báo chí lề phải hôm 14.3 đã đăng ý kiến góp ý của ĐBQH Thái Bình Phạm Xuân Trường rằng: “cách tốt nhất là nên giữ nguyên nội dung điều 4 như Hiến pháp hiện hành bởi nếu không thêm bớt gì thì vai trò, vị trí của điều 4 vẫn tồn tại một cách đương nhiên như lâu nay. Trong khi đó, việc bổ sung một số nội dung được cho là mới mẻ thực chất lại gây ra những tranh cãi không đáng có và tự nhiên làm cho mọi chuyện thành “có vấn đề”
Đây là một ý kiến a dua xu nịnh và không xứng đáng với tư cách một dân biểu.
Qua câu nói này, vị đại biểu của Thái Bình muốn khẳng định nhà nước có quyền muốn làm gì thì làm, thậm chí những cái không được người dân đồng tình mà đi ngược với lợi ích của đảng cai trị thì cứ nhắm mắt làm tới, không cần nghe ý dân. Ông ta đã biện bạch rằng khi tiếp xúc với cử tri, không nghe ai nói đến ý kiến việc đòi bỏ điều 4 hiến pháp. Vì vậy, điều 4 đã sẵn đó thì việc gì phải hỏi ý kiến và sửa đổi và bổ sung. Việc người dân có chất vấn ông ta điều đó hay không chắc chỉ mỗi mình ông ta biết. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, ngoài những chiến sỹ yêu chuộng tự do dân chủ can đảm lên tiếng cho bình quyền, bình đẳng, người dân thường khó mà chỉ thẳng mặt một quan chức mà nói: chế độ này quá bất bình dẳng nên luật pháp cần thay đổi. Bởi vì, họ ngại xiềng xích và tù ngục của cộng sản. Người dân Việt Nam đang sống trong tâm trạng khẩu phục mà tâm không phục. 
Khi đòi giữ nguyên điều 4 hiến pháp, ông Trường cố ý phớt lờ đến kiến nghị của 79 công dân đòi bỏ điều 4, mà giờ đây con số người ký tên đồng thuận lên đến hàng ngàn người. Cũng có nghĩa, ông ta xem Tuyên bố của các Công Dân Tự Do là không tồn tại, cho dù cuộc vận động này thu hút rất nhiều người tự nguyện tham gia. Tất cả những con người đang lên tiếng bằng chữ ký ấy đều là người dân. Thiết nghĩ một ĐBQH theo đúng nghĩa nguyên thủy của nó là đại diện cho người dân, thay mặt người dân nói lên những tâm tư nguyện vọng của mình trước chính quyền. Vì vậy, cái cách phát biểu của đại biểu Thái Bình chẳng khác nào là đại diện của giai cấp lãnh đạo nắm quyền cai trị?
Nhìn một góc độ khác, kiểu nói này của đại biểu trường là một sự phê phán sự kêu gọi góp ý sửa đổi hiến pháp của đảng cộng sản Việt Nam. Trong khi đảng cộng sản đang cố gắng “phát huy tính dân chủ” cho dù chỉ là hình thức, thì “đại diện” của nhân dân có ý nói làm điều này chi cho phiền toái?! Quả tình không thể hiểu nỗi đại biểu Trường đại diện cho ai và tầng lớp nào qua phát biểu này? Với tư chất ấy đại biểu Thái Bình xứng đáng ngồi vào ghế trưởng ban tư tưởng trung ương hơn là làm đại biểu quốc hội.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi