dimanche 3 mars 2013

Bêu rếu tử tội trên truyền hình: Đại cường Trung Quốc muốn dằn mặt

REUTERS /China Daily
REUTERS /China Daily

« Cái chết trực tiếp trên truyền hình Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh, nói về việc hôm qua 01/03/2013 chính quyền đã cho chiếu trực tiếp trên truyền hình những giây phút cuối cùng của bốn tử tội trước khi hành quyết họ.

Tác giả bài báo cho biết chương trình trực tiếp này kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ trên kênh truyền hình quốc gia. Lần lượt ba tội phạm người Miến Điện, Thái Lan, Lào và một người khác không quốc tịch bị diễu ra trước các ống kính truyền hình, và vô số phóng viên ảnh chạy tới chạy lui để tìm góc chụp ưng ý nhất. 
Tử tù đầu tiên, Naw Kham người Miến Điện, được cho là thủ lãnh của băng nhóm đã giết 13 thủy thủ Trung Quốc trên sông Mêkông, được đưa ra khỏi xà lim ở Côn Minh. Tay bị còng, bị công an đội nón sắt áp tải, hai cánh tay bị các công an viên mang găng trắng nắm chặt, người tù mỉm cười trước các nhà báo đang chờ đợi.
Người ta tháo còng cho Naw Kham, rồi trói lại bằng một sợi dây thừng màu nâu. Sợi thừng được khéo léo luồn qua cổ và đôi tay bắt chéo sau lưng để buộc người tử tù phải cúi đầu xuống như là đang hối hận. Rồi đội áp giải đưa anh ta ra ngoài, đẩy mạnh vào chiếc xe là nơi dùng để hành quyết. Hoạt cảnh chết chóc này được ngưng tại đây, rồi lặp lại với ba tử tù tiếp theo. 
« Tất cả đều diễn ra theo luật pháp, và chỉ theo luật pháp », bình luận viên truyền hình không ngớt nhắc đi nhắc lại như thế. Nhưng Libération cho biết, cách nhìn này không hề được các luật gia đồng tình. Luật sư Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) tại Bắc Kinh nói với hãng tin Reuters : « Bêu các tội phạm bị án tử hình ra trước công chúng như thế bị cấm đoán theo điều 252 Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc». 
Trung Quốc đã ngưng hành quyết công khai trong thập niên 80. Trước đó, các tử tội phải mang những tấm bảng có tên họ bị gạch bỏ bằng mực đỏ, đi diễu trên đường phố. Vào thời ấy mỗi năm có hàng chục ngàn người bị xử tử, thường là bằng một viên đạn bắn vào sau ót, và thân nhân họ phải trả chi phí tượng trưng một đồng nhân dân tệ. 
Việc hành quyết cũng được tiến hành tại các bệnh viện, dưới lưỡi dao mổ của các bác sĩ để lấy đi các bộ phận nội tạng của cơ thể tử tù. Như Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu) đã nhiều lần nhìn nhận, mới cách đây vài năm, tử tội vẫn là nguồn duy nhất cung cấp nội tạng để cấy ghép. Tháng trước, ông này cam đoan rằng từ nay tử tù Trung Quốc chỉ cung ứng có « hơn 65% » số bộ phận cơ thể cho việc ghép tạng. 
Còn các phiên xử công khai thì kéo dài đến thập niên 90, cho đến khi Nhà nước nhận thấy là cung cách này bất lợi cho hình ảnh của Trung Quốc. Cũng là để đánh bóng hình ảnh, mà từ cách đây hơn chục năm Bắc Kinh bắt đầu việc xử tử bằng cách chích thuốc độc, song song với việc xử bắn. Luật Tố tụng Hình sự cũng được sửa đổi để bảo vệ phẩm cách của phạm nhân. 
Libération đặt câu hỏi, thế thì tại sao chính quyền lần này lại chọn lựa một bước lùi, khi tổ chức cuộc trình diễn cái chết rình rang như thế vào hôm qua ? 
Theo tác giả, thì việc người nước ngoài sát hại 13 người Trung Quốc, được đại cường mới này xem là một sự đối đầu. Bắc Kinh đã cố dùng mọi cách để truy lùng cho bằng được các thủ phạm, thậm chí còn nghĩ đến phương án sử dụng máy bay không người lái vũ trang để bắn hạ họ. Cuối cùng thì Trung Quốc cho gởi một đội biệt kích đến Lào để bắt sống, với sự trợ giúp của chính quyền địa phương. 
Bài báo kết luận, nhằm chứng tỏ sự hiệu quả và kiên quyết của mình, Bắc Kinh đã quyết định rửa nhục cho đến cùng, và bằng mọi giá !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi