Trước khi giăng bẫy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ông đầu nậu trong BCT đã cẩn thận chặn họng “dân
đen” là “bỏ Điều 4 là tự sát”, “chỉ có quyền sở hữu toàn dân, chứ không
thể có quyền sở hữu tư nhân về đất đai”, “không thể có báo chí tư
nhân”, “không thể có đảng phái đối lập”, “không thể có đa nguyên, đa
đảng”, “quân đội và công an là của đảng, không thể khác được”, “kinh tế
quốc doanh là chủ đạo”, “nhà nước ta không tam quyền phân lập”... Sau đó, các ông mới cho kẻ bề tôi Phan Trung Lý, trưởng ban dự thảo sửa đổi “hiến pháp”, ra sân khấu giở giọng đường mật rằng
“Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nên nhân dân có vai trò
rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi hiến pháp”. Ông Lý dụ
dỗ người dân mạnh dạn góp ý, “không có điều gì cấm kỵ hết”, kể cả Điều
4! Tổng bí thư lúc này đắc chí nghĩ rằng diệu kế này của BCT chắc chắn
sẽ thành công mỹ mãn...
Nào ngờ, “đám dân đen” bất trị của thời đại bùng nổ thông tin bảo nhau
ào ào góp ý kiến, mà... khốn nạn thay, những ý kiến đó hầu hết lại ngược
với những điều răn đe, cấm kỵ của “đảng ta”. Tệ hơn nữa, ngày
04.02.2013, một phái đoàn thay mặt cho 72 vị nhân sĩ, trí thức, kể cả
một số vị vốn là cựu đại thần của “triều đình” CS, đã đến “quốc hội”
trang trọng trao kiến nghị và kèm theo cả một bản dự thảo hiến pháp,
dường như để làm vật “đối chứng” cho toàn dân dễ bề đối chiếu với dự
thảo hiến pháp sắp đưa ra của “đảng ta”. Khách quan mà nói, dự thảo hiến
pháp của các vị nhân sĩ, trí thức khá dân chủ và tiến bộ, nên gần như
hầu hết các điều quan trọng trong đó đều chống lại tất cả những điều mà
Tổng bí thư và các ông lớn “đảng ta” đã răn đe! Chẳng hạn, nó khẳng định
quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân, toàn dân phải phúc quyết hiến
pháp; nó xác quyết quyền con người đã ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế
về nhân quyền (1948)... được tôn trọng và bảo vệ; nó công nhận quyền sở
hữu tư nhân về đất đai, quyền lập hội, lập nghiệp đoàn... Nó khẳng định
các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi
ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Tệ hơn nữa,
nó vứt bỏ hoàn toàn cái Điều 4 thiêng liêng của “đảng ta” mà ghi rõ là
các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động, quyền đối lập
chính trị được tôn trọng, pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng
phái chính trị!
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâm ra bối rối... Lẽ ra, ông phải bình tĩnh
để cho “đám dân đen” góp cho hết ý cho đến cuối tháng ba này để “đảng
ta”, “phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân
dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của
nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp” (đúng nguyên văn),
nhưng... chưa hết ba tháng góp ý thì ông Trọng đã đùng đùng phản ứng
mạnh mẽ, tung ra những lời răn đe đối với những ai góp ý không đúng với
đường lối “đảng ta”. Cái “lú” của ông Trọng lộ ra ở đây! Ông là một nhà
lý luận kiệt xuất của “đảng ta”, mà lời lẽ buộc tội của ông thì hàm hồ,
cửa quyền, trịch thượng, thiếu hẳn chất lý luận, hoàn toàn không có sức
thuyết phục nào. Ông lớn tiếng hô: “phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp”,
nhưng lãnh đạo thế nào thì không thấy ông chỉ đạo. Chẳng lẽ ông ra lệnh
cho các đồng chí của ông bịt miệng “đám dân đen”, bằng cách công khai
tuyên bố rõ những vấn đề a, b, c... này thì “đảng ta” cấm không ai được
nói đến. Nếu thế thì trắng trợn quá và “hơi bị” trái với lời tuyên bố
của kẻ bề tôi Phan Trung Lý! Mà không làm độc đoán thì làm sao ngăn được
“đám dân đen” lắm mồm nói đến những vấn đề thiết thân của họ, tức là
chạm đến những điều “đảng ta” cấm kỵ? Tự do ngôn luận kia mà!
Để thấy rõ tính chất nghèo nàn về mặt lý luận của nhà lý luận kiệt xuất
của “đảng ta” trong những lời rao giảng của ông tại Phú Thọ được phát đi
trên Chương trình VTV1 hôm 25.02.2013, chúng tôi xin ghi lại nguyên văn
ở đây:
"Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy.
Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa.
Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai
trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam
quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không?
Người ta đang có những quan điểm đấy!
Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng nữa. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa, chỉ ở đâu nữa nào?
Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?! Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này".
Cái chữ “xử lý” này làm mọi người nhớ lại, trước đó, vào ngày
28.12.2012, cũng chính Tổng bí thư đã giao nhiệm vụ cho lực lượng công
an và quân đội phải “ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước”.
Xem ra những lời đe dọa đó ngày nay không còn “thiêng” nữa, không làm
“đám dân đen” bất trị khiếp sợ như xưa. Sau khi Chương trình VTV1 tung
ra bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 25.02, thì ngay
trong tối hôm đó, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia Đình & Xã Hội
liền tung lên một bài phê phán thẳng thừng ông Nguyễn Phú Trọng với
những lý lẽ đanh thép, lập luận vững chắc. Đây là cú đấm thôi sơn vào
mặt Tổng bí thư. Đáp lại, như mọi khi, “đảng ta” liền hèn hạ đánh nhà
báo một “cú dưới thắt lưng”: đuổi việc! Chắc rồi đây sẽ còn “bồi” thêm
vài quả đấm nào nữa đây. Nhưng hành vi trả thù này của “đảng ta” chỉ làm
Tổng bí thư rơi mặt nạ, lộ rõ bộ mặt thật đốn mạt, dối trá, bịp bợm của
một kẻ độc tài đuối lý. Còn nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là một nhà báo
cương trực, can đảm, khẳng khái thì được rất nhiều người ở khắp nơi hoan
hô khâm phục. Nhưng anh đã khiêm tốn nói: “bài viết của tôi là rất bình thường, nó thật sự bình thường, không có gì to tát cả”, “bài này cũng như những bài khác trên blog hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức” mà viết thôi. Cuối năm ngoái, anh có bài thơ, kết thúc bằng mấy câu rất giản dị: nếu một ngày tôi phải vào tù,/ thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,/ bởi vì tôi khao khát tự do.
Tấm gương cương trực của Nguyễn Đắc Kiên nhanh chóng lan tỏa mạnh trong nhiều người cũng “khao khát tự do” như anh, nhất là thế hệ @ hăng say trong và ngoài nước. Mới đây, đã có “Lời Tuyên bố của các Công dân Tự do”, sát cánh bên nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, đã “kêu gọi các công dân khác cùng với chúng tôi đồng tuyên bố”:
1/ không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong hiến pháp hiện hành mà còn muốn
tổ chức một Hội nghị lập hiến, làm một hiến pháp mới thực sự là ý chí
của toàn dân, không phải là ý chí của ĐCS như Hiến pháp hiện hành;
2/ ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành
mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình và tiến bộ của dân tộc VN, không một
đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước;
3/ không chỉ ủng hộ chính thể tam quyền phận lập mà còn muốn một
chính thể phân quyền theo chiều dọc, tăng tính tự trị cho các địa
phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc
gia, các đoàn thể quốc gia;
4/ ủng hộ phi chính trị hóa quân đội, vì quân đội là để bảo vệ
nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ, không phải để bảo
vệ bất cứ một đảng phái nào;
5/ khẳng định mình, cũng như tất cả những người VN khác, có quyền
như trên, vì đó là quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là quyền tự
nhiên vốn có của con người từ khi sinh ra, chứ không phải quyền ĐCS ban
cho, nên ĐCS không thể tước đoạt nó.
Đây là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh và hưởng ứng. (Tiếc rằng, các
bạn không đề cập đến yêu sách công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng
đất, một vấn đề sinh tử của dân ta). Chúng ta hy vọng rằng việc lấy chữ
ký vào “Lời Tuyên bố” này sẽ lan rất rộng, “đảng ta” khó lòng ngăn cản
được! Nhất là trong thời đại internet bùng nổ thông tin ngày nay, dù có
muốn, chắc “đảng ta” cũng phải bó tay.
Tổng bí thư cùng phe cánh đang điên đầu, lúng túng... Ông ra lệnh cho lực lượng công an và quân đội, cho các cấp đảng ủy phải “ngăn chặn”, phải “xử lý”...
nhưng thử hỏi, Tổng bí thư có dám bỏ tù 72 nhân sĩ, trí thức, trong số
đó có những “cựu thần” của đảng không? Có dám bỏ tù cả mấy chục nghìn
người đã và đang tiếp tục đưa kiến nghị sửa đôi hiến pháp theo lời kêu
gọi “thiết tha” của “đảng ta” hay không? Nếu không thì làm ngăn sao nổi
ngọn triều dâng ngày càng cao này? Ngay cái việc ông quy kết cho những
người đưa kiến nghị “là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” chắc chắn sẽ gây phản ứng mạnh trong nhiều người có tinh thần tự trọng!
Cho rằng những kiến nghị “vớ vẩn” này là biểu hiện của sự “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”,
nên Tổng bí thư rất coi trọng mặt trận tư tưởng. Ông tăng cường đội
quân truyền thông hùng hậu trên mặt trận đó, gồm đủ loại báo giấy, báo
mạng, đài truyền hình, đài phát thanh, lại thêm hàng trăm “bồi bút”
chuyên nghiệp và trên 62 000 báo cáo viên, tuyên truyền viên, dư luận
viên các cỡ, các cấp từ trung ương cho đến xã (số liệu đưa ra tại Hội
nghị Tổng kết công tác Tuyên truyền miệng năm 2012) thế mà “đảng ta” vẫn
cứ thua hoài trên mặt trận truyền thông trước hệ thống mạng xã hội
trong và ngoài nước phát triển mạnh hơn nhiều, với nhiều “cây bút” có
trình độ viết lách, diễn đạt sắc bén, với đề tài nóng hổi rất hợp lòng
người.
Giờ đây, Tổng bí thư cảm thấy mối nguy đang đến gần. Ông không thể không
thấy lòng dân đã bộc lộ rõ ràng trong cuộc góp ý sửa đổi hiến pháp, là
đại chúng đòi phải có một bản hiến pháp mới, một “khế ước xã hội” được
sự đồng thuận của toàn dân, một hiến pháp thật sự dân chủ, ổn định,
trường tồn, chứ không phải là một văn bản pháp lý giả tạo để hợp thức
hóa đường lối của ĐCS trong từng giai đoạn. Ý dân là đòi phải xóa bỏ
những điều mà “đảng ta” cố sống-cố chết bám cho kỳ được thì người dân
mới thỏa mãn. Nếu Tổng bí thư và phe cánh ông cứ khăng khăng bịt tai,
nhắm mắt trước tiếng dân, trước ý dân mà cứ dùng lối cai trị đàn áp,
khủng bố để cố bịt miệng dân rồi ngoan cố đưa ra một bản hiến pháp “mới
như cũ” thì lòng uất hận của toàn dân sẽ là ngọn triều dâng cao rất dễ
biến thành trận sóng thần quét sạch “đảng ta”. Vì sao có thể nói như
vậy? Vì dưới gậm giường chế độ độc tài toàn trị của “đảng ta” có sẵn
những thùng thuốc súng đang tích lũy chỉ chờ một tia lửa là bùng nổ. Nói
cụ thể, những thùng thuốc súng đó là “nạn tham nhũng tràn lan”, là
“kinh tế trì trệ, giá cả gia tăng, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, thất
nghiệp năng nề”, là “số dân oan ngày mỗi tăng do bọn cường hào đỏ cướp
đoạt ruộng đất của dân”, là “các quan lại CS chà đạp nhân quyền, áp bức,
bóc lột người dân”, là “kẻ cầm quyền luồn cúi, khuất phục ngoại bang,
để mất đất, mất biển, mất đảo, lại đàn áp hung bạo người dân yêu nước
chống bọn xâm lấn bờ cõi nước ta”, v.v... Lúc này là thời điểm vô cùng
tế nhị, nếu Tổng bí thư và các ông đầu nậu ĐCS cứ u mê, ngoan cố, không
chiều theo ý dân thì không khéo nỗi bất bình của người dân sẽ là một tia
lửa nhỏ làm nổ bùng cả một loạt thùng thuốc súng kia.
Đấy, như chúng tôi đã nói trên, các ông trong BCT giăng bẫy “đám dân
đen”, bày trò lấy ý kiến dân sửa đổi hiến pháp thì hóa ra chính các ông
lại rơi vào bẫy. Các ông bị kẹt trong một gọng kìm khó thoát, một bên là
lòng dân, ý dân muốn thay đổi hiến pháp vì lợi ích của Dân tộc và Tổ
quốc, một bên là ý “đảng ta” muốn giữ cái hiến pháp “như cũ” để bảo vệ
quyền lực và quyền lợi của các ông. Tình thế này của “đảng ta” thật là
“thậm cấp chí nguy”!
Chỉ có một con đường duy nhất giúp “đảng ta” thoát khỏi tình trạng “thậm
cấp chí nguy” này – như chúng tôi đã viết trong bài “Lan man chuyện
hiến pháp” – là ĐCS cần tổ chức một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do và trung
thực, có sự kiểm soát của quốc tế, cho nhân dân được tự do bầu cử, ứng
cử để bầu lên một quốc hội lập hiến, và quốc hội này sẽ dự thảo và thông
qua hiến pháp mới; hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý một
cách thật tự do và đàng hoàng để toàn dân phúc quyết thì chắc chắn hiến
pháp đó sẽ là hiến pháp tốt nhất có thể tồn tại lâu dài với thời gian.
Để làm được việc này những người CS phải có một tấm lòng thật sự vì Dân,
vì Nước và một ý chí sắt đá muốn chuyển biến một cách nhẹ nhàng, không
gây chấn động chế độ độc tài toàn trị thành chế độ dân chủ đa nguyên.
Nếu những người CS không làm được việc đó thì nhất định nhân dân ta sẽ
làm được!
Điều vừa nói trên không có gì mới cả, nhiều tổ chức và một vài chiến sĩ
dân chủ trước đây cũng đã nêu ra rồi. Chẳng hạn như Khối 8406 hồi tháng
04 năm 2006 cũng đã đề ra “Tiến trình dân chủ hóa” trong đó cũng đã đề
cập đến việc lập Hội đồng soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức bầu cử quốc
hội mới và quốc hội này sẽ thông qua hiến pháp mới, hiến pháp thật sự
dân chủ.
Mong sao Tổng bí thư và “đảng ta” đủ sáng suốt chọn con đường vì Dân, vì
Nước, chứ không phải vì quyền lực và quyền lợi của mình! Nếu ĐCS không
chọn thì nhân dân ta sẽ chọn, lúc đó thì ĐCS chắc chắn sẽ bị gạt ra
ngoài lề lịch sử!
28.02.2013
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi