samedi 2 mars 2013

Thư ngỏ của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên

Nguyễn Đắc Kiên - Tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta không sát cánh cùng anh Kiên hay bất cứ người nào khác, chúng ta ký tên vì chính chúng ta, vì tổ tiên ngàn đời, vì con cháu tương lai. Vì thế tôi kêu gọi tất cả, không phân biệt trong hay ngoài nước, còn hay không còn quốc tịch Việt Nam, miễn là mang trong mình dòng máu Việt, ký tên vào bản Tuyên bố công dân này...


*

Thưa các bạn!
Tôi viết thư này để trả lời một số câu hỏi các bạn gửi đến tôi mấy ngày qua.
Về lo lắng cho sự an nguy của tôi. Tôi hiểu, càng nhiều người quan tâm, ủng hộ tôi, sự an toàn của tôi càng bị đe dọa cao hơn, nhưng cũng có thể ngược lại. Tôi biết trong đội ngũ lãnh đạo của ĐCS VN hiện nay cũng có rất nhiều người có suy nghĩ tiến bộ.
Tôi cũng tự dặn mình, phải hết sức thận trọng trong lời nói và hành động. Tôi không muốn đẩy người khác vào hành động phi nghĩa, vì tôi hiểu nỗ lực đẩy người khác vào hành động phi nghĩa tức là đang làm một việc phi nghĩa. Dân tộc chúng ta đã có quá nhiều sự thù hằn, tức giận rồi, tôi hy vọng, bản thân và tất cả chúng ta sẽ không cố gắng để tạo thêm những sự thù hằn và tức giận như thế nữa.
Cụm từ “sát cánh bên nhà báo Nguyễn Đắc Kiên”, khiến tôi ngại ngùng khi ký vào bản “Tuyên bố Công dân Tự do”. Tôi sẽ gửi thư đề nghị các bạn khởi xướng bỏ cụm từ đó đi, để tôi được ký tên mình, cùng với hàng nghìn, triệu đồng bào. Tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta không sát cánh cùng anh Kiên hay bất cứ người nào khác, chúng ta ký tên vì chính chúng ta, vì tổ tiên ngàn đời, vì con cháu tương lai. Vì thế tôi kêu gọi tất cả, không phân biệt trong hay ngoài nước, còn hay không còn quốc tịch Việt Nam, miễn là mang trong mình dòng máu Việt, ký tên vào bản Tuyên bố công dân này.
Có người chất vấn tôi về chuyện làm sao để Tha thứ và Hòa giải, đó là chất vấn xác đáng. Tuy tôi e rằng, nói điều đó ra bây giờ là sớm, nhưng vì không biết ngày mai sẽ ra sao nên cứ nói ra thì vẫn hơn. Chúng ta cứ nhìn sang Myanmar thôi, không cần nhìn đâu xa, họ làm được, tôi tin chúng ta cũng làm được, có khi còn tốt hơn. Sao không lập một Ủy ban hòa giải dân tộc, với thành viên là các nhân sỹ, trí thức trong và ngoài nước, kể cả một số lãnh đạo tiến bộ của ĐCS VN? Tôi nghĩ rất nhiều người sẵn sàng tham gia. Sao không lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức xong Hội nghị lập Hiến, ban hành Hiến pháp mới, bầu Quốc hội mới? Tôi tin tưởng có nhiều người, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo ĐCS VN hiện nay có thể đảm nhận tốt vị trí trong Chính phủ lâm thời để giữ vững sự thống nhất quốc gia trong giai đoạn chuyển giao.
Nhưng để làm được điều đó, trước tiên tôi nghĩ, không chỉ nhân dân, những người đấu tranh cho dân chủ tự do mà cả các vị lãnh đạo của ĐCS VN, cần vượt qua sự sợ hãi, vượt qua sự tức giận, thử một lần thôi, tôi xin các ngài đặt mình là một người Việt Nam bình thường, lắng nghe những ý kiến khác biệt.
Tôi nghĩ rằng, một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay bất cứ hành động mang tính trả thù nào với những người ở chế độ cũ. Tôi cho rằng đây là điểm quan trọng trong việc giúp giới lãnh đạo ĐCS VN hiện nay vượt qua sự sợ hãi. Tôi cũng như tất cả các bạn đều đau xót vì những khoản tiền tỷ đô la bị thất thoát, tham nhũng, nhưng cứ thử nghĩ đến xương máu có thể đổ, thử nghĩ đến tương lai hàng trăm nghìn năm nữa của dân tộc, những khoản nợ đó chẳng phải là rất nhỏ sao? Vậy sao chúng ta không mạnh dạn xóa nó đi để bảo vệ cái toàn cục lâu dài. Hơn nữa, chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù ngoại bang, sao không thể tha thứ cho đồng bào, anh em ruột thịt mình?
Có nhiều người cho rằng, tôi chỉ là một kẻ cơ hội, tự bản thân tôi thấy không cần phải trả lời chất vấn này, nhưng tôi nói chuyện này ở đây để bàn sang chuyện khác xa hơn. Bác Nguyễn Quang A có nói là sẽ sắp xếp cho tôi một công việc biên tập ở một NXB. Đó là công việc mơ ước của tôi, tôi sẽ có điều kiện vừa làm việc, vừa đọc và tìm hiểu thêm các vấn đề mình quan tâm. Tôi chỉ mong ước có thế và không gì hơn, những người đã có thời gian quen thân tôi lâu có thể làm chứng. Tôi hiểu, một sự chuyển đổi nếu có, thì đằng sau nó còn rất nhiều việc phải làm, mà một việc quan trọng bậc nhất là phổ biến tinh thần dân chủ tiến bộ đến toàn thể nhân dân, công việc đã nói ở trên có thể giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nhưng một điều quan trọng hơn tôi muốn bàn là suy nghĩ về những người tài và trọng dụng người tài. Nền nho học tuyển cử hàng nghìn năm đã khiến chúng ta đặt định vị trí hiền tài khi nào cũng gắn với việc làm quan. Điều đó sẽ thay đổi trong một xã hội dân chủ. Tôi hiểu, một đất nước muốn phát triển cần phải có thật nhiều người tài làm thương gia, nhà khoa học, giáo sư, bác sỹ, kỹ sư, công nhân lành nghề, nông dân thạo việc… không phải dồn hết người tài vào làm mỗi công việc quan, việc chính trị. Tôi thích cách người Mỹ thiết kế bộ máy nhà nước của họ, đó là một bản thiết kế không hoàn hảo, nhưng nó là bản thiết kế để cho mọi sai lầm có thể sửa chữa với ít hao tổn nhất cho nhân dân, đất nước.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh, mỗi khi lòng dân ly tán là lúc vận mệnh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Theo cảm nhận của tôi, đất nước chúng ta đang vào ở trong tình thế lâm nguy đó. Hơn khi nào hết, chúng ta cần sự đồng lòng, nhất trí của tất cả người dân Việt Nam, để đưa đất nước tiến lên.
Trân trọng,

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi